Đi học là niềm vui

Thứ Tư, 11/05/2022, 14:56

Giáo dục, luôn là giáo dục, năm này qua năm kia đều là đề tài tranh cãi. Và để hết tranh cãi, có lẽ nên cùng nhau đặt ra câu hỏi này như một nhiệm vụ khai phóng: Làm thế nào để đi học là niềm vui?

“Công việc” đi học

Tôi vẫn còn nhớ mãi kỷ niệm học môn văn vào lớp 2 của mình: cô giáo viết mọi thứ lên bảng, từ tả con gà cho đến kể lại một câu chuyện của em, học sinh sẽ chép lại, học thuộc và chờ đến khi kiểm tra thì viết lại, nguyên xi cũng được.

Mọi thứ cứ diễn ra như vậy cho đến một hôm, tôi quyết định thay đổi. Từ chối chép lại bài cô viết, tôi viết một câu chuyện hoàn toàn mới với đề bài là kể lại một buổi làm việc nhà của em. Thay vì xưng “em” như mọi bài văn mẫu hồi đó, tôi xưng “tôi”, và cố viết một cách hóm hỉnh, thậm chí giờ nhìn lại thấy còn hơi phóng túng.

Đi học là niềm vui -0
Ảnh: S.t

Bài văn ấy được 9 điểm, và kể từ đó, tôi luôn viết như vậy. Từ cảm hứng của các câu chuyện được đọc từ khi còn bé (tôi rất thích các tác phẩm “Tủ sách Vàng” của nhà xuất bản Kim Đồng), tôi viết như một cuộc chơi nho nhỏ, và học khi ấy dần biến thành một thứ gì đó rất dễ chịu. Một số bài đến từ trải nghiệm thực tế, như là chuyện quét nhà, hay đi nghỉ mát, hoặc về quê.

Tất nhiên, cách dạy của cô giáo không có gì thay đổi vì một ngoại lệ. Cho đến cấp hai và thậm chí cấp ba, cách dạy văn chủ yếu vẫn là giáo viên chép các ý lên bảng, diễn giải nó theo ý mình và sách hướng dẫn của Bộ Giáo dục - Đào tạo, rồi học sinh cứ bám vào đó làm theo. Làm sai ý là không có điểm, theo ba-rem áp dụng cả vào kỳ thi đại học.

Tương tự môn văn, giáo dục lịch sử và rất nhiều môn học quan trọng khác trong nhiều năm diễn ra với sự tiếp nhận thụ động: giáo viên truyền đạt và học sinh tiếp thụ nguyên xi, không phản biện, không hứng thú. Không có tính “chơi” trong việc học. Giữa việc nạp kiến thức và tạo ra nhận thức là một khoảng cách mênh mông: vì không có khát khao tìm tòi trong đó, học sinh có rất ít thời gian để sử dụng hiệu quả khoảng trống này.

Trong suốt thời học phổ thông, tôi như sống trong một thế giới song song: vẫn tự tạo lấy những hứng thú ở các góc nhỏ hiếm hoi của riêng mình, và vẫn cố gắng nuốt trọn khối lượng học nặng nề còn lại, như một nhiệm vụ cần phải hoàn thành của “công việc” đi học. Niềm vui trong việc học đa số đều đến từ tự phát cá nhân của học sinh, không phải là gốc của hệ thống giáo dục.

Trong cuốn sách “Trẻ con và Vui chơi: Một lịch sử Mỹ” (2007), tác giả Howard Chudacoff cho rằng, nửa đầu thế kỷ 20 là “thời kỳ vàng son” của việc trẻ em được tự do vui chơi. Vào những năm 1900, khi nhu cầu lao động trẻ em giảm xuống, trẻ em có nhiều thời gian trống hơn hiện tại. Bắt đầu từ những năm 1960, người lớn tước bỏ sự tự do đó, tăng thời gian học ở trường và đáng nói hơn, hạn chế trẻ em ra ngoài bằng cách giao thêm cho chúng nhiều bài tập về nhà.

