GenZ bước vào 2023 sẵn sàng cho thách thức giao thoa
Được mệnh danh là "công dân số", Gen Z lớn lên trong công nghệ, nhưng bước ra đời đầy mâu thuẫn. Họ hoài nghi kết nối thực, song dễ bất cẩn trên không gian mạng.
Trong khi đó, năm 2023 đánh dấu sự giao thoa giữa làm việc trực tuyến và trực tiếp, đặt ra thách thức lớn với những người trẻ đã quen với nhịp sống online. Liệu Gen Z sẽ thỏa hiệp, đương đầu hay đề phòng những thách thức của sự giao thoa ấy?
Bước ra ngoài đời thực
Gen Z hiện chiếm khoảng 12,6% lực lượng lao động, theo Forbes. Đến năm 2025, con số này sẽ lên tới 25%. Gen Z, những người sinh từ năm 1997 đến 2012, là thế hệ đầu tiên được sinh ra hoàn toàn trong thời đại Internet. Công nghệ đến với họ tự nhiên như hơi thở, khi các thiết bị, ứng dụng và nền tảng kỹ thuật số đã là một phần trong cuộc sống hàng ngày.
Theo Insider Intelligence, điều này đã khiến Gen Z "xem thế giới thật và thế giới kỹ thuật số như một chuỗi trải nghiệm liền mạch kết hợp thông tin trực tiếp và trực tuyến để giải trí, giao dịch thương mại và liên lạc". Nhưng, đó chưa phải điều đặc biệt duy nhất mà Gen Z trải nghiệm.
Không giống như các thế hệ khác, Gen Z bắt đầu tham gia thị trường lao động vào thời điểm chưa từng có, khi hầu hết các công việc được bắt đầu từ xa, hay trong hình thái kết hợp (hybrid) giữa trực tiếp và trực tuyến. Đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng nổ vào đúng thời điểm những người trẻ Gen Z đang định hình công việc đầu tiên của mình. Sự gián đoạn vì dịch bệnh buộc họ bắt đầu hành trình mới qua màn hình máy tính, nhận công việc qua những cuộc phỏng vấn online, và chạy đua với guồng quay cuộc sống đôi khi chỉ nhờ một chiếc điện thoại. Trong khi đó, suy thoái kinh tế và tình trạng bất ổn liên tục xảy ra tại nhiều quốc gia trong vài năm qua đã phần nào hình thành phong cách sống của Gen Z, với lý tưởng về công việc và cuộc sống có thể khác biệt đáng kể so với các thế hệ cũ, những người thậm chí chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm làm việc từ xa.
Phần lớn động lực của Gen Z xoay quanh sự cân bằng, trái ngược với những người tiền nhiệm của họ - thế hệ Millennials tự tin, Gen X hoài nghi và Boomers lạc quan. Những người trẻ Gen Z có thể cảnh giác hơn với không gian riêng tư hoặc do dự hơn khi tiếp xúc với những người mà họ không biết, và họ tôn trọng những ranh giới được đặt ra tại chính nơi làm việc của mình, khi một ngày họ sẽ phải rời màn hình máy tính và tiến dần vào một văn phòng thực sự.
New York Times chỉ ra một thực tế rằng nhiều người trẻ Gen Z thậm chí tốt nghiệp đại học vào thời điểm đại dịch đang lan rộng toàn cầu. Khi họ tìm việc làm, kinh tế thế giới lại bắt đầu chao đảo, nhiều doanh nghiệp và công ty phải đóng băng tuyển dụng, thậm chí sa thải nhân viên vì áp lực tài chính. Những cá nhân Gen Z sau khi tìm được việc làm và ổn định vị trí trong thị trường lao động vào năm 2022 lại hứng chịu một cuộc suy thoái kinh tế khác.
