Cuộc tháo chạy huy hoàng

Thứ Bảy, 20/11/2021, 10:42

Năm 2021 là dấu ấn quan trọng của thể thao thế giới. Làm nên dấu mốc này không phải là cuộc chuyển nhượng ồn ào của hai ngôi sao bóng đá Messi và Ronadol, hay những thành tích sáng chói phá kỷ lục thế giới tại Olympic. Mà đó lại chính là những lần bỏ cuộc ngay trước các cuộc thi tài đỉnh cao của các vận động viên.

Đầu năm nay, Naomi Osaka, nữ vận động viên quần vợt số một thế giới, từ chối tham ra họp báo sau trận thắng tại giải Grand Slam Pháp mở rộng. Quyết định của cô lập tức bị chỉ trích nặng nề từ liên đoàn quần vợt, cũng như một số bình luận viên thể thao. Một ngày sau, cô tuyên bố rút lui khỏi giải đấu.

Hai tháng sau, sự kiện tương tự lặp lại. Một vài phút trước khi bước vào trận tranh huy chương vàng Olympic ở nội dung đồng đội, Simone Biles nghẹn ngào thông báo với đồng đội của mình: “Tôi xin lỗi, tôi yêu các bạn... các bạn đã tập luyện cả đời để cho kì thi đấu này…  tôi sẽ ổn… hãy ra kia và chơi thật xuất sắc”. Phải thi đấu thiếu một người, một người giỏi nhất, làm đội Mỹ, lần đầu tiên mất huy chương vàng trong hạng mục này sau hơn một thập kỉ.

Simone Biles, nữ vận động viên người Mỹ, sinh năm 1997, được gọi là G.O.A.T (Greatest Of All Time) người vĩ đại nhất trong lịch sử môn thể dục dụng cụ. Cho đến nay, cô dành được tổng cộng 32 huy chương Olympic và giải vô địch thế giới, trong đó có 4 huy chương vàng thế vận hội và 19 huy chương vàng vô địch thế giới.

Đầy tự tin và kiêu hãnh, Simone Biles luôn sẵn sàng đương đầu với những khó khăn. Là một nữ vận động viên da màu, cô bị rất nhiều kì thị và đàm tiếu, nhiều lời đàm tiếu về danh hiệu GOAT của cô. Không ngần ngại, Biles thêu hình con dê lên áo thi đấu của mình (con dê tiếng Anh là GOAT chữ viết tắt của Greatest of All Time). Cô lý giải: “Có những lời đàm tiếu kiểu như, nếu cô ta (Biles) mà thêu con dê lên bộ đồ thi đấu của mình thì vân vân và vân vân … Tôi chợt thấy: ồ đó là một ý tưởng tốt. Hay để những ai ghét cứ ghét, còn những ai yêu sẽ yêu”.

Năm nay, ở độ tuổi chín muồi, cô kì vọng dẫn dắt đội tuyển thể dục dụng cụ Mỹ gặt hái nhiều huy chương vàng ở Olympic 2020. Vậy mà, ngay trước ngưỡng cửa thành công, cô đã rút lui. Không phải để tạm nghỉ, mà nó là một cuộc tháo chạy, Biles dừng thi đấu ở toàn bộ các nội dung mình đang tham dự, những trận chung kết tranh huy chương vàng Olympic.

osaka-reuters1_mcmd.jpg -0
Naomi Osaka, nữ vận động viên quần vợt số một thế giới Ảnh: S.t

Chuyển hướng

Hành động của bỏ cuộc chơi của Naomi Osaka và Simone Biles đi ngược lại truyền thống của thể thao. Thể thao là môi trường các vận động viên được khuyến kích tập luyện gian khổ, vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần để đạt được thành tích cao. Điển hình cho tinh thần này là vận động viên thể dục dụng cụ Kerri Strug. Tại Olympic 1996, sau cú nhảy ngựa đầu tiên không thành công, cô bị giãn hai dây chằng ở mắt cá chân. Bất chấp chấn thương, Kerri vẫn thực hiện bài nhảy cầu ngựa gỗ, ghi điểm cao giúp đội Mỹ đạt huy chương vàng. Kết quả là, mắt cá chân bị thương nặng, phải bó nẹp, huấn luyện viên bế cô ra sân trong tiếng hò reo hoan hô của khán giả.

