Dạo chợ Tết ở trời tây

Thứ Năm, 29/12/2022, 21:08

Đã qua lại châu Âu bảy lần, và thường vào dịp cuối năm, trước đây tôi không chú ý lắm đến chợ Giáng sinh, bởi nghĩ đơn giản, dù sao đó thuần túy cũng chỉ là nơi buôn bán. Nhưng khi thấy chợ Giáng sinh xuất hiện ngày một nhiều và được trang trí ngày một lộng lẫy, tôi mới bắt đầu tìm hiểu và phát hiện ra nhiều điều thú vị.

Khác với năm mới ở ta bắt đầu bằng mùa xuân ấm áp, năm mới ở châu Âu bắt đầu bằng mùa đông lạnh giá. Có lẽ vì thế chăng mà người châu Âu cần đến lễ Giáng sinh với đèn hoa rực rỡ để xua đi cái lạnh giá của mùa đông?

Dạo chợ Tết ở trời tây -0
Chợ Giáng sinh ở Nhà thờ Đức bà Strasbourg (Pháp).

Lễ Giáng sinh là ngày lễ quan trọng nhất của người châu Âu, giống như Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất của người Việt. Nếu chúng ta đi chợ hoa để chọn cành đào cây quất thì người châu Âu cũng đến chợ Giáng sinh để mua về các món trang trí cho cây thông Noel. Mang tính thời vụ của một phiên chợ cuối năm, chợ Giáng sinh thường được họp trong bốn tuần trước lễ Giáng sinh, tại quảng trường trung tâm thành phố, trước nhà thờ lớn hoặc một địa điểm công cộng, miễn sao dễ tìm và đông người qua lại.

Trước thời kì dịch bệnh, châu Âu đã chứng kiến sự nở rộ của các chợ Giáng sinh. Sau thời kì dịch bệnh, với tâm lí "bung ra" của người dân, giờ đây, các chợ Giáng sinh còn mọc lên nhiều hơn nữa. Một thành phố có tới vài chợ Giáng sinh, thậm chí, thủ đô Paris của Pháp năm nay có tới vài chục chợ Giáng sinh vì thế cũng là điều dễ hiểu. Được lời rủ rê của một cô bạn đi chợ Giáng sinh Strasbourg (Pháp) vào cuối tuần, tôi đã gặp cảnh tắc đường ở ngay cửa ngõ vào thành phố do có quá nhiều người đổ về đây, và hiển nhiên, giá phòng khách sạn tăng chóng mặt.

Một "đặc sản" lâu đời

Có lịch sử ngót nghét 600  năm, các chợ Giáng sinh bắt đầu xuất hiện ở vùng đất nay là nước Đức và Đông Bắc nước Pháp, ban đầu được đặt tên là "Chợ Thánh Nicolas", tên của vị thánh bảo vệ trẻ em. Những dấu vết đầu tiên của chợ Giáng sinh có niên đại là năm 1434: Dưới triều đại của vua Frederic II xứ Saxe, thành phố Dresden ở Đức đã tổ chức một chợ Giáng sinh (tiếng Đức là "Striezelmarkt"). Đến thế kỉ 16, dưới sự thôi thúc của thời kì Cải cách, các chợ Giáng sinh được gọi là "Christkindlmarkt" (Chợ Jesus Hài đồng). Với tên gọi mới này, người ta chống lại việc thờ các thánh, và đặt lại chúa Giê-su vào trung tâm lễ hội.

Truyền thống chợ Giáng sinh đã tiếp diễn suốt nhiều thế kỉ, nhưng từ khoảng hai mươi năm trở lại đây, nó đã biết đến một sự thăng hoa ấn tượng trong phần còn lại của nước Pháp và châu Âu mặc dù nhiều người không hài lòng khi yếu tố thương mại lấn át yếu tố tôn giáo. Và truyền thống chợ Giáng sinh cũng bắt đầu "xuất khẩu" ra phần còn lại của thế giới, nhất là Mỹ và Nhật Bản từ năm 2009.

