Cấp quyền làm con

Thứ Năm, 21/04/2022, 21:03

Từ đêm qua đến sáng nay tôi nhận được đến gần chục lời đề nghị viết bài, trả lời phỏng vấn trước clip tự tử và đoạn thư tuyệt mệnh được viết dưới bài tập Địa lý của cậu bé 16 tuổi trường Ams. Tôi đã thức đến 3h sáng không phải để nghĩ mình sẽ viết gì, sẽ trả lời sao, sẽ đưa ra thông điệp gì. Mà là tôi nhìn lại bản thân mình, về 16 năm tôi làm cha lần lượt 3 đứa trẻ con mình.

Tôi hỏi cô út nhà mình: Nguyên ơi, bố đã bao giờ chưa lắng nghe con không? Cô bé đáp: Con không nhớ, nhưng chắc là có. Tôi cảm ơn con gái mình vì sự thành thật đó. Tôi nghĩ mọi người cha, người mẹ đều đã từng khiến cho con cái thất vọng đôi lần. Tôi chỉ mong đó là sự thất vọng tạm thời. Bởi thật may mắn khi chúng ta đã được con cái tha thứ cho những gì chúng ta sai. Những thất vọng tạm thời đó đã không thành thất vọng triền miên và để lũ trẻ của chúng ta đi đến quyết định tự sát như cậu bé 16 tuổi kia và trước đó là cô bé 15 tuổi cũng gieo mình từ tầng 26 xuống.

Cấp quyền làm con -0

Con cái chúng ta luôn có những thất vọng về cha mẹ. Là bởi chúng luôn tin tưởng vào cha mẹ, luôn coi cha mẹ như người luôn không sai, không bao giờ sai được. Bước vào tuổi mới lớn, khi nhìn ra thế giới rộng lớn ngoài kia, chứng kiến và có thêm nhiều hiểu biết, lũ trẻ bắt đầu có những thất vọng đầu tiên. Tôi nhớ lại hồi mình 16 tuổi, mình cũng như cậu bé, đã có những thất vọng về cha mẹ mình. Thậm chí, tôi bắt đầu công kích lại bố mình bởi những suy nghĩ lạc hậu của ông.

Tất nhiên, những trận đòn của bố dù trước đó tôi nhận xong là quên, nhưng khi tôi bắt đầu hiểu ra thì tôi lại nhớ đến nó và cảm thấy bất công khi phải nhận những trận đánh đó. Từ bất công chuyển sang bất mãn. Tôi bắt đầu tìm cách thoát ly khỏi người cha vô lý của mình. Bật lại mỗi khi ông nói điều gì tôi nghĩ là sai, là bố chẳng hiểu gì cả. Tôi cảm thấy may mắn vì tôi đã hư thay vì ngoan ngoãn chịu đựng.

May mắn hơn, bố tôi, người đàn ông chỉ học đến lớp 7, nhận ra rằng tôi cũng có quyền được lên tiếng. Ông không đánh tôi nữa. Cũng không mắng mỏ tôi. Dù chưa hẳn ông chịu lắng nghe, nhưng ít nhất, tôi không phải cam chịu.

Tôi đã cố gắng giải trình lại những năm tháng tôi 16 tuổi, điều gì đã khiến tôi dám bật lại cha mẹ? Có nhiều đứa bạn như tôi, ở cái tuổi 16 ấy, chọn cách bỏ nhà đi bụi, tệ hơn, chọn cách tự sát. Nhiều đứa trẻ thì giữ trong lòng và chỉ tâm sự với người lạ. Đó là anh Chánh Văn trên báo Hoa Học Trò. Hàng triệu lá thư cùng một nội dung giống nhau trong suốt 12 năm tôi đứng mục đó: Bố mẹ không hiểu em anh Chánh Văn ạ.