Các môn thể thao do cha mẹ định hướng bắt đầu thay thế cho các môn do trẻ  tự lựa chọn. Các lớp học do cha mẹ ấn vào lấn át sở thích của trẻ. Qua nhiều thập kỷ, những sự thay đổi liên tục này định hình giáo dục ngày nay: cơ hội trẻ em được chơi và khám phá theo cách của riêng mình dần biến mất, và học tập trở thành một chủ đề khô khan liên quan đến cơ hội tương lai hơn là có tính chất nhân bản.

Việc giảm xu hướng được phép chơi trong khi học này tạo ra những sang chấn tinh thần nghiêm trọng. Tại Mỹ, các chuyên gia tâm lý đã tạo một bảng câu hỏi lâm sàng nhằm đánh giá sự lo lắng và trầm cảm cho các nhóm học sinh bình thường kể từ những năm 1950 tới nay, và kết quả rất đáng lo ngại: ngày nay, tỷ lệ mắc rối loạn lo âu và trầm cảm nặng gấp 5 đến 8 lần so với những năm 1950. Trong cùng thời gian, tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên từ 15 đến 24 tuổi đã tăng hơn gấp đôi và con số ấy với trẻ em dưới 15 tuổi tăng gấp bốn lần. Năm 2016, ước tính có đến 3,1 triệu thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi ở Hoa Kỳ trải qua ít nhất một lần trầm cảm nặng, chiếm gần 13% dân số Mỹ trong độ tuổi đó.

Sự suy giảm yếu tố chơi trong khi học cũng đi kèm với suy giảm về khả năng đồng cảm cũng như khiến tự ái gia tăng. Một con người có tự ái quá cao thường thiếu quan tâm tới người khác và không có khả năng đồng cảm. Đấy có lẽ là chính xác những gì chúng ta sẽ thấy ở những đứa trẻ ít có cơ hội được tương tác với xã hội. Trẻ em không thể học những kỹ năng và giá trị xã hội này hiệu quả chỉ trong trường học, đặc biệt là khi nhà trường vốn là nơi nuôi dưỡng tinh thần cạnh tranh hơn là hợp tác, và trẻ em không được tự do “nghỉ việc” khi người khác không tôn trọng nhu cầu và mong muốn của chúng.

Bạn có thể cảm thấy rằng ý tưởng cho phép trẻ em được chơi nhiều hơn trong khi học là điên rồ, nhưng đã có ngoại lệ chứng minh điều ngược lại: trường Sudbury Valley ở Massachusetts. Nó được gọi là một trường học, nhưng vận hành không theo cách chúng ta nghĩ về “trường học”. Các học sinh ở độ tuổi từ 4-19 được tự do làm bất cứ điều gì mình muốn, miễn là không vi phạm quy tắc nào của nhà trường. Các quy tắc cũng không liên quan gì đến việc học.

Ngôi trường đã tồn tại gần nửa thế kỷ, với hàng trăm học sinh tốt nghiệp, những người đang làm việc rất tốt ngoài đời, không phải vì trường học của họ dạy bách khoa toàn thư, mà vì họ được cho phép học bất cứ thứ gì mình muốn. Họ không nhất thiết phải nghĩ về bản thân như là một người đang phải làm “công việc” đi học. Họ chỉ nghĩ mình vẫn đang chơi, nhưng trong quá trình đó, họ cũng đang học hỏi nhiều thứ.

Tinh thần cốt lõi của giáo dục hiện đại đang biến việc học thành một “công việc” có gánh nặng khủng khiếp tương đương với các vị trí giàu áp lực nhất trong đời sống. Chúng ta có lẽ không cần thêm một công việc được hợp thức hóa kiểu đó, được ấn vào tay trẻ em, với đầy đủ những áp lực và bi kịch cuộc sống của thế giới người lớn đi kèm, sớm đến thế.

Phạm An

Hạnh phúc có là mục tiêu?

