Cuộc chiến chống rửa tiền qua sòng bạc ở Australia
Một con số hẳn sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên: Mỗi người trưởng thành ở Australia thua bạc trung bình 1.277 USD/năm. Thị trường đánh bạc tại Australia ước tính vào khoảng 6,55 tỷ USD, chỉ đứng sau Anh và Mỹ. Nhưng cũng như nhiều quốc gia khác đã hợp pháp hóa việc đánh bạc, Chính phủ Australia hiện đứng trước một cuộc chiến khó khăn và dai dẳng đối với tội phạm rửa tiền.
Phía sau sòng bạc
Tháng 12/2022, Trung tâm Báo cáo & phân tích giao dịch tài chính Australia (viết tắt là AUSTRAC) khởi kiện Tập đoàn Giải trí Sky (SKC) vì tội rửa tiền tại sòng bạc do họ quản lý ở thành phố Adelaide. Theo báo cáo điều tra của AUSTRAC, không dưới 900 triệu USD các khoản tiền mà AUSTRAC thu vào đến từ các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu tội phạm hoặc không khai báo được nguồn gốc thu nhập của họ. Phó giám đốc AUSTRAC Peter Soros phát biểu: “AUSTRAC nắm trong tay bằng chứng cho thấy Ban quản trị của SKC đã “ngoảnh mặt đi” để các đối tượng tội phạm sử dụng sòng bạc Sky ở Adelaide để rửa tiền”.
Các sòng bạc ở Australia được xếp vào nhóm cơ sở kinh doanh được tội phạm rửa tiền dùng làm bình phong nhiều nhất. Vì mục tiêu chống nạn rửa tiền và “làm sạch” hình ảnh ngành đánh bạc nước này mà từ hơn hai năm nay, AUSTRAC và các cơ quan liên quan đã liên tục đưa ra tòa các doanh nghiệp kinh doanh sòng bài. Trường hợp nổi tiếng nhất là vụ kiện Tập đoàn resort và giải trí Crown & Star (SGR) vào tháng 6/2022.
Đây không phải lần đầu tiên SGR dính vào bê bối rửa tiền. Vào năm 2015, cảnh sát Australia bắt giữ ông Yến Duy Hứa, một khách du lịch Singapore, sau khi người này lần lượt cho 299.650 USD và 703.000 USD tiền mặt vào hộp bảo đảm ở sòng bạc Star. Sau một hồi quanh co, Yến Duy Hứa nhận tội đứng ra làm trung gian rửa tiền cho các đối tượng nước ngoài.
Một vụ việc rửa tiền khác ở sòng bài Star bị phanh phui ra vào năm 2019. Một người phụ nữ tên là Jiao Yi-Hua bị kết án 16 tháng tù vì tội rửa tiền. Đối tượng gửi 624.340 USD vào tài khoản đánh bạc của mình ở sòng bạc Star, sau đó rút ra 300.000 USD tiền mặt. Khoản tiền này được đối tượng chuyển đến ngân hàng Trung Quốc vào tài khoản của Lưu Thôi Tài, nguyên giám đốc một công ty xây dựng ở tỉnh Liêu Ninh đang bị cảnh sát điều tra vì tội ăn bớt vật liệu công trình.
Theo nhiều chuyên gia thì tính vô danh luôn là một yếu tố quan trọng trong việc kinh doanh cờ bạc. Vì nhiều lý do khác nhau mà con bạc không bao giờ muốn danh tính thật của mình bị tiết lộ, còn nhà cái cũng có động cơ để giữ kín thông tin này. Đấy là nguyên nhân sâu xa dẫn đến vấn nạn rửa tiền thông qua sòng bạc.
Có hai phương pháp rửa tiền tại sòng bạc được những kẻ tội phạm thường xuyên sử dụng. Thứ nhất là gửi tiền vào tài khoản đánh bạc, sau đó rút ra tiền mặt. Cách này diễn ra nhanh gọn nhưng lại không đảm bảo vì nhân viên sòng bạc có thể dễ dàng nhận biết những giao dịch có dấu hiệu khả nghi rồi báo với cảnh sát. Cách thứ hai an toàn hơn là tội phạm sử dụng thẻ tín dụng để trả tiền phỉnh, tiền phòng khách sạn... nhưng thực chất là cấu kết với sòng bạc gửi hóa đơn giả đến ngân hàng.