Dạo chợ Tết ở trời tây -0
Khách tham quan chợ Giáng sinh ở vườn Tuileries (Pháp).

Muôn màu muôn vị

Không có thời điểm nào trong năm mà bộ mặt các thành phố châu Âu lại thay đổi nhiều như thời điểm Mùa Vọng. Khi bầu trời xanh và sắc rực rỡ của lá vàng, lá đỏ đã không còn, thay vào đó là bầu trời xám và cây cối khẳng khiu trụi lá, bỗng một ngày, thành phố như bừng tỉnh bởi ánh đèn lấp lánh, màu trắng, đỏ, xanh lục lộng lẫy của các đồ trang trí Giáng sinh.

Tại nhiều không gian công cộng, một cây thông lớn được dựng lên, tiếp theo đó là nhà gỗ nhỏ - quầy hàng với đủ loại biển hiệu bày bán đủ loại mặt hàng, từ đồ ăn thức uống đến đồ trang trí, đặc biệt là ẩm thực địa phương và đồ trang trí Giáng sinh. Vậy là một khu chợ Giáng sinh đang chuẩn bị hình thành và ngày lễ trọng đại nhất trong năm đã đến rất gần. Dấu hiệu chung là vậy, nhưng mỗi chợ lại khác nhau chút ít tùy theo vùng miền và tôn giáo.

Là một trong những chợ Giáng sinh lớn nhất và lâu đời nhất, chợ Strasbourg (Pháp) lâu nay vẫn được coi là "Thủ phủ của Giáng sinh" (Capital de Noel). Chợ diễn ra sớm, từ ngày 25 tháng 11. Năm nay, chủ đề của chợ là "Hãy chia sẻ màu nhiệm" nên các trang trí thiên thần giữ vai trò chủ đạo.

Ba trăm gian hàng gỗ được đặt tại 6 địa điểm khác nhau trong thành phố, nhưng tập trung nhiều nhất tại chân nhà thờ lớn Strasbourg trứ danh, cây thông Noel cao 30 mét kèm màn nhạc ánh sáng, lấp lánh trên Quảng trường Kleber. Các chợ theo chủ đề được đặt khắp nơi trong thành phố, dự kiến chào đón khoảng hai triệu khách thăm. Đến đây, bạn đừng quên nếm bánh mì gia vị, nước táo nóng, món choucoutre (bắp cải muối nóng ăn kèm xúc xích), bánh bredel, bánh mannele và nhiều đặc sản vùng Alsace.

Nước Đức cũng có nhiều chợ Giáng sinh. Theo thống kê, hiện Đức có khoảng 3.000 chợ Giáng sinh rải rác trên cả nước, nổi tiếng nhất là các chợ tại Nuremberg, Muchen, Frankfurt, Kohl… Chợ Giáng sinh Nuremberg có từ năm 1628 và là chợ Giáng sinh nổi tiếng nhất của Đức. Ở Nuremberg, bạn hãy chiêu đãi mình món xúc xích nướng hoặc rượu vang nóng nổi tiếng.

Thành phố Vienna chào đón hơn một chục chợ Giáng sinh. Chợ quan trọng nhất nằm trên Rathausplatz, quảng trường tòa thị chính, nơi có hơn 100 quầy hàng bày rượu vang nóng, bánh mì gia vị, đồ trang trí. Một cổng cao trang trí nến chào đón khách tham quan.

Lui một chút về phía Đông Âu, ta cũng chứng kiến một không khí vui tươi không kém của chợ Giáng sinh Budapest (Hungary), nơi được mệnh danh là "Paris của Đông Âu". Một trong các chợ được họp trước vương cung thánh đường Saint-Stephen, bày bán nhiều đặc sản của Hungary (bánh ống khói, dây trang trí kết bằng các quả gia vị, đồ gỗ thủ công, đồ trang sức…).

