Chủ quyền trên không gian số

Thứ Hai, 20/12/2021, 22:45

Trước khi trao đổi về sự cố tắt tiếng Quốc ca trong trận AFF Cup Việt - Lào thì cũng xin được thống nhất ngôn từ cho dễ hiểu. Quốc thiều là phần nhạc không lời từ giai điệu của Quốc ca. Do báo chí quen dùng hai khái niệm đều là Quốc ca nên để dễ hiểu thì bài này cũng dùng từ Quốc ca.

Quốc ca là "Bài hát chính thức của một nước được cử hành trong các nghi lễ long trọng và được ghi trong Hiến pháp. Quốc ca của Việt Nam là bài "Tiến quân ca" đã được ghi vào Điều 3 - Hiến pháp năm 1946 và được nhắc lại ở Hiến pháp năm 1992: "Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài “Tiến quân ca". Như vậy, khi được công nhận thì “Tiến quân ca” và “Quốc ca” là một. Vậy có đơn vị nhận bản quyền ghi âm mà chỉ nhận phần của “Tiến quân ca” mà bỏ qua chữ “Quốc ca” là chưa rõ trách nhiệm.

Trở lại trận bóng Việt - Lào, Quốc ca của chúng ta bị Youtube tắt tiếng và có thông báo bằng chữ: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm". Tất nhiên, không ai trách nền tảng Youtube, bởi đó chỉ là cái máy. Sử dụng hay lạm dụng cái máy đều là do con người.

Khi tác phẩm có dấu hiệu vi phạm bản quyền, Youtube sẽ nhắc về bản quyền, nội dung như sau: “Xin chào (tên đơn vị sử dụng sản phẩm âm thanh - hình ảnh)! Chủ sở hữu bản quyền sử dụng Content ID đã xác nhận quyền sở hữu một số tài liệu trong video của bạn. Đây chỉ là một cảnh báo.

Đừng lo lắng. Bạn không gặp rắc rối và trạng thái tài khoản của bạn không bị ảnh hưởng bởi điều này. Có quảng cáo đang chạy trên video của bạn, với doanh thu sẽ thuộc về chủ sở hữu bản quyền hoặc chủ sở hữu bản quyền đang nhận số liệu thống kê về lượt xem video của bạn…

…Nếu không có vấn đề gì xảy ra, bạn không cần thực hiện bất kỳ thao tác nào và cũng không cần xóa video của mình...”.

Thực tế, nếu không bận kiếm tiền thì Youtube không xóa video cũng như kênh của bất kỳ ai. Khi chủ kênh phát tác phẩm nào thì mọi nguồn lợi từ tác phẩm sẽ về túi của chủ sở hữu bản ghi âm. Chủ kênh tiếp sóng trên Youtube nói trên đã tự động tắt phần lễ chào cờ vì rút kinh nghiệm một đơn vị khác trước đó đã bị mất hết doanh thu. Đây hoàn toàn là chuyện lợi nhuận. Nếu không vì lợi nhuận thì cứ để phần Quốc thiều vang lên bình thường bởi Youtube không bắt xóa video nếu chủ kênh không kiếm tiền.

Youtube nhắc rất rõ trong thư rằng “Việc biểu diễn lại bài hát của người khác (ngay cả khi bạn tự trình diễn và thu âm) thường phải được chủ sở hữu sáng tác cho phép sử dụng giai điệu và lời bài hát”.

Có những tranh cãi từ báo chí thì bản ghi Quốc ca Việt Nam do Ban tổ chức AFF cup có thể do hãng Marco Polo sản xuất. Việc muốn sử dụng bản ghi âm này có bản quyền thì phải xin phép Marco Polo. Còn hãng Marco Polo đã xin phép Việt Nam khi sản xuất bản ghi âm hay chưa cũng chưa rõ.

Việc tranh chấp bản quyền có thể xảy ra từ các kiệt tác của nhân loại tới các tác phẩm bình dân. Tuy nhiên với Quốc ca, đó là sự thiêng liêng thì phải hết sức cẩn trọng. Cần phải có quy định riêng ngoại lệ dành cho tác phẩm tôn nghiêm so với các tác phẩm bình thường.

Có sự nhầm lẫn nào trong việc AFF sử dụng bản Quốc ca hay không? Theo VFF thì trước mắt sẽ gửi lại ban tổ chức AFF bản Quốc ca vẫn phát trong các nghi lễ chính thức ở Việt Nam. Đây là nhạc Quốc ca do VFF cung cấp bản chuẩn. Bản “Tiến quân ca” này được VFF xin phép lấy từ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (chinhphu.vn).

Câu hỏi đặt ra là có cách nào quản lý việc sản xuất các sản phẩm đề tài tôn nghiêm ở ngoài biên giới Việt Nam không? Nếu một cơ quan đủ thẩm quyền của Việt Nam làm việc ngay với đại diện Youtube trong các trường hợp tương tự thì chắc không có khó khăn gì. Kinh doanh ở đâu phải theo đấy. Ở một số quốc gia, khi gặp sự bất hợp tác từ các nền tảng số tương tự như Youtube, họ có thể chấm dứt toàn bộ quyền tham gia thị trường của nền tảng đó.

“Sáng 7/12, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có ý kiến chính thức như sau: Ca khúc “Tiến quân ca” là Quốc ca của Việt Nam. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca.

Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam” (trích từ trang: Chinhphu.vn)

Chúng ta khẳng định chủ quyền trên đất liền, trên biển, trên không và bây giờ khẳng định chủ quyền trên môi trường số là một nhiệm vụ không dễ nhưng chắc chắn làm được.

Lê Tâm
.
.