"Thế hệ này đã sống qua những bất ổn chính trị, chiến tranh giữa các quốc gia, đại dịch toàn cầu và tình trạng bất ổn dân sự. Họ đã chứng kiến điều không ngờ trở thành hiện thực hết lần này đến lần khác. Kết quả là, Gen Z đã phát triển một thái độ hoài nghi lành mạnh", Laura Mills, trưởng bộ phận Tìm hiểu nghề nghiệp sớm tại Forage, cho biết, bình luận thêm rằng Gen Z chưa từng trải qua môi trường làm việc trước đại dịch. Và vì thế, khi bước chân vào 2023, họ một lần nữa thích ứng với môi trường làm việc mới, mà Forbes gọi đó là "bước ra thế giới thực", xóa bỏ cái "tôi" để đến với cái "chúng ta" va chạm nhiều hơn, với những giao đãi công sở thường ngày.
"Gen Z đã buộc phải cố gắng tuân thủ các phép tắc xã giao hay luật bất thành văn tại nơi làm việc sau quãng thời gian làm việc từ xa, đồng thời cố gắng tìm hiểu công việc của họ và xây dựng các mối quan hệ mới", chuyên gia Mills nhận định. Rời không gian riêng tư để đến với một không gian mở, với Gen Z, là thách thức. Tuy nhiên, có tới gần 50% người trẻ thế hệ này khi được khảo sát cho biết họ thích thú với môi trường làm việc kết hợp văn phòng và từ xa, chênh lệch hơn con số 30% chỉ muốn làm việc trên máy tính, theo Forbes. Điều đó có nghĩa rằng, sự giao thoa và việc kéo con người trở lại gần nhau qua tương tác trực tiếp đang phát huy hiệu quả, và Gen Z đang chủ động hơn khi đón nhận điều này.
Cảnh giác với dòng chảy online
Bloomberg cho rằng, những người trẻ Gen Z bước vào năm 2023 với tâm thế song song: thích ứng trực tiếp, tỉnh táo trực tuyến. Gen Z chưa từng bị động khi công việc thay đổi, bởi công việc của họ chưa hề bị giới hạn trong một chiều không gian. Ý tưởng có thể đến từ một chiếc điện thoại, hay thậm chí một bức ảnh cá nhân được lưu giữ trên iCloud. Sự kết nối giữa dữ liệu, các công cụ tạo và xử lý dữ liệu và các công cụ liên lạc trên cùng một nền tảng là một sự thay đổi lớn mà Gen Z tiếp nhận và thành công trong tổ chức cuộc sống của mình.
Cũng vì thế, họ sẵn sàng chủ động kết hợp chính công việc với cuộc sống của mình, biến đó thành một xu hướng. Theo cơ quan nghiên cứu không gian mạng ES.ET, các ứng dụng như WhatsApp hay Tinder nắm bắt rõ xu hướng này, và cho phép các cá nhân sử dụng nền tảng này được tận dụng hồ sơ cá nhân để kết nối với các khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ kinh doanh của mình. Một cuộc khảo sát của Shopify được công bố vào năm ngoái cho thấy, từ tháng 4/2020 đến tháng 7/2021, Tinder đã ghi nhận mức tăng 25% khi đề cập đến trải nghiệm kinh doanh của người dùng, và xu hướng này được 71% người dùng ứng dụng đánh giá cao.
Nhưng trong khi đây có thể được coi là một giải pháp sáng tạo, nó cũng tạo ra những vấn đề không chút khả quan. Việc bị lừa đảo trên WhatsApp có thể dẫn đến sự cố tải các phần mềm độc hại đánh cắp cả tin nhắn cá nhân và công việc. Những kẻ lừa đảo và tội phạm mạng có thể lạm dụng mục đích kết nối và giao dịch thương mại thông qua các ứng dụng trò chuyện, hẹn hò để lấy thông tin một cách dễ dàng. Mới gần đây, Meta đã kỷ luật và sa thải hơn 20 nhân viên vì bị cáo buộc lạm dụng hệ thống nội bộ để chiếm đoạt tài khoản của người dùng.
