Đầu tư cho tương lai

Thứ Hai, 12/05/2025, 10:40

Câu chuyện cháu bé 4 tuổi ở Nam Định không được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cấp cứu kịp thời chỉ vì chưa hoàn tất thủ tục đóng tiền tạm ứng viện phí đã dấy lên những tranh cãi và các cơ quan chức năng đã vào cuộc rất kịp thời. Từ câu chuyện đó, chúng ta có thể mở ra nhiều vấn đề lớn rất cần được giải quyết ở cả các ngành, nghề khác nếu muốn hướng tới một tương lai phát triển lành mạnh và bền vững.

1. Thực tế, nhiều người sống ở Nam Định cho biết, mỗi khi cần khám, chữa bệnh, họ không chọn Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, trừ trường hợp cấp cứu như câu chuyện của cháu bé 4 tuổi gặp tai nạn giao thông vừa rồi. Có thể nói, đó chỉ là một cơ sở cá biệt nhưng chỉ một cá biệt ấy thôi cũng đủ khiến ngành y tổn hại uy tín.

Đầu tư cho tương lai -0
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai.

Sẽ có những lý giải cho rằng nếu thu nhập chính đáng của y, bác sĩ tăng lên nhiều lần, tình trạng từ chối bệnh nhân sẽ không xảy ra. Đúng là thu nhập của y, bác sĩ, của giáo viên còn khó khăn, song việc xây dựng cặp tương quan thu nhập - chất lượng dịch vụ xem ra chưa ổn. Ở đây, vấn đề chính là đạo đức và thái độ đối với người dân của những người cung cấp dịch vụ. Lớn hơn nữa, nó là vấn đề của ngành, với các chi phí cụ thể không thể nào bù đắp bằng ngân sách mà bắt buộc phải được khai thác thêm từ nguồn thu ngoài, cụ thể là từ những người tiếp nhận dịch vụ. Đó cũng là lý do vì sao chương trình miễn giảm học phí tiểu học đã được áp dụng ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội nhiều năm rồi nhưng số tiền cha mẹ học sinh phải đóng hằng tháng vẫn không thay đổi gì.

Không còn học phí, tất sẽ có khoản thu khác, dưới cái tên khác. Nguyên nhân cơ bản là các trường học vẫn phải có những chi phí thường xuyên rất lớn mà ngân sách chưa thể bù đắp nổi.

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV đã thảo luận và đưa ra những giải pháp rất sát sao đối với ngành giáo dục. Nổi trội nhất chính là việc xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương và giao thẩm quyền tuyển dụng giáo viên cho ngành giáo dục. Đây chính là hai nút thắt kéo dài nhiều năm trời và bây giờ mới chính thức được đưa vào chương trình nghị sự để gỡ bỏ. Và, nó mở ra tầm nhìn chiến lược trong việc đầu tư cho giáo dục, tức là đầu tư cho tương lai.

Trong mấy năm vừa qua, tình trạng phổ biến là chỉ tiêu biên chế ngành giáo dục chưa được giải quyết một cách thỏa đáng, dẫn đến nhiều bức xúc trong đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng sâu, vùng xa. Nhu cầu giáo viên rất lớn đối với các trường hiện nay và ở thời điểm hiện tại, ngành giáo dục vẫn cần bổ sung cả trăm ngàn giáo viên. Tuy vậy, chỉ tiêu biên chế cho ngành giáo dục ở các địa phương lại không được quyết định bởi ngành, mà phải thông qua chính quyền địa phương, dưới sự tham mưu và hướng dẫn của Sở Nội vụ.

Tóm lại, ngành giáo dục chỉ được đề xuất nhu cầu mà thôi, còn quyết định biên chế thế nào lại không nằm trong thẩm quyền của họ. Chính tình thế ấy dẫn đến câu chuyện các trường phải tuyển thêm giáo viên hợp đồng. Các giáo viên hợp đồng đều mong mỏi năm này qua năm khác, khi có chỉ tiêu, họ sẽ có cơ hội được vào biên chế. Đã có những giáo viên ở các tỉnh miền núi phía Bắc lên tiếng khi họ đáp ứng mọi yêu cầu chất lượng chuyên môn và làm việc hơn 10 năm, có người hơn 20 năm, nhưng vẫn chưa được duyệt vào biên chế. Ngờ vực về tiêu cực cũng bắt đầu từ đó. 

Cách đây chưa đầy nửa năm, tôi nhận được những khẩn cầu từ tập thể giáo viên mầm non, tiểu học ở một tỉnh phía Bắc nhờ lên tiếng khi họ được xét vào biên chế rồi lại phải chịu một mức lương mới, gần như là “cài đặt lại từ đầu”, vào khoảng chưa tới 5 triệu đồng/tháng. Và, gần đây nhất, một người quen ở Hà Nội cũng cho biết, 15 năm anh làm giảng viên đại học nhưng lương hợp đồng của anh, tính theo bậc ngạch, cũng chưa tới 10 triệu đồng. Tình trạng này cũng tương tự với ngành y tế và chính đợt cao điểm các nhân viên y tế xin thôi việc sau đại dịch COVID-19 là bài học xót xa nhất mà chúng ta cần phải nhìn thẳng vào để rút kinh nghiệm. Giáo dục và y tế là hai nền tảng rường cột của mỗi xã hội. Khi giáo dục và y tế chưa được đầu tư xác đáng, chúng ta chắc chắn không thể có một thế hệ tương lai lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.

