Có những người dìu Chúa và cái đẹp

Thứ Hai, 28/03/2022, 10:33

“Nếu tôi là Chúa, tôi sẽ nhổ toẹt vào lời cầu nguyện của Kuhn”, nhà hóa học Primo Levi viết một trong những hồi ức hay nhất về Chiến tranh thế giới thứ II, khi trông thấy một người bạn tù đang cầu nguyện với Chúa vì anh ta vẫn chưa phải chết.

Ở một đoạn khác trong cuốn sách, ông cũng viết đại ý rằng một khi đã trải qua chiến tranh, người ta bỗng nhiên khó mà tin được vào sự tồn tại của một điều gì như tấm lòng lành của Chúa. Một đức tin gầy dựng bấy nhiêu năm cũng có thể bị thổi bay chỉ sau một tuần, một đêm.

Vậy mà, trong một tấm ảnh đăng được ghi lại ở thành phố Lyiv, Ukraine hồi tuần trước, những người đàn ông đội mũ len trong tiết trời giá lạnh đang cùng nhau bê một bức tượng Chúa Jesus được điêu khắc tinh xảo từ thời Trung cổ để đưa vào một kho chứa. Đôi tay ngài, như mọi khi, giang rộng và trong hoàn cảnh kỳ lạ ấy, nó không chỉ mang ý nghĩa gợi nhắc về sự kiện ngài bị đóng đinh, nó càng không chỉ là vòng tay rộng mở đón nhận mọi kẻ lầm lạc của ngài, mà nó giống như ngài đang cố gắng bám vào những con chiên kia. Nhìn ngài giống như một người đang bệnh, thậm chí là một người lính bị thương đang lâm nguy.

Có những người dìu Chúa và cái đẹp -0
Người dân di dời tượng Chúa Jesus vài trăm năm tuổi trong nhà thờ Armenia ở thành phố Lyiv, Ukraine.

Phải, Jesus là Chúa Cứu thế, ngài giá lâm để giải cứu con người khỏi những khốn khổ và nỗi đau nhưng lần này, không phải ngài cứu con người, mà là con người đang gắng gượng giải cứu ngài khỏi bom đạn. Trước sự khủng khiếp của chiến tranh, thay vì vứt bỏ lòng tin vào Chúa, những con người vô danh không rõ cả mặt mũi kia vẫn nguyện bảo vệ vị Chúa Sáng danh của mình, bảo vệ cái đẹp hiện hữu trong bức tượng tạc ngài.

Kể từ Chiến tranh thế giới thứ II, đây mới là lần đầu tiên bức tượng Chúa này phải tìm hầm trú ẩn. Cuộc chiến tàn khốc với cả những công trình của đức tin và cái đẹp. Nhìn hình ảnh những bảo tàng trống trơn, những bức tranh - những sinh linh nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ và độ ẩm nhỏ nhất - phải đem chất chồng lên nhau trong căn phòng chật chội, những bức tượng uy nghiêm tay vươn lên trời bỗng bị bọc lại bằng túi nylon như một xác chết đứng bị khâm liệm, những tượng đài được bao bọc lại bằng hàng trăm bao cát chất cao ngất như một tổ mối khổng lồ, ta cảm thấy ở đó một sự quyết lòng không để những điều chân thiện bị tàn hoại.

Người ta cũng có thể cho rằng nỗ lực ấy thật thừa thãi, thật viển vông, khi mà ngay đến chính những người dân thường Ukraine vẫn còn chưa thể sơ tán hết, vẫn còn biết bao nhân mạng đang kẹt lại giữa làn đạn và những đống đổ nát, vậy thì còn lo gì đến những bức tượng, những bức tranh và những tòa kiến trúc vô tri? Mới đây, khi tôi đọc những tự thuật của nhà soạn nhạc Hector Berlioz về thời kỳ Cách mạng Pháp, có đoạn ông đã phải thốt lên rằng cảnh tượng thật khủng khiếp làm sao, ngay đến tượng thần Tự do ngự trên đỉnh Bastille cũng bị một viên đạn xuyên qua thân mình, tất cả bị rung chuyển bởi những tiếng gầm gào chết chóc và “còn có ai nghĩ về nghệ thuật vào thời điểm điên cuồng và tàn sát như vậy?”.

