“Giải oan” cho thể thao Hà Nội

Thứ Sáu, 15/11/2024, 10:33

Đằng sau một số chỉ trích nhắm vào thể thao Hà Nội trong thời gian qua đã vô hình trung cho thấy tầm quan trọng của Thủ đô trong phát triển thể thao thành tích cao. Bên cạnh đó, nhiều tranh cãi cũng cho thấy vấn đề thực sự đang tồn tại của thể thao Hà Nội là điều gì.

Địa phương, quốc gia và quốc tế

Trước và sau Olympic Paris, Hà Nội là đơn vị cấp tỉnh - thành - ngành duy nhất bị "nhắc tên". Điều này xuất hiện khi thành tích nhiều VĐV thể hiện ở sân chơi quốc tế không đạt như kỳ vọng. Bên cạnh đó, thể thao Hà Nội cũng chỉ chứng kiến các VĐV của mình giành vé đến Thế vận hội ở thời điểm rất muộn, so với nhiều bộ môn khác.

anh2.jpg -0
Hai huy chương Vàng ASIAD 19 của Việt Nam đến từ karate và cầu mây, những môn có nòng cốt VĐV được tập thường xuyên tại Hà Nội.

Tháng 6/2023, thể thao Việt Nam có vé tham dự Olympic Paris đầu tiên của Nguyễn Thị Thật. Cua-rơ người An Giang giành suất đến Paris nhờ ngôi vô địch châu Á. Tròn 1 năm sau, Hà Nội mới có đại diện đầu tiên của mình tại Thế vận hội. Thay vì ăn mừng chiến thắng kép của 2 VĐV, Hà Nội nhận chỉ trích vì tại sao lại có vé quá muộn.

Áp lực thành tích quốc tế đè nặng lên thể thao Hà Nội là điều được thể hiện rõ. Nhưng tại sao một đơn vị địa phương như Hà Nội lại phải chịu trách nhiệm cho thành tích ở đội tuyển quốc gia? Tại sao Hà Nội phải gánh vác sử mệnh thi đấu quốc tế cùng đội tuyển, chứ không phải những đơn vị khác như TP Hồ Chí Minh, Quân đội?

Có nhiều dữ kiện trả lời cho câu hỏi trên. Thứ nhất, sức mạnh của thể thao Hà Nội và phần còn lại của cả nước là quá chênh lệch. Ở Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, các VĐV Hà Nội giành 175 HCV. Họ bỏ xa 2 đoàn xếp sau là TP Hồ Chí Minh (128 HCV) và Quân đội (90 HCV).

Ở sân chơi trong nước, phần lớn các bộ môn của Hà Nội mỗi khi "xuất trận" tham dự giải, luôn nhận trách nhiệm rất cao. Họ phải đứng vị trí nhất toàn đoàn, chứ không chỉ giành 1-2 HCV và "phấn đấu" hướng đến ngôi đầu. Với tiêu chí đó, Hà Nội làm rất khác so với nhiều địa phương trong phát triển thể thao.

Hà Nội là địa phương hiếm hoi duy trì ngân sách hàng năm cho một vài bộ môn ở mức trên dưới 20 tỷ đồng. Vì thế, họ có số lượng VĐV đông đảo và có cả chuyên gia nước ngoài đến làm việc. Khu phức hợp huấn luyện của Hà Nội có quy mô không kém Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia, và là nơi tập luyện của nhiều đội tuyển.

Đội cầu mây Hà Nội có ngân sách ở mức 15 - 20 tỷ đồng mỗi năm. Phần lớn thành viên trong đội là tuyển thủ Quốc gia, luôn nhận chỉ tiêu tối thiểu 1 HCB ở mỗi kỳ ASIAD. Số tiền tương tự cũng áp dụng cho bộ môn boxing nữ, với nhiệm vụ đào tạo lứa VĐV kế cận thế hệ Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh trong tương lai.

Môi trường khác biệt

Những dữ kiện chia sẻ ở phần trước đó đã cho ta thấy, vì sao thể thao Hà Nội nhận chỉ trích khi thành tích của các đội tuyển quốc gia không tốt. Trên thực tế, thể thao Hà Nội từ lâu đã phải chia sẻ với cả nước một phần trách nhiệm trong việc đào tạo, bồi dưỡng HLV, VĐV hướng đến sân chơi quốc tế.

