Dạy – học văn theo công thức có “giết chết” văn chương ?

Chủ Nhật, 18/05/2025, 10:22

Những năm gần đây, giáo dục Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, thay vì đơn thuần truyền thụ kiến thức. Môn Ngữ văn - môn học tưởng chừng chỉ cần "cảm xúc" - nay cũng bước vào guồng quay này. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, năng lực đọc hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại trở thành yêu cầu cốt lõi.

Trước yêu cầu thi cử ngày càng rõ ràng về cấu trúc và tiêu chí đánh giá, cả giáo viên lẫn học sinh đều chú tâm đến việc dạy học Văn theo công thức. Điều này giúp việc học có định hướng rõ ràng hơn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Nếu các tiết học Văn chỉ dừng lại ở việc "viết đúng công thức", có đang "giết chết" tư duy sáng tạo, làm nhạt nhòa giá trị đích thực của văn chương?

1. Cần khẳng định rằng dạy Văn theo công thức không phải là tiêu cực nếu được nhìn nhận đúng. Trong dạy học hiện đại, nhất là trong bối cảnh học sinh phải đối mặt với các bài thi có cấu trúc và yêu cầu rõ ràng, việc cung cấp các khuôn mẫu bài viết, hệ thống luận điểm rõ ràng, phương pháp phân tích chi tiết là một công cụ hữu ích. Nó không những giúp các em không bị "bơi" giữa biển kiến thức mênh mông của văn học, mà còn định hình một quy trình tư duy mạch lạc.

Dạy – học văn theo công thức có “giết chết” văn chương ? -0

Trên thực tế, không phải học sinh nào cũng có sẵn khả năng cảm thụ tinh tế hay diễn đạt linh hoạt. Với nhiều em, đặc biệt là ở bậc THCS và THPT, việc được tiếp cận với các mô hình bài viết mẫu, như cấu trúc đoạn văn nghị luận gồm luận điểm, luận cứ, dẫn chứng, phân tích, liên hệ, cũng giống như việc được trao cho một "bản đồ định hướng" trong hành trình khám phá văn chương. Nhờ có công thức, các em dần biết cách đặt câu hỏi đúng, triển khai ý rõ ràng, và quan trọng nhất: tránh lan man, mơ hồ - một nhược điểm thường thấy khi viết văn thiếu phương pháp.

Ví dụ, khi phân tích nhân vật Tràng trong "Vợ nhặt" của Kim Lân, học sinh có thể bắt đầu từ một công thức: nêu khái quát nhân vật,  phân tích hành động - lời nói - tâm trạng trong các hoàn cảnh cụ thể, đánh giá ý nghĩa nhân văn của nhân vật. Với công thức này, một học sinh trung bình cũng có thể viết được một bài văn tròn trịa, đủ ý, rõ ràng. Đó là một bước tiến đáng kể so với việc các em chỉ "cảm nhận mơ hồ", hoặc sa vào kể lại cốt truyện.

Có thể thấy, công thức không làm nghèo nàn suy nghĩ nếu nó được dùng như bệ đỡ ban đầu, để từ đó học sinh dần tự bước đi bằng tư duy và cảm xúc của chính mình. Công thức là cái "khung" để các em học cách nhìn và thể hiện, trước khi dám và đủ sức phá vỡ cái khung ấy để sáng tạo.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là khi công thức bị lạm dụng và trở thành chiếc "khuôn" cứng nhắc, triệt tiêu sự sáng tạo và cảm xúc cá nhân vốn những yếu tố vốn là linh hồn của văn chương. Nhiều bài văn hiện nay giống nhau đến kỳ lạ, từ cách vào đề, triển khai luận điểm, đến cách kết bài. Không ít học sinh học thuộc lòng đoạn mẫu, ghép dẫn chứng theo mô-típ, biến bài viết thành "sản phẩm cơ khí" hơn là tác phẩm thể hiện tư duy cá nhân.

