Hành trình trở về của những bộ hồ sơ đặc biệt

Thứ Hai, 28/07/2025, 09:36

Ngài Marc Knapper - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã cúi đầu chào từng đại diện thân nhân các gia đình liệt sĩ và các cựu chiến binh, trước khi trao tận tay họ những hồ sơ đặc biệt tại lễ trao và nhận hồ sơ chứng tích chiến tranh diễn ra tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Hà Nội ngày 10/7 vừa qua. Hình ảnh ấy đã gây ấn tượng mạnh và nói lên nhiều điều về sự thăng trầm trong lịch sử quan hệ Việt - Mỹ gần một thế kỷ và bình thường hóa ngoại giao trong 30 năm qua.

Kho tài liệu khổng lồ

Hồ sơ chứng tích chiến tranh là gì, từ đâu mà có, có từ bao giờ? Những bộ hồ sơ ấy chứa đựng nội dung gì đặc biệt? Chúng tôi mang những thắc mắc ấy tìm gặp Đại tá, nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng - người sáng lập tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” và có công lớn trong việc lan tỏa, kết nối, trao trả những bộ hồ sơ đặc biệt cho cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ.

Đại tá Đặng Vương Hưng giải thích, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (người Mỹ gọi là “Chiến tranh Việt Nam”), do có lợi thế về vũ khí và trang bị hiện đại, trong một số trận đánh, quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã khiến quân Giải phóng miền Nam và bộ đội miền Bắc hy sinh rất nhiều. Có những trận phục kích, càn quét đã khiến hàng chục, thậm chí hàng trăm cán bộ và chiến sĩ ra đi mãi mãi...

Sau mỗi trận đánh ác liệt và đẫm máu ấy, lính Mỹ và lính Việt Nam Cộng hòa thường được lệnh tìm kiếm thông tin của các chiến sĩ quân Giải phóng miền Nam, bộ đội miền Bắc. Trong mỗi chiếc ba lô đều chứa đựng dấu ấn người lính, từ thư tay, sổ công tác, sổ nhật ký đến giấy chứng nhận khen thưởng cùng các loại giấy tờ tùy thân. Tất cả những giấy tờ đó đều được họ chụp ảnh lại bằng phim đen trắng. Chụp xong thì các hiện vật gốc cùng ba lô tư trang đều bị đốt và tiêu hủy tại chỗ.

Hành trình trở về của những bộ hồ sơ đặc biệt -0
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng (bìa phải) và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper cùng thân nhân gia đình liệt sĩ, cựu chiến binh trong lễ trao trả hồ sơ chứng tích chiến tranh.

Tất cả những bức ảnh đó được lưu giữ bằng hình thức vi phim (microfilm) và được chuyển giao cho tình báo quân đội Mỹ. Họ coi đó là một nguồn “thông tin tình báo thô” có giá trị nên bảo mật chặt chẽ và cung cấp cho các bộ phận nghiên cứu để vẽ sơ đồ, phân tích, đánh giá mọi mặt. Từ đó có đối sách về chiến thuật và cả chiến lược trong cuộc chiến ở Việt Nam. Nhiều năm sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, kho tài liệu vi phim kể trên được tình báo quân đội Mỹ giải mật. Bản quyền hiện nay đã thuộc về Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ (VNCA) thuộc Viện Hòa bình và Xung đột của Đại học Texas Tech, Hoa Kỳ. Tại đây hiện đang lưu trữ khoảng 30 triệu trang tài liệu về Việt Nam, trong đó có khoảng 2,7 triệu trang về quân Giải phóng miền Nam và bộ đội miền Bắc trong thời chiến.

