Đôi mắt của mẹ

Chủ Nhật, 21/05/2023, 10:55

Những ngày đầu tháng 5, thành phố vẫn chưa vào mùa mưa, cái nóng vẫn hầm hập khiến con người ta nhiều khi bực bội vô cớ. Nhưng tất cả những oi bức đã tan ngay khi dòng ký ức mạng trên trang cá nhân của tôi dừng lại ở tấm ảnh được tôi đăng tải hồi 2015. Đó là một bức ảnh chụp vội, bằng iPhone, ở đại lộ Avenue de la Grande Armee, gần Arc de Triomphe (Khải hoàn môn), Paris nhưng cũng là số ít bức ảnh tôi ưng ý nhất.

Tôi chụp nó vào tháng 9/2014, trong chuyến đi chơi Paris - Berlin - Prague. Trong bức ảnh ấy, dưới cái bốt điện thoại công cộng cũ rích chằng chịt những dòng chữ viết lăng nhăng, hai mẹ con người Syria ôm lấy nhau như quên đi hết sự đời. Người mẹ cúi xuống nhìn đứa con trai đang nằm dựa lên đùi mình, tay bà vẫn cầm chiếc cốc giấy để xin tiền khách bộ hành đi ngang. Đôi mắt bà trìu mến, ấm áp lạ thường. Và bà nhoẻn một nụ cười rạng rỡ với cậu con trai tinh nghịch của mình. Nhìn vào họ, tôi thấy yên bình dù cho hoàn cảnh của họ rõ ràng là khốn khó.

1.jpg -0
Tượng đài Mẹ Suốt bên bờ sông Nhật Lệ, Quảng Bình

Tôi đăng tải tấm ảnh ấy vào tháng 5/2015 có lẽ vì lúc đó tôi chưa quên nỗi ám ảnh của vụ tấn công vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo cách đó mấy tháng. Những thân phận nhập cư vào xã hội châu Âu thật khác. Có những người sống đời sống bình thường, vất vả ở những khu ngoại ô; có những người may mắn được số phận ưu đãi và trở thành ngôi sao thể thao, giải trí; có những người xin ăn lề đường, thậm chí trộm cắp vặt và bị khinh bỉ như thể họ là ký sinh trùng trong xã hội; và cũng có số ít những người đi theo tiếng gọi của chủ nghĩa khủng bố sau nhiều tháng ngày sống trong mặc cảm mình ở ngoài lề xã hội. Nhiều cách nhìn về họ, và có những cách nhìn cũng trở nên cực đoan hơn sau sự kiện Charlie Hebdo, đặc biệt là sự kiện vụ đánh bom rồi tấn công nhà hát Bataclan vào tháng 11/2015. Những đổ lỗi dồn về phía những người nhập cư, như hai mẹ con trong bức ảnh kia, mà quên mất rằng thực ra chẳng ai muốn rời bỏ xứ sở của họ cả. Họ bị buộc phải ly hương bởi ở đó đang có chiến tranh, thứ mà một phần không nhỏ được tạo ra bởi chính những quốc gia phương Tây giàu có.

Ấy là chuyện của những 8 năm về trước. Paris hôm nay cũng đang ngập trong hỗn loạn của những đình công, biểu tình dẫn tới bạo động. Hai mẹ con người Syria kia giờ đang ở đâu? Tôi tự hỏi mình. Cậu bé năm nào giờ này đã là một thanh niên rồi. Cậu và mẹ cậu đã có quốc tịch Pháp chưa, có việc làm gì chưa hay lại lưu lạc sang một phương trời khác? Nhưng tôi vẫn bị cuốn vào đôi mắt của người mẹ trong bức ảnh chụp vào năm 2014 ấy, một đôi mắt hiền từ. Bước ra đời sống, người ta có thể là bất kỳ con người như thế nào; nhưng chắc chắn, khi trở về với vị thế và thiên chức người mẹ, đôi mắt sẽ luôn trìu mến. Bước ra đời sống, người ta có thể gặp muôn vàn khó khăn, trắc trở mà nhiều khi có thể khiến người ta ước mình chưa bao giờ được sinh ra; nhưng chắc chắn, khi về với mẹ, nhìn vào đôi mắt trìu mến của mẹ, con người ta sẽ mềm dịu lại đến vô cùng, thanh thản đến vô cùng.

Vì ở đó, có niềm an ủi.

Và mỗi chúng ta, ai cũng đều có một đôi mắt của mẹ để nhớ về, để tìm về.

