Công nghiệp giải trí: Nguy cơ trở thành cánh cửa của rửa tiền
Khi doanh thu phim Việt ngày càng xác lập các kỷ lục, khi các buổi liveshow ngày càng bán vé tốt hơn, bên cạnh tín hiệu tích cực, nguy cơ của bàn tay rửa tiền cũng có khả năng trở thành sự thực và rất cần sự kiểm tra chặt chẽ của các cơ quan chức năng...
Đại dịch COVID-19 hóa ra lại là một cơ hội cho hoạt động rửa tiền qua công nghiệp văn hóa trên thế giới, khi mà vụ bê bối liên quan đến Riza Aziz, con riêng của vợ cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak được phanh phui, đưa ra tòa và cáo buộc có tội vào năm 2019. Riza Aziz đã sử dụng nguồn tiền phi pháp từ quỹ 1MDB (1 Malaysia Development Bhd) đầu tư vào hãng phim mà Riza thành lập ở Hollywood có tên Red Granite Pictures. Từ đó, hãng phim này sản xuất một loạt bộ phim mà trong đó có 2 bộ phim đình đám là "The Wolf of Wall Street" và "Dumb and Dumber To" với sự góp mặt của những tài tử nổi tiếng như Jim Carrey hay Leonardo DiCaprio.
Riza đã bị tuyên án 5 năm tù và khoản phạt 1,2 triệu USD cho hành vi của mình. Vụ việc đó được lắng lại do những biến động xã hội quá lớn trên toàn cầu, song nó mở ra một con đường rửa tiền hoàn hảo cho giới tội phạm: công nghiệp giải trí.
Theo tác giả đoạt giải Pulitzer Jake Bernstein, công nghệ rửa tiền đã không còn chỉ được gói gọn ở phương thức "truyền thống" là các công ty hải ngoại theo kiểu "hồ sơ Panama" nữa mà hiện nay đã len lỏi vào công nghiệp giải trí, đặc biệt là điện ảnh. Giới tội phạm chú trọng nhất vào các hãng phim mới, hãng phim nhỏ, hãng phim bản địa ở các quốc gia, nhất là những nước đang phát triển, bởi luật pháp ở đó còn chưa đủ chi tiết và chặt chẽ như ở các quốc gia phát triển. Đổ tiền vào một bộ phim, căn cứ theo nhu cầu số tiền cần được rửa, các thủ thuật bút toán sẽ kê khống chi phí lên hoặc kê giảm chi phí xuống tùy thuộc vào kết quả doanh thu phòng vé.
Ví dụ, nếu chi phí sản xuất thực tế của một phim là 50 triệu USD, doanh thu phòng vé chỉ đạt mức 70 triệu USD (sau khi đã chia phần trăm cho nhà rạp), giới tội phạm có thể thực hiện việc mua vé khống để đẩy doanh thu lên mức độ mong muốn (trên 100 triệu USD) và trong kết toán cuối cùng, nhiều khả năng chi phí sản xuất phim được đội lên trên sổ sách tới 100 triệu. Khoản thu về chính là nguồn tiền bẩn đã được hợp pháp hóa thông qua gian dối bút toán cũng như doanh thu ngụy tạo.
Ngược lại, nếu một bộ phim có chi phí sản xuất lớn, khoảng 200 triệu USD và có doanh số phòng vé gấp đôi như vậy, nó sẽ được kết toán chi phí sản xuất chỉ còn một nửa, thậm chí ít hơn, để hợp pháp hóa khoản lợi nhuận kếch xù. Nói chung, đó là một ma trận mà người thường chúng ta khó có thể nắm bắt nổi và chỉ có những bậc thầy về tài chính mới có thể giải ra bài toán phức tạp, rối rắm và nhiều mưu mẹo này.
Bộ phim truyền hình "Loki mùa 2" cũng đang bị đặt trong nghi vấn về mức chi phí sản xuất công bố là quá thấp so với những phim truyền hình cùng thể loại, cùng thời lượng và có đòi hỏi đầu tư tương tự. Câu hỏi được đặt ra cho phim truyền hình này là với thời lượng 6 tập, chủ yếu ghi hình cảnh nội trong phòng kín, trong nhà kho... không yêu cầu bối cảnh quá hoành tráng nhưng chi phí kết toán vẫn lên tới 212 triệu USD. Điều khiến cộng đồng đặt dấu hỏi nghi ngờ cho "Loki mùa 2" chính là kinh phí công bố trước đó chỉ 141 triệu USD mà thôi. Rất nhiều nghi ngờ đã được đặt ra cho Marvel Cinematic Universe (MCU) và câu hỏi chung luôn là "100 triệu USD kia đã đi đâu?" kèm theo thắc mắc liệu có một quá trình tham gia giữa chừng của một tổ chức bí ẩn nào với nguồn tiền cũng bí ẩn không kém hay không.