Ấy thế mà tinh thần thể thao đã thay đổi. Tiếng hò reo dành cho sự kiên cường, đè nén nỗi đau, của Kerri trước đây giờ lại dành cho hành động bỏ cuộc của Naomi Osaka và Simone Biles.

Không phải lập tức hành động bỏ cuộc được mọi người ủng hộ. Với Naomi Osaka, mọi chuyện không dễ dàng tí nào. Một vài giờ sau khi Osaka bỏ họp báo, ban tổ chức giải Pháp mở rộng đăng ảnh các tay vợt hàng đầu đang tham dự phỏng vấn và chú thích: “Họ hiểu nhiệm vụ của mình”. Tiếp đó, Osaka đối mặt với án phạt tiền và khả năng bị cấm thi đấu nếu còn tiếp tục. Một số hãng truyền thông chỉ trích hành động của cô là trẻ con.

Tuy vậy, hành động của Osaka tác động đến nhiều vận động viên, trong đó có Biles. Khi quyết định bỏ cuộc, Biles cho biết cô được truyền cảm hứng từ Osaka (và cả Michael Phelp). Mọi chuyện thuận lợi nhiều hơn cho Simone Biles. Ngay sau khi tuyên bố bỏ cuộc, truyền thông và cả liên đoàn thể thao Mỹ lập tức thể hiện sự ủng hộ với quyết định của cô. Báo chí tán thưởng cô là người truyền cảm hứng và là hình mẫu cho các vận động viên.

Biles được vinh danh trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất trong năm nay của tạp chí Time. Tôn vinh cô, huyền thoại quần vợt Serena Williams viết: “Có rất nhiều chất thơ trong những động tác của Simone Biles… cô đã khẳng định mình là một trong những vận động viên thể dụng dụng cụ có thành tích tốt nhất trong lịch sử. Nhưng, thành tích lớn nhất của Simone lại được thể hiện ở ngoài sàn thi dấu… Simone làm gương cho chúng ta biết thành công là như thế nào khi bạn dám bỏ qua những gì thế giới nghĩ về bạn, và lấy sức mạnh từ bản thân bạn … từ tâm hồn của bạn”.

Chuyện gì đã xảy ra

Chuyện bỏ cuộc của các vận động viên hàng đầu chẳng có gì là mới nhưng thông thường đó là vì chấn thương. Nhưng năm nay là lần đầu tiên có hai vận động viên hàng đầu bỏ cuộc vì vấn đề sức khỏe tâm thần, một thứ vẫn bị xem nhẹ trong xã hội lẫn thể thao.

Với trường hợp của Osaka, cô sợ họp báo sau trận đấu. Cô thấy trong buổi họp báo các phóng viên: “không quan tâm đến sức khỏe tâm thần của vận động viên…. chúng tôi ngồi đó và  bị hỏi những câu hỏi làm chúng tôi nghi ngờ về khả năng của bản thân”. Bình thường, cô vẫn có thể tham dự được cuộc họp báo, nhưng thời điểm này, dịch bệnh COVID gây ra những căng thẳng cao, cộng với chứng trầm cảm cô mắc từ năm 2018, họp báo trở nên quá sức với cô. 

Với Biles, cô đã chuẩn bị tâm lý rất sẵn sàng và bước vào kỳ Olympic 2020. Nhưng Olympic 2020 có những điều không ngờ tới: số lượng ca mắc COVID tăng cao, phải cách ly, phải xét nghiệm, phải thi đấu “không có khán giả, không có bố mẹ”.

Những căng thẳng cộng dồn lại làm Biles giảm đi khả năng chịu sức ép. Cô chợt cảm thấy “mang gánh nặng cả thế giới trên đôi vai của mình”. Trên đôi vai của Biles là huy chương vàng của đồng đội, là niềm hy vọng của liên đoàn thể thao, của các nhà tài trợ. “Olympic 2020 không phải là chuyện đùa” cô viết trên tweet của mình.

