Đừng sợ bị chê “lạc hậu”!

Thứ Sáu, 07/10/2022, 11:00

Làm gì để thoát khỏi hội chứng FOMO (Fear of Missing Out), tức là hội chứng SỢ BỊ BỎ LỠ vốn là một tâm lý phổ biến của người tham gia mạng xã hội hiện nay?

Đấy là câu hỏi tôi nhận được của một em học sinh lớp 12, trong một buổi giao lưu ở một nhà trường phổ thông tại Hà Nội gần đây. Hay! Tôi cho rằng câu hỏi hay, thực tế, và trúng vấn đề. Nó làm tôi chợt nhớ lại một thống kê ở Australia cách đây vài năm: 24% số lượng các bạn trẻ tham gia thống kê cho biết mình online gần như liên tục và theo báo chí Australia, con số này ngày càng tăng cao.

100503359_2946696745398928_386859356596994048_n.jpg -0

Vẫn từ những cuộc khảo sát tại Australia, khoảng 60% thanh thiếu niên cảm thấy lo lắng khi bạn bè vui vẻ mà họ không được biết những thông tin đó và khoảng 51% cho biết họ sẽ lo lắng nếu không biết bạn của mình đang làm gì. Vào năm 1996, Tiến sĩ Dan Hernan (Israel), một chuyên gia marketing nổi tiếng  đã thực hiện một nghiên cứu về thói quen mua sắm của các khách hàng, và kết luận: nhiều khách hàng không trung thành với bất kỳ thương hiệu nào.

Họ thường xuyên mua các sản phẩm mới từ những thương hiệu mới vì… sợ bị bỏ lỡ. Theo ông, đó chính là biểu hiện FOMO trong thói quen mua sắm. Cũng như thế, người ta có thể dễ dàng bắt gặp hiện tượng FOMO trong đầu tư tài chính, đầu tư bất động sản, đầu tư chứng khoán.

Tôi không biết ở Việt Nam đã có những nghiên cứu/ thống kê tương tự hay chưa, nhưng nhìn cái cách mà những người trẻ bám vào mạng, không ngừng “bắt trend” (xu thế) trên mạng, tham gia những cuộc thảo luận liên tu bất tận trên mạng, từ việc một cô ca sĩ ở Hàn Quốc tự tử, đến việc hãng Apple vừa ra mẫu điện thoại mới…, hẳn sẽ có cảm giác hội chứng FOMO không xa lạ ở xứ sở mình. Sau cuộc giao lưu với nhà trường phổ thông nói trên, tôi đã gặp riêng em học sinh đặt câu hỏi cho mình, và theo lời tâm sự rất thật của em thì rất nhiều bạn bè xung quanh em rơi vào “cạm bẫy FOMO”. Các em sợ mình không biết những điều mà bạn bè mình đang biết. Sợ không nắm bắt được những thứ bạn bè mình đang nắm bắt. Sợ không sở hữu được những thứ bạn bè mình đang sở hữu.

Thực tế, đây là một đặc thù tâm lý dễ hiểu ở lứa tuổi các bạn trẻ. Hãy nhớ lại mà xem, khi chúng ta học trường tiểu học, rồi trường phổ thông, chính chúng ta cũng có những nỗi sợ y nguyên như vậy. Thấy bạn bè mình có một cái bút đẹp, có một cái bình nước đẹp, có một bộ quần áo đẹp, chúng ta cũng sợ rằng mình sẽ không bao giờ có được những thứ như thế. Nhưng vì thời đại của chúng ta khi ấy chưa có Internet, chưa có mạng xã hội, nên FOMO của chúng ta bị giới hạn. Còn hiện tại, với những “công cụ tương tác thần thánh” như Facebook, sự phát triển, bùng nổ của FOMO là đương nhiên. 

Nhưng nhìn rộng ra thì đây cũng chẳng phải câu chuyện riêng của những người trẻ. Theo quan sát của tôi, ngay cả nhiều người trưởng thành cũng không tránh khỏi cạm bẫy FOMO. Không tin, bạn cứ thử lướt một vòng facebook mà xem. Bạn sẽ thấy  không ít người mà bất luận cái gì họ cũng phải cố biết, cố nói, cố tham gia, cố lên tiếng…, dù đấy có thể cũng chẳng phải sở trường, hoặc đối tượng quan tâm của họ. Sở trường của họ là kinh doanh, mối quan tâm của họ là giải trí, nhưng khi bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra, họ cũng phải cố viết một cái gì đó. Về mặt nguyên tắc, đấy hoàn toàn là quyền cá nhân của họ. Nhưng về mặt tâm lý, họ viết về cuộc bầu cử tổng thống đơn giản vì họ thấy những bạn bè Facebook cũng đang rôm rả viết. Nếu không viết, họ sợ “bị bỏ lỡ trend”, sợ bị chê là không bắt kịp thời đại. Ngay cả trong cách sống cũng vậy, họ có xu thế phải cố sở hữu bằng được những thứ bạn bè xung quanh đang sở hữu. Phải đi vay đi mượn để mà sở hữu. Thậm chí, có những người phải cố tìm kiếm một cuộc hẹn hò mới vì họ thấy bạn bè xung quanh của mình cũng đang…  hẹn hò.

