Câu chuyện tiếng Việt

Thứ Ba, 07/03/2023, 14:56

Tôi nghĩ tiếng Việt chưa bao giờ thay đổi nhanh chóng và nhiều như bây giờ. Trong thời kì quốc tế hóa, toàn cầu hóa, tiếng Việt phải chịu những áp lực lớn hoặc tự thích nghi để phù hợp với tình hình mới.

Bây giờ, gặp những thanh thiếu niên thêm những từ tiếng Anh trong những câu giao tiếp như “good”, “sexy”, “done”, “cancel”… không phải là hiếm. Những từ ấy không chỉ những người trẻ hay dùng mà đã trở thành những từ gần như cửa miệng, ít nhất là với những cư dân thành thị từ trung niên trở xuống. Thay vì nói “Em chuyển hàng cho chị lúc 5h chiều” thì một chị trung niên ở thành phố sẽ điềm nhiên bảo “ship lúc 5h nhé”, hoặc các cô gái kể với bạn bè “Bọn mình vừa mới check in ở Mộc Châu”, “Hôm nay đi phỏng vấn viết review mà gặp nhiều drama quá”... Các câu bị tỉnh lược nhiều, giảm bớt cả thành phần và đưa những từ tiếng Anh thông dụng vào.

bảng chữ cái tiếng việt.jpg -0
Bảng chữ cái tiếng Việt

Con trai tôi mới năm tuổi, trong mười câu nói, cháu đệm khoảng hai, ba từ tiếng Anh. Vì sao, vì những đứa trẻ này học ngoại ngữ từ nhỏ, gần như song song với tiếng mẹ đẻ và thậm chí có những từ tiếng Anh chúng hiểu ngữ nghĩa chuẩn hơn từ tiếng Việt. Chúng không cảm thấy tiếng Anh là ngoại ngữ như đa số những người trưởng thành học ngoại ngữ khi tiếng Việt của họ đã thành thạo, với nhiều người trẻ thế hệ mới, tiếng Anh gần như là ngôn ngữ thứ hai.

Cách đây gần 20 năm, khi tôi có dịp sang Nhật Bản, tôi bị sốc về một hiện tượng ngôn ngữ. Ấy là nhiều người Nhật dùng nhiều từ tiếng Anh phổ biến thay thế cho từ tiếng Nhật một cách rất tự nhiên và thoải mái trong giao tiếp hàng ngày. Rất nhiều từ tiếng Anh đã được “Nhật hóa” chứ không phải là ngoại ngữ nữa. Giống như bây giờ hầu hết người Việt có thể hiểu “stop” là dừng lại và người ta hầu như không giải thích vì nó xuất hiện ở các biển hiệu giao thông, các chỉ dẫn quen thuộc và trở thành một bộ phận của tiếng Việt. Tiếng Việt đã ở trạng thái giống như tiếng Nhật từ rất nhiều năm trước khi các ngôn ngữ nước ngoài thâm nhập sâu vào đời sống và điều này là tất yếu khi quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cả về kinh tế, văn hóa, giáo dục cũng như số lượng người Việt thông thạo ngoại ngữ hoặc coi chúng là ngôn ngữ thứ hai ngày càng tăng lên.

Những từ ngoại lai được Việt hóa là điều không mới. Nhiều từ tiếng Pháp, ví dụ “ghi đông”, “gác ba ga”, “com plê”, “bia”… đã trở thành từ tiếng Việt cả trăm năm nay. Xa hơn nữa, rất nhiều từ tiếng Hán đã xâm nhập vào tiếng Việt hàng ngàn năm, trở thành từ Hán Việt và được coi như ngôn ngữ dân tộc, là thành tố lớn và quan trọng trong tiếng Việt. Từ Hán Việt xuất hiện và được sử dụng ở mọi nơi mọi chỗ một cách tự nhiên và không ai cảm thấy sự ngoại lai nào hết.