Viết xong câu kể trên, tự dưng tôi nhận thấy mình sai vì cái trò tuyệt đối hóa mọi thứ bằng câu chữ. Có những người không thể tìm về được với đôi mắt của mẹ. Họ đã không thể đi trọn đời sống mình qua tuổi thanh xuân khi tổ quốc gọi. Họ nằm đó, trong những nghĩa trang liệt sĩ từ Bắc chí Nam. Thậm chí, có những người còn thất lạc di hài do đạn bom cày xới, giống như một video ngắn tôi xem cảnh một cựu binh già khóc nấc lên gọi tên đồng đội ở chiến trường Campuchia sau khi nhóm của ông thất bại trong chuyến đi tìm hài cốt người đồng đội ấy. Những người mẹ của họ, đôi mắt vẫn còn trìu mến đó, nhưng đã không còn những đứa con để tìm về và nhận lấy ấm áp trong tình thương của mẹ.

Đôi mắt của mẹ -0
Hai mẹ con người Syria ở Đại lộ Avenue de la Grande Armee, Paris, Pháp

Có những người mẹ đã mất đi trước khi con mình kịp tìm về, nhất là ở trong giai đoạn đất nước còn trong khói lửa. Điển hình là mẹ Suốt, người mẹ liệt sĩ anh hùng. Các con của mẹ Suốt đâu còn được nhận ánh mắt trìu mến khi hòa bình đã lập lại. Và những người mẹ đã mất đi khi đất nước chưa đón hòa bình như mẹ Suốt ở dải đất chữ S này chắc chắn rất nhiều. Thế hệ những người sinh ra trong hòa bình hôm nay không biết họ có thấu hiểu.

Nhưng có vài người sinh ra trong hòa bình sau này lại ưa phán xét lịch sử vô cùng. Họ vô tình quên mất rằng để họ vẫn còn ánh mắt trìu mến của mẹ mà nhớ, mà tìm về, đã có quá nhiều người chỉ còn biết đến khoảnh khắc ấm áp mẹ và con nhờ vào ký ức mỏng manh mà thôi. Và một trong những kiểu lên án, phán xét chính là chuyện đả kích việc xây dựng tượng đài. Đúng, đã có rất nhiều lãng phí trong việc xây dựng tượng đài ở nơi này nơi kia nhưng không phải 100% việc xây dựng tượng đài là không đáng. Vẫn cần phải có những tượng đài được xây lên. Điều quan trọng nhất là tượng đài ấy mang ý nghĩa nào, mang lại lợi ích xã hội nào và được thiết kế với hình mẫu ra sao. Cái tính cực đoan, vơ đũa cả nắm cho rằng tất cả các tượng đài đều là lãng phí mới chính là thứ cần được xóa bỏ. Thay vào đó, cần hơn cả là những đóng góp mang tính thiết thực, giàu nội dung xây dựng hướng tới lợi ích chung nhất của cộng đồng.

Năm nay là tròn 20 năm tượng đài Mẹ Suốt được khánh thành ở Quảng Bình. Ít ai biết được chính tượng đài ấy lại là nơi du khách thường xuyên tìm đến “check-in” mỗi khi họ đặt chân về quê hương miền Trung khói lửa năm nào. Chính tượng đài Mẹ Suốt đã tạo ra một điểm nhấn văn hóa, một niềm tự hào của người Quảng Bình. Quảng trường quanh đó cũng là nơi người Quảng Bình, nhất là những người trẻ, tìm về mỗi chiều hôm, nhất là những buổi cuối tuần. Nếu không xây dựng một tượng đài Mẹ Suốt như thế, tôi tin Quảng Bình sẽ buồn hơn rất nhiều.

Thật ra, tượng đài là thứ mỗi địa phương nên có. Nó chính là điểm nhấn điêu khắc, kiến trúc mang tính biểu tượng cho địa phương ấy. Cái quan trọng là hình hài, quy hoạch và ý nghĩa văn hóa của tượng đài ra sao mà thôi. Chúng ta nên chống lại việc lợi dụng xây dựng tượng đài để tư túi, để tham nhũng chứ đừng nên cực đoan đến mức chống lại việc xây dựng tượng đài. Một tượng đài đẹp, đủ mang tính biểu tượng cho địa phương thậm chí hoàn toàn có thể góp một phần cho việc kích thích du lịch, dẫn tới kích thích doanh thu cho địa phương đó. Thế thì chúng ta nên có thái độ rõ ràng để lựa chọn thái độ “đấu tranh chống việc xây các tượng đài xấu xí, vô nghĩa, vô ích” thay vì “chống lại hoàn toàn việc xây các tượng đài”.

Nói chuyện tượng đài có lẽ thế cũng đã đủ. Chỉ biết, gần như ở mỗi quốc gia đều có ít nhất một tượng đài tụng ca người mẹ. Đơn giản, dù sắc tộc nào, dù tôn giáo nào, dù ngôn ngữ nào đi nữa thì chỉ có một ngôn ngữ chung mà tất cả loài người cùng hiểu như nhau. Ấy chính là cái trìu mến dạt dào trong ánh nhìn của mẹ…

Văn Đoàn
.
.