“Hạnh phúc” có phải là một mục tiêu giáo dục không? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời, nếu chỉ nhìn vào các chính sách của Việt Nam hiện nay.

“Hạnh phúc” là một mục tiêu chính thức của Việt Nam từ thời lập quốc. Mùng 2 tháng 9 năm 1945, “hạnh phúc” là một trong những khái niệm đầu tiên được nhắc đến trong Bản Tuyên ngôn độc lập. Hơn một tháng sau, chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên viết ba chữ Độc Lập – Tự do – Hạnh phúc lên đầu một sắc lệnh. Và nó được sử dụng đến ngày nay.

Trong đời một người Việt Nam, chúng ta phải nhìn thấy chữ này hàng nghìn lần, có thể phải tự viết ra nó cả trăm lần. Ngay cả khi viết đơn ly hôn hay đơn trình báo mất trộm.

Nhiều người sẽ nói rằng “hạnh phúc” là thứ rất khó định nghĩa. Nhưng chúng ta, trong tư cách một cộng đồng, đã khẳng định qua nhiều thế hệ rằng cho dù nó có là gì thì ta cũng theo đuổi đến cùng. Thậm chí “mưu cầu hạnh phúc” còn là một trong những lý do để quốc gia này ra đời.

Và khi mục tiêu của giáo dục là “phát triển toàn diện con người Việt Nam” (theo Luật giáo dục 2019) thì hạnh phúc phải là một tiêu chí gốc. Tức là nó phải được nêu ra trước, rồi định nghĩa sau. Mỗi thời đại có thể định nghĩa khác nhau, mỗi nhiệm kỳ Bộ trưởng có thể định nghĩa khác nhau, mỗi lần sửa đổi Luật giáo dục và Luật trẻ em có thể nêu ra các tiêu chí mới của “hạnh phúc”. Miễn là lúc nào ta cũng phải biết rằng mình đang đi đến đâu.

Nếu nhìn vào các chính sách giáo dục hiện tại, có lý do để tin rằng hạnh phúc chưa phải là một mục tiêu giáo dục. Trong các tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục, bạn sẽ nhìn thấy “học lực, hạnh kiểm”. Trong các quyết định đầu tư cho giáo dục, bạn sẽ nhìn thấy cơ sở là “gắn với phát triển kinh tế-xã hội”, “đảm bảo nguồn nhân lực”. Luật Giáo dục viết rằng: “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”. Nghe có mùi tăng trưởng GDP.

Trong Luật Giáo dục, chữ “kinh tế” được dùng 23 lần. Chữ “tinh thần” được dùng cho người học 2 lần thì cũng có một lần là “tinh thần lập nghiệp”, cũng lại là vấn đề kinh tế. Chữ “tình cảm” được dùng 3 lần thì đã có 2 lần để nói về giáo dục mầm non. Có vẻ được chăm sóc tình cảm là đặc quyền của các em bé còn đi học phổ thông thì phải nghĩ về... lập nghiệp là chủ yếu chứ. Chữ “tâm lý” không được dùng lần nào, mà Luật chỉ dùng khái niệm “tâm sinh lý lứa tuổi” – một khái niệm rất chung, nói về đặc tính tập thể chứ không hướng tới tâm lý cá nhân.

Thập niên trước, trong các nghị quyết, phát triển giáo dục còn công khai gắn với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tất nhiên công nghiệp hóa hiện đại hóa cũng cần. Nhưng nếu nhìn về những gì quốc gia của chúng ta đã đề xuất năm 1945 – mọi thứ chỉ là công cụ để có Độc Lập, Tự do và Hạnh phúc. Phát triển kinh tế luôn chỉ là phương tiện, không phải là mục tiêu.

Việc tuyên bố hạnh phúc là mục tiêu giáo dục không xa lạ trên thế giới. Người ta có thể nhìn thấy nó ở các quốc gia nổi tiếng... hạnh phúc, như Phần Lan hay Bhutan.

Việc nhấn mạnh liên tục vào mục tiêu phát triển kinh tế thậm chí có thể tạo ra những con người bất hạnh.