Vào buổi tối, một chiếc đồng hồ đếm ngược trên trán nhà thờ báo hiệu các màn nhạc kịch gắn với chủ đề Giáng sinh được chiếu lên mặt tiền của vương cung thánh đường. Màn trình diễn bằng âm thanh và ánh sáng này mang đến một không khí nhiệm màu cho chợ Giáng sinh này. Nhưng đến đây, có lẽ bạn cần cân nhắc việc ăn uống.

Giá cả ở Budapest vẫn được tiếng là rẻ, nhưng một suất ăn không rõ món gì (gồm 1 đế bánh, 1 xiên rau củ nướng với gà, chút khoai tây và một chiếc xúc xích) kèm một cốc rượu vang nóng sẽ có giá hơn 14.000 forint, tương đương với 35 euro hoặc gần 1 triệu tiền Việt. Với số tiền đó, bạn đã có một bữa ăn đàng hoàng tươm tất trong một nhà hàng ở Paris.

Kể từ khi thanh toán hóa đơn cho món đường phố này, tôi không còn thấy món ăn nào ở châu Âu là đắt đỏ nữa. Còn cô bạn đi cùng thì tự an ủi rằng chúng tôi đã vừa được ăn, vừa được "xem chiếu bóng" trong không khí cổ tích nên bữa ăn vẫn rất xứng đáng.

Ấm áp không khí chợ Giáng sinh

Ngoài những trang hoàng lộng lẫy làm vui mắt người xem, các chợ Giáng sinh còn giới thiệu nhiều hoạt động vui chơi cho trẻ em, đúng như tinh thần nguyên khởi của một ngày lễ dành cho Giê-su Hài đồng. Sân trượt băng, đu quay, vòng quay ngựa gỗ… đều hiện diện tại các chợ Giáng sinh. Nổi bật về các hoạt động này có lẽ là chợ Giáng sinh ở vườn Tuileries (Paris - Pháp), vốn trước kia được đặt tại đại lộ Champs-Élysée. Sân trượt băng trở thành trung tâm của chợ, thu hút rất nhiều em nhỏ và người lớn đi kèm. Các quầy hàng trở nên khiêm tốn trong một không gian có rất nhiều hoạt động động vui chơi nổi bật, kể cả các trò chơi mạo hiểm. 

Chỉ cần hòa mình vào dòng người đi chợ Giáng sinh, tôi cảm nhận ngay được sự ấm áp tỏa ra từ xung quanh. Ấm áp từ ánh đèn vàng của những quầy hàng bằng gỗ màu nâu, cam hoặc vàng đất. Ấm áp từ hơi nóng của căn bếp giữ ấm cho những món ăn hay đồ uống.

Ấm áp từ mùi thơm của các món ăn gợi sự đoàn viên của người phương Tây: mùi bơ của bánh ngọt, phô mai, mùi quế và hồi mà ta ta tưởng như sắp gặp một hàng phở Việt, nhưng kì thực là mùi của rượu vang nóng (vin chaud) mà nhiều thành phần gia vị trong đó cũng có quế và hồi, hay như mùi thơm bùi của hạt dẻ nướng khiến một người Việt có thể nhớ về món ngô nướng của buổi tối mùa đông.

Ấm áp từ những cái khoác vai của những đám bạn bè, hay tay cầm tay của những cặp vợ chồng già dắt nhau đi dạo chợ. Ấm áp từ tiếng cười nói của trẻ nhỏ, tiếng trao đổi mua bán của người bán hàng và khách mua hàng.

Tôi tạt vội vào một cửa hàng bán vang nóng, làm ấm bàn tay bằng hơi ấm tỏa ra từ cốc rượu, hít hà mùi thơm pha lẫn hơi men của rượu. Nhìn ra xung quanh, tôi thấy gần như mỗi người trên tay đều cầm cốc vang nóng giống mình. Họ thong thả đi lại hoặc dựa vào bàn để thưởng thức món đồ uống ấm áp ấy và nói chuyện phiếm.

Tuyết bắt đầu rơi, vài bông li ti đậu trên mái tóc vàng của cô gái trẻ.

Hoàng Thanh Thủy
.
.