Đó là câu chuyện của thế giới và giữa một xã hội loài người vốn dĩ cực phức tạp này, chúng ta khó có thể có câu trả lời xác quyết cho bất kỳ ngờ vực nào. Nhưng, câu chuyện ấy hoàn toàn có khả năng sẽ xảy ra ở Việt Nam, khi mà điện ảnh và giải trí Việt đang ngày một tưng bừng hơn trong khi khả năng giám sát bằng các công cụ pháp luật nhiều khi chưa thể bắt kịp các thủ thuật lắt léo. Đặc biệt, ở một thị trường vẫn còn quá nhiều người sử dụng tiền mặt ở số lượng thu-chi rất lớn như Việt Nam, chuyện giới tội phạm quốc tế lẫn trong nước nhắm tới điện ảnh như một công cụ hữu hiệu để rửa tiền là nguy cơ có thật.
Suốt thời gian qua, đã có nhiều tranh cãi xoay quanh thống kê doanh thu bán vé các phim ra rạp ở Việt Nam của một trang mạng được xem là độc lập. Nguồn thông tin của trang mạng đó chỉ mang tính tham khảo, có độ lệch chuẩn nhất định nhưng thường khá sát với doanh thu thực tế mà các phim nhận được. Việc một phim tốt của điện ảnh Việt ra rạp và kéo về doanh thu tầm cỡ trên 100 tỷ (khoảng 5 triệu USD) đã trở thành chuyện bình thường diễn ra mỗi năm trong vài năm trở lại đây. Và, ở phần chi phí sản xuất, có rất nhiều chi phí không thể được xác minh rõ ràng, minh bạch nên đa phần thông tin về đầu tư chỉ mang tính ước chừng. Đây rõ ràng là một môi trường lý tưởng để những dòng tiền phi pháp có thể được tẩy trắng dưới cái mác phát triển một nền điện ảnh non trẻ.
Các hãng phim Việt thực tế cũng chỉ là những tí hon vô danh trên bản đồ điện ảnh thế giới và điều đó càng tạo ra sức hấp dẫn hơn đối với những tổ chức tội phạm có nhu cầu rửa tiền. Hơn thế nữa, sản phẩm điện ảnh Việt cũng hoàn toàn vô danh trên trường quốc tế, bởi vậy, chúng cũng ít bị giới chức các nước để ý hơn do tính nhận diện là rất yếu. Không chỉ điện ảnh, thị trường trình diễn các loại hình giải trí khác cũng không phải là ngoại lệ. Nguy cơ hoàn toàn có thể phát sinh từ đó khi mà chúng ta chỉ được nhìn thấy những điều tích cực bề nổi và dễ dàng có xu hướng cổ xúy bởi các tích cực bề nổi ấy.
Một yếu tố cũng cần để ý tới chính là đầu tư cho điện ảnh luôn là một khoản đầu tư khổng lồ. Trong bối cảnh những đạo diễn, biên kịch ở Việt Nam vẫn hằng ngày mòn mỏi chờ đợi phép màu để họ được một nhà đầu tư nào đó để mắt tới, việc họ dễ dàng nhận lời làm phim với một "nhà đầu tư thiên thần" sẵn sàng chi tiền và là tiền tươi, tiền thật sẽ luôn là chuyện chắc chắn. Họ xem đó là cơ hội và không cần phải đắn đo nhiều về nguồn gốc của tiền đầu tư. Thậm chí, họ có thể sẽ luôn mang ơn nhà đầu tư đã mang lại cho mình cơ hội lớn ấy. Vì thế, thị trường điện ảnh ở Việt Nam sẽ càng dễ tiếp cận hơn đối với giới rửa tiền bởi nó không chỉ mang lại cho họ lợi ích tài chính đơn thuần mà còn cả sự vinh danh từ chính giới làm nghệ thuật.
Để kiểm soát được nguy cơ này, chắc chắn các công cụ kiểm toán, giám sát tài chính và việc hoàn thiện các hệ thống thanh toán minh bạch sẽ luôn là đòi hỏi hàng đầu. Chúng ta có một hệ thống thanh toán, tài chính chưa phải là hoàn thiện và ngay cả ở các quốc gia được xem là đã hoàn thiện lĩnh vực này, chuyện vi phạm vẫn có thể xảy ra thì có thể nói ở Việt Nam, nó còn dễ dàng xảy ra hơn. Vì thế, thời gian gần đây, trong dư luận cũng đã bắt đầu có một số ý kiến ngờ vực về khả năng sản phẩm này, sản phẩm kia đang thực hiện việc rửa tiền. Tất nhiên, ngờ vực đó là chưa đủ căn cứ, song không hẳn nó không đáng lưu tâm nhằm tránh những vi phạm có thật có thể xảy ra trong tương lai.