Công nghiệp biểu diễn 2024: Một năm nhìn lại
Năm 2024 khép lại bằng nhiều sự kiện văn hóa giải trí đình đám. Đó là những tín hiệu vô cùng tích cực đối với ngành công nghiệp văn hóa còn đang non trẻ ở Việt Nam. Nhưng, đằng sau những đình đám ấy là kinh nghiệm gì cần được rút ra để văn hóa và giải trí chắc chân tiến vào kỷ nguyên mới?
Còn thiếu thiết chế văn hóa, hạ tầng biểu diễn
Công nghiệp biểu diễn năm 2024 khép cánh cửa cuối cùng của mình bằng nhiều chương trình lớn, mà một trong số đó phải kể tới hai đêm hòa nhạc “Legacy of Love” với các tác phẩm của nhạc sĩ tài hoa Thanh Tùng. Hai đêm diễn trọn vẹn, công phu, chỉn chu với những cái tên tài năng đặc biệt trên thị trường âm nhạc hiện nay góp mặt đã nhận được rất nhiều khen ngợi của khán giả có mặt tại Nhà hát Hồ Gươm cũng như của giới phê bình.
Nhưng, trong những lời khen ấy vẫn có những tiếc nuối được thốt ra. Đó là tiếc nuối của nhiều khán giả yêu mến âm nhạc của Thanh Tùng nhưng không có điều kiện tham gia hòa nhạc ở Hà Nội. Nhiều trong số họ là những khán giả ở TP Hồ Chí Minh, một thành phố cũng gắn bó rất nhiều với Thanh Tùng. Họ cùng chung một câu hỏi “bao giờ chương trình ấy diễn ra ở TP Hồ Chí Minh?”.
Câu hỏi ấy thật ra có thể mở rộng ra một vấn đề rất lớn của công nghiệp biểu diễn Việt Nam hiện nay. Đó là sự thiếu hụt các hạ tầng biểu diễn, các thiết chế văn hóa ở các cấp độ quy mô khác nhau, đặc biệt là ở các địa phương ngoài Hà Nội. Hà Nội, với sự xuất hiện của Nhà hát Hồ Gươm, đã mở ra một chương mới cho công nghiệp biểu diễn của Thủ đô và khiến môi trường âm nhạc ở Hà Nội vốn đã nhộn nhịp vài năm nay càng trở nên nhộn nhịp hơn. Xét về các cấp quy mô khán giả, từ khán phòng acoustic dành cho số lượng khán giả nhỏ (dưới 1.000 người) cho tới khán phòng quy mô trung bình (trên 2.000 khán giả), Hà Nội coi như đã bước đầu có sân chơi cho các nhà tổ chức.
Còn ở không gian ngoài trời, quy mô quy tụ hàng chục ngàn khán giả, Hà Nội tạm đáp ứng được với hệ thống sân vận động (rất cần nâng cấp lên thành phức hợp) phong phú và các địa điểm đẹp như Hoàng thành Thăng Long hay các công viên đô thị. Đó chính là điểm mạnh để Hà Nội đang vươn lên dẫn đầu về công nghiệp biểu diễn ở Việt Nam, bên cạnh một yếu tố vô cùng quan trọng khác là khán giả chịu chơi hơn, chịu chi hơn.
Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh vẫn giậm chân tại chỗ và tụt lại phía sau từ vị trí của một trung tâm biểu diễn hàng đầu cả nước. Cơ bản, TP Hồ Chí Minh quá thiếu các thiết chế văn hóa các cấp độ. Cấp độ acoustic, Nhà hát Thành phố bắt đầu cần trùng tu lớn, đặc biệt là khôi phục lại những thiết kế ban đầu vốn phục vụ tốt cho cộng hưởng âm thanh. Ở cấp độ trung bình, những nhà hát như Hòa Bình, Bến Thành cũng đã lạc hậu về thiết kế và công năng, rất cần có những đầu tư mạnh mẽ để thay đổi.
Đó cũng là lý do các nhà hát này ít sáng đèn hơn so với hơn 1 thập niên trước. Còn ở quy mô đại nhạc hội với hàng chục ngàn khán giả, TP Hồ Chí Minh hiện đang tận dụng đường đi bộ Lê Lợi và điều đó gây phiền hà rất lớn cho dân cư khi cảnh cấm đường dẫn tới kẹt xe là thường xuyên. Thậm chí, ở giai đoạn cuối năm, mật độ cấm đường là hằng tuần khi hết chương trình này tới chương trình khác nối đuôi nhau diễn ra ở phố đi bộ Lê Lợi.
Từ việc thiếu các thiết chế văn hóa này đã dẫn tới một lãng phí lớn. Đó chính là nhiều chương trình được xây dựng công phu, có khả năng diễn ra định kỳ hằng tháng nhưng chỉ có thể tồn tại 1-2 đêm diễn là phải chấm dứt. Đây là một điểm đi ngược với công nghiệp biểu diễn của thế giới, với những chương trình được xây dựng để diễn ra kéo dài suốt cả năm trời.
