Giới trẻ có nên cổ vũ trào lưu "tiết kiệm ồn ào"?

Thứ Hai, 13/05/2024, 20:14

Trong khi "xa xỉ thầm lặng" là cách để những người giàu thể hiện sự giàu có của họ một cách tinh tế, thì "tiết kiệm ồn ào" cổ vũ những người bình thường, trung lưu, quản lý chi tiêu của bản thân và hoàn thành các mục tiêu tài chính quan trọng mà không cần mặc cảm hay xấu hổ... Tuy nhiên xu hướng này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Hào hứng với xu hướng "tiết kiệm ồn ào"

Năm 2023, nhiều người vẫn chưa quên xu hướng tiêu dùng mang tên "quiet luxury" (xa xỉ thầm lặng) - một thuật ngữ chỉ sự giàu có được thể hiện một cách tinh tế, không phô trương. Xu hướng này được giới trẻ thế giới và Việt Nam đón nhận rất nhiệt tình và đã trở thành trend trong một thời gian dài. Giới thượng lưu chuyển sang "kỳ thị" những món hàng hiệu tràn ngập logo xa xỉ, tập trung mua sắm những món đồ có vẻ ngoài "lặng lẽ" nhưng thực tế có chất lượng vượt trội, có giá trị lâu dài, được sản xuất kỳ công hoặc là những món hàng độc bản.

Giới trẻ có nên cổ vũ trào lưu
Nguyễn Anh Huy (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, để xây dựng lối sống "tiết kiệm ồn ào" phải đánh đổi bằng sự cô đơn.

Tuy nhiên, bước sang năm 2024, trên các nền tảng mạng xã hội, một trào lưu mới bắt đầu nở rộ. Đó chính là việc những người có ngân sách không quá dư dả quyết định sống tiết kiệm và tự hào về điều đó. Xu hướng này gọi là "loud budgeting" (tiết kiệm ồn ào). Trong bối cảnh kinh tế như hiện nay, khi mọi chi phí, giá cả tăng chóng mặt, nhóm người tiêu dùng trẻ - nhất là Gen Z - đã lựa chọn thẳng thắn với khả năng tài chính của bản thân và ngừng việc chi tiêu xa xỉ.

Chẳng hạn như việc một người giảm bớt các buổi tụ tập với bạn bè hay một gia đình chuyển sang mua đồ cũ để sử dụng hoặc đi chợ một cách thông minh hơn… và họ thẳng thắn nói với những người xung quanh lý do họ làm như vậy.

Không nằm ngoài xu thế đó, giới trẻ Việt Nam cũng đang bắt trend "tiết kiệm ồn ào" khá nhanh. Hà Nội đang dẫn đầu là địa phương có mức giá chi tiêu đắt đỏ nhất cả nước. Có lẽ vì điều này mà với nhiều bạn trẻ điều chỉnh chi tiêu là hoàn toàn đúng đắn, đáng tự hào.

Được cho là người hưởng ứng xu hướng "tiết kiệm ồn ào" sớm nhất, bạn Nguyễn Anh Huy (quận Đống Đa, Hà Nội) cho cho biết: "Em bắt đầu xây dựng một lối sống mới cho dù hành trình này phải đánh đổi bằng sự cô đơn. Những lời mời đến các cuộc vui của bạn bè gần đây em đều từ chối. Cũng nhiều bạn bè giận dỗi, hay không bằng lòng nhưng nếu như họ không hiểu được mình đang tiết kiệm thế nào thì cũng không xứng đáng là bạn nữa".

Để thực hiện lối sống mới, Huy đã quyết định bán chiếc tivi để lấy tiền mua máy hút ẩm. Bởi theo cậu, máy hút ẩm có nhiều tác dụng hữu ích hơn tivi. Không những vậy, việc sử dụng điện nước ở nhà với Huy cũng là rất hạn chế. Huy tăng cường lên cơ quan, thậm chí… tắm tại đây ngay sau giờ làm việc. "Em thấy như vậy sẽ tiết kiệm được số tiền kha khá cho điện nước ở nhà. Với tiêu chí của "tiết kiệm ồn ào" thì đây là việc làm hết sức bình thường, thậm chí em còn thấy tự hào về việc làm ấy", Huy chia sẻ quan điểm.