Có một nhóm các nhà nghiên cứu, dẫn đầu là GS.TS Steve Maxner, Giám đốc Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ và TS Võ Đình Thái (một người Mỹ gốc Việt) đã thầm lặng nghiên cứu kho tư liệu quý nêu trên từ nhiều năm nay. Từ những hình ảnh vi phim đen trắng, có cả tiếng Việt và tiếng Anh (bản đánh máy), kèm những chú thích viết tay của các nhân viên tình báo quân đội Mỹ trong chiến tranh, họ đã sàng lọc, sắp xếp, biên soạn lại rất khoa học. Những bộ hồ sơ chứng tích chiến tranh ra đời, dựng lại chân dung những con người Việt Nam cụ thể với tên gọi, năm sinh, tên đơn vị, tên đồng đội, gắn với những địa chỉ cụ thể ở nhiều vùng, miền, tỉnh, thành trên cả nước Việt Nam trong thời chiến.

Năm 2022, TS Võ Đình Thái đã liên lạc với Đại tá Đặng Vương Hưng đề nghị phối hợp việc tìm kiếm, xác minh các nhân chứng lịch sử từ phía Việt Nam, để thực hiện việc trao trả và tiếp nhận hồ sơ chứng tích chiến tranh. Từ năm 2023-2025, tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” đã phối hợp với cơ quan, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước tìm kiếm các nhân chứng lịch sử để trao trả hồ sơ. Những tài liệu này không chỉ góp phần xoa dịu, hàn gắn vết thương chiến tranh, mà còn cung cấp những thông tin quý báu, hỗ trợ việc tìm kiếm người mất tích và hài cốt của các liệt sĩ.

Nguôi ngoai nỗi đau

Nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ thuộc Đại học Texas Tech đã trao tặng cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III hơn 200 bộ hồ sơ, tài liệu chứng tích chiến tranh để tiếp tục lưu trữ, khai thác và trao trả cho thân nhân.

Ngày 10/7 vừa qua, gia đình ông Trần Văn Quý ở xã Đan Phượng, Hà Nội đã nhận được hồ sơ chứng tích chiến tranh F034602421337 là một tập tài liệu bị quân đội Mỹ thu giữ tại tỉnh Quảng Trị ngày 5/7/1967, dài 66 trang, được đánh dấu là “Tình báo thô” và xếp hạng “Mật”. Hồ sơ bao gồm giấy thông hành, danh sách cá nhân, sổ tay, lịch và bảng theo dõi đạn dược. Các tài liệu ban đầu được phát hành bởi một đơn vị của Trung ương Cục miền Nam và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam.

Qua giấy chứng minh và sổ lịch đã xác định được một trong những nhân sự then chốt trong bộ hồ sơ là Trần Văn Phú, sinh ngày 15/8/1945, nhập ngũ ngày 19/4/1962, chức vụ trung đội trưởng. Và, đó chính là em trai của ông Quý. Ngoài ra còn có danh tính trợ lý Phan Xuân Niêm cùng danh sách 27 thành viên trung đội kèm cả ngày nhập ngũ, mã địa phương, quê quán, chiều cao, số súng.

Hành trình trở về của những bộ hồ sơ đặc biệt -0
Một trang tài liệu có thông tin của liệt sĩ Trần Văn Phú trong bộ hồ sơ chứng tích chiến tranh.

Tay run run lần giở từng trang trong bộ hồ sơ phía Mỹ trao trả lại, ông Quý bật khóc. Bởi, ông không thể tin nổi có ngày những thông tin tài liệu liên quan tới người em trai, sau nhiều năm bảo mật ở bên kia bán cầu, lại có ngày được công bố và đến được tay ông. Ông Quý kể: “Hai anh em tôi hơn kém nhau một tuổi, cùng vào chiến trường năm trước năm sau. Tôi lên đường đầu năm 1961. Ngày tiễn tôi lên đường, em trai Trần Văn Phú năm ấy 17 tuổi quả quyết rằng năm sau cũng vào bộ đội. Năm 1962 thì Phú vào biên chế Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 90, Sư đoàn 324”.

Năm 1968, gia đình ông Quý nhận được giấy báo tử của liệt sĩ Trần Văn Phú hy sinh ngày 3/7/1967, được mai táng tại "mặt trận phía Nam". Hơn nửa thế kỷ qua, ông Quý đã đi tìm kiếm hài cốt em trai hy sinh. Ông và gia đình lần tìm manh mối qua đơn vị cũ, đồng đội, nhân chứng, đi dò từng hàng bia mộ ở khắp các nghĩa trang.

