Điền kinh Việt Nam vượt khó sau kỳ tích

Thứ Sáu, 15/09/2023, 11:51

Tại ASIAD 19, điền kinh Việt Nam sẽ cử 12 VĐV tham dự. Việc lập lại kỳ tích giành 2 HCV ở kỳ Á vận hội trước đó gần như là viễn cảnh bất khả thi, nhưng đó cũng là động lực để các VĐV điền kinh Việt Nam bước ra thế giới, đồng thời tranh chấp ngôi đầu với những đối thủ sừng sỏ tại châu Á.

Ký ức vàng

Được ví như môn thể thao nữ hoàng tại các kỳ đại hội, điền kinh không chỉ sở hữu số nội dung thi đấu đồ sộ nhất. Nhiều nhà quản lý từng khẳng định tầm vóc nền thể thao một quốc gia được thể hiện ở việc họ đào tạo được bao nhiêu VĐV điền kinh đẳng cấp quốc tế, giành được bao nhiêu HCV ở những kỳ đại hội lớn.

anh1.jpg -0
Bùi Thị Thu Thảo là vận động viên điền kinh Việt Nam đầu tiên giành HCV ASIAD

Với thể thao Việt Nam, thành tích của các VĐV điền kinh tại đấu trường quốc tế trước năm 2000 là một khoảng trống mênh mông. Phải đến khi VĐV nhảy cao Bùi Thị Nhung giành HCV châu Á, môn điền kinh mới dần được quan tâm hơn. Dù vậy, đến ASIAD 15 (2006) tại Qatar, điền kinh Việt Nam vẫn chưa có huy chương nào.

Nỗ lực không ngừng trên đường vươn ra thế giới của điền kinh Việt Nam được đền đáp tại Á vận hội Quảng Châu 2010. Các VĐV Việt Nam giành được không chỉ 1, mà tới 5 huy chương các loại (3 bạc, 2 đồng). Trương Thanh Hằng có thời điểm đã đến rất gần tấm HCV ASIAD, nhưng phải 8 năm sau, các đàn em mới giúp cô làm được điều đó.

Năm 2014, Bùi Thị Thu Thảo mất HCV ASIAD vào tay Maria Natalia Londa, VĐV nhảy xa người Indonesia trong vòng chưa đầy 5 phút. Trước lượt nhảy cuối cùng, Thu Thảo tạm dẫn đầu với thành tích 6,44m, tốt hơn Londa 4cm. Nhưng ở lần nhảy quyết định, kỳ tích đã đến với Londa. Cô đạt thành tích 6,55m, đẩy Thu Thảo xuống thứ nhì.

May mắn không mỉm cười với Thu Thảo trên đất Hàn Quốc. Nhưng 4 năm sau, vị trí của cô và Londa đã đổi chỗ cho nhau. VĐV Indonesia chạy đua với thời gian để hồi phục chấn thương nhằm tranh tài ở kỳ ASIAD diễn ra trên sân nhà, nhưng cô đã không thành công. Lần này, Londa chỉ đứng thức 5 với thành tích 6,45m.

Về phần Thu Thảo, VĐV Việt Nam thực hiện một cú nhảy hoàn hảo, đạt kết quả 6,55m ngay lần nhảy đầu tiên. Kết quả này giúp nữ VĐV sinh năm 1992 đổi màu thành công tấm huy chương Á vận hội. Đây cũng là lần đầu tiên điền kinh Việt Nam bước lên ngôi vị cao nhất tại một kỳ ASIAD. Kỳ tích tiếp tục đến ngay cả khi Á vận hội đã khép lại.

Cũng trong ngày Thu Thảo giành HCV nhảy xa, Quách Thị Lan bước vào chung kết nội dung chạy 400m rào. Cô về thứ nhì, chỉ sau Kemi Adekoya, VĐV người Bahrain gốc Nigeria. 6 tháng sau khi Á vận hội kết thúc, Kemi Adekoya bị phát hiện sử dụng chất cấm. Cô bị tước toàn bộ danh hiệu nhận được tại ASIAD. Vì lý do đó, Quách Thị Lan được đôn lên giành HCV.

Bên cạnh 2 tấm HCV, điền kinh Việt Nam còn giành thêm 3 HCĐ ở các nội dung nhảy 3 bước, chạy 3.000m vượt chướng ngại vật và chạy tiếp sức 4x400m. Toàn bộ 5 huy chương điền kinh ở ASIAD 18 đều do các VĐV nữ mang lại. Họ là chứng nhân lịch sử của một kỳ Á vận hội đại thành công với thể thao Việt Nam, cũng như bộ môn điền kinh.

