Đêm Hà Nội tĩnh lặng trong âu lo

Thứ Bảy, 14/08/2021, 09:43

“Cỏ áy bóng tà, ai ơi… một vài vầng/ Gió hiu mà hiu thổi, ới… để một vài bông lau/ Nay sẵn dắt mái đầu, ai ơi… cành cuống trâm/ Vạch ra cây mà vịnh ới a… để bốn câu ba vần ai ơi… Kiều hãy còn, còn mê mẩn tâm thần…”, bà lão Đàm Thị Khánh ngân nga những câu chèo cổ bằng cái giọng khàn đặc và hụt hơi của người già.

Đôi bàn tay gầy guộc vẫn cố đưa lên uốn lượn theo điệu hát. Gương mặt gầy hốc gác giãn ra, tươi dần, đôi mắt nhắm lại vẻ mơ màng. Có lẽ bà đang nghĩ về quá khứ, khi bà là cô thôn nữ xinh đẹp, duyên dáng, lả lướt trên chiếu chèo nơi sân đình, trước bao ánh mắt chăm chú, những tràng vỗ tay không dứt... Rồi bà mở bừng mắt, bà thấy hụt hẫng, khi trước mặt chỉ là con phố Trần Nhật Duật vắng lặng ngày giãn cách xã hội mùa dịch bệnh, có duy nhất một khán giả bất đắc dĩ đứng nghe bà hát – là tôi. Điệu chèo vừa tắt, nước mắt bà trào ra. Chiếu chèo lung linh cũng biến mất, chỉ còn tấm thân gầy trơ khấc, khổ sở và thiếu thốn…

Ám ảnh những phận người

23 giờ, con phố Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm lặng như tờ. Không xe cộ, không khói bụi, không người, nhưng không gian đêm nóng nực và ngột ngạt – cái ngột ngạt vô hình đến từ những âu lo. Dưới mái hiên một cửa hàng thuốc thú y, bà cụ Đàm Thị Khánh 73 tuổi, người gầy đét cứ trằn trọc trên mảnh bìa carton trải rộng. Dù trời nóng, nhưng bà vẫn trùm chiếc chăn mỏng kín đầu và xức dầu gió khắp người để “cách ly” lũ muỗi đang vo ve xung quanh. Bà Khánh quê ở huyện Vũ Thư, Thái Bình, có đến hai người con nhưng khi về già bà vẫn cô đơn. Ở nhà một mình không biết bấu víu vào đâu nên bà Khánh lên Hà Nội để nhặt ve chai kiếm sống.

Ngày chưa có dịch COVID-19, đêm nào bà Khánh cũng rạc cẳng đi bới rác. Cuối tuần, bà lọ mọ lên khu phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm nhặt nhạnh chai lọ từ nửa đêm đến sáng, mỗi ngày cũng được mấy chục ngàn. Bà nhớ lắm những con phố Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ, Mã Mây náo nhiệt cả đêm. Rảo chân ở đó, phận già như bà thấy tâm hồn trẻ ra, bớt cô quạnh. Còn bây giờ, bà chẳng thể ra khỏi Hà Nội mà về quê, chẳng nhặt nhạnh được gì, đành bó gối ngồi một chỗ, vừa buồn vừa đói khát.

Nhiều người đi qua thương hại cho bà mấy gói mỳ tôm. Hôm nào xin được nước sôi thì bà ăn mỳ chín, còn không thì nhai mỳ sống. Có người cho hộp sữa và cái bánh mỳ, bà ăn cả ngày. “Công nhận người đã từng đi thanh niên xung phong, chịu qua lửa đạn như tôi, đến già vẫn khoẻ cô ạ, sống sót đã qua mấy mùa dịch. Thôi thì trời thương, cho sống đến bao giờ thì biết bấy giờ, khi nào trời cắt sổ Nam Tào thì coi như hết một cuộc đời bơ vơ”, giọng bà trầm buồn như một lời tâm sự.

1.jpg -0
Bà Đàm Thị Khánh ngân nga điệu chèo giữa phố đêm ngày giãn cách. 

