Điện ảnh Việt: Gian nan nhưng đừng than vãn

Thứ Năm, 01/02/2024, 08:53

So sánh với cùng kỳ những năm trước, giai đoạn cuối năm 2023, doanh thu phòng chiếu ở Việt Nam có những sụt giảm đáng kể. Từ những sụt giảm ấy, chúng ta hãy nhìn vào câu chuyện của thị trường điện ảnh và cả câu chuyện của những nhà làm phim Việt...

475 tỷ từ các suất chiếu trong nước đã khiến "Nhà bà Nữ" đi vào lịch sử điện ảnh Việt Nam khi trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất. Chính mức doanh thu ấy đã khiến kỳ vọng vào thị trường điện ảnh lớn hơn rất nhiều, đặc biệt là với những phim có sự tham gia của Trấn Thành. Nhưng, khi "Đất rừng phương Nam" cứ ì ạch mãi sau 10 ngày đầu tưng bừng và chỉ cán đích ở mức doanh thu trên 140 tỷ, câu chuyện về "nghiệp làm phim" lại được mang ra mổ xẻ với nhiều góc nhìn khác nhau.

anh 2.jpeg -0
Cảnh trong phim ''Đất phương Nam''.

Ngay sau khi "Đất rừng phương Nam" bắt đầu có dấu hiệu chững lại ở mức doanh thu tròm trèm 140 tỷ đồng, một đạo diễn điện ảnh có tiếng đã mời một nhạc sĩ uy tín chuyên trị các nhạc phim tham gia dự án sắp tới của mình và lập tức nhận được lời than thở "Làm phim đã khó rồi còn bị "đánh" nữa, thấy nản quá". Và, cái quan điểm "vì bị đánh mà doanh thu sụt giảm" này đang được chọn là cách biện minh chủ đạo của các nhà làm phim mỗi khi không đạt kỳ vọng về doanh số.

Thực hành nghệ thuật đã vô cùng khó khăn, gian nan rồi, thực hành nghệ thuật điện ảnh còn khó khăn gấp ngàn lần. Cơ bản, đầu tư cho một dự án điện ảnh luôn rất lớn và khả năng thu hồi vốn là khá nhỏ. Nhiều phim sản xuất xong, ra rạp chỉ được dăm ngày là phải rút lui vì không thể đảm bảo doanh số cho chính hệ thống rạp chứ chưa nói đến cho phần của nhà đầu tư phim. Với nhiều tác giả điện ảnh, chỉ cần phim hòa vốn là họ đã hài lòng lắm rồi, bởi ít ra, đứa con tinh thần mà họ ấp ủ cũng đã được thành hình mà không hề gây tổn hại tài chính nào. Vậy nên, khi một phim bắt đầu cán mức lợi nhuận (sau khi đã trừ đi phần trăm cho rạp), nó là niềm hãnh diện thực sự đối với nhà sản xuất, đạo diễn và cả ê-kíp thực hiện bởi họ đã vượt khó làm được cái điều hiếm ai làm nổi ở thị trường điện ảnh Việt Nam.

Chuyện có sự khác biệt lớn giữa "Nhà bà Nữ" và "Đất rừng phương Nam" ở mảng doanh thu dù cả hai phim đều có sự tham gia rất lớn của Trấn Thành chưa bao giờ được lý giải theo cách logic nhất. Thứ nhất, hai phim khác nhau về nội dung, thể loại và cả ê-kíp sản xuất, diễn viên. Thứ hai, giai đoạn cuối 2022, đầu 2023, những tích trữ sau dịch của công chúng vẫn còn và cho phép họ có những chi tiêu xa xỉ ngoài những gì thiết yếu. Trong khi đó, càng về cuối năm 2023, các khó khăn chung của nền kinh tế đã tạo ảnh hưởng rõ rệt nhất và người dân ngày càng phải "thắt lưng buộc bụng", hạn chế chi tiêu. Chính việc hạn chế chi tiêu này đã khiến không chỉ một mình "Đất rừng phương Nam" bị ảnh hưởng doanh thu mà nhiều phim khác nữa, như "Người vợ cuối cùng" hay "Kẻ ăn hồn" cũng không đạt được mức doanh số mà lẽ ra chúng hoàn toàn có khả năng vươn tới ở một năm khác khi kinh tế khá giả.

Câu chuyện thắt chặt chi tiêu không chỉ ảnh hưởng đơn thuần lên điện ảnh mà ngay cả trong nhiều lĩnh vực khác cũng hiển thị khá rõ ràng. Thị trường sân khấu ca nhạc nhỏ sôi động năm 2022 và nửa đầu 2023 đã chững lại ở giai đoạn 6 tháng cuối năm. Các tiêu dùng xa xỉ cũng được hạn chế lại và lẽ ra, những nhà làm phim nên xem đó là nguyên nhân chính thay vì đổ lỗi cho các phê bình trái chiều.

