Giải mã hành vi “ăn chặn” trong thể thao thành tích cao
Chỉ trong vòng 1 năm, Việt Nam đã liên tục chứng kiến sai phạm trong thu chi liên quan đến nhiều môn thể thao thành tích cao. Điều đó thể hiện ở cả các đội tuyển quốc gia cũng như đơn vị địa phương. Vậy hành vi “ăn chặn” thực chất là gì, và có nguyên nhân nào phía sau?
Từ bóng bàn sang bóng đá
Bộ môn đầu tiên của thể thao Việt Nam bị phanh phui tình trạng "ăn chặn" là bóng bàn. Trong giai đoạn cuối tháng 9, đầu tháng 10/2023, các thành viên đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia đã phản ánh về chế độ dinh dưỡng không đúng với tiêu chuẩn nhận được. Ngoài ra, HLV cũng bị cáo buộc có hành vi thu chi không minh bạch trong đội.
Sau tuyển bóng bàn trẻ, những đội thể thao tiếp theo chứng kiến câu chuyện tương tự là tuyển thể dục dụng cụ quốc gia, bộ môn bóng ném nữ Bình Định, và các đội bóng đá trẻ Khánh Hòa. Theo thời gian, những sự vụ được hé lộ càng nghiêm trọng hơn. Khoản tiền thất thoát cũng ngày một lớn, và hình thức kỷ luật cũng cho thấy điều đó.
Vụ việc ở đội tuyển bóng bàn trẻ và thể dục dụng cụ quốc gia, những HLV có trách nhiệm chỉ mất việc trên tuyển. Họ vẫn trở lại làm việc ở địa phương, đơn vị chủ quản. Nhưng với đội bóng ném nữ Bình Định, HLV trưởng đã nhận quyết định buộc thôi việc. Tình hình của 2 HLV đội bóng đá trẻ Khánh Hòa còn điêu đứng hơn.
Theo thông tin từ Báo Khánh Hòa, HLV Đặng Đạo (HLV trưởng phụ trách đội U19 của CLB) và Nguyễn Tý (đội U17) đã nộp đơn xin từ chức, thôi việc. Tuy nhiên, mọi chuyện dường như sẽ không dừng lại ở điều đó. Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa đã kiến nghị chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra vì sai phạm quá lớn.
HLV Đặng Đạo bị cáo buộc có hành vi chiếm giữ 2,2 tỷ đồng trong 3 năm, khi ông dẫn dắt các đội trẻ Khánh Hòa. HLV Nguyễn Tý cũng có hành vi tương tự.
Trong 4 đội tuyển nêu trên, sự việc chỉ được phanh phui bởi chính những người trong cuộc. Họ lên tiếng sau khi chứng kiến những khoản thu chi không minh bạch diễn ra trong thời gian dài. Đáng chú ý hơn, số tiền thu chi đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của vận động viên, đến thu nhập hàng tháng được ghi nhận trên sổ sách.
Việc phanh phui sai phạm ở các đội tuyển thể thao cũng gây ra một số điều bi hài. Trong câu chuyện ở đội tuyển thể dục dụng cụ quốc gia, VĐV Phạm Như Phương thừa nhận mình "tiếp tay" cho hành vi chấm công ngày nghỉ, nhưng trên thực tế không tập luyện. Với đội bóng đá trẻ Khánh Hòa, HLV vẫn tiếp tục mắc sai phạm khi bị đình chỉ công tác.
"Ăn chặn": Đúng và sai
Có một công thức chung trong những vụ "ăn chặn" ở đội tuyển thể thao cấp độ Trung ương và địa phương. Việc này thể hiện ở nhiều góc độ, phương pháp khác nhau. Thứ nhất, HLV chiếm giữ trái phép tiền công, tiền ăn VĐV. Thứ hai, HLV khai khống ngày tập thứ 7, Chủ nhật. Thứ ba, HLV giữ tên những VĐV đã nghỉ tập để nhận chế độ như bình thường.