Bên kia đường, dưới gầm cầu cạn, bà cụ Nguyễn Thị Vân vẫn ngồi tựa lưng vào hàng rào sắt, ánh mắt mông lung bất động. Bên cạnh là chiếc túi xách cũ mèm  đựng hai bộ quần áo, một cái bát, một cái thìa, một ca uống nước – cả gia tài của bà ở đó. Đói quá chẳng ngủ được, bà cứ nằm xuống rồi lại ngồi dậy trên tấm bìa carton cũ nát. Mái tóc trắng rối bời, quần áo nhàu nhĩ, hôi hám. Bà bảo đợt chưa giãn cách, 2-3 ngày bà lại đi tắm nhờ, giờ nhà ai cũng đóng cửa nên đành chịu. Quê ở ngay làng gốm Bát Tràng, bà cũng muốn về cho an toàn, nhưng về cũng không có ai chăm sóc nên bà cứ vạ vật ở gầm cầu này.

Bà Vân bảo, phố xá những ngày này vắng như mùng một Tết. Là bởi đã nhiều năm bà “ăn Tết” ở đây. Không phải bà không muốn về quê, mà vì những ngày Tết bà tranh thủ nhặt nhạnh được nhiều chai lọ, để gom lại cả đống dưới gầm cầu. Cỡ độ mùng 6 Tết, có người thu mua phế liệu, bán hết đi bà mới thất thểu về. Tết với bà lão 87 tuổi này còn có nghĩa lý gì đâu. Bà chỉ ước có đủ tiền để mua đôi bông tai bằng vàng ta, đeo vào sáng lóa cả tai đến là đẹp. Tai bà bấm lỗ từ ngày chưa lấy chồng, hết xỏ chỉ, cuống chiếu, rồi mẩu giấy cuộn lại, giờ đã rỗng một lỗ to tướng như hạt lạc mà vẫn không có nổi chỉ vàng để đeo cho đỡ thèm. Chồng bà mất đã lâu, bà có những ba cô con gái nhưng đều lấy chồng tận Thanh Hoá, Nghệ An và Bắc Ninh, mỗi cô một hoàn cảnh nhưng đều khốn khó. “Đợt trước chưa có dịch thì năm thỉnh mười thoảng mẹ con gặp nhau, chứ giờ dịch giã thế này… Người ta bảo có con gái thì gả chồng gần, mà tôi thì đều gả xa cả cô ạ, chả biết chúng nó có biết mẹ già sống khổ sở thế này không”. Nhớ con, bà mếu máo, những giọt nước mắt rỉ ra từ hõm mắt già nua, đọng trên gương mặt nhăn nheo…

Trời đã khuya lắm, rẽ ra đường Quán Thánh, tôi chắc mẩm sẽ chẳng gặp thêm ai nữa. Ấy vậy mà vẫn thấy bóng người đang đạp xe và dừng lại bên những thùng rác tìm kiếm. Bà Nguyễn Thị Nga cả chục ngày nay quanh quẩn trong căn phòng trọ tồi tàn ở phố Võng Thị (quận Tây Hồ). Đêm nay, đói quá, bà đành liều ra đường. Có người dân ở phố Nguyễn Trường Tộ đã cho bà cả bao vỏ lon bia và hai chiếc bánh mỳ. Vậy là đêm nay về bà có cái ăn.

Bà Nga năm nay 69 tuổi, quê ở thành phố Yên Bái, xuống Hà Nội nhặt rác cũng đã vài năm. Con trai bà nghiện ma tuý, cô con dâu bỏ đi biệt tích, để lại cho ông bà đứa cháu đáng thương. Tích cóp được đồng nào, bà lại gửi về cho ông nuôi cháu. Bà thường nói với ông rằng bà ở Hà Nội đầy đủ, không thiếu thốn gì, ông cứ yên tâm. Nhưng thật ra bà sống khổ cực, tằn tiện lắm. Dưới ánh đèn đường, chiếc xe chòng chành, xiêu vẹo, bao đồng nát chất sau lưng như chực đổ ụp xuống tấm thân gầy quắt queo…

3.jpg -0
Chốt kiểm soát COVID-19 trên Quốc lộ 32 thuộc địa phận quận Bắc Từ Liêm lúc nửa đêm.  

Những con mắt đêm

24 giờ, tiếng chổi quét rác đều đặn nhịp vang lên trên con phố Nguyễn Khang tĩnh lặng. Gom rác lên xe, anh Lê Ngọc Chính, 51 tuổi - công nhân thuộc Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên nặng nhọc đẩy chiếc xe chở rác cao ngất đến điểm tập kết. Mệt quá, anh ngồi thụp xuống vỉa hè, giữa ngổn ngang những xe rác nặng mùi, người đẫm mồ hôi. Rồi anh bảo: “Những ngày này, tôi ra đường chả gặp ai, cũng thấy buồn. Người ta ở nhà nhiều, thành ra rác đường phố thì ít đi, nhưng rác gia đình thì nhiều lên trông thấy, thành ra vẫn mệt phờ cô ạ”.

