“Hạnh phúc đã tuột khỏi vòng tay của tôi”!

Thứ Tư, 10/04/2024, 10:20

Những ngày theo dõi phiên tòa xử đại án Vạn Thịnh Phát, tôi để ý đến diễn tiến của hai người phụ nữ: Một người đứng đầu vụ, gây ra hậu quả chưa từng có trong lịch sử án kinh tế và một người giữ kỷ lục về số tiền nhận hối lộ bằng mấy thùng xốp chứa đầy đô la. Và, bị cáo Trương Mỹ Lan là người bị Viện Kiểm sát đề nghị án tử duy nhất trong vụ án.

“Dù tôi vẫn luôn được mọi người coi là người vững vàng, nghị lực nhưng tôi cũng là phận đàn bà, tôi có những nỗi đau không thể nói được thành lời của một người vợ, người mẹ khi hạnh phúc đã tuột khỏi vòng tay của tôi”, nữ Chủ tịch Vạn Thịnh Phát nghẹn ngào nói lời sau cùng.

Theo dõi phiên tòa, nhiều người cố quan sát thật kỹ người đàn bà đứng trước bục khai báo, muốn chứng kiến hình dáng, tướng mạo, khuôn mặt và cả sự ăn nói, đối đáp trước tòa ra sao, có những gì đặc biệt mà gây ra khuynh loát, hậu quả ghê gớm đến vậy. Một so sánh cho rằng, nếu tính bằng tiền Việt mệnh giá lớn nhất hiện nay là 500.000 đồng thì số thiệt hại cũng phải lên cả trăm tấn và chở đến mấy container.

Theo cáo trạng, trong suốt 10 năm thâu tóm Ngân hàng SCB, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay gây thiệt hại 677.000 tỷ đồng dư nợ gốc và lãi. Trên cơ sở xem xét theo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, sau khi cấn trừ đi giá trị các tài sản đảm bảo, cáo trạng xác định thiệt hại của vụ án là hơn 498.000 tỷ đồng.

“Hạnh phúc đã tuột khỏi vòng tay của tôi”! -0
Bị cáo Trương Mỹ Lan trước tòa.

Khuynh loát và gây hậu quả khủng khiếp như vậy, nhiều người cho rằng, hẳn người đàn bà này có bản lĩnh thép và sự chai lỳ, kiểu phong ba bão táp cũng khó thể quật ngã. Thế thì phong thái khi ra tòa ra sao?

Hôm khai mạc phiên tòa, ảnh của “người đàn bà thép” xuất hiện nhan nhản trên mặt báo, mạng xã hội. Bà Lan mặc chiếc áo trắng cài tay, đeo khẩu trang, ôm chiếc túi nhựa đựng tập tài liệu màu xanh, bước đi khá thanh thoát, không phải dìu như một số người. Trong phần kiểm tra lý lịch các bị cáo, Trương Mỹ Lan tỏ ra hết sức bình tĩnh, rành rọt khai về nhân thân của mình. Bà nói rất rõ ràng: “Bị cáo sinh ngày 13/10/1956, tại TP Hồ Chí Minh. Bị cáo là người dân tộc Hoa, có chồng là Chu Lập Cơ, sinh năm 1956 và có 2 con sinh năm 1994 và 1995. Trước khi bị khởi tố, bị cáo là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bị cáo bị bắt tạm giam khoảng 8h tối ngày 6/10/2022 khi đang đi trên đường...”.

Diễn tiến những ngày sau đó, dù nhiều thời điểm tỏ rõ sự mệt mỏi, song Trương Mỹ Lan vẫn đủ bình tĩnh để trình bày, đối đáp và bào chữa cho chính mình. Tuy nhiên, sự bình tĩnh ấy cũng khó thể vượt qua được ranh giới về tâm lý khi nghe đại diện Viện Kiểm sát đề nghị “loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội”! Nghe mức án mà cơ quan công tố đề nghị, bị cáo Trương Mỹ Lan ngất xỉu, ngã quỵ. Sau đó, bà Lan được phép ngồi thay vì phải đứng nghe Viện Kiểm sát nêu quan điểm giải quyết vụ án.