Ví dụ tiêu biểu nhất cho câu chuyện "địa phương hỗ trợ đội tuyển" của Hà Nội là 2 tấm vé từ đội boxing nữ. Người còn lại đến Paris bên cạnh Hà Thị Linh là Võ Thị Kim Ánh. Cô trên danh nghĩa thuộc đơn vị An Giang, nhưng chỉ vươn tầm thế giới và giành vé Olympic khi tập trung cùng các tuyển thủ Hà Nội trong thời gian dài.

Cuối năm 2021, đầu năm 2022, Kim Ánh tập trung cùng các thành viên đội tuyển boxing nữ quốc gia tại Hà Nội. Khi đó, đội tuyển tập luyện cùng đội boxing nữ Hà Nội chứ không phải trung tâm Nhổn. Kim Ánh sớm tạo dấu ấn khi vô địch giải boxing Thái Lan mở rộng, sân chơi quy tụ khoảng 50% số võ sĩ hàng đầu châu Á.

Đến đầu năm 2023, đội tuyển Boxing nữ Việt Nam khu vực phía Nam có ý kiến, chuyển địa điểm tập luyện của Kim Ánh vào TP Hồ Chí Minh. Phong độ Kim Ánh thể hiện lập tức đi xuống. Cô thua ngược trong trận mở màn giải vô địch Boxing nữ thế giới 2023, đồng thời cho thấy thể lực không đảm bảo để thi đấu ở sân chơi đỉnh cao.

Kết quả không như ý đầu năm 2023 khiến Kim Ánh tiếp tục bị loại khỏi SEA Games 32 và ASIAD 19, dù trước đó cô được xem là ứng viên hàng đầu cho hạng cân 54kg nữ. Võ sĩ sinh năm 1997 tiếp tục trải qua những ngày tháng tập luyện cùng cảm giác "không lối thoát" tại TP Hồ Chí Minh. Cuối cùng, cô xin rút khỏi đội tuyển ngay trước Á vận hội.

Đến đầu năm 2024, câu chuyện "Kim Ánh tập luyện ở đội tuyển nào" một lần nữa được đem ra bàn luận. Ông Đàm Công Điền, tân Trưởng bộ môn Boxing-Kickboxing (Cục TDTT) phải trao đổi trực tiếp với địa phương An Giang cũng như HLV các đội tuyển để quyết định. Cuối cùng, Kim Ánh tập luyện ở Hà Nội và có vé Olympic. Có một điều thú vị khác, diễn ra không lâu sau thời điểm Kim Ánh giành vé đến Paris. Lúc này, Cục TDTT có yêu cầu đổi địa điểm tập luyện của đội tuyển Boxing nữ Việt Nam từ Mỹ Đình sang trung tâm Nhổn. Việc này diễn ra ngay trong thời gian chuẩn bị vòng loại thứ hai, nhưng may mắn đã đến, khi Boxing Việt Nam có thêm 1 tấm vé.

Vì sao có chuyện "đi xuống"?

Số vé tham dự Olympic của thể thao Hà Nội đi xuống, thực ra, xuất phát chỉ từ một bộ môn. Tại Olympic London 2012 và Rio 2016, Hà Nội có nhiều vé từ môn đấu kiếm. Đỉnh cao của đấu kiếm Việt Nam và Hà Nội đến vào năm 2016, khi có 4 kiếm thủ đến Rio.

Nhưng vào thời điểm lứa VĐV thế hệ vàng không còn nữa, đấu kiếm Hà Nội chỉ còn duy trì thành tích ở sân chơi quốc nội. Trong 2 kỳ Thế vận hội gần nhất, đấu kiếm Việt Nam không còn kiếm thủ nào đủ sức vươn ra thế giới nữa. Số vé Olympic của Hà Nội, vì thế, cũng đi xuống. "Không phải lúc nào một bộ môn cũng sở hữu lứa VĐV “vàng” như đấu kiếm Hà Nội trước đây. Vì thế, nói thể thao Hà Nội đi xuống vì ít vé tham dự Olympic là không đúng". Đó là một chia sẻ thật lòng của lãnh đạo thể thao Hà Nội, nhưng ông xin giấu tên để tránh bị hiểu sai phát biểu thẳng thắn, và có phần phũ phàng này.

Vậy thể thao Hà Nội "suy yếu" ở điểm nào? Câu trả lời nằm ở việc họ không có một lãnh đạo đủ tầm ảnh hưởng để thống nhất mọi "thế lực" về một mối. Điều này được thể hiện rõ trong những câu chuyện không hay về thể thao Hà Nội thời gian gần đây, với nhiều việc dở khóc dở cười.