Không chỉ mạng xã hội hay ứng dụng trò chuyện, ngay cả những nền tảng liên lạc và học tập phổ biến Microsoft Teams cũng đối mặt với lỗ hổng an ninh. Được ra mắt vào năm 2017, Teams hiện là ứng dụng và công cụ liên lạc phổ biến nhất của Microsoft và có tốc độ phát triển nhanh nhất. Số lượng người dùng Teams hàng năm tăng gần gấp đôi từ năm 2020 đến năm 2021 và vào năm 2022, số người dùng lên tới 270 triệu người. Song, vào năm 2021, một lỗ hổng bảo mật đã được phát hiện trong Teams cho phép tội phạm mạng lấy cắp email, tin nhắn Teams cũng như tệp OneDrive và SharePoint.
Gần đây hơn, vào tháng 8/2022, lỗ hổng lưu trữ mã thông báo truy cập của Teams đã giúp tội phạm dễ dàng đánh cắp thông tin cá nhân bằng cách xâm nhập vào chính máy tính nạn nhân. Điều đó có nghĩa rằng: Cuộc sống online của Gen Z đang bị đe dọa từ chính lợi thế của họ. Theo Báo cáo về tình trạng an ninh mạng và rủi ro truy cập từ xa của bên thứ ba năm 2022 của Viện Ponemon, 54% tổ chức đã bị tấn công mạng ít nhất 1 lần trong 12 tháng qua, trong khi 75% số người được hỏi cho biết họ đã đối diện sự gia tăng đáng kể các sự cố bảo mật, thường xuyên nhất do đánh cắp thông tin xác thực, mã độc tống tiền, hoặc bị mất thông tin do mất thiết bị điện tử.
Trong khi những mối đe dọa an ninh mạng đang hiện hữu, thì một cuộc khảo sát mới cho thấy Gen Z lại bất cẩn hơn một cách đáng ngạc nhiên về vấn đề an ninh mạng cá nhân so với các đồng nghiệp thuộc những thế hệ trước đó. Theo khảo sát "Rủi ro con người trong an ninh mạng" năm 2022 của Ernst & Young, 48% nhân viên Gen Z được khảo sát tại Mỹ thú nhận rằng họ thận trọng hơn trong việc bảo mật các thiết bị điện tử của chính họ so với các thiết bị tại công ty; họ cũng thừa nhận đã bỏ qua việc cập nhật công nghệ thông tin hay đảm bảo mật khẩu đủ mạnh cho các tài khoản công việc.
"Nghiên cứu này sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà lãnh đạo an ninh, các nhà quản trị vì phần lớn các sự cố mạng đều bắt nguồn từ một cá nhân đơn lẻ", Tapan Shah, trưởng nhóm An ninh mạng của EY Americas Consulting cho biết. "Các tổ chức cần ngay lập tức tái cấu trúc chiến lược bảo mật của họ với việc coi hành vi của con người là cốt lõi. Rủi ro về con người phải được đặt lên hàng đầu trong chương trình bảo mật, tập trung vào việc hiểu hành vi của nhân viên, sau đó xây dựng hệ thống an ninh mạng chủ động và văn hóa giáo dục, gắn kết và khen thưởng mọi người trong doanh nghiệp".
Thông điệp của EY cũng là thứ mà những người trẻ Gen Z đang đối mặt, khi rủi ro bảo mật về con người là vấn đề lớn với một môi trường làm việc giao thoa.
Giống như sự cân bằng mà Gen Z luôn tìm kiếm, những người trẻ thế hệ này đau đáu mong muốn đạt được "work-life balance" (cân bằng công việc và cuộc sống), một mục tiêu không hề dễ dàng khi họ vừa phải đan cài nhịp sống trực tiếp và trực tuyến của mình. Một thế hệ lãnh đạo tiếp theo đang dần thành hình từ chính những người trẻ Gen Z, trong khi thế giới vận động không ngừng.
Như Politico từng bình luận, nếu như có một thứ mà ai cũng có thể nhìn thấy mỗi ngày thì đó chính là sự thay đổi. Những người trẻ Gen Z bước chân vào 2023 với sự thay đổi đầy thách thức đến từ chính sự hoài nghi trong tương tác thực và những đe dọa từ không gian mạng. Nhưng có sao nào? Bởi Gen Z sẵn sàng đương đầu tất cả.