Địa ngục của những người trẻ siêu cạnh tranh

Thứ Tư, 26/10/2022, 08:12

Sự cạnh tranh ở mức độ nào đó có thể thúc đẩy con người hành động, từ đó tạo kết quả tích cực, song cạnh tranh mù quáng có thể gây những hậu quả nghiêm trọng.

Vào một buổi chiều tháng 9, trong phòng khám chưa đầy 8 m2 , tại một bệnh viện tâm thần có tiếng ở Hà Nội, Linh, 18 tuổi, ngồi chờ khám với dáng vẻ ủ dột, gương mặt trầm buồn, mái tóc bờm xờm nhiều tháng chưa cắt phủ vầng trán nổi lấm tấm mụn. Ít ai biết rằng, cách đây 3 năm, cũng vào thời điểm này, gia đình Linh đang hân hoan đón nhận 2 tin vui khi cậu con trai vừa đỗ vào trường chuyên danh tiếng của tỉnh lẫn đội tuyển thi học sinh giỏi.

Trong mắt bố mẹ, Linh là học sinh chăm chỉ, đam mê ngoại ngữ, có chí tiến thủ, từ nhỏ đã có đức tính không chịu “kém” ai. Chính đức tính này là động lực để Linh phấn đấu là con ngoan trò giỏi trong nhiều năm liên tục. Ngoài giờ lên lớp, hầu như Linh có rất ít bạn, chỉ tập trung vào học, không đi chơi, không tập thể dục, thời gian rảnh lại đọc sách, học bài. Bên cạnh đó, bố mẹ em cũng là những công chức nghiêm khắc, coi học giỏi là con đường duy nhất để thành công, có được địa vị, tiền bạc, danh tiếng trong xã hội. Phụ huynh luôn hối thúc, định hướng Linh phải học tiếng Anh xuất sắc, vừa có giải quốc gia, vừa sớm có chứng chỉ quốc tế để vào thẳng đại học.

Áp lực đến từ bố mẹ, thầy cô và những người bạn siêu giỏi khiến niềm đam mê tiếng Anh - ban đầu là động lực thôi thúc - giờ trở thành nỗi chán ghét trong cậu học sinh. Từ một người đam mê, hứng thú học, có tính cạnh tranh cao, Linh trở nên buồn chán, không tập trung, tính nết cáu kỉnh, khó chịu, về nhà là đóng kín cửa phòng. Cậu tự ý xin ra khỏi đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia nên càng gánh chịu những lời chửi mắng, miệt thị, đe nẹt từ bố mẹ. Điều này khiến sự căng thẳng, chán chường gia tăng, Linh chán ăn, sút cân, có biểu hiện muốn tìm đến cái chết, gia đình vội đưa em đến viện thăm khám và được chẩn đoán trầm cảm nặng.

Địa ngục của những người trẻ siêu cạnh tranh -0
Ảnh: L.G

Trong lúc điều trị cho Linh, các bác sĩ cũng tiếp nhận một người đàn ông 39 tuổi, là giám đốc bán hàng cho một tập đoàn danh tiếng, cũng bị mất ngủ, rối loạn lo âu, chảy máu dạ dày vì áp lực doanh số bán hàng. Trong lúc điều trị, bệnh nhân kể lại 12 năm học phổ thông là quãng đời mệt mỏi, với hết kỳ thi này đến kỳ thi khác, trong sự kỳ vọng của bố mẹ" phải nhất lớp mới xứng đáng với công ăn học, không được xếp thứ 2-3”. Ám ảnh bệnh nhân đến tận thời điểm này là những kỳ thi 15 phút, khi thầy giáo ra một bài toán và học sinh phải giải thật nhanh, nếu tư duy sai hay tính nhầm một phép tính, bài thi đó sẽ có điểm dưới 5, sẽ đưa vào sổ tổng kết. Một vài lần, anh tính sai và không kịp sửa lại, khiến chỉ còn gần 2 phút mà không ra kết quả đúng. Đột nhiên, anh sợ đến mức vệ sinh ra quần, tim đập nhanh, mặt mày tái mét, run lẩy bẩy khiến bạn bè và thầy cô phải chạy đến đưa xuống phòng y tế. Sau này, anh thường xuyên gặp lại tình huống khổ sở ấy trong giấc mơ, đến mức khi tỉnh dậy anh thở phào sung sướng vì không phải là hiện thực.

