Đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022

Đã được "làm quen" bây giờ "có điểm"?

Chủ Nhật, 10/10/2021, 18:13

Đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) đã “ra mắt” ở vòng loại thứ 3, World Cup 2022, khu vực châu Á. Không có điểm số nào trong màn ra mắt ấy, nhưng nói như rất nhiều người trong làng bóng thì đó lại là một màn ra mắt rất đáng tự hào.

Những chữ “nếu” trong hai lần đụng “núi”

Phải nói hai đối thủ đầu tiên của ĐTVN trong hai trận ra mắt đầu tiên ở sân chơi lớn thuộc hàng “ông kẹ”. Thay vì gặp những đối thủ “vừa tầm” trong bảng đấu của mình như Trung Quốc hay Oman, chúng ta lại đụng ngay Saudi Arabia và Australia. Sự trên cơ của hai ông kẹ này không chỉ được biểu hiện qua sự chênh lệch giữa ta và họ trên bảng tổng sắp FIFA, cũng chỉ biểu hiện qua những gì mà cả ta và họ đã thể hiện ở vòng loại thứ 2, mà được thể hiện ngay từ những tuyên bố của các ông thầy trước giờ xuất trận.

Đã được

Dù rất tôn trọng ĐTVN, nhưng trước trận đấu, cả HLV trưởng Saudi Arabia lẫn Australia đều tự tin “chiến thắng”. Nhiều cổ động viên Việt Nam khó chịu trước những phát biểu tự tin ấy, nhưng hãy khách quan nhìn nhận, ở vị thế của mình, họ có quyền tự tin. Và hãy sòng phẳng: Với những đội bóng đã xác định cạnh tranh vé đi World Cup như Saudi Arabia và Ausstralia mà khi vào trận không thắng nổi Việt Nam – đội yếu nhất bảng thì rõ ràng là thất vọng tràn trề.

Chênh lệch là vậy nhưng thực tế sân bãi lại cho thấy cả hai chiến thắng của hai đội bóng này đều chẳng dễ dàng gì. Trên sân nhà của mình, Saudi Arabia thậm chí đã bị chúng ta dẫn trước. Một pha chớp thời cơ rất nhanh và một cú sút sở trường của Quang Hải thực sự đã khiến tất cả bất ngờ. Kết thúc 45 phút đầu tiên, tỷ số vẫn là 1-0.

Mọi thứ chỉ thay đổi vào đầu hiệp 2, khi Duy Mạnh để bóng chạm tay trong vòng cấm, và ông trọng tài liền rút thẻ vàng thứ 2. Cựu trọng tài Đoàn Phú Tấn đã bàng hoàng thốt lên: trọng tài thổi Penalty là đúng rồi, nhưng tại sao lại là thẻ vàng thứ 2? Thẻ vàng thứ 2 là “ác” quá! Và nút thắt của trận đấu xoay chiều từ đấy. Chúng ta vừa chịu Penalty, vừa đá thiếu người nên cuối cùng thua đau.

90 phút với Saudi Arabia, nhiều người tiếc hùi hụi với một chữ “nếu” đến từ một quyết định rút thẻ rất nhạy cảm của trọng tài thì 90 phút với Australia sau đó người ta lại phải tiếp tục “nếu” vì những quyết định của trọng tài. Lần này, Hồng Duy sút bóng chạm tay cầu thủ Australia trong vòng cấm, trọng tài cẩn thận xem VAR hẳn hoi, tất thảy người xem đều nghĩ “phạt đền là chắc chắn”, ấy thế mà trọng tài lại xua tay như không có chuyện gì. Người ta “nếu”: Nếu lúc ấy được Penalty, dẫn trước đối thủ trên sân của mình thì sau đó chúng ta có chịu thua 0-1? Nếu như thế bởi như nhận xét sau trận đấu của HLV trưởng Park Hang Seo: Trình độ chơi bóng hai bên không quá chênh lệch. Sự chênh lệch chỉ diễn ra ở thể hình thể trạng mà thôi!

Như thế, sau hai trận “ra mắt”, ĐTVN đều vướng vào những chữ “nếu” với những ông vua sân cỏ. Khách quan mà nói, chúng ta xứng đáng có ít nhất 1 điểm trong hai trận đấu này. Nhưng biết làm sao được khi bóng đá là thế, cuộc chơi là thế: Chỉ một vài tích tắc quyết định của trọng tài, mọi thứ có thể xoay chiều nhanh chóng. Nhiều cổ động viên Việt Nam vì thế quay ra trách trọng tài, nhưng ngẫm lại toàn bộ đường vào vòng loại thứ 3 lại phải thấy rằng không phải lúc nào các trọng tài cũng xử bất lợi cho Đội tuyển Việt Nam. Ví dụ rõ nhất như ở trận lượt về với Indonesia ở vòng loại thứ 2, một trận đấu mà chúng ta càng đá càng gặp khó trước một hàng thủ sẵn sàng đá rát, đá ẩu của đối phương. Nhưng rồi bàn thắng bất ngờ của Tiến Linh đã làm thay đổi tất cả. Bàn thắng ấy cùng lúc cởi ra nhiều cái nút, giúp chúng ta sau đó thắng trận 4-0, nhưng theo phân tích của chính những trọng tài Việt Nam thì trước khi ghi bàn quan trọng “gỡ thế khó” cho đội nhà, Tiến Linh đã để tay chạm bóng. Lúc đó cầu thủ Indonesia phản ứng dữ dội, nhưng trọng tài không thay đổi quyết định của mình.

Bóng đá là thế đấy! Tiếc thì vẫn tiếc nhưng buộc phải chấp nhận thực tế: những sai số (nếu có) của các ông vua sân cỏ là một phần của cuộc chơi này.