Một bạn trẻ khác cũng đang thay đổi lối sống của mình theo xu hướng "tiết kiệm ồn ào" là bạn Mai Nguyên Phương. Từ đầu năm 2024, Phương bắt đầu nói không với các khoản chi tiêu không cần thiết để dành thời gian, tiền bạc và tâm sức cho các khoản chi tiêu thực sự xứng đáng. Thay vì mua sắm nhiều lần trong một tháng, Phương gộp lại một lần, hạn chế thấp nhất việc chi tiêu đắt đỏ. Phương chia sẻ: "Những đồ liên quan đến mỹ phẩm, em sẽ lướt ở nhiều shop khác nhau xem ở đâu rẻ hơn để em có thể mua với mức giá tốt nhất".

Những video có đề xu hướng "tiết kiệm ồn ào" gần đây thu hút được rất nhiều lượt xem trên nền tảng mạng xã hội TikTok, YouTube… Các video này chủ yếu chia sẻ các mục tiêu tiết kiệm và coi nó như phương châm sống. Đặc biệt hơn, những video này nhận được không ít những bình luận tích cực của người xem và họ cho rằng xu hướng này có thể giúp mọi người cắt giảm việc mua sắm bốc đồng và đưa ra những lựa chọn tài chính thông minh hơn.

Như chị Nguyễn Thị Thanh Hà, chủ kênh TikTok "Người nghèo chất" gần đây thu hút được rất nhiều người theo dõi. Trên kênh của mình, Hà thường xuyên đăng tải các video với chủ đề "tiết kiệm ồn ào" như cách chi tiêu mọi thứ hàng tháng với 3 triệu đồng, hay làm cách nào để sử dụng 50.000đ tiền ăn/ngày… Thanh Hà chia sẻ: "Từ tiết kiệm hiện nay đang được sử dụng hơi tiêu cực, đôi khi nó được sử dụng để thế thân cho từ "hà tiện". Giới trẻ ít nói về tiết kiệm có lẽ vì lý do đó, xu hướng "tiết kiệm ồn ào" này là đối trọng cần thiết để giới trẻ nhận ra là mình có thể thoải mái nói về việc đấy. Sống sao cho chất nhất dù bạn chỉ là người nghèo thôi".

Có nên hay không?

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, tiết kiệm là một việc quan trọng và rất cần thiết. Bởi mỗi ngày chúng ta nói chung và những người trẻ nói riêng phải tiếp nhận hàng trăm, thậm chí là nhiều hơn những quảng cáo kích thích tiêu dùng. Vì vậy, thực tế đã có rất nhiều người mắc căn bệnh "nghiện mua sắm".

Giới trẻ có nên cổ vũ trào lưu
Trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều video chia sẻ các mục tiêu tiết kiệm và coi nó như phương châm sống.

Rõ ràng, nếu chúng ta biết kiềm chế bản thân, biết kiềm chế tham cầu hay nói cách khác là biết tiết kiệm sẽ là một điều tuyệt vời. Tuy nhiên, "tiết kiệm ồn ào" lại là một việc làm có vẻ xa rời thực tế và không đúng lắm với bản chất "tiết kiệm". Minh chứng là nhiều người trẻ có thể bỏ ra một khoảng thời gian tới vài chục phút lướt mạng chỉ để tìm được một sản phẩm nào đó có giá giảm hơn vài chục nghìn so với giá thị trường.