Trước tòa, bị cáo có thể tranh luận, có thể rất bình tĩnh để nhớ lại, hồi tưởng diễn tiến vụ việc để khai báo rành mạch, thậm chí khi đến phần tranh tụng còn đủ tư duy, lý lẽ để biện minh, “cãi chày cãi cối” nhằm tìm lợi thế cho bản thân, giảm tối đa mức án có thể. Chính bị cáo Trương Mỹ Lan cũng luôn tìm đủ lý lẽ để biện minh rằng mình không phạm tội như cáo buộc song thái độ quanh co, biện minh ấy khiến cơ quan công tố cho rằng, việc “thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không dám chịu trách nhiệm, điều này thể hiện sự ngoan cố của bị cáo”. Chỉ đến khi nghe mức án tử hình, “người đàn bà thép” bản lĩnh và tự tin đến vậy cũng đổ khuỵu xuống.

Thực tế, bất cứ bị cáo nào, dù bản lĩnh đến đâu, dù đã lường trước khung hình phạt mà mình phải đối mặt nhưng khi nghe án tử đều không thể vượt qua được giới hạn tâm lý bản thân. Mới đây, trong phiên tòa “chuyến bay giải cứu”, chỉ duy nhất bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bị đại diện viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt tử hình. Đối mặt án tử, cựu thư ký từng nhận hối lộ ròng rã suốt 9 tháng mới thấy cái giá phải trả như thế nào, điều mà khi còn đương nhiệm hẳn anh ta chưa bao giờ nghĩ đến. Ám ảnh về án tử thực ra đã đến với Kiên từ khi bị tạm giam, khi mà cựu thư ký hiểu rằng không còn “cửa thoát hiểm” nào dành cho mình. Bị cáo Phạm Trung Kiên khai vì bị suy sụp tinh thần, sức khỏe suy giảm nên phải nhập viện nhiều lần. Quá trình đó, Kiên thường xuyên làm việc với điều tra viên, tìm hiểu các quy định về pháp luật liên quan đến tội nhận hối lộ, thấy rõ khung rất nặng, từ 20 năm, chung thân tới tử hình.

“Bị cáo đã bị ám ảnh mức án tử hình nên rất hoảng sợ và có triệu chứng chỉ muốn chết để thoát khỏi áp lực đó. Do vậy, bị cáo có một thời gian phải điều trị tâm thần tại Bệnh viện Bạch Mai” - bị cáo Kiên giãi bày và khóc trước tòa. Được nói lời sau cùng, Phạm Trung Kiên cho rằng bản thân đã rất ăn năn hối cải về hành vi phạm tội và bày tỏ: “Bị đề nghị tử hình là bản án rất nghiệt ngã với bản thân bị cáo cũng như gia đình. Bị cáo không nghĩ là mình vi phạm đến mức phải loại trừ khỏi cuộc sống, rời khỏi thế giới này ở độ tuổi ngoài 40...”.

Nam nhi choáng váng trước tòa như thế thì nữ nhi, dẫu có tài ba khuynh loát Ngân hàng SCB, gây hậu quả thất thoát khủng khiếp và thái độ khi ra tòa vẫn “thể hiện sự ngoan cố” như đánh giá của đại diện viện kiểm sát thì khi nghe án tử, nữ nhi nào chống lại được cú sốc tâm lý? Từng “thét ra lửa”, quyền uy và tiền bạc đến thế, đủ lý lẽ để tìm cách biện minh, nay đối diện bản án “loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội”, đó là một thái cực mà dù trước đó bị cáo đã có thể nghĩ đến thì khi trực diện tại tòa cũng khó vượt qua chính mình.

Bởi thế, khác với sự ngoan cố như khi đối đáp, nay nói lời sau cùng, đó là khoảng thời gian dành cho những chia sẻ, cảm xúc sâu lắng, tâm tư nhất. Là người đầu tiên nói lời sau cùng, bà Trương Mỹ Lan bước lên bục khai báo nhưng không kìm được nước mắt. Bà Lan nói, những ngày diễn ra phiên tòa, khi trở về trại tạm giam, hằng đêm bà luôn day dứt một câu hỏi vì sao bà và gia đình lại lâm vào hoàn cảnh bi đát như thế này?

