Cần thận trọng khi “định danh” xã, phường được sáp nhập
Việc sáp nhập các xã, phường nhỏ để thuận tiện công tác quản lý, giảm số lượng cán bộ, công chức là cần thiết và là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, việc này đang được dư luận hết sức quan tâm, trong đó, ý kiến nhiều nhất là tên gọi các xã, phường mới, bởi, tên làng/xã không đơn thuần là sự định danh một cộng đồng dân cư - một thiết chế xã hội tồn tại bền chặt cùng lịch sử đất nước, quốc gia dân tộc, mà còn gắn liền với văn hóa, con người mảnh đất ấy.
Làm sao để việc đặt tên xã, phường có cơ sở khoa học, vừa lưu giữ được hồn cốt, bản sắc của mỗi làng xã, vừa phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân?
Tên làng, dấu ấn lịch sử - văn hóa ngàn năm
Từ thuở các Vua Hùng lập nước và có thể cả trước đó, tên các cụm dân cư đều gắn với từ “Kẻ” (một từ Nôm, hay từ Việt cổ, chỉ một làng, một vùng), đi kèm một một từ Nôm khác, thường khó xác định chính xác ngữ nghĩa. Quanh nội thành Hà Nội thôi, cũng thấy một vệt dày đặc và liên tiếp các làng có tên kiểu này, như Kẻ Chèm, Kẻ Noi, Kẻ Cót, Kẻ Mọc... Mỗi “kẻ” có những nét riêng về điều kiện địa lý tự nhiên, về lịch sử, về phong thái, tính cách con người và những sản vật tự nhiên hay do con người tạo ra. Những tên đó qua mấy chục thế kỷ, đến hôm nay, vẫn được nhắc đến.
Vào đầu Công nguyên, các tên Nôm được phiên âm thành tên Hán - Việt (hay “tên chữ”), như Kẻ Chèm phiên thành Thụy Phương; tương tự, Kẻ Noi (Cổ Nhuế), Kẻ Cót (Yên Quyết), Kẻ Mọc (Nhân Mục)... Tên Hán - Việt dùng trong giấy tờ hành chính, còn tên Nôm dùng trong giao tiếp thường ngày. Các tên Hán - Việt là một kho tư liệu, phản ánh muôn hình muôn vẻ các đặc điểm về địa lý, lịch sử, kinh tế - sản vật, văn hóa, danh nhân... của các làng ở các vùng miền, cả truyền thống đấu tranh chống thiên tai, giặc ngoại xâm.
Điểm qua vài quận, huyện ở Hà Nội càng thấy rõ điều đó:
Các tên làng chỉ đặc điểm địa lý của làng, như Độ Hà (làng có bến sông), Vạn Phúc Châu (làng ở vùng bãi), La Khê (làng La ven ngòi), La Phù (làng La luôn bị ngập)... Các tên làng chỉ hình thái quần cư như Vạn Phúc (dân vạn chài), Thượng Trại, Hạ Trại (trại trên, trại dưới), các làng có từ “Xá” gắn với sự khai phá ban đầu của một dòng họ, như Hoàng Xá, Nguyễn Xá, Bùi Xá, Lê Xá... hay các làng hình thành từ giáp - tổ chức của nam giới, như Giáp Nhất, Giáp Nhị, Giáp Tứ, Giáp Bát.
Các tên làng chỉ nghề nghiệp, ngoài nghề nông (Nông Vụ, Xuân Canh, Lực Canh), có nghề thủ công, như La (nghề dệt), Khê Tang (làng trồng dâu ven sông ngòi), Phú Thị (làng có chợ), Võng Thị (làng có chợ bán lưới đánh cá)...
Các tên làng chỉ khát vọng lắm người, nhiều của, như Đa Đinh, Kim Sơn (núi vàng), Mễ Trì (ao gạo), giàu có (Phú Gia, Trạch Mỹ Lộc, Vĩnh Lộc, Vĩnh Thịnh...).
Các tên làng chỉ khát vọng bình yên, vui vẻ: An Nghiệp, Gia Phúc, Hòa Mục, hay nền nếp, như Tuân Lề, Tuân Hóa...
Các tên làng chỉ truyền thống học hành, văn nhã, như Thư Lâm, Thư Trai, Đôn Thư, Hoàng Bảng, Kim Bảng...
Như vậy, nhắc đến tên làng là nhắc đến một đặc điểm nào đó về địa lý, nghề nghiệp, sản vật, mà người các làng quê đó luôn mang theo, mỗi khi phải xa quê.
Hàng nghìn năm lịch sử, đến tháng 8/1945, phần lớn các làng được sắp đặt thành một xã, nên tên làng tồn tại cùng tên xã (thể hiện trên triện gỗ), việc đổi tên làng rất ít khi xảy ra, nên tên làng luôn ăn sâu trong tâm trí các thế hệ dân làng. Tên làng - xã gắn với niềm tự hào, ý thức giữ gìn và phấn đấu của mỗi người vì danh dự của cộng đồng. Hàng nghìn năm, các tên làng đó vẫn tồn tại, bất chấp thời cuộc, thậm chí, tên làng còn được đi theo cùng với sự di chuyển của cộng đồng dân cư đến vùng đất mới. Đây là lý do của hiện tượng một tên làng có mặt ở nhiều tỉnh khác nhau, bởi “Các cộng đồng cư dân đã gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”.
