Di tích bị cháy, trách nhiệm thành... “mây khói”?

Thứ Tư, 02/04/2025, 08:54

Sau bao vụ cháy di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật… là sự ra đi mãi mãi của những công trình đền, chùa, đình, miếu mang nặng dấu ấn thời gian, công sức gây dựng bởi bàn tay tài hoa của các bậc tiền nhân.

Kho tàng di sản văn hóa dân tộc vĩnh viễn mất đi những viên ngọc quý, sẽ không bao giờ trở lại, nếu có cũng chỉ là công trình vài năm tuổi, xác khung đấy song lại vô hồn. Ấy vậy mà, dường như không tìm thấy một ai bị truy cứu trách nhiệm, đưa ra xử lý sau những vụ cháy.

Nên biết rằng, bất cứ phường, xã, thị trấn nào trên cả nước cũng có Ban quản lý di tích với trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, khi để xảy ra vụ cháy di tích dù là nguyên nhân từ đâu, người viết đố ai tìm được cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm đã bị xử lý, nếu có đi chăng nữa cũng chỉ đưa ra kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Vậy nên, nhiều người nói rằng, sau di tích bị cháy, trách nhiệm cũng thành than tro, “mây khói” là thế.

Di tích bị cháy, trách nhiệm thành... “mây khói”? -0
Thời điểm chùa Vẽ bị cháy. Ảnh cắt từ clip.

1. Vụ cháy nghiêm trọng chùa Vẽ (phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang) gây thiệt hại khó có thể đong đếm được, đến nay đã hơn 1 tháng. Vụ cháy khiến cho những ai trân quý di sản của cha ông phải buốt lòng, ngán ngẩm. Nguyên nhân vụ cháy vẫn đang trong quá trình điều tra. Công tác kiểm kê, đánh giá thiệt hại vẫn đang được tiến hành. Dự án tu bổ, tôn tạo những hạng mục hư hại đang được triển khai với sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương họp bàn nhiều lần về vụ cháy, nhưng vẫn chưa thể xác định một cách đằng thẳng là ai phải chịu trách nhiệm chính trước các quy định có liên quan.

Động thái tiếp theo là ra văn bản gửi các huyện, phường xã phải tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy tại di tích. Cho đến thời điểm này cũng chỉ mới có những diễn biến như thế, sau này kết quả xử lý ra sao sẽ hạ hồi phân giải, tuy nhiên, điều dư luận quan tâm hiện nay không chỉ là nguyên nhân dẫn đến gây cháy chùa Vẽ; phương án khắc phục và biện pháp tu bổ, phục hồi những hạng mục, hiện vật…, mà có hay không trách nhiệm của chính quyền phường, xã, cụ thể ở đây là Ban quản lý di tích. Người viết có hỏi cơ quan chức năng về vụ việc này, là đến khi nào mới truy cứu trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể có liên quan thì nhận được câu trả lời “nước đôi” rằng, “cái đó chờ chỉ đạo cấp trên, còn mình không có thẩm quyền”.

Cũng đã hơn 3 tháng trôi qua kể từ khi ngôi chùa cổ Phổ Quang (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) bị cháy khiến nhiều di vật, hiện vật, bảo vật quốc gia, kiến trúc bị hư hại đặc biệt nghiêm trọng, mọi thứ trở nên im ắng lạ thường. Sở dĩ nói vậy là bởi, bên cạnh sự hối thúc của Bộ, ngành có thẩm quyền trong việc khẩn trương đánh giá thiệt hại; bảo quản những hiện vật, bảo vật quốc gia; lên phương án tu bổ, tôn tạo di tích… thì cho đến thời điểm này, nguyên nhân dẫn đến cháy di tích chùa cổ Phổ Quang vẫn chưa được công bố, người chịu trách nhiệm chính và liên quan từ xã, huyện cho đến Ban quản lý chưa thấy xướng tên.

Nói cách khác, nếu có trách nhiệm, dù nhỏ nhất thì nó cũng đã tan thành mây khói, khó lòng truy cứu cho đến tận cùng. Còn trước đó nữa cũng đã xảy ra nhiều vụ cháy di tích rất nghiêm trọng, nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật nức tiếng giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, lịch sử đã một đi không trở lại; biết bao di vật, hiện vật xứng đáng là bảo vật quốc gia thành than tro, song hai tiếng “trách nhiệm” trong những vụ việc này lại gần như không được đề cập, trái lại còn gây nên những bức xúc trong dư luận. Chẳng lẽ truy trách nhiệm sau những vụ cháy di tích lại khó khăn, phức tạp đến thế?

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cũng nhận định, để xảy ra cháy, nổ tại di tích là điều vô cùng xót xa vì những hạng mục công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa sẽ mãi mãi ra đi, chúng ta không có cách nào gây dựng trở lại. “Giới chuyên gia, nhà nghiên cứu và cơ quan chức năng liên tục cảnh báo nhưng cháy di tích vẫn diễn ra với mật độ nhiều hơn. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, nếu không có biện pháp cấp thiết, nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan thì di sản của cha ông sẽ một đi không trở lại”, ông Bài nói.