Hiện tại khó khăn

Ngay cả những người mơ mộng nhất cũng không tin vào viễn cảnh điền kinh Việt Nam tiếp tục giành 2 HCV ở ASIAD tới. Thứ nhất, kỳ tích và may mắn hiếm khi nào lặp lại liên tục ở cùng một giải đấu. Thứ hai, điền kinh Việt Nam chưa có VĐV nào thực sự đủ khả năng thống trị sân chơi châu lục.

Điền kinh Việt Nam vượt khó sau kỳ tích -0
Quách Thị Lan được đôn lên giành HCV đúng một năm sau khi ASIAD 18 khép lại

Vì lý do đó, trong danh sách dự kiến ban đầu về khả năng cạnh tranh huy chương ASIAD của các môn thể thao, đội tuyển điền kinh Việt Nam không đăng ký chỉ tiêu HCV. Việc đặt một mục tiêu không khả thi có thể khiến VĐV chịu áp lực khi thi đấu, dẫn đến thành tích không như ý muốn. Đây là viễn cảnh không ai muốn xảy ra.

Theo danh sách đoàn thể thao Việt Nam dự ASIAD 19, đội tuyển điền kinh sẽ tham dự với 12 VĐV. Bùi Thị Thu Thảo tiếp tục góp mặt, nhưng khả năng cô tranh chấp HCV không còn nhiều nữa. Thành tích nhảy xa của Thu Thảo thời gian gần đây xoay quanh mức 6,25-6,3m, và chừng đó không đủ để cô lọt vào nhóm tranh chấp huy chương.

Bên cạnh Thu Thảo, Quách Thị Lan sẽ không tham gia thi đấu do phải chịu án phạt vì sử dụng doping tại SEA Games 31. Nguyễn Thị Oanh là tâm điểm chú ý ở các kỳ SEA Games, nhưng khi bước ra sân chơi ASIAD, cô chỉ có thể cạnh tranh HCĐ. Những nội dung Oanh "Ỉn" thi đấu có quá nhiều VĐV mạnh của Bahrain và Nhật Bản.

Để tối ưu hóa khả năng cạnh tranh huy chương, Nguyễn Thị Oanh nhiều khả năng sẽ đăng ký thi đấu 2 nội dung chạy 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật. Thành tích cá nhân của Oanh tại hai nội dung này hiện kém khá nhiều so với mức cạnh tranh HCV, khoảng 7-10 giây. Việc giành được dù chỉ 1 HCĐ cũng là thành công với Oanh.

Trên thực tế, người có triển vọng cạnh tranh vị trí cao nhất cho điền kinh Việt Nam ở sân chơi châu Á lúc này là Nguyễn Thị Huyền. Cũng bước sang tuổi "băm" như Thu Thảo, nhưng Nguyễn Thị Huyền vẫn đang ở đỉnh cao phong độ. Điều khó khăn lớn nhất với VĐV người Nam Định là cô phải phân phối sức ở 3 nội dung tranh huy chương.

Những nội dung Nguyễn Thị Huyền có thể góp mặt tại ASIAD 19 là chạy 400m nữ, 400m rào nữ và 4x400m tiếp sức đồng đội nữ. Trong đó, nội dung đồng đội với tổ chạy gồm Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Ngọc và Hoàng Thị Ánh Thục được kỳ vọng có thể mang về HCV. Họ là những người lên ngôi ở giải vô địch châu Á vừa qua.

Những điểm sáng

Tại Việt Nam, nhiều môn thể thao từng đạt thành tích tốt trong một vài giải đấu lớn, rồi sau đó im hơi lặng tiếng. Nguyên nhân bởi thành tích đó mang dấu ấn của một vài cá nhân riêng lẻ. Hiện tượng thiếu lứa VĐV tài năng kế cận là điều có thể thấy ở khá nhiều nơi, nhưng điền kinh nằm ngoài quy luật đó.

Từ một môn được ví như vùng trắng trên đấu trường châu lục của thể thao Việt Nam, điền kinh liên tiếp đào tạo ra những thế hệ VĐV tài năng. Họ không chỉ thống trị đấu trường SEA Games, mà còn vươn đến đẳng cấp châu Á, đồng thời giành vé tham dự Olympic với chuẩn thành tích rất cao. Những tấm huy chương liên tiếp tại ASIAD cho thấy điều đó.