“Sự kỳ vọng và áp lực cạnh tranh trở thành người giỏi nhất đã tước bỏ niềm vui đến trường, khiến tôi trở thành đứa trẻ không có tuổi thơ, không có bạn bè vì lúc nào cũng ganh đua, đấu đá nhau. Thành tích và nỗi khát khao phải giỏi hơn người khác thực sự là gông cùm đeo bám cuộc đời tôi cho đến nay", bệnh nhân tâm sự.

Trường hợp bị rối loạn tâm thần vì áp lực siêu cạnh tranh như Linh không phải hiếm, là xu hướng nổi lên từ nhiều năm nay ở Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong...

Xiao Jia, nữ sinh 12 tuổi, ở Singapore phải nhập viện vì chứng rối loạn lo âu trước kỳ thi chuyển cấp. Em đặt mục tiêu thi vào trường cấp 2 danh tiếng, sau đó được chọn vào các cấp độ xuất sắc, làm bàn đạp để vào cấp 3 và cuối cùng là trường đại học xếp hạng thế giới. Tất cả những điều này đảm bảo cho cô bé 12 tuổi có một tương lai xán lạn, công việc tốt, thu nhập cao, có thể mua nhà, xe và được xã hội kính trọng. Áp lực quá sớm và nặng nề khiến việc học trở thành gánh nặng, sợ hãi và chán nản, cuối cùng nữ sinh phải vào viện tâm thần điều trị với sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý. Một nghiên cứu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thực hiện cho thấy, học sinh Singapore lo lắng hơn về các bài kiểm tra và điểm số so với các bạn quốc tế.

Áp lực trở thành người giỏi nhất của học sinh Singapore bắt rễ từ chính công thức thành công thần kỳ của nước này - khi một quốc gia không có ưu thế vượt trội nhưng trở thành con rồng châu Á nhờ vào hệ thống con người tài năng. Với người Singapore, không có con đường nào khác ngoài việc nỗ lực vươn lên mỗi ngày, chăm chỉ và cống hiến, bạn sẽ trở thành nhân viên giỏi nhất.

Tuy nhiên, bất chấp thành tích xuất sắc trên các bảng xếp hạng học thuật toàn cầu, Singapore sản sinh ra ít nhà khoa học, nhà phát minh, doanh nhân và lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu hơn các quốc gia như Mỹ, châu Âu.

Còn tại Hong Kong, nơi có chi phí sinh hoạt và giá bất động sản xếp loại đắt đỏ nhất thế giới, cuộc đua trở thành người số 1 bắt đầu ngay từ trong bụng mẹ, khi các phụ huynh tìm mọi cách tối ưu dinh dưỡng và các hoạt động như nghe nhạc, vẽ... để thai nhi phát triển vượt trội. Để con có thể trúng tuyển vào trường mẫu giáo danh tiếng, các bậc cha mẹ “siêu cạnh tranh” đầu tư hàng nghìn USD để quay video giới thiệu con (thuê nhiếp ảnh gia và nhà quay phim), triển khai ở những địa điểm đắt đỏ, lập trang web giới thiệu những thành tựu và tiềm năng của trẻ, gồm các bản vẽ, ảnh, tượng của trẻ 2 hoặc 3 tuổi.

Tại sao những bậc cha mẹ này lại quan tâm nhiều đến việc nhập học mẫu giáo? Các chuyên gia cho rằng phong cách nuôi dạy con của người Hong Kong là điển hình cho châu Á, với biệt danh “mẹ hổ”, nghiêm khắc nhằm đạt được thành tích cao trong học tập. Ngày nay, vào được một trường mẫu giáo tốt hầu như đảm bảo được nhận vào một trường tiểu học tốt, sau đó vào một trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tốt, cuối cùng vào một trường đại học tốt. Một số người lo lắng về sức khỏe tinh thần của trẻ em khi “trượt” mẫu giáo, nhưng bản thân họ cảm thấy lo lắng, áp lực khi tất cả người khác đều làm như vậy và họ sẽ làm mọi cách để giúp con mình trong hệ thống này.

Siêu cạnh tranh: Tốt hay xấu?