Trong 1 năm qua, thể thao Hà Nội liên tục vướng phải những cáo buộc trớ trêu như chậm lương VĐV, nhiều đội có khoản quỹ thu chi thiếu minh bạch. Việc tố cáo không chỉ dừng lại ở một số cá nhân làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng. Nhiều câu chuyện "vạch áo cho người xem lưng" đã xuất hiện trên báo chí và mạng xã hội.

Bên cạnh đó, sứ mệnh đảm bảo quyền lợi cho các VĐV Hà Nội vươn tầm thi đấu quốc tế, gánh vác trọng trách quốc gia lại có phần bị lơ là. Năm 2022, Hà Nội đã tự chi kinh phí để 2 VĐV dự giải vô địch Boxing châu Á. Đoàn Việt Nam chỉ có 1 HLV và 2 VĐV của Hà Nội, nhưng đã giành được 1 HCV, 1 HCĐ.

Sau Á vận hội Hàng Châu, thể thao Hà Nội lại "chơi lớn" khi đưa ông Tawan Mungphingklang, nguyên HLV trưởng đội tuyển Thái Lan đến làm chuyên gia. Nhưng nhiệm kỳ 2 của ông Tawan tại Việt Nam lại không suôn sẻ. Trong 2 kỳ vòng loại Olympic, ông Tawan đi cùng đội tuyển bằng kinh phí của Hà Nội, chứ không phải đội tuyển quốc gia.

Đến giai đoạn chuẩn bị trước Olympic Paris, HLV Tawan đi cùng đội tuyển đến châu Âu tập huấn. Nhưng chỉ ít ngày trước khi trận đấu đầu tiên diễn ra, ông lại phải mua vé máy bay về nước, thay vì sát cánh cùng VĐV. Phía Hà Nội cố gắng thuyết phục Cục TDTT cho phép đăng ký HLV Tawan vào danh sách chuyên gia làm nhiệm vụ ở Olympic (kinh phí do Hà Nội lo liệu) nhưng lại bị từ chối.

Ánh Nguyệt 2 lần "cứu nguy" thể thao Hà Nội

Chủ nhân 2 tấm vé đến Olympic Paris của thể thao Hà Nội là Hà Thị Linh (boxing) và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung). Hà Thị Linh không thi đấu tốt ở vòng loại đầu tiên, nhưng bất ngờ bùng nổ trong vòng tiếp theo. Cô thi đấu liên tục 5 trận trong 7 ngày để có tấm vé muộn.

anh4.jpeg -0
Ánh Nguyệt là vận động viên Hà Nội duy nhất tham dự cả hai kỳ Olympic gần đây.

Bên cạnh Hà Thị Linh, Đỗ Thị Ánh Nguyệt phải chờ rất lâu mới biết mình có suất tham dự Olympic. Cung thủ từng tranh tài tại Olympic Tokyo tưởng như đã bỏ qua giấc mơ đến Pháp, khi ban huấn luyện ước tính cô không đủ điểm. Nhưng sau khi Liên đoàn Bắn cung Thế giới phân phối các suất cho từng châu lục, Ánh Nguyệt được đôn lên lấy vé. Những người làm thể thao của Hà Nội hiểu rõ hơn ai hết về áp lực của những tấm vé Olympic. Trong ngày Hà Thị Linh cùng ban huấn luyện đội tuyển Boxing Việt Nam trở về từ Thái Lan, những quan chức hàng đầu của thể thao Hà Nội đều xuất hiện. Một lần nữa, boxing và bắn cung lại trở thành "cứu tinh" cho ngành thể thao Thủ đô.

"Hà Nội có tỷ suất đầu tư khác biệt, số lượng VĐV, HLV cũng lớn hơn nhiều so với các đơn vị khác. Vì thế, VĐV Hà Nội khi bước ra đấu trường quốc nội phải giành chiến thắng, thậm chí thắng với cách biệt rõ ràng. Các em phải biết, VĐV Hà Nội hòa đối thủ tức là mình đã thua rồi. Bởi tại sao VĐV các địa phương khác có môi trường tập luyện kém hơn, nhưng họ lại thi đấu ngang mình?".

Chia sẻ trên thuộc về ông Đới Đăng Hỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội. Chia sẻ của ông Hỷ cũng cho thấy đáp án thứ hai: Hà Nội chi rất nhiều tiền ngân sách cho phát triển thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao.

Đơn Ca
.
.