“Thông tin duy nhất gia đình tôi có được sau quá trình tìm kiếm là em tôi hy sinh ở cao điểm 90 Cồn Tiên - Dốc Miếu. Địa danh này thuộc đất Gio Linh, Quảng Trị, từng là cứ điểm quan trọng bậc nhất của phòng tuyến quân sự người Mỹ thiết lập trên đường Trường Sơn nhằm ngăn chặn chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam”, ông Quý chia sẻ. Sau nhiều năm tìm kiếm, ông Quý và vợ chồng người con trai vẫn chưa tìm được hài cốt liệt sĩ Trần Văn Phú. Tuy thế, lòng ông luôn đau đáu nghĩ đến em và chưa bao giờ hết hy vọng. Ông ngậm ngùi: “Nay tôi 84 tuổi rồi còn chú Phú thì mãi ở tuổi 23, còn sống thì chắc hai anh em đều tóc bạc như nhau".

Đầu năm 2025, gia đình ông Quý kết nối được với vị thủ trưởng cũ Sư đoàn 324 và có thêm thông tin về trận đánh năm 1967. Phạm vi tìm kiếm hài cốt cuối cùng được khoanh vùng khoảng 2 km2 quanh nơi từng diễn ra trận đánh ở cao điểm 90 Cồn Tiên - Dốc Miếu. Thật bất ngờ, những trang hồ sơ chứng tích của liệt sĩ Trần Văn Phú do phía Mỹ lưu giữ nay được trả về cho gia đình ông Quý. Chiếc USB chứa thông tin cùng tập hồ sơ 66 trang về Trung đội trưởng Trần Văn Phú và đồng đội khiến gia đình ông có thêm niềm tin mãnh liệt rằng ngày tìm được người thân sẽ không còn xa nữa.

Đặc biệt, trong hồ sơ có nêu tọa độ tìm thấy các tài liệu này. Vị trí này cách Cồn Tiên trước đây hơn 3 km, gần với vị trí mà gia đình ông Quý tìm kiếm thời gian qua. Dịp 27/7 này, gia đình ông sẽ trở lại Quảng Trị, tiếp tục kết nối với các cấp ngành để sớm được khai quật vị trí trong hồ sơ.

“Tuy không phải là kỷ vật, di vật và bút tích gốc, nhưng những hình ảnh đen trắng ấy vẫn rất thiêng liêng, vì gắn liền với số phận, cuộc đời của những người lính đã đổ máu và ngã xuống vì độc lập - tự do của Tổ quốc”, Đại tá Đặng Vương Hưng nhấn mạnh. Bởi thế, nhiều thân nhân gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh đã nghẹn ngào, ứa nước mắt khi cầm trên tay hồ sơ đặc biệt. Nhiều gia đình sau lễ tiếp nhận hồ sơ đã mang những trang in đen trắng và chiếc USB chứa nội dung hồ sơ đặt lên bàn thờ thắp hương cho người đã khuất. Thậm chí, có gia đình phối hợp với chính quyền địa phương trang trọng tổ chức lễ truy điệu để đón liệt sĩ đã “trở về”.

Việc chia sẻ những bộ hồ sơ vô giá ấy từ phía Mỹ có ý nghĩa lớn giúp nguôi ngoai những nỗi đau âm ỉ của biết bao thân nhân liệt sĩ Việt Nam trong thời bình. Như chính Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định: “Việc tổ chức triển lãm và trao trả hồ sơ, kỷ vật chiến tranh chứa đựng những câu chuyện sâu sắc về sự kết nối giữa con người, sự chia sẻ và hòa giải. Những bức ảnh, hiện vật, tài liệu được trưng bày không chỉ là những lát cắt lịch sử, mà còn là minh chứng sống động cho chặng đường mà chúng ta đã đi qua, từ chiến tranh đến quan hệ tin cậy và hợp tác”.

Thái Hưng
.
.