Như vậy sự xâm nhập từ vựng/ tiếng từ các ngôn ngữ nước ngoài vào tiếng Việt là điều bình thường và không tránh khỏi. Không có ngôn ngữ nào lại không bổ sung vốn từ vựng, ngữ nghĩa có nguồn gốc từ các ngôn ngữ khác vào kho tàng của mình, kể cả những ngôn ngữ mạnh như tiếng Anh, tiếng Pháp. Mỗi năm các nhà ngôn ngữ, các nhà làm từ điển thường đưa ra danh sách những từ ngoại lai, từ mới vào danh mục từ vựng ngôn ngữ của mình. Ngay cả tiếng Việt cũng đóng góp vào quá trình toàn cầu hóa này, ví dụ những từ như “đổi mới”, “áo dài”, “phở”… đã được coi là những từ quốc tế, không cần phải dịch nghĩa. Giống như tiếng Nhật đã đóng góp với thế giới những từ như “karaoke”, “tsunami”, tiếng Hàn là “kim chi”, “hanbok”…

Thêm nữa, trong khi có những từ ngữ nước ngoài chủ yếu được thâm nhập bằng công nghệ, kinh tế thì vẫn có trường hợp lan truyền qua văn hóa và thay đổi bản chất vốn có. Cách đây mấy chục năm, một bộ phim truyền hình của Nhật Bản có tên “Oshin” được chiếu ở Việt Nam, nhân vật chính là một cô bé cùng tên đi làm giúp việc cho một gia đình giàu có và sau nhiều khó khăn đã trưởng thành và thành công. Bộ phim được khán giả Việt Nam rất yêu thích và hâm mộ, đặc biệt với nhân vật chính, dần dần tên nhân vật chính đã trở thành một từ trong tiếng Việt phổ thông. Chị giúp việc ở thành phố được gọi là “chị osin”, hay “cô ấy đi làm osin”, “tuyển osin”. Osin vừa là một nghề, vừa là danh từ chỉ người làm nghề ấy, đây là một ví dụ khá thú vị về sự lan truyền và thâm nhập ngôn ngữ qua điện ảnh. Nhưng ví dụ này cũng không phải duy nhất hay quá mới, đã có những trường hợp tương tự từ rất lâu đời như tên các nhân vật Sở Khanh, Tú Bà trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du - cốt truyện có nguồn gốc từ một tác phẩm của Trung Hoa cổ điển đã được Việt hóa và mang một sắc thái khác, ví dụ: “thằng ấy sở khanh lắm”, “mụ ta chính là một tú bà”…

Câu chuyện tiếng Việt -0

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, một ngôn ngữ bị pha tạp quá nhiều các từ ngoại lai là điều không hay và không nên. Sự trong sáng của tiếng Việt là sự uyển chuyển và thích ứng, không quá cứng nhắc nhưng cũng không dễ dãi buông tuồng. Một liều lượng thích hợp và được kiểm soát, kể cả với thói quen xã hội và các văn bản chính thức là một điều cần thiết. Thậm chí có những quốc gia, để bảo vệ sự trong sáng/ thuần khiết của tiếng mẹ đẻ/ ngôn ngữ chính thức của mình, họ đã ban hành các đạo luật để xử phạt việc sử dụng tiếng nước ngoài không đúng nơi, đúng chỗ, ví dụ trên truyền hình, trong thảo luận ở quốc hội, văn bản luật, sách giáo khoa… Nghĩa là có sự mềm dẻo trong sử dụng ngoại ngữ nhưng khi cần siết chặt thì vẫn cần những chế tài, công cụ cần thiết để bảo vệ sự thuần khiết/ trong sáng của một ngôn ngữ nào đấy.

Với tư cách là người sử dụng ngôn ngữ như công cụ làm việc (biên tập, sáng tác, đọc), tôi thấy nhiều từ tiếng Việt đã bị lãng quên nhanh chóng hoặc bị thay thế bằng những từ ít biểu cảm hơn. Nhiều nhà văn, nhất là những người trẻ hay dùng những từ quá mới hoặc ít sự tinh tế, cảm giác không thuần Việt trong cả tiếng nói và cách hành văn, câu cú ngữ pháp. Ví dụ câu “Tôi nom thấy người đàn ông áo đen đi trên đường” có thể diễn đạt thành “Tôi nhìn thấy một người đàn ông áo đen đi trên đường”. Từ “nom” bây giờ đã ít người dùng, còn từ “một” là cách diễn đạt ngôn ngữ kiểu nước ngoài, yêu cầu chính xác số từ, trong khi tiếng Việt thì không quá chú trọng đến số từ trong trường hợp tương tự nếu không cần nhấn mạnh. Tất nhiên trong so sánh kể trên, sự khác biệt giữa tiếng Việt và kiểu ngôn ngữ nước ngoài là không nhiều nhưng nếu một văn bản, một tác phẩm dày đặc kiểu văn phong này sẽ tạo ra ấn tượng tương đối lớn và cảm giác rõ nhất là không thuần Việt hoặc khiên cưỡng.

