EURO 2024: nước Đức đối phó những nguy cơ an ninh tiềm ẩn

Thứ Sáu, 28/06/2024, 20:23

Giải vô địch bóng đá châu Âu năm 2024 (EURO 2024)  diễn ra tại Đức từ ngày 14/6 - 14/7/2024. Với một sự kiện lớn như vậy thì vấn đề an ninh luôn được đặt lên hàng đầu, còn người Đức thì luôn cho thấy sự kỹ lưỡng của mình trong công tác chuẩn bị.

Huy động tổng lực đảm bảo an ninh

Để đảm bảo an ninh cho EURO 2024, Chính phủ Đức đã huy động tất cả các cơ quan an ninh của mình bao gồm Cảnh sát Liên bang (Bundespolizei), Cảnh sát bang (Landespolizei), và các cơ quan an ninh tư nhân. Bên cạnh đó, Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp Liên bang (Bundesamt für Verfassungsschutz) và các cơ quan tình báo cũng sẽ tham gia để đánh giá và quản lý các mối đe dọa tiềm ẩn. Để đảm bảo hiệu quả, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan này là điều tối quan trọng. Các cuộc họp thường xuyên giữa đại diện của các cơ quan này đã được tổ chức để đảm bảo một kế hoạch an ninh thống nhất và hiệu quả.

__c dang n_ l_c t_ ch_c th_nh c_ng euro2024.jpg -0
Đức đang nỗ lực tổ chức thành công EURO 2024

Đức cũng hợp tác với các lực lượng an ninh của các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế như Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), Cảnh sát châu Âu (Europol) để trao đổi thông tin và hỗ trợ lẫn nhau trong các tình huống khẩn cấp. Những mối quan hệ hợp tác được chú ý là với cảnh sát Anh và Ý, nơi có những nhóm cổ động viên quá khích thường xuyên gây lên những vụ lộn xộn tại các sự kiện tương tự trong quá khứ. Trong một động thái chưa từng có, Đức đã mời 300 chuyên gia an ninh từ tất cả các quốc gia có đội tuyển tranh tài tại EURO 2024 tham gia giám sát tại Trung tâm Hợp tác Cảnh sát Quốc tế (IPCC) đặt ở thành phố Neuss.

Để thực hiện các biện pháp bảo vệ cho khoảng 15 triệu người đến nước Đức theo dõi sự kiện trong thời gian này, nước chủ nhà sẵn sàng chi ra số tiền không nhỏ. Theo báo cáo từ Ban tổ chức, Đức đã chi khoảng 200 triệu euro cho công tác an ninh cho EURO 2024. Số tiền này được dùng để huy động lực lượng, trang thiết bị triển khai các biện pháp an ninh tại các sân vận động, khu vực công cộng, và để nâng cao an ninh mạng.

Bộ Nội vụ Đức cho biết, sẽ triển khai khoảng 50.000 nhân sự bao gồm cảnh sát, nhân viên an ninh tư nhân, và tình nguyện viên để đảm bảo an ninh cho EURO 2024. Đây là lực lượng an ninh lớn nhất mà nước Đức từng huy động cho một sự kiện thể thao. Sự hiện diện của lực lượng an ninh đông đảo sẽ giúp ngăn chặn các hành vi phạm pháp và tạo cảm giác an toàn cho cổ động viên. Một lượng lớn camera giám sát sẽ được lắp đặt mới tại các sân vận động và khu vực công cộng trên khắp nước Đức. Ngoài ra, lực lượng an ninh Đức cũng sử dụng máy bay điều khiển từ xa để thực hiện giám sát từ trên cao và các thiết bị soi chiếu đời mới tại các điểm kiểm tra an ninh gần nơi diễn ra các sự kiện.

An ninh 3 lớp tại các sân vận động

An ninh tại sân vận động, nơi trực tiếp diễn ra các trận bóng được đặc biệt chú ý với các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt. Lực lượng an ninh Đức đã thiết lập ba lớp kiểm tra xung quanh mỗi sân vận động. Ô tô sẽ được kiểm tra tại hàng rào đầu tiên, trong khi túi xách và tư trang của người hâm mộ sẽ được quét ở rào chắn thứ hai trước khi khâu soát vé diễn ra ở cửa cuối cùng. Hơn 2.000 camera giám sát được lắp đặt tại các sân vận động để theo dõi và phát hiện kịp thời các hành vi khả nghi. Các đội phản ứng nhanh được triển khai tại mỗi sân vận động để ứng phó với mọi tình huống khẩn cấp bao gồm cả cảnh sát vũ trang. Khoảng 800 - 1.300 cảnh sát sẽ được triển khai xung quanh các sân vận động trong mỗi trận đấu, tùy thuộc vào các đội thi đấu.

Tại các khu vực công cộng như khu vực dành cho cổ động viên thưởng thức bóng đá (Fanzone), các trung tâm giao thông và các điểm du lịch đều được tăng cường bảo vệ. Theo tiến sĩ Johannes Saal, chuyên gia an ninh của Chính phủ Đức thì "những mục tiêu mềm này dễ bị tổn thương hơn, do các đối tượng xấu dễ dàng xâm nhập và hành động hơn". Lực lượng cảnh sát sẽ luôn có mặt để đảm bảo an ninh và trật tự. Hệ thống giám sát điện tử sẽ được triển khai để ngăn chặn các hành vi gây rối.