Hãy thử nghĩ về một tiết học Văn khi giáo viên hỏi: "Phân tích hình ảnh chiếc lá cuối cùng trong truyện ngắn của O. Henry". Một học sinh theo công thức có thể lập tức trình bày: "Chiếc lá cuối cùng là biểu tượng của nghị lực sống, thể hiện tình yêu thương giữa người với người, mang thông điệp nhân văn sâu sắc". Câu trả lời ấy không sai. Nhưng nếu mười em đều viết như thế, liệu có gì khiến người đọc xúc động? Trong khi đó, một em học sinh khác dám nghĩ khác có thể viết: "Chiếc lá không chỉ là sự sống, mà còn là sự hy sinh âm thầm của người nghệ sĩ già. Nó là tuyên ngôn của nghệ thuật: sống, đẹp và cứu rỗi". Chính suy nghĩ ấy mới là thứ khiến Văn học trở nên sống động và chạm tới trái tim người đọc.

Hãy thử lấy một ví dụ khác: khi phân tích hình ảnh sông Hương trong tùy bút “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Rất nhiều học sinh theo công thức sẽ viết: "Sông Hương là biểu tượng của vẻ đẹp trữ tình và thơ mộng của xứ Huế, mang dáng dấp của một cô gái dịu dàng, đằm thắm, vừa cổ điển vừa hiện đại". Một câu văn gọn gàng, hợp lý, đầy đủ ý. Nhưng mười bài giống nhau y hệt, liệu có ai trong số đó thực sự "cảm" được dòng sông?

Trong khi đó, một học sinh khác, dám cảm nhận theo cách riêng, có thể viết: "Sông Hương không chỉ là một dòng chảy địa lý hay biểu tượng văn hóa, mà là một nhân vật nghệ sĩ, một linh hồn bí ẩn đang kiếm tìm tri kỷ. Nó ẩn nhẫn, lặng thầm, nhưng sâu sắc và kiêu hãnh như chính tâm hồn Huế". Cách nhìn này vừa bám sát văn bản, vừa mở ra chiều sâu tư duy - điều mà công thức khó chạm đến.

Văn chương không chỉ là cái "đúng" theo đáp án, mà còn là cái "đẹp" trong suy nghĩ và cách biểu đạt riêng. Nếu học Văn chỉ để luyện thi, để viết theo mẫu, thì môn học này chẳng khác gì môn Toán với các công thức khô cứng. Nhưng khác với Toán, Văn cần không gian của cảm xúc, của đồng cảm, của tưởng tượng. Văn học không chỉ là cái đẹp mà còn là nơi con người đối thoại với chính mình.  Nếu ta cắt đứt khả năng đối thoại ấy bằng việc "mẫu hóa" toàn bộ quá trình học, liệu học sinh còn cảm được vẻ đẹp của một câu thơ, một chi tiết nhân vật, một bi kịch đời người trong trang văn?

Nếu học sinh bị dẫn dắt theo lối học rập khuôn, chỉ mải mê thuộc lòng dàn ý mẫu, cách phân tích mẫu, thì việc học Văn sẽ dần mất đi chức năng quan trọng nhất: giúp con người lắng nghe chính mình. Văn học sinh ra không phải để trở thành "bộ đề ôn luyện thi" mà là để khơi gợi những xúc cảm tinh tế, để mỗi người khi đọc một trang sách đều có thể nhìn lại chính đời sống của mình, thấy mình ở đâu đó trong một nỗi đau, một khát vọng, hay một ánh nhìn nhân ái của nhân vật.

Một bài văn hay không chỉ đúng về kỹ thuật, mà phải có cái hồn riêng. Cái hồn ấy được tạo nên từ dấu vết của suy tư cá nhân, từ sự đồng cảm hay từ tiếng vọng nội tâm của người viết. Nếu thay vì khơi mở cảm xúc, lớp học Văn chỉ còn là nơi kiểm tra kỹ năng viết đúng cấu trúc, liệu học sinh có còn tìm được chính mình trong những trang văn? Khi đó, văn học, thay vì là nơi giúp con người lắng nghe chính mình, sẽ trở thành một "bức tường" chắn ngang con đường cảm xúc và nhận thức.

Hơn nữa, việc lạm dụng công thức có thể khiến học sinh đánh mất tư duy phản biện, năng lực được coi là cốt lõi trong thời đại hiện đại. Nếu mọi bài văn đều chỉ tìm cách "hợp thức hóa" đáp án của thầy cô, các em sẽ dần mất đi khả năng nêu quan điểm cá nhân, nhìn một vấn đề dưới nhiều góc nhìn, hoặc đơn giản là dám nói "em thấy khác". Trong khi đó, những học sinh thực sự yêu Văn thường là những người dám viết khác, dám phản biện. Một học sinh từng khiến giám khảo ấn tượng khi viết rằng "Chí Phèo không chỉ là nạn nhân của xã hội, mà còn là nạn nhân của chính mình"- một quan điểm có thể gây tranh luận, nhưng đầy bản lĩnh và suy ngẫm.