Những hy vọng cho hành trình tiếp theo

Bỏ qua những chữ “nếu” đầy tiếc nuối ám ảnh người hâm mộ Việt Nam sau hai trận đấu với Saudi Arabia và Australia, cần phải tỉnh táo nhìn ra những cái được và chưa được về chuyên môn để có thể “binh” tốt nhất cho chặng đường phía trước. Cái được đầu tiên chính là cách tổ chức thế trận phòng ngự hợp lý, dù các nhân tố phòng ngự cứ bị rối tung lên bởi chuyện người này nhận thẻ, người nọ chấn thương. Đá trước những đối thủ có đẳng cấp hơn hẳn mình, tổ chức được một thế trận phòng ngự cặn kẽ, nơi mà từng vị trí đều di chuyển và bọc lót nhịp nhàng là điều đáng khen. So với trận gặp UAE ở vòng loại thứ 2, một trận đấu mà trong rất nhiều thời điểm hàng thủ bị “xé ngang xé dọc” thì rõ ràng thế trận phòng thủ mà chúng ta đã tạo lập trong 180 phút đã qua là tốt hơn rất nhiều.

Cái được thứ hai, đáng khen nhất chính là tinh thần thi đấu. Lần đầu tiên vào đến vòng loại thứ 3 của một kỳ World Cup, nhưng thầy trò ông Park Hang Seo không hề vào trận với cảm giác bỡ ngỡ như những gì chúng ta ít nhiều lường trước. Trái lại, họ tự tin đá thứ bóng đá của mình. Ngay cả khi chịu Penalty và mất người (trong trận đấu thứ nhất), và ngay cả khi bị dẫn trước (trong trận đấu thứ hai) thì sự tự tin cũng không vì thế mà giảm sút. Làm được điều này là do thế hệ cầu thủ này đã được đào tạo bài bản, và đã cùng nhau nam chinh bắc chiến qua hàng loạt các giải đấu châu lục, tính từ giải U.23 châu Á tại Thường Châu (Trung Quốc) năm 2018 chăng? Nếu nhìn lại nhiều thế hệ cầu thủ Việt Nam trước đây, những thế hệ thường “tự vỡ” trước khi đối thủ làm mình “vỡ” trong những lần ra đấu trường châu lục, sẽ thấy đây là một dấu mốc, một sự trưởng thành ghê gớm nhường nào. Không ngoa khi nói kể từ năm 1991, thời điểm hội nhập trở lại, chưa bao giờ người hâm mộ được nhìn thấy một ĐTVN bản lĩnh, vững vàng đến như thế.

Phát huy tối đa hai cái được nói trên, ĐTVN có quyền hy vọng sẽ gặt hái được những điểm số đầu tiên trong hai trận đấu với Trung Quốc và Oman vào tháng 10 tới đây. So với Saudi Arabia, Australia, rõ ràng Trung Quốc, Oman bị đánh giá thấp hơn. Nếu Oman đã từng “tạo cơn địa chấn” ở loạt trận thứ nhất với chiến thắng 1-0 trên sân Nhật Bản (rồi lại thua 0-1 trên sân nhà trước Saudi Arabia) thì Trung Quốc thậm chí đá đâu thua đấy. Báo chí Trung Quốc đưa tin, nếu tiếp tục không có điểm trước Việt Nam, HLV trưởng ĐT Trung Quốc đứng trước nguy cơ mất chức. Nhưng nói như vậy không có nghĩa đây sẽ là hai trận đấu dễ chơi. Bởi trên bảng xếp hạng FIFA, họ vẫn đứng trên ta, và kinh nghiệm thi đấu quốc tế của những nền bóng đá này vẫn dày dặn hơn ta. Muốn có điểm trước họ, bên cạnh việc phát huy tối đa hai điểm sáng như đã nói, thầy trò HLV Park Hang Seo cũng phải khắc phục đến mức tối thiểu hai hạn chế. Một là khả năng bẫy việt vị của hàng thủ 5 người, bởi trong cả hai trận đấu đã qua đều có những tình huống hàng thủ đứng giăng ngang, bắt việt vị không chính xác. Nó khiến bóng tấn công của đối phương vòng sau lưng hàng thủ, đưa tiền đạo đối phương gần như mặt đối mặt với thủ môn đội mình. Chắc chắn ông Park đã nhìn ra vấn đề này, và hy vọng ông sẽ tìm ra cách “bịt lỗ hổng” kịp thời. Hai là khả năng phối hợp và tận dụng cơ hội trong những tình huống quyết định cuối. Chấp nhận co mình lại đá phòng ngự phản công, chúng ta phải chắt chiu từng cơ hội xuống bóng – ăn bàn nhỏ nhất. Vậy mà ngoại trừ tình huống dứt điểm của Quang Hải trong trận ra mắt với Saudi Arabia, lại có một vài tình huống tương tự như thế, thậm chí là dễ hơn thế bị bỏ lỡ. Đá với Trung Quốc, Oman, nếu hàng công với sự trở lại rất đáng chú ý của Công Phượng cải thiện được điều này, chúng ta có bàn dẫn trước thì thế trận sau đó sẽ “dễ chơi” hơn rất nhiều.

Sau 180 phút đã qua, các cầu thủ đã được trải nghiệm cái cảm giác chơi bóng ở vòng loại cuối cùng của một kỳ World Cup. Cảm giác ấy là rất quan trọng, vì nó sẽ giúp người trong cuộc tự nhận ra mình được gì và chưa được gì, để hoàn thiện thêm lên. Mong là sau “cảm giác thi đấu” sẽ là “cảm giác có điểm”, và đấy là một sự mong đợi thực tế.

Chứ không phải là câu chuyện viển vông!

Diệp Xưa
.
.