Phương thức rửa tiền thứ hai chính là cách mà một trong các đối tượng tội phạm giàu nhất Úc trong vòng hai thập kỷ vừa qua che đậy tài chính của mình. Cái tên Trình Đình Khổng trở nên quen thuộc với người Australia sau khi doanh nhân Trung Quốc này mua trang trại ngựa đua trị giá 75 triệu USD. Nhưng cơ quan tình báo cảnh sát Australia đã theo sát và liệt Khổng vào nhóm: “Những đối tượng chủ chốt trong mạng lưới tội phạm quốc tế”.
Một cuộc điều tra của tờ Sydney Morning Herald đã phanh phui ra mối quan hệ giữa Trình Đình Khổng và ban quản trị SGR. SGR dựa vào Khổng làm trung gian “xúc tiến khách hàng” ở Trung Quốc nhằm “lách” luật cấm cờ bạc của Bắc Kinh. Khổng cũng là người ký hàng loạt hóa đơn trị giá trăm triệu USD liên quan đến các khách hàng ở Trung Quốc của SGR. Đổi lại SGR cung cấp mọi thứ cho cho Khổng: phòng khách sạn thương gia, vé xem những đại hội ca nhạc quốc tế, máy bay riêng, v.v...
Trình Đình Khổng còn là bạn với Simon Pan, một tên ma cô sở hữu đường dây mại dâm xuyên biên giới. Simon còn là giám đốc một công ty mua bán vàng miếng chuyên cố vấn tài chính và tư pháp cho Hội Tam hoàng và mafia Ý. Hiện Simon Pan đang bị truy nã, nhưng thông qua Trình Đình Khổng mà hắn ta vẫn có thể đánh bạc tại sòng bạc Crown – Simon Chai từng là khách đánh bạc lớn thứ 26 của SGR.
“Đối tác” thứ hai của SGR là tỷ phú Châu Trác Hoa, Chủ tịch tập đoàn Suncity và ông chủ sòng bài lớn nhất Ma Cao. Tháng 1/2023, tỷ phú kiêm ông trùm làng giải trí Hong Kong Châu Trác Hoa đã bị Tòa án Ma Cau (Trung Quốc) tuyên án 18 năm tù vì các tội danh như thành lập tập đoàn phạm tội, tổ chức đánh bạc bất hợp pháp, lừa đảo, rửa tiền. Viện kiểm sát Macau SAR còn yêu cầu Châu và 6 đồng phạm bồi thường tổng số tiền hơn 1 tỷ USD. Ngay sau đó, tài sản của Châu bị bán tháo hoặc sang nhượng cho đối tác để thanh toán nợ nần.
Trước đó, Châu Trác Hoa bị chính phủ Australia cấm nhập cảnh vào nước này vì có quan hệ với thế giới ngầm. Tuy nhiên Suncity vẫn bí mật có một suite riêng dành cho khách hàng Trung Quốc thông qua họ để đánh bạc tại các sòng bạc Crown. SGR cũng từng chi 61 triệu USD tiền “hoa hồng” giới thiệu khách hàng cho Suncity. Phải đến khi báo Sydney Morning Herald đăng loạt bài phóng sự điều tra và khiến nhà chức trách vào cuộc thì SGR mới tuyên bố chấm dứt mọi hoạt động hợp tác với Suncity. Tuy vậy không ai trong ban lãnh đạo SGR bị đưa ra truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tiến sỹ kinh tế học Charles Livingstone, người đã có nhiều năm theo dõi ngành cờ bạc Australia, nhận xét: “Thật khó có thể tin nổi là không ai phải đứng ra chịu trách nhiệm vì vụ SGR. Chắc chắn là họ đã phạm luật của tiểu bang, luật của liên bang, và cả luật quốc tế nữa, nhưng nhà chức trách không đưa được ai ra tòa. Điều này không khác gì chính quyền “bật đèn xanh” cho những kẻ rửa tiền”.
Cùng chung quan điểm này, bà Carol Bennett, Chủ tịch Liên minh Cải tổ ngành cờ bạc nói rằng: “Chúng tôi không thể nghĩ ra nổi một ngành nghề kinh doanh nào khác mà người cung cấp dịch vụ phạm luật lại không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào... Chúng tôi muốn thấy sự công bằng, trong sạch và nghiêm minh trong việc điều hành một lĩnh vực có nhiều rủi ro hình sự như là cờ bạc”.