Một điểm mới trong kỳ EURO năm nay là việc nước chủ nhà tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh mạng. Lực lượng an ninh Đức đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ hệ thống thông tin của ban tổ chức và ngăn chặn các cuộc tấn công mạng, bao gồm cả việc chống lại thông tin giả mạo và tin tặc. Ghi nhận từ các tổ chức bảo mật quốc tế cho thấy trong những sự kiện thể thao lớn gần đây như Olympic mùa đông 2018 hay World Cup 2022, đã có những cuộc tấn công quy mô lớn nhằm thâm nhập vào hệ thống của ban tổ chức giải đấu. Lừa đảo bán vé cũng là một vấn đề được chú ý khi nhu cầu xem bóng đá tại Đức luôn là rất lớn.

EURO 2024: nước Đức đối phó những nguy cơ an ninh tiềm ẩn -0
Cảnh sát Đức được huy động tối đa cho EURO 2024.

Một trong những mối lo đối với EURO 2024 là nguy cơ khủng bố. Các sự kiện thể thao lớn thường là mục tiêu hấp dẫn cho các nhóm khủng bố do sự hiện diện của nhiều người và sự chú ý của truyền thông quốc tế. Ngày 7/5/2024, kênh tin tức Khorasan, được biết đến là ủng hộ Nhà nước Hồi giáo (IS) đã kêu gọi tấn công vào EURO 2024, bao gồm cả các địa điểm không xác định ở Berlin, Munich và Dortmund. Để đối phó với nguy cơ này, các cơ quan an ninh Đức đã tăng cường các biện pháp tình báo, kiểm tra an ninh và tuần tra để phát hiện và ngăn chặn các âm mưu khủng bố từ sớm. Dù không đưa ra cảnh báo khủng bố nhưng chính phủ Đức rất quan tâm tới vấn đề này. Từ cuối tháng 3/2024, sau vụ khủng bố ở nhà ga Moscow, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser đã đưa ra thông báo sẽ tăng cường kiểm soát biên giới và vẫn duy trì cho đến hết EURO 2024.

Bạo lực từ cổ động viên quá khích (còn gọi là hooligan) là một mối lo ngại thường xuyên tại các sự kiện thể thao. Để đối phó với vấn đề này, Đức đã triển khai các đội cảnh sát đặc nhiệm chuyên xử lý bạo lực, thiết lập các khu vực an ninh đặc biệt tại các sân vận động và khu vực công cộng để kiểm soát đám đông. Để đảm bảo an toàn trong trường hợp cần sơ tán khẩn cấp, Đức đã thiết lập các lộ trình sơ tán rõ ràng và có sự hướng dẫn từ lực lượng an ninh. Các cuộc diễn tập sơ tán cũng đã được tổ chức tại tất cả các địa điểm từ tháng 3/2024 để đảm bảo các lực lượng tham gia sự kiện đều biết cách hành động trong tình huống khẩn cấp. Sự phối hợp với các lực lượng các nước đã lên một danh sách hơn 2.000 hooligan bị cấm đến Đức trong mùa hè này.

Ngoài các nguy cơ chính trên, những nguy cơ an ninh khác được nhận định là vấn đề tội phạm thông thường gia tăng; sức khỏe cộng đồng do các hoạt động tập trung đông người giữa mùa hè nắng nóng; các bất ổn xã hội như biểu tình, đình công; vấn đề cơ sở hạ tầng quá tải hay thậm chí là thiên tai cũng đều đã được tính đến. Một chiến dịch nâng cao nhận thức đã được triển khai để thông báo cho người dân và du khách về các biện pháp an ninh và cách hành động trong các tình huống khẩn cấp. Những thông tin này được truyền tải qua nhiều kênh thông tin như truyền hình, radio, và mạng xã hội.

Các kênh liên lạc trong tình huống khẩn cấp như đường dây nóng và các ứng dụng di động đã được thiết lập để cung cấp thông tin nhanh chóng và chính xác cho người dân và du khách trong trường hợp cần thiết. Mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc cập nhật thông tin và tương tác với công chúng. Lực lượng an ninh sử dụng mạng xã hội để cảnh báo về các mối đe dọa tiềm tàng, hướng dẫn an ninh và giải đáp các thắc mắc của công chúng.

Đúng như tuyên bố của Giám đốc giải đấu, cựu danh thủ Philipp Lahm vào thời điểm ngay trước ngày khai mạc: "Ngay từ đầu, an ninh đã là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi". Với các biện pháp an ninh toàn diện và chi tiết, Đức hy vọng EURO 2024 sẽ diễn ra an toàn và thành công. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan an ninh, sử dụng công nghệ hiện đại và sự tham gia của công chúng sẽ là những yếu tố then chốt để đảm bảo an toàn cho giải đấu. Qua đó, nước Đức đã cho thấy quyết tâm đảm bảo một kỳ EURO 2024 thành công như một cách để lấy lại hình ảnh của mình sau một giai đoạn khó khăn vừa qua.

Tử Uyên
.
.