“Có nhiều lúc tuyệt vọng, tôi đã nghĩ đến cái chết. Chết vì tức, tức vì mình quá ngu ngốc dấn thân vào thương trường khắc nghiệt, vào lĩnh vực hoạt động ngân hàng mà mình không thông thạo. Giữa những tháng ngày chịu đựng cái rét căm căm của mùa đông giá lạnh ở phía Bắc, hay những ngày nắng như đổ lửa ở phía Nam, là những đêm chập chờn không ngủ được. Tôi chỉ nghĩ đến hoàn cảnh chồng và cháu ruột của tôi cũng đang bị tạm giam, như muối xát thêm vào lòng, không thể nói được bằng lời”, bà Lan nghẹn ngào nói.

Bị cáo giãi bày, bước ngoặt định mệnh dẫn đến kết cục phải đối diện với mức án tử hình hôm nay chính là do bà tham gia vào quá trình hợp nhất 3 ngân hàng yếu kém, trong khi bà hoàn toàn không có sự hiểu biết hay kinh nghiệm gì trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng. “Sau mỗi ngày mệt mỏi rời khỏi phiên tòa về trại giam, tôi ngước mắt qua cửa sổ để nhìn người thân vẫy tay từ bên đường hay qua màn hình tivi để có thể thấy được chồng, cháu ruột hay người thân của tôi. Chỉ nghĩ hay chứng kiến điều đó thôi là tôi đã tan nát cõi lòng. Dù tôi vẫn luôn được mọi người coi là người vững vàng, nghị lực nhưng tôi cũng là phận đàn bà, tôi có những nỗi đau không thể nói được thành lời của một người vợ, người mẹ khi hạnh phúc đã tuột khỏi vòng tay của tôi” - nữ Chủ tịch Vạn Thịnh Phát bày tỏ.

Phẫn nộ trước tội trạng, hậu quả mà bị cáo gây ra, bức xúc trước thái độ khai báo được đánh giá là “ngoan cố, không thành khẩn” nhưng hôm nay, sự nghẹn ngào nói lời sau cùng, chia sẻ bản thân với tư cách người mẹ, người vợ trong gia đình, vì dấn thân vào vòng xoáy vật chất, tư lợi mà “hạnh phúc đã tuột khỏi vòng tay” thì đó lại là một trạng thái tâm lý xoáy vào lòng người.

Từng “ngủ trên đống vàng”, lao vào núi tiền, biển bạc đâu thiếu thứ gì, nay để lại hậu họa vô cùng nghiêm trọng cho xã hội thì hành vi ấy, bản án ấy cũng là lẽ tất yếu của quy luật nhân - quả. Sự trừng phạt của pháp luật, nếu chiểu theo Bộ luật Hình sự cứ tham ô 1 tỷ đồng trở lên là đã có thể “ẵm” án chung thân, tử hình thì số tiền mà bà Lan tham ô tính bằng hàng chục, hàng trăm tấn như thế, án tử còn gì phải đắn đo? Nhưng nay khi đối diện sự thật, đối diện với chế tài pháp luật thì lời sau cùng của bị cáo còn là thông điệp gửi đến muôn người: Hãy biết giới hạn, điều cuối cùng ở cuộc đời này là núi tiền hay hạnh phúc?

Chính những vụ án và lời người trong cuộc như thế này là bài học cảnh tỉnh sâu sắc để con người ta hiểu đúng về giá trị sống, về điều cần làm, cần tìm trong cuộc sống là gì. Từ đó, hãy biết điểm dừng khi chưa quá muộn. Người đàn bà dù tài giỏi “hô mưa gọi gió” hay ngược lại là thủ đoạn, mưu mô, toan tính lũng đoạn để tham ô, chiếm đoạt cả núi tiền như Trương Mỹ Lan, nay nhận ra tất cả đã ngoài tầm tay, sự sống cũng ngoài tầm tay chứ nói gì hạnh phúc, thì tiền còn để làm gì?

Đăng Trường
.
.