Liên minh Cải tổ ngành cờ bạc trong nhiều năm trở lại đây đã gióng hồi chuông báo động về việc tội phạm Trung Quốc và Đông Nam Á sử dụng các sòng bài Úc để rửa tiền và phân tán tài sản bất hợp pháp: “Có sự liên hệ trực tiếp giữa những kẻ kiếm lời từ việc phá rừng trái phép và săn bắn động vật quý hiếm ở Đông Á với các sòng bạc tại Úc. Vị trí địa lý gần, cộng với quy định quản lý lỏng lẻo khiến cho những kẻ tội phạm ở bờ bên kia Thái Bình Dương có thể dễ dàng đánh lạc hướng nhà chức trách nước sở tại bằng cách chuyển tiền mặt sang Úc rồi đưa vào sòng bài”.
Interpol cũng đã lên tiếng cảnh báo chính phủ Australia về những sòng bạc tiếp tay cho tội phạm Trung Quốc và Đông Nam Á. Dưới sức ép trong và ngoài nước, Canberra cuối cùng cũng đã phải nhảy vào cuộc. Một trong những đối tượng đầu tiên bị họ đặt vào tầm ngắm là Triệu Vy, Chủ tịch Tập đoàn Kings Roman. Tập đoàn Kings Roman sở hữu một số sòng bạc tại Đông Nam Á có quan hệ cộng tác với Tabcorp (tập đoàn cờ bạc lớn nhất Australia). Tuy Tabcorp từng công khai tuyên bố cắt đứt quan hệ với Kings Roman sau khi Triệu Vy bị chính phủ Mỹ cấm vận vào năm 2018, nhưng cuộc điều tra của nhà chức trách Australia phanh phui ra rằng Tabcorp vẫn tiếp tục cộng tác với hắn. Tabcorp đang phải đối mặt với khoản phạt lên tới 100 triệu USD.
Cuộc chiến âm thầm
Một nguyên nhân dẫn đến việc nhà chức trách phát hiện ra hoạt động rửa tiền ở sòng bạc nhưng lại không đưa được cá nhân lãnh đạo sòng bạc ra chịu trách nhiệm là vì tính dè chừng của chính quyền địa phương. Tiến sỹ Charles Livingstone giải thích: “Ở nhiều tiểu bang, các sòng bài là loại cơ sở kinh doanh đóng nhiều thuế nhất và có nhiều nhân viên nhất. Một sòng bạc đóng cửa cũng đã gây thiệt hại đáng kể đối với kinh tế địa phương rồi. Nhiều chính quyền cấp thành phố, cấp tiểu bang vì vậy sẵn sàng “ngoảnh mặt đi” trước những hành vi phi pháp diễn ra ở sòng bạc”.
Ông Philip Crawford, Tổng thanh tra Ủy ban Cờ bạc độc lập bang New South Wales (NICC), đã trực tiếp chỉ đạo không ít cuộc điều tra những sòng bạc, chia sẻ: “Tôi không đếm xuể số lần các ông giám đốc sòng bài gọi điện cho quan chức bang rồi chìa điện thoại ra cho tôi. Đôi khi họ còn lợi dụng quan hệ với báo chí địa phương để đăng tải những bài báo đổ tội cho NICC là “khiến người dân địa phương mất việc”, “gây thiệt hại cho kinh tế tiểu bang”, v.v... Các sòng bài sẵn sàng làm mọi thứ để ngăn cản chúng tôi thực hiện việc điều tra”.
Ông Crawford còn nói về một lỗ hổng tư pháp khác: “Trong khi chúng tôi còn đang điều tra thì công ty bị điều tra bất ngờ tái tổ chức nhân sự, hoặc là ban giám đốc từ chức đột ngột. Theo luật pháp New South Wales thì trong trường hợp này, người lãnh đạo cơ sở kinh doanh sẽ không phải chịu trách nhiệm vì những gì họ đã làm khi còn tại vị. Tôi mong rằng chính quyền bang sẽ sớm sửa đổi quy định trên để tìm lại tính răn đe của pháp luật”.
Một vụ việc đang được các nhà quan sát theo dõi chặt chẽ là phiên tòa xét xử Harold Mitchell, nguyên Giám đốc của SGR. Ngoài những tội danh liên quan đến sự thiếu trách nhiệm trong điều hành doanh nghiệp và tiếp tay cho tội phạm rửa tiền, Harold Mitchell còn bị truy tố vì hành vi hối lộ các quan chức thể thao để SGR có quyền phát sóng giải thi đấu Tennis Australia. Giới chuyên gia và những nhà hoạt động cải tổ ngành cờ bạc đang kêu gọi tòa án không chỉ phạt hành chính Harold Mitchell mà còn cả cấm bị cáo vĩnh viễn không được tham gia kinh doanh cờ bạc.