Họ đang tạo ra những thần tượng kiểu gì?

Thứ Ba, 13/06/2023, 10:27

Mấy năm trước, dư luận, truyền thông đồng loạt lên tiếng về một dạng biến tướng được gọi là “thần tượng mạng xã hội” với những cái tên như Khá Bảnh là một ví dụ điển hình. Chúng ta từng cho rằng đó là một dạng “phế phẩm” mà mạng xã hội mang lại trong tổng thể hệ quả “tích cực - tiêu cực” của nó. Nhưng, liệu rằng, chỉ có một mình mạng xã hội có lỗi hay không?

Cho đến hôm nay, hiện tượng một cá nhân nào đó nổi danh từ mạng xã hội vẫn rất phổ biến, nhất là khi góp sức bên cạnh Facebook, YouTube đang là một TikTok có tính phổ cập rất cao. Những “thánh chửi” hay “chiến thần” xuất hiện ồ ạt, với đủ cách khác nhau, bắt đầu trở thành “nhân vật của công chúng”. Lớp trẻ làm quen với họ, thần tượng họ và tất nhiên, học theo họ. Nhưng, những hành động đơn lẻ của một vài cá thể nào đó trên mạng xã hội chưa đủ chiều kích để thế giới quan của lớp trẻ bị méo mó đến thế. Ở một điểm quan sát rộng hơn, chúng ta sẽ nhận ra rằng, có những đối tượng lẽ ra phải mang trách nhiệm xã hội khác nữa cũng đang góp phần vào việc tạo hình các biến tướng ấy.

Họ đang tạo ra những thần tượng kiểu gì? -0
Rapper B Ray.

Trong hai bộ phim ăn khách đình đám gần đây là “Bố già” và “Nhà bà Nữ” có một kiểu hình tượng nhân vật được xây dựng theo đúng “gout” và “trend” (xu hướng) của giới trẻ. Ở “Bố già”, vai nam chính là một YouTuber, nhờ nổi danh trên YouTube mà bắt đầu có được các hợp đồng và có khả năng mua căn hộ cao cấp từ khi còn trẻ măng. Còn ở “Nhà bà Nữ”, có một nhân vật phụ (do Lê Dương Bảo Lâm đóng), là một TikToker chuyên đi đánh giá (review - mà ngôn ngữ mạng gọi là “rì viu”) ẩm thực. Phim phản ảnh đúng đời thật bởi ngoài đời có rất nhiều YouTuber, TikToker, Facebooker như vậy. Nhưng, khi được phát hành rộng khắp và chính thống, phim vô tình đã khẳng định một tuyên ngôn ngầm cho giới trẻ “chẳng cần học nghề ngỗng nào đâu, cứ lớn lên đi làm YouTuber hay TikToker là được rồi”.

Không ít đứa trẻ mới ở độ tuổi lên 8, lên 10 đã hồn nhiên nói rằng “lớn lên con muốn làm YouTuber”. Đừng nghĩ trẻ em không biết gì. Chúng biết rằng làm việc đó có thể kiếm ra tiền và nó là một công việc nghiêm túc. Nhưng, chúng nghĩ rất đơn giản. Chúng cho là chỉ cần một vài cái camera, một tài khoản mạng xã hội, máy tính, tablet và điện thoại thông minh là đủ để hành nghề. Thứ mà chúng chưa nghĩ tới chính là cái lõi của người hành nghề ấy là gì? Đằng sau tất cả vẫn phải là tri thức và một chuyên môn nào đó lành nghề đủ để tạo ra các nội dung có chất lượng. Mà đó là còn chưa kể tới duyên nghề. Không phải ai nắm vững chuyên môn cụ thể nào đó cũng có thể tự dưng trở thành thần tượng một cách dễ dàng.

Trẻ con nghĩ thế thì dễ hiểu. Nhưng, người lớn nghĩ thế thì lại hoàn toàn khác.

Chúng ta khẳng định, thừa nhận và có thể còn ủng hộ cho việc sử dụng mạng xã hội để hành nghề bởi nó chính đáng. Nhưng, cái chính đáng đó thực chất chỉ là một khả năng rất nhỏ trong một môi trường lành mạnh hoàn toàn. Môi trường lành mạnh là gì? Đó là nơi những người đăng tải nội dung lên mạng xã hội có ý thức tự trọng để tạo ra các nội dung sạch sẽ và bản thân họ cũng phải tự biết kiểm duyệt một cách gắt gao nhất. Còn môi trường hiện tại thì sao? Nó xô bồ, với quan niệm để nổi tiếng nhanh thì phải bám theo trend và từ đó dẫn ra những nội dung dễ dãi, nếu không nói là phản cảm, thậm chí là tục tĩu. Trong sự xô bồ đó, khi lượt xem được coi là thước đo của “thành công”, bảo sao lớp trẻ không bị cuốn theo thứ thành công mà chúng cho là dễ dàng.

Họ đang tạo ra những thần tượng kiểu gì? -0
Rapper Andree Right Hand.

Người lớn, ở vị thế của lớp thế hệ có kinh nghiệm, lẽ ra cần tạo các rào cản nguyên tắc nhằm định hướng cho giới trẻ thì thay vào đó, họ đang cổ xúy nó vì lợi ích của mình.