Việc một bạn trẻ tự hào khoe về thành tích "tiết kiệm ồn ào" của mình, mỗi buổi chiều trước khi về tranh thủ tắm ở cơ quan. Khi công khai điều này chắc chắn đồng nghiệp, người quản lý của anh ta đều biết. Rất có thể vì điều này mà anh ta chưa chắc đã được làm việc lâu dài tại công ty. Thậm chí, nếu xin việc ở một công ty khác chưa chắc đã được nhận. Như vậy, chỉ vì để tiết kiệm khoảng vài chục nghìn tiền nước ở nhà nhưng anh ta đã mất đi nhiều cơ hội khác. Đó chính là hậu quả có thể nhìn thấy của lối sống "tiết kiệm ồn ào", chưa kể nhiều người sẽ có định kiến rằng anh ta sống quá "khôn", chỉ biết vơ vào mình...

Nhiều trường hợp khác, thay vì có một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng thì họ lại nấu một nồi cơm rồi chia ra nhiều bữa để vào tủ lạnh và ăn dần. Số khác lại ăn mỳ tôm kèm rau và trứng. Nhiều người trẻ khoe rằng, nếu duy trì ăn như vậy, mỗi tháng họ tiết kiệm được khá nhiều tiền. Tuy nhiên, nếu việc này kéo dài, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như thiếu chất, không chỉ sức khỏe giảm sút mà ngay cả sự nhạy bén, trí tuệ cũng giảm sút theo.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Hữu Trí, một trong những diễn giả được yêu thích nhất hiện nay thì: "Nếu như chúng ta không cân nhắc một cách bình tĩnh và từ tốn thì có khi chúng ta bị kéo rời xa khỏi bản chất của hành vi tiết kiệm. Mọi người luôn nghĩ tiết kiệm là cắt giảm chi phí của mình nhưng thực ra không phải như vậy. Bản chất của tiết kiệm là tinh giản nhu cầu chứ không phải cắt giảm chi tiêu. Thay vì chúng ta hướng ra bên ngoài, cố gắng tìm được cái sản phẩm khuyến mại rẻ thì người khôn ngoan hiểu bản chất tiết kiệm sẽ sàng lọc và lược bỏ bớt nhu cầu của mình".

Cũng theo ông Trí, một trong những hành vi tinh giản nhu cầu đó là tinh giản ăn mặc. Thay vì phải mặc đồ hiệu như trước đó thì bạn chỉ cần mặc những bộ quần áo giản dị với đúng công năng của nó, đó chính là cách giải tỏa áp lực.

Nói về vấn đề này, chuyên gia tài chính - tiến sĩ Trương Tuấn Anh cho hay: “Xu hướng "tiết kiệm ồn ào" khẳng định rằng việc có các mục tiêu tài chính rõ ràng và hy sinh để đạt được chúng là điều bình thường. Trước đây, Gen Z thường xuyên đối mặt với trở ngại khi tiết kiệm tiền, họ dành phần lớn thời gian để bị cám dỗ khi nhìn những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội giới thiệu những sản phẩm, trải nghiệm đắt tiền và cuộc sống xa hoa. Nhưng khi phải đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn và lạm phát tăng cao, họ bắt đầu hướng đến những sự an tâm và bền vững hơn về mặt tài chính.

Tuy nhiên, chỉ khi tiền được dùng cho việc cải thiện cuộc sống con người nó mới mang giá trị tinh thần. Lối sống tiêu dùng cũng không có gì đang chê trách, bởi mua sắm, chi tiêu sẽ là động lực để các bạn trẻ làm việc để bù đắp vào các khoản đó. Lối sống tiêu dùng đem lại sự phát triển cá nhân tốt hơn và lối sống tiêu dùng sẽ nằm trong nòng cốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Khi một người trẻ đi theo lối sống tiêu dùng thì điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống về cả vật chất lẫn tinh thần của họ và họ càng đạt được sự thỏa mãn bản thân nhất định".

Lựa chọn lối sống nào cũng là do mỗi cá nhân tự quyết định, nhưng trước hết nó nên tùy thuộc vào hoàn cảnh, kinh tế thực tế của mỗi người và nhất là không nên chỉ coi đó là một trào lưu, thực hiện trong một thời gian ngắn rồi khi có trend mới lại vội vã chạy theo.

Đinh Hiền
.
.