Chưa từng công bố
Đọc thể lệ các cuộc thi nghệ thuật (văn chương, âm nhạc) mà thấy giống nhau kỳ lạ. Các mục thường na ná nhau, thậm chí có thể copy từ thể lệ cuộc thi của đơn vị bạn rồi sửa lại một số yêu cầu đặc thù là thành cuộc thi của đơn vị ta.
Thể lệ bao giờ cũng mạch lạc các mục: Mục đích yêu cầu; tên gọi; nội dung, đối tượng tham gia; Quy định tác phẩm; Cơ cấu giải thưởng; Trách nhiệm tác giả; Thời hạn nộp tác phẩm; Tổng kết trao giải… rất là khoa học. Tưởng như chẳng còn gì để bàn nhưng vẫn có những điều nên đổi mới.
Không hiểu từ bao giờ có thông lệ rằng giải dưới giải Ba không phải là giải Tư mà phải là giải Khuyến khích. Chính cái tên này cũng tạo ra phiền toái bởi nó chứng minh một phần giải thưởng chỉ đạt tầm nghiệp dư và các tác giả cũng không ai hào hứng nhận giải thưởng "vỗ vai an ủi" này. Thực ra cuộc thi nào cũng là cuộc sàng lọc vượt qua hàng trăm thí sinh (có những cuộc thi ca khúc thu hút tới hơn 1.000 tác phẩm) mà vào chung khảo chỉ còn vài chục tác giả/ tác phẩm vào giải thì cũng đáng mặt anh tài rồi. Chữ "Khuyến khích" không còn phù hợp nữa. Đã đến lúc danh hiệu "Khuyến khích" không nên có mặt trong mọi cuộc thi.
Một số ít các cuộc thi đã dùng chữ khéo hơn để cho những ai vào chung khảo cũng hoan hỷ. Có thể tham khảo các cuộc thi hoa hậu. Thấp hơn giải Á hậu 2 thường có những cái tên chuyên đề rất hấp dẫn như thí sinh có gương mặt ăn ảnh nhất, thí sinh có làn da đẹp nhất, thí sinh có nụ cười đẹp nhất…
Định danh giải A, B, C lâu nay đã trở thành thói quen, giống như thời học trò được nhà trường xếp học lực loại A, B, C, tuy mạch lạc, nhưng không nổi bật tinh thần tôn vinh. Nên chăng áp dụng kiểu đặt tên giải như thể thao. Danh hiệu giải nhất, giải nhì, giải ba hoặc giải vàng, giải bạc, giải đồng luôn làm cho "hào quang" của giải thưởng lan tỏa rạng rỡ.
Một câu kinh điển mà bất kỳ thể lệ nào cũng có là "Tác phẩm dự thi phải là tác phẩm sáng tác mới, chưa gửi tham dự bất kỳ cuộc thi nào, chưa công bố dưới bất kỳ hình thức nào". Câu này cho thấy Ban tổ chức mong muốn tác phẩm phải là một phát hiện vô tiền khoáng hậu. Nghệ thuật thì phải mới, độc, lạ, tiền phong… hẳn rồi. Thế nào là mới? Nhiều tác phẩm vừa viết xong chưa ráo mực nhưng tư duy nghệ thuật cũ rích, bảo thủ thì sao? Vậy là sáng tạo mới mẻ (bất kể thời điểm sáng tác) hay mới viết sát thời điểm cuộc thi sẽ quyết định sự mới mẻ?
Câu thể lệ nói trên giống như chốt chặn an toàn, không để "lọt lưới" những tác phẩm đã để lâu hoặc thậm chí đoạt giải ở các cuộc thi nào đó trong quá khứ. Nếu không có câu đó, biết đâu sẽ nhận được một "núi" tác phẩm đổ xuống cuộc thi thì phân loại bở hơi tai.
Thử tham khảo các thể thức khác, như điện ảnh chẳng hạn. Các giải điện ảnh thế giới tạm chia ra hai dạng: Một là giải phim dự liên hoan phim (Festival Cannes, Berlin, Venice, Hong Kong, Tokyo, Busan…); hai là phim nhận giải thưởng tổng kết (Oscar, Cesar và BAFTA, Kim Tượng, Kim Mã, Asian Film Awards…).
Phim dự liên hoan (festival) thì đều là những phim công chiếu lần đầu. Ngược lại, dạng phim giải thưởng tổng kết thì không câu nệ mới chiếu hay ra rạp từ lâu. Điều thú vị là có những phim đã đăng quang nhiều danh hiệu từ các hội đồng giải thưởng hoàn toàn khác nhau. Phim "Ký sinh trùng" (Parasite) của Hàn Quốc được xếp vào một trong những bộ phim vĩ đại nhất thế kỷ 21 là một thí dụ. “Ký sinh trùng” đã giành được 4 giải thưởng Oscar tại giải Oscar 92. Tác phẩm này còn giành giải "Quả cầu vàng" (Hollywood), "Cành Cọ vàng" (Cannes) cho phim quốc tế hay nhất, giải BAFTA (Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh quốc) cho phim phi Anh ngữ hay nhất, và đồng thời còn là phim Anh ngữ đầu tiên giành giải SAG (tổ chức của các diễn viên điện ảnh và truyền hình Mỹ). Vậy một tác phẩm nghệ thuật có quyền thi ở nhiều cuộc thi khác nhau không phải là một ý tưởng tồi.
Sức mạnh tác phẩm không khác gì một đấu sĩ. Hãy xem chỉ một mình võ sĩ Mike Tyson đã chinh phục các đai vô địch danh giá của các tổ chức như WBC, WBA, IBF. Sau khi thâu tóm 3 danh hiệu trên thì Tyson giành được danh hiệu Undisputed Champion (Vô địch không tranh cãi).
Việc chỉ cho những tác phẩm thi ca, văn học, âm nhạc chưa từng công bố dự thi cũng không khác mấy với đội bóng U23 và các đội U khác, vốn toàn những lính mới tò te chưa được ra ánh sáng, chỉ được đá trong đấu trường giới hạn tuổi. Muốn tham gia nhiều đấu trường thì tác phẩm nghệ thuật nên được giải phóng khỏi giới hạn "sáng tác mới, chưa gửi tham dự bất kỳ cuộc thi nào, chưa công bố dưới bất kỳ hình thức nào".
Có những tác phẩm được Hội đồng A đánh giá thấp nhưng Hội đồng B lại đánh giá rất cao. Vậy theo thông lệ vừa nêu, nếu Hội đồng A không nhìn thấy vẻ đẹp của nó thì tác phẩm mặc nhiên bị tước đi quyền tỏa sáng ở một cuộc thi khác? Lãng phí chất xám đây chứ đâu.
Chất lượng nghệ thuật chắc chắn sẽ thuyết phục hơn nếu một tác phẩm nghệ thuật nhận nhiều giải thưởng ở nhiều cuộc thi, ban giám khảo khác nhau. Xét cho cùng thì các cuộc thi đều cần có những tác phẩm có tầm vóc lớn, đi vào lòng người, mãi mãi đi cùng năm tháng.
Tất nhiên việc thay đổi nếp tổ chức thi không dễ nhưng… tại sao không?