Sau thế hệ của Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương, Vũ Văn Huyện, điền kinh Việt Nam có Bùi Thị Thu Thảo, Quách Thị Lan vươn đến đẳng cấp quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thị Oanh trở thành những niềm hy vọng hàng đầu. Bên cạnh các đàn anh, đàn chị, đội tuyển điền kinh Việt Nam còn có một gương mặt trẻ chuẩn bị có lần đầu dự ASIAD là Trần Thị Nhi Yến.

Được ví như nữ hoàng điền kinh mới của thể thao Việt Nam, Nhi Yến giành HCV Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022 khi mới 17 tuổi. Tại SEA Games 32 vừa qua, cô gái quê Long An giành 1 HCB, 1 HCĐ ở các nội dung chạy nước rút. Đáng chú ý hơn, thành tích cá nhân của Nhi Yến ngày một tiến bộ theo thời gian.

Ở tuổi 18, Nhi Yến đang tiến vững chắc trên con đường của các đàn chị Vũ Thị Hương và Lê Tú Chinh. Câu chuyện "tre già măng mọc" về lứa VĐV Tú Chinh, Nhi Yến là minh chứng cho thấy điền kinh Việt Nam luôn có VĐV tài năng ở các tuyến. Các đàn em luôn sẵn sàng tiếp bước lứa đàn anh, đàn chị bất cứ lúc nào.

Mặt khác, trên các đường chạy cự ly trung bình như 800m và 1.500m nữ, điền kinh Việt Nam thường xuyên sở hữu không chỉ một, mà hai VĐV đủ sức vô địch Đông Nam Á. Đây cũng là nội dung thế mạnh của các VĐV đến từ Trung Quốc và khu vực Tây Á, Trung Á, nhưng khoảng cách giữa VĐV Việt Nam với họ đang ngày càng ngắn lại.

Điền kinh Việt Nam cần nhìn vào thực tế để đặt mục tiêu phù hợp tại ASIAD 19, nhưng điều đó không đồng nghĩa với một viễn cảnh bi quan. Sau tất cả, chúng ta đang sở hữu một lứa VĐV đồng đều ở nhiều nội dung thi đấu. Sự kết hợp giữa sức trẻ và kinh nghiệm sẽ trở thành chìa khóa giúp điền kinh Việt Nam vươn đến những mục tiêu mới.

Vì sao phần lớn VĐV điền kinh đỉnh cao là nữ?

Tại đấu trường ASIAD, Vũ Văn Huyện (10 môn phối hợp) là VĐV nam đầu tiên, cũng là duy nhất của điền kinh Việt Nam từng giành huy chương. Trong khi đó, những đồng nghiệp nữ từng bước lên bục lại chiếm đa số: Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương, Bùi Thị Thu Thảo, Quách Thị Lan, và nhiều VĐV khác.

VĐV đỉnh cao là nữ giới chiếm đa số trong môn điền kinh không phải hiện tượng nhất thời. Đây là điều xảy ra ở nhiều môn thể thao khác. Theo chia sẻ của nhiều HLV, việc phát hiện, đào tạo và huấn luyện VĐV nữ có nhiều lợi thế hơn so với VĐV nam. Đó là lý do nhiều VĐV thể thao đỉnh cao của Việt Nam là nữ, đặc biệt trong môn điền kinh.

Thứ nhất, nữ giới dậy thì và phát triển về mặt thể chất sớm hơn nam giới. Điều này giúp cho tuyển trạch viên địa phương nhanh chóng phát hiện ra những em vượt trội về mặt thể chất như chạy nhanh hơn, sức bật tốt hơn ngay từ cấp cơ sở. Với nam giới, việc phát triển thể chất diễn ra muộn hơn và có sự khác biệt lớn sau khi dậy thì.

Thứ hai, VĐV nữ có sự chịu đựng, kiên trì tốt hơn VĐV nam. Với nhà vô địch nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo, cô từng có thời gian "trốn" đội tuyển để nhận làm phụ hồ quanh khu vực Mỹ Đình. Nếu điều tương tự xảy ra với một VĐV nam, họ gần như sẽ chọn hướng đi mới thay vì tiếp tục gắn bó với điền kinh. Nhưng Thu Thảo, sau khi nghe lời khuyên từ HLV, tiếp tục trở lại tập luyện và có thành tích tốt.

Đơn Ca
.
.