Nhưng, chính vào lúc dường như không còn tâm trí và tâm trạng cho chân - thiện - mỹ thì mới là lúc, hơn bao giờ hết, con người cần đến chân - thiện - mỹ, bởi khi buộc phải rời khỏi những ngôi nhà khang trang, khi không còn những tiện nghi trong tầm với, không có cả một bữa ăn ra dáng bữa ăn hay những bộ đồ chưng diện, khi không thể đến trường, đi làm, lao động - hay nói cách khác, không còn một khía cạnh vật chất nào trong cuộc đời con người không tan vỡ và nát bấy, thì còn gì có thể chứng minh ta vẫn là con người, nếu không phải là lòng kiên trinh với đức tin vào cái đẹp.

Dân thường Ukraine cẩn thận lo cho những kho báu văn hóa của họ cũng bởi lịch sử đã cho ta quá nhiều bài học. Chiến tranh thế giới thứ II không chỉ lấy đi 50 triệu sinh mạng mà còn thiêu rụi khoảng 10 ngàn họa phẩm. Cuộc chiến ấy đã tước khỏi ta cơ hội được nhìn thấy tận mắt một trong những bức tranh tột cùng cô độc của Vincent Van Gogh khi ông tự họa lại chính mình đang xách họa cụ trên con đường thôn quê Provence để tìm một phong cảnh vẽ tranh, nó khiến ta mãi mãi mất đi căn phòng Amber được làm bằng hổ phách, vàng ròng và đá quý của Peter Đại đế, nó khiến ta chỉ được xem phiên bản đen - trắng của 3 trong những bức vẽ tham vọng nhất của một danh họa vĩ đại vì khả năng dùng những màu sắc chói lọi như Gustav Klimt. Cái đẹp, dù chẳng phạm tội gì nhưng luôn trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của nạn binh đao.

Tổn thất về cái đẹp luôn được ghi nhận sau những tổn thất về con người, cấp độ rùng rợn trong hình ảnh một xác chết hay một người tàn phế vì bom đạn chắc chắn là ám ảnh hơn hình ảnh một bức tượng bị đốt cháy thành tro than. Nhưng, cái chết hay sự tàn phế của một tác phẩm nghệ thuật lại để dư chấn trong ta theo cách khác. Nếu như cái chết của con người chỉ một lần nữa cho thấy sự mong manh mà ta đã mang máng biết về kiếp người thì cái chết của nghệ thuật khiến ta tự hỏi: làm sao mà một tác phẩm đã sống qua chừng ấy những thời đại, đã bấy lâu thách thức lưỡi lê sắc lẻm của thời gian, đã so găng cùng những đội quân mối mọt hùng hậu để đến rất gần trạng thái bất tử, vậy mà chỉ một cuộc chiến tranh nổ ra là đủ để hóa tất cả về hư không. Điều đó rùng rợn bởi nó khiến ta nhận ra con người có đủ sức mạnh và sự vô cảm để phá hoại cả những thứ tưởng chừng là mãi mãi.

Tất nhiên, con người phá hoại khủng khiếp nhưng con người cũng sáng tạo không gì bằng. Chiến tranh và sự đổ nát thường xuyên cũng không ngăn được con người sáng tạo. Như một số nghệ sĩ Ukraine lúc này, thay vì ra trận, họ chọn tiếp tục làm nghệ thuật. Một lần nữa, những người nghệ sĩ bị nhiều người, đôi khi là chính bản thân mình, chất vấn về vai trò của họ. Nghệ thuật ư? Nghệ thuật chỉ dành cho những thời điểm mà mọi thứ khác đều thừa mứa.Thiết thực lên đi, nghệ thuật nói cho cùng chỉ là món đồ trang sức cho hòa bình chứ chẳng thể đem lại hòa bình.