Nhưng có nhiều đứa trẻ thì cả tâm sự cũng không. Chúng giữ rịt trong lòng. Biến nó thành vết thương sâu thẳm, mưng mủ, đến tận 30 tuổi, 40 tuổi vẫn không lành lại được, nếu chúng không chết ở tuổi 16. Còn tôi, may mắn hơn vì dám bật lại cha mẹ, sẵn sàng tâm sự với nhiều “anh Chánh Văn” khác mà mình gặp trong đời. Và một điều đặc biệt nữa, tôi nhận ra mình có những giá trị mà không phải từ cha mẹ cho mình mà là do mình tự tạo ra.

Đó là khả năng viết văn, làm thơ hay làm được những điều mà cha mẹ tôi không làm được, không có để ban tặng cho tôi. Tất nhiên, còn cả một đặc quyền mà cha mẹ đã cho tôi: Quyền của con. Khi mà bố tôi nhận ra tôi thực sự đã lớn, đã có tiếng nói riêng của mình, ông tôn trọng tôi thay vì khuôn phép với tôi, thay vì quyền “Bố là bố của con, bố sinh ra con, con phải tuân thủ”.

Quá trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ đều bắt đầu từ sau những vấp ngã, hiểu ra và hy vọng tiếp sau mỗi thất vọng, học được về giá trị bản thân giúp chúng tin vào bản thân thay vì nghĩ mọi thứ trong cuộc đời mình đều là do cha mẹ ban tặng chúng. Một đứa trẻ trưởng thành là một đứa trẻ nhận ra chúng có những giá trị riêng biệt mà không phải ai cũng có. Mà muốn có giá trị, trước nhất phải là quyền được lên tiếng của nó.

Trong Luật Trẻ em đã ghi rõ về quyền được phát biểu ý kiến của trẻ em. Nhưng không phải mọi cha mẹ đều biết, không phải cha mẹ nào biết cũng đồng ý và tuân thủ. Bao nhiêu đứa trẻ được cha mẹ cấp quyền làm con? Hay luôn chỉ có nghĩa vụ và trách nhiệm làm con, còn quyền thì chỉ là quyền lợi được ăn, được mặc, được học hành, được cho tiền, được khen ngợi, được thành niềm hãnh diện của cha mẹ trước bà con lối xóm? Quyền được phát biểu ý kiến của trẻ bị quên lãng bởi “trẻ con thì biết cái gì”, bởi “áo mặc sao qua khỏi đầu”, bởi “cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”.

Quyền làm cha làm mẹ choán hết mọi cửa nẻo để con được lên tiếng. Những đứa trẻ lớn lên cùng những thất vọng tạm thời nhưng lặp đi lặp lại năm này qua năm khác, khiến chúng tin rằng cha mẹ nói thì con cái phải nghe. Chúng giữ lại những suy nghĩ phản biện vì biết rằng có nói ra cũng sẽ bị cha mẹ mắng, cho ăn đòn thậm chí mất đi cả những gì chúng đang có. Khi đối thoại không có, lũ trẻ sẽ chuyển sang đối phó. Trở thành những đứa trẻ ngoan như ý muốn của cha mẹ, tự khoác lên mặt mình một chân dung mà bố mẹ mong muốn, kỳ vọng. Áp lực bắt đầu từ đó, lâu dần thành trầm cảm và cuối cùng đi đến một quyết định mà mọi người lớn đều nói là bộc phát, là bồng bột, là nông cạn.