2. Vậy giải pháp là gì? Giáo viên dạy Văn cần tinh tế trong việc kết hợp giữa rèn luyện kỹ năng và nuôi dưỡng cảm xúc. Hãy giúp học sinh hiểu "viết đúng" là chưa đủ, còn cần phải "viết có hồn". Công thức có thể là điểm tựa, nhưng không phải là sợi dây trói buộc. Hãy đặt cho học sinh những câu hỏi mở, cho phép các em trình bày suy nghĩ cá nhân thay vì ép vào mẫu. Đồng thời, thầy cô cần chấp nhận những bài viết "khác chuẩn", miễn là chúng có lập luận, có dẫn chứng, có cảm xúc thật.

Giải pháp không nằm ở việc phủ định hoàn toàn công thức, mà là sử dụng nó như một điểm tựa ban đầu, từ đó mở ra không gian sáng tạo cho học sinh. Giáo viên dạy Văn cần giữ vai trò là người dẫn dắt, chứ không phải là người áp đặt. Thay vì dạy học sinh viết một dạng bài cố định với dàn ý cứng nhắc, thầy cô nên gợi mở những cách tiếp cận linh hoạt: đặt câu hỏi gợi tư duy, khuyến khích so sánh - liên hệ - phản biện, và nhất là lắng nghe suy nghĩ thật sự của người học.

Chẳng hạn, thay vì yêu cầu học sinh "phân tích nhân vật Mị theo 4 luận điểm có sẵn", giáo viên có thể đặt câu hỏi: "Nếu em là Mị trong đêm tình mùa xuân, em sẽ làm gì?" hoặc "Mị có phải là hình mẫu phụ nữ chịu đựng hay là biểu tượng của sức sống tiềm tàng?". Những câu hỏi ấy không chỉ rèn kỹ năng mà còn khơi gợi sự nhập vai, sự suy tư cá nhân, từ đó giúp học sinh tiếp cận nhân vật bằng lăng kính của chính mình.

Đặc biệt, giáo viên cần có sự bao dung học thuật, sẵn sàng chấp nhận những cách diễn đạt "chưa đúng chuẩn" nhưng giàu cảm xúc; chấp nhận một cách nhìn khác biệt nếu nó được lập luận hợp lý và có dẫn chứng thuyết phục. Việc sửa bài nên đi theo hướng "gợi ý phát triển" thay vì "gạch bỏ sai sót". Bởi nếu học sinh cứ bị phê bình vì "không đúng đáp án", các em sẽ không dám sáng tạo, không dám nghĩ khác. Mà Văn học thì không thể lớn lên trong nỗi sợ.

Hơn thế, giáo viên có thể tạo ra những giờ học để học sinh được cảm, nghĩa là không phải để ghi chép nội dung bài, mà để chia sẻ cảm nhận về một câu thơ, một tình tiết, một biểu tượng. Có khi, chính những phút lặng im sau một đoạn văn xúc động, hay những dòng nhật ký viết dưới vai trò của một nhân vật, lại là lúc học trò chạm được đến "linh hồn" của tác phẩm, đây là điều mà dàn ý mẫu không bao giờ chạm tới được.

Dạy Văn theo công thức là một bước tiến nếu sử dụng đúng cách, nhưng là bước lùi nếu nó biến Văn học thành một trò chơi máy móc. Muốn việc dạy học Văn thực sự có ý nghĩa trong thời đại mới, cần dung hòa hai mục tiêu tưởng chừng trái ngược nhưng thực chất lại song hành: một mặt, học sinh phải được rèn luyện kĩ năng đọc hiểu theo đặc trưng thể loại để đáp ứng yêu cầu đánh giá, thi cử; mặt khác, các em cũng phải được nuôi dưỡng khả năng cảm thụ thẩm mỹ, rung cảm trước cái đẹp, cái nhân văn trong văn chương. Chỉ khi đáp ứng cả hai điều đó, dạy học Văn mới không đánh mất linh hồn mình và người học Văn cũng sẽ không chỉ là người biết viết, mà còn là người biết sống. 

Thái Thị Thanh Huyền
.
.