Trong suốt dịp đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều người đã tâm đắc chia sẻ phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm, đại ý nhấn mạnh việc hướng tới tương lai, xây dựng tương lai. Tương lai nằm ở chính những thanh, thiếu niên của ngày hôm nay và đầu tư cho tương lai gắn rất chặt với đầu tư cho giáo dục và y tế. Cần phải xây dựng một cơ chế khác, nhiều ưu đãi hơn, cởi bỏ bớt những nguyên tắc ràng buộc cũ kỹ để những người hoạt động trong ngành y và ngành giáo dục có thể toàn tâm dồn hết năng lực, năng lượng của mình phục vụ nghề.

2. Nhìn vào lịch sử thế giới trong hơn 100 năm qua, chúng ta sẽ nhận thấy tại sao có một số quốc gia từng trải qua nhiều biến cố lớn, mất mát lớn nhưng vẫn vươn mình trở thành một quốc gia hùng cường. Cơ bản, đó là những quốc gia có nền tảng dân trí tốt và họ rất trọng tri thức. Chính vì trọng tri thức, họ tôn trọng những người đại diện truyền đạt tri thức cho cộng đồng và đầu tư xứng đáng cho nghiên cứu khoa học. Mạnh lên nhờ kinh tế, một quốc gia có thể trở thành điểm sáng ngắn hạn trong mắt thế giới. Mạnh lên nhờ tri thức, nhờ giáo dục, nhờ khoa học, một quốc gia sẽ có cơ hội trở nên hùng cường và đóng vai trò rất lớn trong quan hệ quốc tế.

Đầu tư cho tương lai -0
Vụ việc ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định gây bức xúc dư luận.

Thực tế cho thấy, Việt Nam hiện nay rất thiếu bệnh viện và cơ sở giáo dục chất lượng cao cũng như thiếu đội ngũ y, bác sĩ, giáo viên giỏi. Chính việc thiếu hụt này mới dẫn tới tình trạng kéo dài nhiều năm là bệnh nhân từ nhiều địa phương đổ dồn về các đô thị lớn gây quá tải bệnh viện và các kỳ thi đầu vào THPT diễn ra rất “nghẹt thở”. Xây thêm trường, xây thêm bệnh viện là việc cần làm ngay nhưng bổ sung lực lượng nhân sự giỏi cho các trường, các bệnh viện mới thành lập mới là ưu tiên hàng đầu. Và, trong việc bổ sung lực lượng đó, chế độ làm việc luôn là điều kiện tiên quyết. Đơn giản, nếu nghề giáo, nghề y còn chưa mang lại thu nhập tương xứng, sẽ càng ít người dũng cảm theo đuổi những nghề “làm dâu trăm họ” này.

Điều gì sẽ xảy ra với cháu bé 4 tuổi kể trên nếu như viện phí được miễn giảm hoàn toàn? Không ai dám chắc nhân viên y tế sẽ không còn chậm trễ cấp cứu nữa. Cơ bản, khi họ làm việc với một tâm thế “nghề không đủ nuôi người”, họ sẽ dễ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, bất chấp hệ quả đối với người khác là như thế nào. Chỉ khi nào nghề dư sức nuôi được người và từ đó tạo ra áp lực đào thải rất lớn, tinh thần trách nhiệm mới được họ chú trọng đưa lên hàng đầu và lựa chọn cách ứng xử khi làm nghề theo đúng tinh thần trách nhiệm ấy.

Muốn hướng đến tương lai, phải nghĩ tới thế hệ tương lai trước. Đầu tư cho tương lai không phải là đầu tư vào những con người, hay một nhóm con người cụ thể nào. Thay vào đó, phải đầu tư vào nền tảng, vào cơ chế của những ngành, nghề gắn chặt với tương lai của đất nước. Phải biến nghề giáo, nghề y trở thành những nghề cao quý đúng nghĩa trên thực tế chứ không phải chỉ bằng lý thuyết. Từ đó, sức hút nghề sẽ tạo ra áp lực tuyển dụng, áp lực đào thải đối với người làm nghề để có thể tuyển được những nhân sự ưu tú nhất và chỉ giữ chân những nhân sự có nỗ lực hoàn thiện mình thường xuyên nhất.

Đầu tư như thế, chính là cách chúng ta tỏ lòng tôn trọng với những người “thầy” và cũng là cách cho thấy chúng ta có một thể chế thật sự trọng vọng tri thức, trí thức, những người xây dựng nền móng kiên cố nhất cho sự phát triển lâu dài với tầm nhìn trăm năm. 

Hà Quang Minh
.
.