Với vận động viên, tâm trí và cơ thể có một liên hệ rất mật thiết. Họ tập luyện hàng ngày để cơ thể ghi nhớ những gì tâm trí ra lệnh, để rồi họ có thể thực hiện các động tác một cách trơn tru. Lo lắng, căng thẳng làm Biles mất đi sự kết nối giữa tâm trí và cơ thể. Trong cú nhảy cuối cùng đó, cô thực hiện cú nhảy xoay 2,5 vòng nhưng kết quả chỉ có 1,5 vòng. Không có lỗi kỹ thuật, mà đó là một hiện tượng được các vận động viên gọi là “twisties”.

“Twisties” là khi các phần của cơ thể không phối hợp với nhau để thực hiện động tác trơn tru. Laurie Hernander, một đồng đội của Biles giải thích: “Nhịp điệu bị mất, và não của bạn bị như bị mất trong một khoảnh khắc”. Một khoảnh khắc đó có thể gây chấn thương nghiêm trọng.

Ngay sau cú nhảy đó, Biles cảm thấy “lo lắng khi thi đấu… không còn tin vào bản thân mình nữa”. Đó chính là lúc cô đưa ra quyết định. Sau này khi nhớ lại, Biles chia sẻ: “rất khó cho phụ nữ để đặt ra giới hạn. Nhưng nếu bạn bắt đầu nói không với những thứ nhỏ nhặt, thì sau đó những thứ lớn hơn sẽ không lớn như thế nữa”. Olympic là niềm tự hào lớn nhất của bất cứ một vận động viên nào. Nhưng với cô “cuộc sống không chỉ có mỗi thể dục dụng cụ… Tôi phải tập trung vào sức khỏe tâm thần của mình và không hủy hoại sức khỏe cũng như hạnh phúc của bản thân”.

skynews-simone-biles-gymnastics5454738-16275398375141801311829.jpg -0
Nữ vận động viên Simone Biles Ảnh: S.t

Dấu ấn

Sức khỏe tâm thần đặc biệt nhạy cảm với stress. Chịu nhiều sức ép, các vận động viên rất dễ mắc vấn đề sức khỏe tâm thần. Tuy vậy, do những định kiến xã hội, họ thường họ lo sợ và xấu hổ và giấu đi vấn đề của mình, âm thầm chịu đựng, hy vọng mọi chuyện sẽ qua đi.

Gần đây, thể thao thế giới đã chú ý đến sức khỏe tâm thần hơn. Người phá tảng băng định kiến này là Micheal Phelp, vận động viên Olympic vĩ đại nhất trong lịch sử với 19 huy chương vàng. Anh công khai rằng mình bị trầm cảm và lo âu, khiến anh không yêu bản thân mình, tự ti và đã có lúc định tự tử.

Phelp cho mọi người thấy, những vận động viên cũng là con người, cũng phải “mặc quần giống như mọi người”. Và khi vận động viên Phelp truyền đi một thông điệp mạnh mẽ rằng bất kể bạn là ai, bạn cũng có thể trải qua những lúc mệt mỏi yếu đuối về mặt tinh thần, và điều đó là bình thường.

Noi theo tấm gương của Phelp, Osaka tiến một bước xa hơn. Không chỉ quan tâm đến sức khỏe tâm thần của mình, cô còn đặt sức khỏe tâm thần của mình lên trên thành tích thi đấu khi quyết định rút lui khỏi giải Gland Slam. Tiếp bước Osaka, Simone Biles đã làm tấm gương giúp làng thể thao thực sự thay đối thái độ. 

Khi ở thời điểm huy hoàng nhất của thể thao, trước ngưỡng trận chung kết, khi thành tích và sức khỏe tâm thần được đặt lên bàn cân, Biles đã lựa chọn sự lành mạnh của bản thân. Chỉ đợi có vậy, cả làng thể thao vỡ òa hưởng ứng, đánh dấu một sự thừa nhận công khai về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần. Đó cũng là lúc một giá trị căn bản của thể thao, sự mạnh mẽ, được nhìn nhận lại. Mạnh mẽ không còn là quyết tâm tranh đấu đến cùng. Nó giờ đây có nghĩa là dám thừa nhận những sự mệt mỏi yếu đuối của bản thân mình.

Biles giúp chúng ta hiểu rằng, bất cứ ai, dù là vận động viên đỉnh cao hay người bình thường, đều có quyền coi trọng hạnh phúc của bản thân thay vì lo sợ và xấu hổ.

Ts. Nguyễn Cao Minh
.
.