Bạn đã bao giờ gặp một người bị giày vò vì cảm thấy họ tụt lại trong cuộc đua kinh tế chưa? Chắc là đã gặp rồi, có thể chính bạn cũng đang bị giày vò như thế. Đó không cần phải là một người gặp vấn đề cực đoan như anh Hộ trong “Đời thừa” của Nam Cao - anh Hộ thậm chí không đủ tiền đong gạo. Đó có thể chỉ là một người vẫn đang sống bình lặng, đủ dinh dưỡng, đủ sức khỏe, nuôi được con đi học trường công. Và anh ta vẫn day dứt vì mình không thể kiếm nhiều tiền hơn, có một công việc lương cao hơn hoặc tham gia cùng với công cuộc tăng trưởng thần tốc của nền kinh tế. Sự day dứt đó, rất có thể là kết quả của giáo dục – của một triết lý đã được truyền dạy qua nhiều thế hệ, rằng thành công của một con người thể hiện phần lớn qua khía cạnh kinh tế.

Bạn đã bao giờ gặp một người có kinh tế rồi, nhưng vẫn bất hạnh chưa? Cô ta không thiếu tiền, nhưng không biết dùng tiền làm việc gì để bản thân cảm thấy thoải mái. Cô ta quay quắt trong các câu hỏi tại sao mình không thấy hài lòng, tại sao mình không thấy vui, tại sao mình cảm thấy bi quan và chán nản thường trực. Suốt tuổi thiếu niên, không có hệ thống giáo dục nào, trong và ngoài nhà trường, dạy cô ta cách hài lòng, cách tìm kiếm niềm vui và sự lạc quan trong cuộc sống.

Bạn đã bao giờ gặp một người có kinh tế, có niềm vui, nhưng vô thức tạo ra bất hạnh cho người khác chưa? Đó có thể là một ông chủ làm giàu bất chấp, đẩy nhân sự và cộng đồng quanh nhà máy của mình đến những giới hạn của sự chịu đựng (chừng nào nó còn hợp pháp). Ông ta có định nghĩa về hạnh phúc, nhưng nó không bao gồm hạnh phúc của cộng đồng.

Rất nhiều điều tốt đẹp có thể được tạo ra nếu chúng ta đưa “hạnh phúc” là một mục tiêu chính thức của giáo dục. Câu hỏi làm thế nào để học sinh thích học môn xã hội, có thể được trả lời nếu niềm vui là một tiêu chí đo lường chất lượng. Câu hỏi làm sao để giảm bớt học sinh trầm cảm, có thể được trả lời nếu tạo ra sự lạc quan là nhiệm vụ chính thức của nhà giáo. Rất nhiều câu hỏi có thể được trả lời, nếu vấn đề “tinh thần” được nêu trong Luật Giáo dục không chỉ là “tinh thần khởi nghiệp”.

Đức Hoàng

Hãy giải phóng giáo viên

“Đi học có vui không?”.

Đó là một câu hỏi mà phụ huynh nên hỏi con mình sau mỗi ngày tới lớp thay vì những câu như “Hôm nay con học như thế nào?” hay “Hôm nay làm bài kiểm tra được không?”. Nếu không có niềm vui, chúng ta sẽ không muốn trở lại một nơi ta mới qua, gặp lại một người ta mới quen… thêm một lần nào nữa. Và chúng ta là người lớn. Còn trẻ em, chúng càng say mê với niềm vui hơn, hay nói thẳng là ham vui hơn. Do đó, dứt khoát muốn việc học không trở thành gánh nặng, đi học là phải vui.