Lại nữa, một xu hướng rất đáng chú ý, cũng do sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội tạo ra là sự tỉnh lược, biến thái của từ ngữ, câu cú tiếng Việt. Các ứng dụng trên điện thoại, máy tính, mạng xã hội giúp người ta giao tiếp với nhau dễ dàng nhanh chóng, tiết kiệm hơn nhưng chúng cũng ảnh hưởng khá nhiều đến  hành vi ngôn ngữ. Vì các ứng dụng này khuyến khích sự ngắn gọn, dễ hiểu để tiết kiệm dung lượng và thời gian nên các cụm từ ngắn được sử dụng một cách tối đa, các thành phần câu bị lược bỏ, chỉ dùng những nội dung cốt lõi nhất. Cách sử dụng này có ưu điểm là nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm được cả dung lượng và thời gian viết/ đọc nhưng lâu dài sẽ tạo ra những quán tính nguy hiểm. Đó là cách hành văn thiếu các thành phần, câu què, câu cụt, những từ giàu sắc thái biểu cảm ít được sử dụng hay bị quên lãng. Dần dần chỉ còn những lớp nghĩa trơ khấc, trần trụi được ưa dùng vì tính thực dụng, dễ sử dụng; nếu giữ mãi thói quen đó, tiếng Việt sẽ thành một ngôn ngữ chỉ còn cái lõi, khô cứng và đơn điệu. Nếu ai muốn thấy sự giàu có và biểu cảm của tiếng Việt, hãy về những vùng nông thôn và nói chuyện với những người phụ nữ trên sáu mươi tuổi, sẽ thấy họ dùng thứ tiếng Việt tinh tế, sinh động và uyển chuyển thế nào. Giờ đây lớp người ấy đang mất dần đi và kéo theo cả sự hao mòn, quên lãng không ít của một thứ tiếng Việt rất đẹp và sinh động.

Về mặt nào đấy, chính những nhà văn, nhà báo là những người có sứ mệnh quan trọng trong việc giữ gìn sự trong sáng, thuần chất của tiếng Việt. Tôi rất thích những tác phẩm viết bằng thứ tiếng Việt thuần thục, phong phú cùng văn phong truyền thống. Đã có những nhà văn rất ý thức việc này, họ chú ý sử dụng những từ tiếng Việt bị sao lãng hoặc có nguy cơ bị thay thế, để lưu giữ, bảo tồn và phát huy chúng. Trong sổ tay ngôn ngữ của tôi, tôi chép những từ tôi yêu thích ở một tác phẩm văn học: “ngón tay nông dân to bậm”, “sức bay được mấy nả mà vội kiêu ngạo”, “tối bưng lấy mắt”, “chiều nay thong thả, mời ông xuống xơi cơm”… Những cụm từ ấy đậm chất Việt và khả năng biểu cảm tốt hơn so với những từ thông thường. Khi nghe, đọc các nhà văn, những người dân nông thôn chất phác sử dụng những từ ấy, sẽ thấy tiếng Việt đẹp, biểu cảm, sinh động và giàu có nhường nào.

  Tất nhiên như đã nói, sự biến chuyển, thay đổi của một ngôn ngữ là điều không thể tránh khỏi trong một xã hội hiện đại nơi các yếu tố toàn cầu hoá, công nghệ đang thay đổi và tác động trực tiếp đến cách sinh hoạt và vận hành xã hội. Ngôn ngữ cũng nằm trong quy luật vận động của đời sống, có cái mới được sinh ra và cũng có những thứ bị thay thế; nhưng ở mặt nào đó, nếu không có sự giữ gìn, bảo tồn và điều chỉnh thì rất có thể sự giàu đẹp của một ngôn ngữ sẽ bị mất dần đi không thể cứu vãn; điều này đòi hỏi những tư duy và thiết chế cần thiết ở cấp nhà nước cũng như thái độ, suy nghĩ và hành động của mỗi cá nhân riêng biệt.

Uông Triều
.
.