Có những người dìu Chúa và cái đẹp -0
Tấm ảnh của nhiếp ảnh gia Artem Humilevskiy, anh khỏa thân hoàn toàn đứng giữa cánh đồng hoa vàng và bầu trời xanh ngắt, hai màu sắc tượng trưng cho lá cờ quê hương, tay vươn cao lên trời đầy phóng khoáng và tràn ngập niềm hạnh phúc, như thể không có một cuộc chiến tranh nào đang diễn ra. Số tiền thu từ việc bán bức ảnh được anh góp cho những bệnh viện và những người khó khăn.

Một nghệ sĩ Ba Lan mang đàn tới biên giới Ukraine để chơi bản Imagine, hình ảnh thật xúc động nao lòng nhưng tự thân nó đâu khiến chiến tranh kết thúc. Kể cả John Lennon có sống dậy để viết thêm mười bài hát khác cầu mong cho không còn thiên đường hay địa ngục mà chỉ có trời xanh trên đầu, cầu mong cho con người cùng nhau sẻ chia thế giới, không còn lý do để giết hay để chết thì sau rốt đó cũng chỉ là “imagine”, chỉ là “tưởng tượng” thôi. Hay, hình ảnh trên một trang tin về nghệ thuật của một nhóm nghệ sĩ trẻ tuổi ở thành phố Kharkiv tiếp tục thực hành nghệ thuật trong hầm trú ẩn, trong khi cố gắng tận hưởng cuộc đời chừng nào có thể bằng cách khui một ly vang mà họ còn thừa từ ngày sinh nhật của một thành viên, làm thế thì họ có thực sự trở về với cuộc sống trước đây?

Có lẽ là không. Nhưng, nghệ thuật khác với súng đạn ở chỗ, nghệ thuật không (hay không hoàn toàn) chiến đấu với những thực thể bên ngoài, nghệ thuật ra đời phần nhiều từ cuộc chiến đấu với những thực thể bên trong. Nghệ thuật không ngăn được bom rơi đạn lạc nhưng nghệ thuật ngăn được sự tự sụp đổ hay tự băng hoại của chính người làm ra nó và người thưởng thức nó. Bởi, trong sự thiếu thốn về vật chất, một con người có thể biến thành một con người khác và có lẽ, chỉ có những khoảnh khắc lóe sáng của cái đẹp, của nghệ thuật, của đức tin là sẽ nhắc ta nhớ ta đang chống chọi vì điều gì, ta đang gắng gượng vì điều gì, ta sống cuộc đời với những phút giây tăm tối này để làm gì, ta sẽ được tưởng thưởng bởi điều gì vì đã kiên cường sống tiếp.

Cuốn sách của Primo Levi được nhắc đến ở mục đầu bài thật ra có tên là “Có được là người”. Khi ta được tận hưởng nền hòa bình, được sống yên ổn, ngày ngày được ăn ngon, được gặp bạn bè, được ở trong ngồi nhà ấm áp, ta đâu bao giờ phải tự hỏi mình liệu có đang sống cuộc đời của một con người thực thụ hay không. Chỉ khi chiến tranh ập đến và tất cả những thứ ta vẫn coi là nghiễm nhiên ấy biến mất trong tích tắc, khi một bóng đèn điện thắp sáng có khi cũng là xa xỉ, một chiếc giường để ngả lưng cũng là mộng ước cao vời, thì ta mới băn khoăn liệu mình có được là người.

Và, có được là người hay không, trong hoàn cảnh ấy, phụ thuộc vào việc ta có còn biết phải dìu lấy Chúa dù chẳng biết Chúa có cứu chuộc được ta, hay ta có còn biết dành tình thương cho một điều gì mơ hồ như cái đẹp.

Hiền Trang
.
.