Đi học là niềm vui -0
Ảnh: S.t

Con trai tôi, 6 tuổi, năm nay vào lớp Một, và buộc phải học online suốt cả học kỳ 1. Ai cũng chép miệng cảm thông “khổ thân thằng bé, học lớp Một mà đã online thì học được cái gì?”. Tôi thì dửng dưng như không. Quan điểm của tôi rất rõ. Ngay cả khi con học online, tôi cũng không kè kè ngay bên cạnh. Tất nhiên là có để ý đến con để nhắc cháu nghiêm túc, một thái độ cần có trước giáo viên, nhưng không biến mình thành “cảnh sát giáo dục tại gia”. Tôi cho là nếu cháu có phải lưu ban lại một năm lớp Một nữa cũng chẳng sao. Nuôi con thêm một năm ăn học cũng không làm ta nghèo đi. Quan trọng là con đi học phải vui.

Bây giờ, đi học ở trường rồi, tôi cũng không quá căng thẳng chuyện con sẽ học như thế nào. Tôi luôn hỏi nó “Đi học có vui không?” và nắm bắt được niềm vui của nó là mỗi sáng được vào căng tin của trường ăn sáng cùng với chị. À, ít ra là nó có một thứ phấn khích mỗi khi tới trường. Chỉ sợ nó không coi việc đến trường có chút phấn khích nào thôi. Còn thích đến trường, nó sẽ đến trường một cách tự nguyện.

Nếu bây giờ có một cuộc “trưng cầu học sinh ý” bằng câu hỏi “Các con đi học có vui không?”, chúng ta đoán thử xem tỷ lệ phần trăm chọn “Vui”, chọn “Không vui” hay chọn “Cũng bình thường” là bao nhiêu. Lạc quan hay tiêu cực, có thể nó là cách nhìn nhận của mỗi người nhưng tôi dám đoan chắc, không ai dám khẳng định rằng 100% học sinh sẽ không lựa chọn mục “Không vui”. Đơn giản, có rất nhiều đứa trẻ đang cảm thấy việc đi học là không vui, là áp lực, là trách nhiệm. Với chúng, may mà ở trường còn có bạn. Chấm hết. Còn với những đứa trẻ có vấn đề về tâm lý và giao tiếp để tới mức cô đơn ở chính trong mái trường của mình, cuộc sống của nó không khác gì địa ngục trong khi chúng ta ngỡ rằng quần áo sạch đẹp, cơm bưng nước rót là con mình đang hạnh phúc rất nhiều.

Chúng ta đã và vẫn bàn rất nhiều về cải cách giáo dục, về thay đổi giáo trình, về thay đổi phương pháp thi cử, về quy hoạch môn học v.v và v.v mà chưa một ai đi vào trọng tâm của vấn đề nội tại của giáo dục Việt Nam hôm nay. Thực ra, một giáo trình dở không đủ sức giết toàn bộ nền giáo dục, hoặc làm hỏng cả mấy thế hệ học sinh. Tất nhiên, nội dung giáo dục (tức giáo trình), có thể tạo ra các dấu hằn nhận thức nhưng cuộc đời con người vốn dĩ luôn mở hướng ngoại nên chắc chắn sẽ có lúc người ta tiếp nhận kiến thức ngoài giảng đường và chống lại những áp đặt giáo dục phi lý trên giảng đường. Cái mà giáo dục Việt Nam cần gấp ngày hôm nay không chỉ là chuyện giáo trình nữa mà là chuyện khác: Cần phải giải phóng giáo viên.

Chúng ta cứ ngỡ chỉ có học sinh mới là nạn nhân trong một cái khuôn khổ giáo dục giáo điều và khô khan nhưng thực tế, học sinh chỉ là nạn nhân cuối cùng. Nạn nhân đầu tiên phải chính là giáo viên. Chính giáo viên đang bị đóng khung trong một bắt buộc bất thành văn là “phải dạy theo cách nào”. Khi giáo viên mất đi không gian sáng tạo riêng của mình, họ sẽ không thể nào tạo ra sức sống trên giảng đường và từ đó biến lớp học thành một màn chịu đựng cho cả thầy lẫn trò.