2. Có một thực tế mà chúng tôi đã nhiều lần đề cập là dường như năm nào, cứ đến dịp cuối năm, sắp sửa xuân đến Tết về, chuẩn bị đón một mùa lễ hội mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Cục Di sản văn hóa lại có văn bản gửi các địa phương, Sở, ngành và Ban quản lý di tích về việc tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ tại di tích. Vì sao phải thế là bởi di tích được đánh giá là nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao, thậm chí là cao nhất: Vật liệu chủ yếu là đồ gỗ, vải, giấy. Hương đèn, nến thắp suốt ngày đêm. Hệ thống đường dây điện chạy ngoằn ngoèo. Đốt đồ vàng, mã vô tội vạ. Ý thức người dân chưa cao. Hệ thống chữa cháy còn đơn điệu, nghèo nàn… nên chỉ cần mất cảnh giác, không thường xuyên kiểm tra thì sự cháy nổ tại di tích là điều khó tránh khỏi. Ban hành văn bản với những yêu cầu bức thiết và dày đặc là vậy, còn trên thực tế nó có được áp dụng vào thực tế và bao nhiêu thì có trời mới biết. Ai kiểm tra, đánh giá, kiểm định, xử lý? Hình thức và chiếu lệ trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại đa số di tích đang là một thực tế.

Qua điền dã, theo dõi, khảo sát tại nhiều di tích ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và một số nơi khác, chúng tôi nhận thấy, một trong nhiều nguyên nhân xảy ra những vụ cháy di tích là do vẫn còn tồn tại tình trạng chính quyền địa phương, Ban quản lý di tích ở phường, xã, thị trấn đang khoán trắng việc trông coi di tích cho cá nhân hoặc nhà chùa. Đây là hành vi bị nghiêm cấm. Một khi đã khoán trắng việc trông coi, bảo vệ di tích cho cá nhân và nhà chùa thì để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy là điều hết sức khó khăn, nếu không dám nói là sự thách đố. Trong khi đó không gian di tích lại rộng, trải qua rất nhiều hạng mục công trình với vô số ban bệ thờ, đồng thời là nơi chứa đựng cơ man đồ dễ cháy như đèn, nến, hương, hệ thống dây diện, bóng đèn… Nếu chỉ trông chờ vào cá nhân trông coi, bảo vệ và nhà chùa thì lấy gì để có thể đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ tại di tích.

Mặt khác, công tác phòng chống cháy nổ tại di tích dù đã được nâng cao cả về ý thức lẫn phương tiện, nhưng để đánh giá mức độ hiệu quả trong việc xử trí khi hỏa hoạn còn là một vấn đề khá xa vời. Ngoại trừ những di tích, khu di tích đặc biệt quan trọng, có Ban quản lý với đội ngũ nhân viên hàng trăm người thì hệ thống lẫn phương tiện phòng chống cháy nổ mới được tăng cường đầu tư; định kỳ kiểm tra, đánh giá hoặc diễn tập, còn lại những di tích khác vẫn bị xem nhẹ.

Di tích bị cháy, trách nhiệm thành... “mây khói”? -0
Hiện trường chùa Phổ Quang (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) sau vụ cháy.

Xin dẫn ví dụ. Một ngày sau vụ cháy nghiêm trọng tại Di tích quốc gia chùa Vẽ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Giang có ngay văn bản nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại bảo tàng, nhà trưng bày, nhà truyền thống và các di tích lịch sử, văn hóa,  trong đó đặc biệt lưu ý xây dựng các phương án, trang bị đầy đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy đảm bảo ứng phó kịp thời trong trường hợp cháy, nổ và phương án cứu nạn, cứu hộ tại bảo tàng, nhà trưng bày, nhà truyền thống và di tích lịch sử, văn hóa ở địa phương, nhất là các di tích có giá trị tiêu biểu; Tổ chức tập huấn cho các tăng, ni, lực lượng bảo vệ các thao tác sử dụng bình chữa cháy, các điều kiện thoát nạn;…

Dẫn ra như thế mới thấy rằng, trước đó, việc “xây dựng các phương án, trang bị đầy đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy đảm bảo ứng phó kịp thời trong trường hợp cháy, nổ và phương án cứu nạn, cứu hộ tại bảo tàng, nhà trưng bày, nhà truyền thống và di tích lịch sử, văn hóa, nhất là các di tích có giá trị tiêu biểu” chưa được chính quyền, cơ quan chức năng quan tâm đúng mức, đến khi hậu quả xảy ra mới… tăng cường, đẩy mạnh, kiên quyết xử lý. PGS.TS Trần Lâm Biền, chuyên gia bảo tồn di sản văn hóa cho hay, “khi nghe thông tin vụ cháy di tích là xót xa vô cùng. Dù là nguyên nhân nào đi nữa cũng phải làm rõ trách nhiệm, thậm chí xử lý hình sự. Cần nhớ rằng, mỗi một di tích cho đến tận hôm nay là những thông điệp quý báu của các bậc tiền nhân, chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ”.

Trước nguy cơ cháy nổ cao tại các di tích, đã đến lúc cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trên cả nước cần mở cuộc kiểm tra toàn diện công tác phòng chống cháy nổ, theo đó rà soát, đánh giá về về sự chấp hành của các cơ sở thờ tự, Ban quản lý di tích. Áp dụng biện pháp xử lý nghiêm đối với những di tích không chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy. Đề cao trách nhiệm của các Ban quản lý di tích, các cơ sở thờ tự trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan nếu để xảy ra cháy, nổ di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật theo đúng quy định của pháp luật. Không thể để mãi tình trạng, cháy di tích, “hòa cả làng” trách nhiệm.

Nguyễn Thanh Sương
.
.