“Mày nên ký giấy bỏ phiếu cho tao. Tao sẽ mang về sự đổi mới. Mày nên ký giấy bỏ phiếu cho tao. Nước láng giềng còn lâu mới tới. Mày nên ký giấy bỏ phiếu cho tao. Mày không cần làm mà chỉ có chơi...”. Đó là câu hát mà B Ray (Trần Thiện Thanh Bảo) đã từng ghi âm, phát hành trong bản rap có tên “Vote for Us” (Bỏ phiếu cho tụi tao) với hai nhân vật ẩn dụ là “Ếch” và “Báo” đang đấu đá nhau. Những người tinh tế sẽ hiểu tại sao B Ray lại đặt tên nhân vật là như vậy, với cách phát âm đồng âm và ẩn dụ nghề nghiệp. Và, với những bản rap như vậy, B Ray cho thấy đây là một người trẻ có tư tưởng còn thiếu chín chắn và hời hợt. Sau loạt bài ấy, B Ray thiên về những bản rap có tính “ăn chơi” (theo cách nói của dân rapper hiện nay). Rap “ăn chơi” là gì? Dễ hiểu, đó là thứ rap cổ xúy cho khoe khoang hưởng thụ, cho các tiệc tùng thác loạn và quan hệ tình dục phóng túng. Thậm chí, trong các bản rap “ăn chơi” kiểu này còn có sự xuất hiện nhan nhản của cần sa như một thứ không thể không hưởng thụ.

Họ đang tạo ra những thần tượng kiểu gì? -0
Rapper Big Daddy.

Nhưng, B Ray không phải là cá biệt. Andree Right Hand, Big Daddy (Trần Tất Vũ) cũng là các rapper “ăn chơi” dạng này. Điều ngạc nhiên là họ lại được đặt chễm chệ ở một sân chơi lớn nhất của giới rap Việt Nam hiện nay, ở vai trò huấn luyện viên và được xuất hiện trực tiếp trên sóng truyền hình mỗi đêm Thứ bảy hằng tuần.

Cũng từ “Rap Việt”, những người trẻ vốn dĩ chưa quen với rap đã thích và biết đến Binz, Wowy, Karik... Từ đó, họ thần tượng các rapper, học theo họ một cách thích thú. Nếu nhìn vào những thí sinh thi “Rap Việt mùa 3”, chúng ta sẽ thấy rõ có các thí sinh mới chỉ làm quen với rap được 3 năm nay, tức là ở ngay mùa đầu tiên của chương trình. Đó là bằng chứng cho thấy sự ảnh hưởng của thần tượng mạnh tới mức nào.

Nếu lục lọi nghe tất cả các bản ghi của Andree Right Hand, Big Daddy..., chúng ta sẽ biết họ truyền tải thông điệp lối sống thế nào thông qua âm nhạc. Đó là lối sống hoang đàng, dễ dãi, trọng hưởng thụ. Cổ xúy cho lối sống như thế là quyền cá nhân của họ nhưng để đặt họ lên vị trí sẽ trở thành một thần tượng đại chúng lại là câu chuyện khác, thậm chí có thể coi là đầu độc môi trường văn hóa của thế hệ thanh, thiếu niên.

Sóng truyền hình ngày nay đã không còn nắm vai trò quan trọng gần như tuyệt đối như hai thập niên trước song nó vẫn giữ chìa khóa của sự khẳng định thành công. Một người nổi tiếng trên mạng xã hội nếu được đưa lên sóng truyền hình chính thống, điều đó đồng nghĩa với việc khán giả ngầm tiếp nhận một thông điệp rằng “cách cá nhân này đang làm là đúng và đáng ghi nhận”. Như vậy, khi đặt những nhân vật còn nhiều tranh cãi lên những chiếc ghế chính thức phát sóng rộng khắp, có phải chăng họ đang tạo ra những thần tượng kỳ dị?

Và, trong lúc đang có những người nghiêm túc quan ngại với những gì đang được tung hô vô lý như vậy, họ lại đang tự hào với các thành tích “top trending” (dẫn đầu bảng xếp hạng xu hướng tìm kiếm trên mạng xã hội) cùng những con số chục triệu, trăm triệu lượt xem. Để rồi từ cái đám đông hỗn tạp kia, rất nhiều ý kiến cho rằng các phê phán khách quan đang “cố tình giết chết sáng tạo” với đầy đủ các loại quy chụp, thóa mạ, thậm chí là áp đặt quan điểm chính trị.

Ai cũng biết, đầu tư vào văn hóa và giải trí là những đầu tư nhiều rủi ro. Do đó, các nhà sản xuất vẫn phải cân nhắc để làm sao có thể lấy lại được doanh thu một cách tốt nhất. Tiếc rằng, trong áp lực chạy đua doanh thu ấy, họ nghiêng về con số thay vì nghiêng về giá trị văn hóa.

Các con số vẫn được xem là vô hồn, không biết nói. Nhưng, ở trường hợp này, các con số có thể sẽ thể hiện mức độ tăng trưởng của suy đồi chứ không phải mức độ tăng trưởng của phát triển và hội nhập như người ta đang cố tình gán ghép.

Hà Quang Minh
.
.