Con gái tôi học lớp 3 và tôi thầm cảm ơn người giáo viên chủ nhiệm của nó. Tôi hỏi con: “Thầy giáo con thế nào?” thì câu trả lời luôn là cái nhoẻn miệng cười của con bé: “Thầy vui lắm nhưng cũng nghiêm lắm ba”. Trong ánh mắt của nó, tôi biết, nó thích học từ thầy. Làm sao mà không thích được khi có một ông thầy cứ thứ Bảy, Chủ nhật lại về quê và mang lên khi thì một bịch trứng gà so nhà nuôi, khi thì bịch trái cây, lúc lại bịch bánh tráng và sử dụng chúng làm phần thưởng trên lớp cho những học trò nào hôm đó trả lời tốt các câu hỏi bài học mà thầy đưa ra. Và đó cũng là lý do bữa nào đi học con gái tôi cũng yêu cầu bỏ vào balo của nó một cái túi nylon sạch để “lỡ hôm nay được thưởng quà của thầy còn có cái đựng chứ như bữa trước con được 3 trứng gà mà con không có bao mang về”.

Chỉ tiếc, và cực tiếc, những người thầy như thầy của con gái tôi, lại là dạng cá biệt hiếm có ở hệ thống giáo dục Việt Nam hôm nay. Đó là một người thầy tự giải phóng mình khỏi mọi ràng buộc khuôn khổ chỉ để tạo ra một không khí học thực sự tươi tắn cho lũ trẻ nít của mình.

Người Nhật có câu ngạn ngữ rất hay đại ý “Ngàn ngày cần cù không bằng một ngày được học với chân sư”. Câu ngạn ngữ này mới được trích dẫn đưa vào một tham luận giáo dục của bang Arkansas - Mỹ có chủ đề “chúng ta cần tuyển dụng, bồi dưỡng và động viên những nhà giáo dục”. Quan điểm rõ ràng ở tham luận này là phải tạo ra những “nhà giáo dục” chứ không phải chỉ đáp ứng một nhu cầu dịch vụ bằng cách tuyển lựa những giáo viên đơn thuần. Và một trong những giải pháp mà tham luận này đưa ra, sau khi tham khảo các giáo viên và học sinh, chính là “giảm kích cỡ, quy mô lớp học thành các nhóm nhỏ”. Theo đó, nếu một lớp học được giảm kích cỡ xuống thành nhóm nhỏ, giảng dạy sẽ giống như hoạt động nhóm hơn, với nhiều thời gian tương tác một - một giữa thầy và trò, từ đó giúp khai mở sức sáng tạo của thầy và niềm hứng khởi của trò.

Gần đây, một số trang mạng có đăng tải một loạt các ảnh chụp màn hình những bài đăng tuyên truyền được thực hiện bởi chính chi đoàn các trường phổ thông trung học mà ở đó, bi kịch là kiến thức lịch sử của các em hổng đến mức ngây ngô. Và họ gắn nó đến việc biến môn sử thành môn tự chọn ở cấp 3. Thực chất, môn sử là bắt buộc hay tự chọn ở cấp 3 không mang tính quyết định chuyện một thế hệ học sinh sẽ có kiến thức lịch sử như thế nào. Thứ quyết định phải là cách dạy sử của chính các giáo viên. Và hãy đặt ra câu hỏi này “giáo viên có muốn phá cách trong phương pháp giảng dạy để thu hút học sinh hơn hay không?”. Tôi tin là có. Nhưng họ có được phép làm như thế hay không? Tôi chưa dám hoàn toàn phủ nhận đáp án “Không”.

Đi học là phải vui. Nhưng đi dạy cũng phải vui. Nếu giáo viên cảm thấy việc đi dạy cũng chỉ là “trả bài” thì học sinh cũng đi học như “trách nhiệm”.

Chúng ta cần nhiều nhà giáo dục ở giảng đường hơn là các giáo viên. Vậy thì muốn các giáo viên có thể phát triển thành nhà giáo dục, ngành giáo dục cần phải giải phóng họ trước khỏi những khuôn mẫu giảng dạy đã tồn tại nhiều thập niên nay rồi.

Hà Quang Minh

Hà Quang Minh
.
.