Ca làm của anh bắt đầu từ 17 giờ đến tận nửa đêm. Thường ngày, quãng 22 giờ là anh giải lao, ăn tạm bát bún, bát mỳ để lấy sức. Còn bây giờ, giữa phố xá không người, một bát mỳ đêm là điều không tưởng, anh đành nhịn luôn đến lúc hết giờ làm, cái bụng rỗng tuếch đang sôi ào ào. Điều anh được an ủi là dù nửa đêm hay rạng sáng, dù những ngày nóng nực hay giá rét, ngay cả những ngày giãn cách như thế này, thì cũng luôn có mâm cơm vợ anh phần sẵn. Mâm cơm đạm bạc thôi, nhưng đó luôn là bữa ăn mà anh thấy ngon vô cùng sau những đêm nhọc nhằn.

Đã gần một giờ sáng, tại chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên Quốc lộ 32 thuộc địa phận quận Bắc Từ Liêm, tổ công tác đang làm nhiệm vụ. Lều dã chiến thắp điện sáng choang, chiếc quạt chạy ào ào chỉ càng làm cho không khí nóng nực đảo tung lên. Từ cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, thanh tra giao thông đến cán bộ y tế, quân đội và cán bộ tư pháp phường Phúc Diễn đều có mặt để tuyên truyền cho người dân chấp hành quy định khi ra đường, kiểm soát các phương tiện đi lại qua cửa ngõ phía tây vào trung tâm Hà Nội.

2.jpg -0
 Anh Lê Ngọc Chính mệt lả trong đêm gom rác.

Thượng tá Bùi Đăng Tuấn, Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm đã trực tại chốt cùng anh em nhiều ngày qua. Anh bảo thời điểm này nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, do đó mọi khâu kiểm tra, kiểm soát phải thắt chặt. Quận Bắc Từ Liêm hiện có đến chín chốt kiểm soát, tất cả các chốt đều chia thành ba ca trực 24/24. Những đôi mắt trong đêm nơi chốt gác dường như không kịp nghỉ ngơi phút nào.

Không chịu được cái nóng hầm hập trong lều, chị Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch phường Phúc Diễn kê chiếc ghế ra đầu đường và giữ nguyên vị trí đó cả đêm. Đã mấy ngày nay, sương đêm thấm vào cơ thể khiến giọng chị khản đặc. Chị bảo những ngày đầu giãn cách xã hội, người dân còn chưa tuân thủ nên việc tuyên truyền, nhắc nhở rất vất vả, giờ cũng đã dần đi vào nền nếp. Lúc này, cả tổ công tác đã thấm mệt. Phía sau lều, trên chiếc bếp ga mini, nồi mỳ tôm đang bốc khói, một bát mỳ lót dạ lúc đêm khuya cũng vội vàng, qua loa…

Tôi dừng lại trên đường, ngước nhìn ánh đèn vàng vọt, cây lá đổ bóng xuống đường bất động. Tôi lại nhớ lời bà cụ Vân bảo đường phố vắng vẻ y như ngày Tết. Nhưng làm sao Hà Nội những ngày này yên bình, thanh thản như Tết được. Đêm lặng như tờ, nhưng trong những ngôi nhà đóng kín, trong những cửa hàng đóng kín, những khu nhà cao tầng sừng sững kia, là những trằn trọc, sợ hãi và âu lo. Yên lặng là thế, nhưng vẫn trậc khấc những phận đời đói khát ngoài đường đêm, vẫn chong chong những con mắt đêm căng thẳng, rã rời để hoàn thành nhiệm vụ.

Tôi bỗng thèm mớ âm thanh hỗn độn về đêm của Hà Nội thời điểm cả thế giới chưa biết đến COVID-19. Rồi tôi bất giác nghĩ đến cái ồn ã bất thường trên Quốc lộ 1A khi phải oằn lưng gánh dòng người chạy dịch từ các tỉnh phía Nam về quê suốt nhiều ngày qua. Trên cung đường bão táp, ai cũng vội vã, kiệt sức vì đói khát, những khóe mắt đỏ quạch, những gương mặt cháy sém, tóc dựng đứng, rối mù. Cả con đường vắng lặng và con đường ồn ã kia đều bất thường, đều khiến người ta thấy lo lắng khi hiểm họa vẫn chực chờ. Mong lắm đến một ngày, sự tĩnh lặng hay ồn ã của những con đường được trả về đúng chỗ…

Huyền Châm
.
.