Tuy nhiên, than vãn đã thành thói quen của giới giải trí và showbiz Việt nhiều năm qua. Mỗi khi đứng trước các phê bình, đa số nghệ sĩ, nhân vật công chúng đều cho rằng có sự "ác ý", "ghen ăn tức ở", "đố kị" mà không chịu nhận ra rằng chính bản thân sản phẩm của mình còn chưa hoàn thiện. Và, điều quan trọng là khi nhận được lời khen, họ coi đó là điều nghiễm nhiên nên khi đã quen với những gì nghiễm nhiên, họ sẽ vô cùng khó chịu trước những lời "thô mà thật".

Điện ảnh Việt: gian nan nhưng đừng than vãn -0
Một cảnh trong phim“Người vợ cuối cùng”.

Có một thực tế mà không ít nhà làm phim không chịu nhìn nhận chính là dù sụt giảm doanh thu so với kỳ vọng cũng như so sánh với các kỳ phim của những năm trước thì đa phần các phim đình đám của 2023 vẫn không lỗ. Điển hình như "Đất rừng phương Nam" chẳng hạn. Phim này đầu tư 40 tỷ, tổng tiền bán vé 140 tỷ. Theo cách phân chia hiện tại là 2 tuần đầu rạp 60%, nhà sản xuất 40%; 2 tuần kế tiếp 50-50, 2 tuần sau nữa trở đi 40-60, nếu tính quân bình 50-50, nhà sản xuất thu về 70 tỷ, có lãi 30 tỷ. Hãy thử đặt câu hỏi, doanh nghiệp nào không ước ao có một dự án kéo dài 3 năm và thu lãi 30 tỷ không? Như vậy, không hiểu nhà sản xuất còn chưa hài lòng ở điểm nào và họ còn than vãn vì lẽ gì?

Theo đuổi nghệ thuật vất vả vô cùng và nghệ thuật điện ảnh còn vất vả hơn gấp nhiều lần. Nhưng, chính trong vất vả ấy, người ta cần sự nhẫn nại hoàn thiện mình hơn là than vãn, đổ lỗi, đặc biệt là đổ lỗi tưởng tượng kiểu "tác phẩm của tôi bị vùi dập". Chính đạo diễn Trần Anh Hùng, người mới thắng giải ở Liên hoan phim Cannes 2023 với tác phẩm "Port au Feu" đã chia sẻ gần đây rằng: "Nghề chính của tôi là nghề chờ" với đại ý, để tìm kiếm được nhà đầu tư sẵn sàng đồng hành với mình, chấp nhận vượt qua chuyện lỗ lãi, đạo diễn cần kiên nhẫn thì mới có thể có được tác phẩm thành hình. Chính những người như đạo diễn Trần Anh Hùng, với thời gian giãn cách giữa 2 phim lên tới cả nửa thập kỷ, đã chứng minh rằng khi đã có ý tưởng tốt, chắc chắn sẽ có ngày tác phẩm được đầu tư.

Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay, đa số những nhà làm phim chỉ chú trọng doanh thu, ăn khách mà bỏ qua tính nghệ thuật. Đến khi nhận được các góp ý, phê bình, họ sử dụng chính các góp ý, phê bình ấy làm lý cớ để biện minh cho thất bại (nếu có) về doanh thu. Họ quên mất rằng, áp lực mỗi năm làm một phim sẽ khó có thể mang lại được tác phẩm tốt bởi khó có thể có ý tưởng tốt nào được nuôi dưỡng chỉ trong thời hạn ngắn như vậy. Và, nhắc thêm lời của đạo diễn Trần Anh Hùng rằng, "một nền điện ảnh chỉ có phim giải trí thì chưa đủ là nền điện ảnh tốt", chúng ta nên nhìn thận trọng hơn vào thị trường điện ảnh Việt Nam hôm nay khi có quá nhiều sản phẩm giải trí và ngày một thưa vắng tác phẩm nghệ thuật.

Năm 2024 chắc chắn sẽ có nhiều dự án điện ảnh được ra mắt khán giả và có lẽ, cái vòng lặp "sự thống trị của giải trí" vẫn chưa được xóa bỏ. Ừ thì chúng ta tạm chấp nhận ở giai đoạn xã hội tiêu thụ như hôm nay, con người ta cần giải trí nhiều hơn, song những nhà làm phim cũng nên tự cân nhắc lại chính hành động và phát ngôn của mình mỗi khi nhận được kết quả phản hồi từ khán giả. Nhu cầu của khán giả thể hiện rõ rệt qua những tấm vé họ mua cũng như qua các bình luận về một sản phẩm điện ảnh sau khi họ thưởng thức nó.

Các phản hồi đó nên là kim chỉ nam cho những nhà sản xuất phim định hướng các dự án sau này của mình thay vì lấy chúng ra để than vãn về cái khó khăn của nghề làm phim. Bất kỳ nghề nào cũng có gian nan riêng của nó. Thậm chí, có những nghề buộc người làm nghề phải trả giá bằng máu và nước mắt. Nhưng, đó là nước mắt được họ giấu vào trong chứ không phải trưng trổ ra ngoài than thở với thiên hạ trong vai diễn của những nạn nhân hoàn hảo.

Một nền điện ảnh muốn tiến bộ rất cần sự tự trọng. Và, một khi có sự tự trọng, không ai than vãn mỗi lúc gặp gian nan bao giờ.

Văn Đoàn
.
.