Xu hướng và cạnh tranh
Điểm sáng của năm 2024 chính là những đại nhạc hội hoành tráng có cái tên gắn liền với hai chữ “Anh trai”. Sự thành công rực rỡ của hai concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say Hi” với nhiều suất diễn hàng chục ngàn khán giả đã gây choáng ngợp thực sự. Để làm được điều đó, hãy thử xem nhà tổ chức có gì trong tay?
Thứ nhất, họ mạnh dạn đầu tư và có thực lực đầu tư. Thứ hai, để họ dám đầu tư, cái cần có chính là điểm tựa về nội dung. Việc hai game show cạnh tranh nhau gay gắt đã tạo ra làn sóng đối đầu giữa hai lực lượng người hâm mộ, đẩy cơn khát “Anh trai” lên cao. Có thể nói, từ khóa của giải trí 2024 chính là “Anh trai”. Sự cạnh tranh ấy khiến nhiều người liên tưởng tới những trận derby nảy lửa giữa hai CLB bóng đá lừng lẫy cùng thành phố tại các quốc gia lớn ở châu Âu. Từ sức hút cạnh tranh đó, việc lựa chọn ê-kíp biểu diễn, sản xuất cũng là điểm mang lại thành công thứ ba. Cả hai ê-kíp đều đón sóng xu hướng quan tâm của khán giả rất tốt và do đó, thành công là tất yếu. Cuối cùng, chính là một điểm mà tất cả chúng ta cần quan sát kỹ.
Từ câu chuyện đa số những thần tượng giải trí hàng đầu ở Việt Nam mấy năm qua chủ yếu là nam giới cho tới chuyện chương trình “Anh trai” hút khách gấp bội lần các show “Chị đẹp”, chúng ta có thể nhận diện lực lượng tiêu thụ chủ yếu trên thị trường này là nữ giới. Chính vì thế, dù Yeah1 thành công rực rỡ với “Anh trai vượt ngàn chông gai” và có cách đầu tư chỉn chu không kém cho “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” thì “Chị đẹp” vẫn chỉ le lói trước hào quang rực rỡ như mặt trời của “Anh trai” mà thôi.
Nhưng, chính từ các thành công đó, chúng ta cũng nên thử nhìn vào thất bại. Rap Việt mùa 4 dù nội dung chương trình vẫn hấp dẫn nhưng bắt đầu trở nên nhàm chán so với xu hướng thay đổi quá nhanh, quá gấp của xã hội hiện đại. Ngay từ mùa thứ ba, Rap Việt đã có dấu hiệu “qua thời” khi sự quan tâm của khán giả nhạt dần đi và dồn sự trông đợi cho việc tìm kiếm các điểm thu hút mới. “Anh trai” bung ra, điểm thu hút mới ấy đã đáp ứng đúng tìm kiếm của người hâm mộ...
Sự đón xu hướng một cách ào ạt và bỏ quên những gì qua thời cũng ào ạt không kém chính là đặc tính của thị trường giải trí hiện nay. Hãy nhớ lại, cách đây chừng 8 năm thôi, cả thế giới cùng say mê với bản hit Despacito thì hiện nay, gần như không còn thấy ai mở bản ấy nữa là chúng ta hiểu. Và, cũng tự lục lại trí nhớ của mình xem, đã bao lâu rồi chúng ta không nghe “Em gái mưa”, bản hit đình đám cách đây 8-9 năm, chúng ta sẽ nhận ra tính dễ say nhưng cũng dễ quên của khán giả hiện đại.
Yếu tố này sẽ tạo sức ép rất lớn lên các nhà tổ chức để họ buộc phải đổi mới mình liên tục với quan điểm mỗi định dạng nội dung chỉ “thắng” được cùng lắm là 3 năm mà thôi. Thậm chí, sẽ có nhiều định dạng chỉ tồn tại được đúng 1 năm và ngay sau đó có thể bị phủ lấp bằng các định dạng khác. Đây là yếu tố được quyết định rất nhiều bởi mạng xã hội, thứ luôn chạy theo cái gọi là xu hướng (trending - xu thời), những thứ ngắn ngày và không có tính bền vững.
Xây dựng một ngành công nghiệp biểu diễn thành công trong một bối cảnh như thế là cực khó. Và, để cải thiện, trước hết cần cải thiện tri thức thường thức về văn hóa, âm nhạc cho cộng đồng. Trong khi đó, các nhà tổ chức ngoài việc sử dụng các nhân tố trẻ tài năng, hiểu thời đại, nhiều ý tưởng thì cũng nên tham vấn ít nhất là một chuyên gia có kinh nghiệm và hiểu biết về xã hội học, môn khoa học được xem là nền tảng để nghiên cứu các hành vi trên mạng xã hội hôm nay.
Để kết lại, có lẽ chúng ta nên rút ra vài điểm nhấn mà công nghiệp biểu diễn ở Việt Nam cần bổ sung cho kỷ nguyên mới sắp tới. Đó chính là bổ sung các hạ tầng, thiết chế văn hóa ở các cấp độ quy mô cũng như công năng, đồng thời nghiên cứu kỹ xu hướng và hành vi xã hội của số đông, xác lập rõ tệp khách hàng tiêu thụ tiềm năng. Chỉ có các chuẩn bị ấy mới có thể giúp công nghiệp biểu diễn ở Việt Nam bước lên một nấc thang mới, bắt kịp với thời đại và thế giới bên ngoài.