Ham muốn “được biết” và ham muốn “được có” là những ham muốn rất con người, và chính đáng - nếu những ham muốn ấy không phạm pháp. Nhưng muốn có, muốn biết để làm gì? Đấy lại là một câu hỏi đáng để mỗi người mổ xẻ hơn. “Muốn có”, “muốn biết” để thỏa mãn những đòi hỏi thực sự của mình, đến từ những thôi thúc bên trong mình và “muốn có”, “muốn biết” vì “sợ bị bỏ lỡ”, “sợ bị chê là lạc hậu”, sợ bị người khác coi thường là hai chuyện rất khác nhau. Nếu không minh định hai cái này, rất có thể chúng ta sẽ hồn nhiên rơi vào cạm bẫy FOMO. Và từ cạm bẫy FOMO, có thể chúng ta cứ liên tiếp chạy theo những giá trị ảo, để rồi khi giá trị ảo sụp đổ, bi kịch sẽ nảy sinh.

Đừng sợ bị chê “lạc hậu”! -0

Câu hỏi đặt ra: Thoát khỏi cạm bẫy FOMO cách nào?

Trong phần trả lời em học sinh lớp 12 nói trên, ngoại trừ những khuyến nghị mang tính nguyên tắc như “phải qui hoạch thời gian sử dụng mạng xã hội hợp lý”, “phải hiểu rõ bản chất của mạng xã hội là ảo”,  “phải tham gia cuộc chơi mạng xã hội một cách thông minh”…, tôi đặc biệt nhấn mạnh đến tâm lý: Đừng sợ mình bị người khác chê “lạc hậu”!

Tôi không biết lái ô tô, đó là sự thực. Rất nhiều bạn bè xung quanh tôi đi ô tô, trong đó rất nhiều ô tô xịn. Nhưng tôi thấy tất cả những người bạn này đều rất tôn trọng tôi. Tôi mù tịt về công nghệ, đấy cũng là một sự thực. Nhưng tôi lại quen những người bạn giỏi về công nghệ. Khi họ cùng nói chuyện về công nghệ với nhau, tôi chỉ ngồi im, không hé răng tham gia nửa lời, nhưng những người bạn này vẫn rất tôn trọng tôi. Tôi rất kém về thời trang, coi việc đi mua quần áo là hành xác. Tất cả các loại quần áo tôi mặc trong 15 năm trở lại đây gần như đều do người khác mua. Ấy thế mà tôi lại hay cà phê với một số nhà thiết kế thời trang, và thi thoảng họ hay trêu tôi “cậu ăn mặc chán thế”, tôi trêu lại “còn câụ suy nghĩ chán thế”, rồi tất cả cùng cười. Nhưng ai cũng biết chỉ là trêu vui, còn trên thực tế, tất cả đều rất tôn trọng nhau.

Tóm lại, không vì tôi kém thời trang, kém công nghệ mà những bạn bè trong lĩnh vực thời trang - công nghệ lại kém tôn trọng tôi. Ngược lại, không ít người trong số ấy kém về văn chương, tâm lý học – những mảng tôi tìm hiểu chuyên sâu…, nhưng cũng không về thế mà tôi không tôn trọng họ. Chúng tôi là bạn bè lâu năm, cùng sống, chia sẻ, bổ khuyết cho nhau. Và chúng tôi đều hiểu không ai có thể biết và giỏi được tất tần tật mọi thứ trên đời.

Vậy thì tại sao phải FOMO nhỉ? Với những bạn trẻ cấp 2, cấp 3, FOMO chỉ là một hiệu ứng tâm lý, hoàn toàn có thể nhận diện và thay đổi. Với người trưởng thành, FOMO là một biểu hiện yếu đuối về năng lực và bản lĩnh. Và càng FOMO, họ sẽ càng yếu đuối thêm.

Tất nhiên, không có gì là tuyệt đối. Quả đúng là có những người mà khi ta không biết hoặc không có những cái họ cho là quan trọng thì hoặc họ sẽ coi thường, hoặc sẽ không chịu hợp tác với ta. Nhưng chúng ta cũng có quyền chọn lựa của mình cơ mà.  Hơn 10 năm trước, tôi và một bạn nọ cùng muốn có con với nhau, nhưng bạn ấy đề nghị, muốn thế phải mua cho 2 mẹ con 1 cái ô tô. Không phải vì bạn ấy thích ô tô, mà vì theo bạn ấy, nó tốt cho việc phục vụ, chăm nuôi em bé. Tôi rất tôn trọng quan điểm của bạn ấy, nhưng tôi lại không cùng quan điểm, nên đã sử dụng quyền lựa chọn của mình một cách rất văn minh. Và bây giờ nhìn lại, thấy quyết định “stop” lúc đó là cực kỳ chính xác.

Đừng bị FOMO đưa vào cạm bẫy. Đừng bị FOMO dẫn dụ vào những tiêu chí ảo. Và bất luận ai đó vì FOMO mà coi bạn là “lạc hậu” thì bạn hãy cứ tạo dựng giá trị riêng trong vùng “lạc hậu” ấy.

Suy cho cùng vẫn phải có một giá trị riêng.

Nếu không, chắc chắn FOMO sẽ dắt bạn đi như dắt một chú cừu bé bỏng!

Vương Trọng Tín
.
.