Cái chết. Với chúng ta nó là một điều ngớ ngẩn, có thể nghĩ tới nhưng sẽ không làm. Nhưng với suy nghĩ của lũ trẻ thì nó lại là “lời nói” gửi tới cha mẹ. Như nhiều đứa trẻ tâm sự với tôi “muốn tìm đến cái chết để cha mẹ nhận ra họ đã sai”. Cái chết với bất cứ ai cũng là cả một quá trình nghĩ về nó. Với lũ trẻ thì là sự thất vọng liên tiếp sau rất nhiều hy vọng không thành. Là khi mà mọi thang giá trị về bản thân trong lũ trẻ chỉ là học cho giỏi để sau này báo hiếu cha mẹ, là ngoan thì mẹ thương, là con cái phải biết nghe lời cha mẹ, là học cho cha mẹ hãnh diện với bà con làng xóm…

Nhiều hơn thì giá trị của chúng được hiểu là đẹp trai, xinh gái, có đôi tài lẻ. Hầu hết mọi giá trị của con đều do người khác ban cho. Như cha mẹ “hy sinh vất vả cho con có được ngày này”. Như bạn bè “thích chơi với mình vì….”. Như thầy cô qua điểm số và những lời khen. Mà lũ trẻ không nhận ra những giá trị thực sự mà chúng đã tự tạo ra được. Là bởi phần đông những đứa trẻ mất quyền được là chính mình, quyền làm con thấp hơn quyền làm cha, làm mẹ.

Áp lực làm con mỗi thời một khác. Thời của chúng ta chỉ cần không mặc quần rách đến trường, bố mẹ đóng tiền học đầy đủ, không bị nhà trường bêu tên là sung sướng rồi, hạnh phúc rồi. Nhưng lũ trẻ hôm nay có nhiều áp lực hơn rất nhiều.

Bởi một thế giới mở với quá nhiều giá trị, thang bậc được hình thành. Mà trong đó không ít những giá trị ảo, được tạo ra bởi những lời khen ngợi, tung hô. Lũ trẻ mất phương hướng nếu như chúng nhận ra chúng không thuộc bất cứ một thang giá trị nào mà bố mẹ, người lớn, xã hội đang đặt ra.

Thêm sự thất vọng về cha mẹ không chịu hiểu khiến chúng càng lạc đường. Người ta lạc bởi không đích đến, lũ trẻ không tìm ra mục tiêu thì ắt sẽ lạc đường. Mất lòng tin vào cha mẹ chỉ là bước đầu, mất lòng tin vào bản thân mới là điểm chốt cho hành động từ bỏ cuộc sống. “Đời như một trò đùa”, một câu viết mà đau lòng vì sự thất vọng đã đạt đến đỉnh điểm như thế.

Cấp quyền làm con. Tôi nghĩ rằng những cuộc tự sát vừa qua của con trẻ nếu phải nói với nhau, xin hãy nhắc nhở nhau về việc chúng ta sớm cấp quyền làm con cho con của mình. Là tôn trọng con ở mức cao nhất, ngang bằng với việc chúng ta đòi hỏi con mình tôn trọng cha mẹ. Là đừng “nói cho con hiểu” mà hãy là hiểu những gì con nói. Chỉ có hiểu mới có thương. Mọi cái thương mà không hiểu sẽ là thương sai.

Hiểu con để cùng con xây dựng giá trị bản thân cho con. Không phải ban cho con những giá trị, mà là cùng con làm rõ những giá trị mà con đang có. Mỗi đứa trẻ đều là một bản thể độc lập không phải là bản sao của bố mẹ. Hiểu con chính là cách để chúng ta nuôi dưỡng những hệ giá trị riêng biệt mà con có.

Một đứa trẻ được cha mẹ lắng nghe và tôn trọng, chúng sẽ nhận ra giá trị của chúng chứ không bị lệ thuộc vào những giá trị ảo mà chúng thấy trên mạng, trong các cuộc trò chuyện với bạn bè. Và tôi tin rằng một đứa trẻ nhận ra giá trị của nó thì nó sẽ thấy nó không thể chết như những đứa trẻ nghĩ mình vô giá trị cả. Bởi cuộc sống của nó còn rất nhiều thứ để tiếp tục sống chứ không phải tiếc trò game đang chơi dở, những bài hát còn chưa nghe hay vài người bạn.

Hoàng Anh Tú
.
.