Liệu cạnh tranh có phải là điều tốt? Những người cạnh tranh có hạnh phúc không? Và, cạnh tranh có lợi cho cá nhân hay xã hội không? Jenny Crocker, học giả nổi tiếng về tâm lý xã hội tại Đại học Bang Ohio, Mỹ, cho biết: “Khả năng cạnh tranh vốn dĩ không phải là tốt hay xấu. Nó có thể là động lực, khuyến khích mọi người thúc đẩy bản thân, mở rộng năng lực và khả năng của họ, từ đó đạt được những thành công kiệt xuất. Tuy nhiên, nếu chiến thắng trong cuộc thi trở thành mục tiêu cuối cùng/bằng mọi giá phải đạt được, bạn có thể sẵn sàng hy sinh mọi thứ và kết quả có thể rất tồi tệ”. Crocker đã làm việc với nhiều người, bao gồm cả những cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp ở châu Âu, những người “tìm thấy sự trống rỗng khi chỉ tập trung vào kết quả”. Cô nói: “Thắng “nông” như vậy sinh ra sự bất an, đố kỵ, cay đắng và nỗi sợ mất đi những gì đã đạt được”.

Trên thực tế, một nghiên cứu được công bố vào năm 2011 trên Tạp chí Tâm lý học cho thấy những cá nhân siêu cạnh tranh - những người có nhu cầu chiến thắng bằng mọi giá - thiếu kiên nhẫn và cáu kỉnh hơn người bình thường, Đồng thời, nhóm này cũng có các vấn đề sức khỏe cao hơn, bao gồm cả tim mạch, huyết áp, bệnh rối loạn chuyển hóa.

Mặt khác, những người siêu cạnh tranh thường tự ái và có lòng tự trọng thấp hơn, tỷ lệ lo lắng và trầm cảm cao hơn những người khác. Nghiên cứu đó cho thấy những người siêu cạnh tranh cần được công nhận liên tục, họ tìm kiếm thông qua "vòng hoạt động không ngừng" - không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, không bao giờ cảm thấy hài lòng.

Làm thế nào hạn chế tính cách siêu cạnh tranh?

Theo Jenny Crocker, mỗi người nên tập trung vào mục tiêu làm chủ bản thân hơn là tham vọng đánh bại người khác hoặc quá ám ảnh vào mục tiêu cuối cùng. Ở cấp độ cá nhân, lời khuyên của các chuyên gia là chúng ta nên đắm chìm vào công việc và sự nghiệp theo cách cảm thấy chúng thú vị và giá trị, chứ không phải vì phần thưởng bên ngoài. Những nghề nghiệp có mục đích tự thân - sẽ tạo nên dòng chảy (flow) khiến con người đắm chìm vào đó, làm việc với niềm đam mê cùng khát vọng tự do, sáng tạo. Khi đó, khái niệm cạnh tranh với người khác, dìm đồng nghiệp hay đối thủ để bứt phá không tồn tại.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia khuyến nghị cần định nghĩa lại khái niệm thành công được đo đếm bằng tiền bạc, của cải vật chất, quyền lực hay danh vọng. Theo đó, mỗi người đều có những khả năng và nguồn lực, giới hạn nhất định - chúng ta có thể sống trọn vẹn trong những giới hạn đó bằng cách thấu hiểu thế nào là “đủ”. Như lời khuyên của Tal Ben[1]Shahar, giáo sư Harvard và nhà tâm lý học, con người cần chấp nhận thực tế để sống hạnh phúc, sự ảo tưởng và tham vọng đôi khi sẽ dẫn đến thất bại. Mặt khác, hạnh phúc có thể là hành trình trải nghiệm, với những thú vui mỗi ngày, chứ không phải là mục tiêu, hay kết quả cuối cùng.

Với những đứa trẻ có tính cách siêu cạnh tranh, cha mẹ có thể giúp con mình bằng cách tiết chế kỳ vọng của chính phụ huynh, tập trung vào nỗ lực - sự cố gắng của con cái hơn là kết quả của chúng. Ngoài ra, cha mẹ cần dành thời gian chất lượng cho trẻ, đồng hành cùng chúng trên mỗi bước đường thành công hay thất bại của cuộc đời. Đối thoại thường xuyên và cởi mở với con về căng thẳng ở trường học, trong học tập và cảm thông với khó khăn của trẻ mà không phán xét hoặc áp đặt. Khi con cái gặp thử thách, cha mẹ nên dạy con cách thiền, tập thở, suy nghĩ tích cực từ đó giảm bớt lo lắng.

Minh Đức
.
.