Việc HLV chiếm dụng tiền công, tiền ăn VĐV, sai sót nằm ở việc các Trung tâm chuyển tiền cho HLV, rồi khoán HLV việc chia tiền cho VĐV. Đây là khoảng hở trong công tác điều hành, quản lý các đội thể thao. Cách làm trên có thể được thay thế bằng việc yêu cầu VĐV trực tiếp ký nhận với Trung tâm, không ủy quyền hay nhờ người ký hộ.
Tuy nhiên, trong cách chia tiền của các đội trẻ Khánh Hòa, người trong cuộc lại có góc nhìn khác. Một HLV cho biết: "Tôi không rõ số tiền thất thoát là bao nhiêu, nhưng từ khía cạnh khách quan, HLV có lý của họ. Đội trẻ Khánh Hòa xếp hạng thi đua trong đội để phát tiền thưởng là để tuyên dương người chăm chỉ, tạo động lực phấn đấu cho cả đội".
HLV này chia sẻ thêm, mô hình tăng giảm chế độ theo xếp loại thi đua sẽ phù hợp nhất với những môn thể thao cá nhân. Bởi khi đó, thành tích của vận động viên hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực của chính các em. Nhiều HLV biết "xếp hạng thi đua" là sai quy định nhưng vẫn làm, dù điều đó khiến họ đối diện với nguy cơ mất việc.
"Một số HLV có thể làm sai, thậm chí sai rất nhiều trong công tác quản lý, thu chi ngân sách của đội. Nhưng suy cho cùng, ta phải nhìn nhận mục đích của những việc làm ấy. Cá nhân HLV có tư túi, dùng tiền ngân sách vào mục đích làm lợi cho bản thân họ hay không? Nếu có thì hãy kỷ luật họ, còn nếu không, hãy nghe lý do", HLV này cho biết thêm.
Trong câu chuyện vi phạm chấm công ngày nghỉ, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia 1 (Nhổn) từng thẳng thắn nhìn nhận từ 8 năm trước. Một số đội tuyển được chấp thuận làm việc ấy, bởi Trung tâm muốn VĐV, HLV có thêm tiền để cải thiện thu nhập. "Các em không thể tập luyện với lương tháng 5-7 triệu đồng", ông nói.
Trên phương diện đăng ký VĐV "ảo" (VĐV đã nghỉ tập nhưng vẫn có tên trong danh sách để nhận chế độ), nhiều HLV cho biết, họ làm vậy vì nguyên nhân khách quan. Đó có thể là thời điểm một VĐV vừa nghỉ tập, VĐV khác được đôn lên, nhưng chưa kịp làm thủ tục để nhận chế độ. Khi ấy, tiền của VĐV "ảo" sẽ được chuyển lại cho VĐV "thực".
Một nguyên nhân khác khiến những đội tuyển trên bị phanh phui sai phạm là thành tích của đội đã dưới mức kỳ vọng trong nhiều năm. Nếu thành tích các đội thể thao trên còn tốt, chế độ cho VĐV được đảm bảo, mọi thứ sẽ diễn ra trong yên bình. Vì lý do ấy, câu chuyện "ăn chặn" chỉ như chấm đen nhỏ giữa toàn bộ bức tranh về thể thao Việt Nam.
Ai thương... huấn luyện viên?
Ở môn Thể dục dụng cụ, khi HLV Nguyễn Thùy Dương bị VĐV Phạm Như Phương tố cáo chuyện "ăn chặn", phần lớn bạn bè, đồng nghiệp của HLV Thùy Dương đều im lặng. Họ chọn phương án không lên tiếng như một cách ngầm ủng hộ HLV Thùy Dương.
Câu chuyện bắt đầu từ nhiều năm trước, vào thời điểm Như Phương được chọn để sang tập huấn tại Trung Quốc. HLV Thùy Dương cũng được chọn đi cùng. Như Phương xa gia đình, còn HLV Thùy Dương để con nhỏ mới 6 tháng tuổi ở nhà để dẫn Như Phương, và một số VĐV đi tập luyện dài hạn.
Trong cuộc họp kỷ luật HLV Nguyễn Thùy Dương, các cán bộ của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Thể dục - Thể thao không khỏi chạnh lòng. Khi ấy, HLV Thùy Dương không ngừng khóc, tới mức phải cần đồng nghiệp dìu mới có thể đứng làm việc. Cùng xuất hiện với bà trong cuộc họp đó là những tượng đài một thời bị liên đới trách nhiệm.
"Nếu nói những chuyện xảy ra ở đội thể dục dụng cụ nữ quốc gia là sai phạm, thì chúng tôi cũng bị kỷ luật hết", một HLV giãi bày. Người này cho biết, có rất nhiều khoản chi trong đội không thể hạch toán bằng giấy tờ khi đội đi thi đấu. Làm sao để thống kê, và xuất hóa đơn những khoản chi lắt nhắt như tiền ăn hàng ngày, tiền mua nước, đi taxi?
Thể thao Việt Nam đang thiếu những VĐV đủ sức tranh huy chương Olympic và ASIAD. Cái cây chỉ lớn nếu có người chăm bón đúng cách, giống như VĐV muốn có thành tích cao phải cần HLV giỏi. Nhưng rất nhiều HLV giỏi, có chuyên môn của thể thao Việt Nam hiện đang "án binh bất động sau những sự việc vừa rồi.
Nhiều HLV tâm sự, những câu chuyện về ngành thể thao trong 1 năm gần đây đã bắt đầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc chung. Các gia đình e ngại trong việc cho phép con tập luyện, thi đấu thể thao. Họ không muốn giao con mình cho những người bị gắn mác "ăn chặn", dù trên thực tế không phải như vậy.
Giữ thẻ ATM của VĐV là vô nghĩa
Tại đội U19 và U21 Khánh Hòa, nhiều HLV được xác định có hành vi giữ thẻ ATM của cầu thủ trẻ trong đội. Tuy nhiên, HLV kể trên sau đó được xác định không có sai phạm lớn. Lý do bởi những VĐV, cầu thủ đã bước qua 18 tuổi, việc giữ thẻ ATM của họ không còn nhiều ý nghĩa về mặt kiểm soát thu nhập, chi tiêu như trước nữa.
"Bây giờ cầu thủ cũng giống người lao động bình thường, họ ít khi nào tiêu tiền mặt. Những ai đủ điều kiện mở thẻ tài khoản ngân hàng, thì họ cũng có thể cài đặt ứng dụng chuyển tiền trực tuyến qua tài khoản cá nhân. Mọi giao dịch chuyển tiền chỉ cần điện thoại, và HLV thì không được giữ điện thoại của cầu thủ", một HLV chia sẻ.
Từ góc độ khách quan, nhiều HLV ở những môn thể thao khác cũng xác nhận việc họ có giữ tiền chế độ hàng tháng của VĐV. Điều này khá phổ biến ở VĐV trẻ. Tuy nhiên, tiền đó được HLV ghi rõ. Sau mỗi quý hoặc dịp cuối năm, HLV sẽ chuyển tiền một lượt cho gia đình các em, thay vì đưa trực tiếp cho VĐV sử dụng.
"VĐV trẻ tài năng đến mấy thì các em cũng chỉ như học sinh mới lớn. Chúng tôi không chắc các em có giữ được mình hay không, khi ở lứa tuổi rất nhỏ đã cầm số tiền tương đương một chiếc xe máy. Vì thế, cách tốt nhất để VĐV không hư vì tiền là giữ lại khoản thu nhập này, và để gia đình các em trực tiếp nhận nó vào dịp cần thiết", một HLV nói.