Những thời đoạn nổi chìm của tên làng xã
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, tên làng chịu tác động lớn của thời cuộc. Do yêu cầu của công cuộc kiến quốc và kháng chiến, các làng xã nhỏ được sắp xếp thành một xã lớn hơn. Tên xã mới thường được ghép bởi một thành tố của tên mỗi làng (nếu xã gồm 2-3 làng); hoặc lấy tên các anh hùng dân tộc, các lãnh tụ cách mạng, chiến sĩ cách mạng tiêu biểu ở địa phương và phổ biến là lấy tên theo ý chí, mục tiêu của cách mạng (Quyết Chiến, Quyết Thắng, Chiến Thắng, Tự Do, Độc Lập, Thành Công...). Ở nhiều huyện, tên của các xã gồm thành tố đầu của tên huyện cộng với một từ khác, không dựa vào yếu tố lịch sử - văn hóa nào, ví dụ huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An), với tên các xã đều có chữ Quỳnh” đứng đầu, như Quỳnh Hậu, Quỳnh Hưng, Quỳnh Tam, Quỳnh Đôi... Tương tự là các huyện Cẩm Thủy (tỉnh Thanh Hóa), Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh); sau này là các huyện Đông Hưng, Thái Thụy (tỉnh Thái Bình)...
Từ đây, phần lớn tên làng cũ không còn tồn tại trên giấy tờ hành chính và cũng không được nhắc thường xuyên trong đời sống thường ngày, vì đã được đặt tên theo số thứ tự. Đến giữa thập niên 1960, phần lớn các tên cách mạng được bỏ, để trở lại với các tên làng - xã cũ. Tuy nhiên, ở những xã gồm nhiều làng cũ, diễn ra tranh giành gay gắt trong việc đặt tên. Làng nào cũng muốn yếu tố tên làng mình phải đứng đầu trong tên của xã, nên nhiều tên rất vô nghĩa. Sau vài chục năm, các thế hệ sinh sau không biết gì về tên gốc xa xưa của làng quê mình.
Việc thành lập các hợp tác xã nông nghiệp “bồi” thêm một “đòn” mạnh vào hệ thống tên xóm, tên làng. Tên làng bị thay bằng tên hợp tác xã, gắn với những mục tiêu, khẩu hiệu như Tiên Tiến, Tiến Bộ, Thắng Lợi, Thành Công... Đến khi hợp tác xã được nâng lên quy mô toàn xã thì thôn/làng cũ trở thành một đội sản xuất và những tên làng cổ xưa đã “lặn” mất ở hầu hết các địa phương, bởi được gọi theo tên đội sản xuất và hợp tác xã. Công cuộc đổi mới từ 1986 đã trả lại tên cho nhiều làng quê trong cả nước.
Nan giải đặt tên xã mới
Giờ đây, tên làng xã cổ truyền lại đứng trước nguy cơ tồn vong, khi nhập 2-3 hoặc nhiều hơn (mỗi xã gồm nhiều làng) thành một xã lớn. Rất nhiều tên dự định đặt cho các xã được sáp nhập sắp tới rất khô cứng, nghe không một chút xúc cảm, chỉ thấy sự vô nghĩa, vô cảm, thậm chí phản cảm. Điển hình là tên “Đôi Hậu” - tên của xã dự định sẽ sáp nhập hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu, bị cộng đồng mạng phê phán, suy diễn thành nhiều nghĩa (không hay, không thiện cảm). Làng Quỳnh Đôi nổi tiếng cả nước bởi một lượng lớn người đỗ đạt các mức của khoa cử Nho học, các danh nhân văn hóa, khoa bảng thời phong kiến; thời cách mạng xuất hiện nhiều nhà chính trị, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, anh hùng nổi tiếng, nhưng không được dùng để đặt tên cho xã mới.
Tình trạng đặt tên vô cảm, vô nghĩa, trong khi lại bỏ qua các tên làng/xã in đậm dấu ấn lịch sử văn hóa còn diễn ra ở nhiều nơi. Tại Hà Nội, huyện Thạch Thất sẽ nhập hai xã Dị Nậu và Canh Nậu thành xã Lam Sơn - một cái tên rất lạ, trong khi Canh Nậu, Dị Nậu là hai cái tên rất cổ xưa; hai xã Hữu Bằng và Bình Phú thành xã Quang Trung (rất vô lý, vì ông Quang Trung chẳng có liên quan gì đến mảnh đất này, trong khi Hữu Bằng là làng nổi tiếng về nghề, có nhiều người đỗ đạt lại bỏ qua). Ở huyện Ứng Hòa, nhập 3 xã Cao Thành, Sơn Công, Đồng Tiến thành xã Cao Sơn Tiến (lại một cái tên vô cảm); nhập xã Hòa Xá, Vạn Thái, Hòa Nam thành xã Thái Hòa, trong khi địa danh Hòa Xá nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ với “Chiếc gậy Trường Sơn” lại không được dùng đến; rồi 3 xã Lưu Hoàng, Hồng Quang, Đội Bình nhập thành xã Bình Lưu Quang (vừa dài dòng, vừa chẳng có nghĩa). Thậm chí, ở huyện Thường Tín, nhập xã Hà Hồi, xã Vạn Điểm và xã Thống Nhất thành xã Vạn Nhất (một cái tên rất phản cảm)...
Việc đặt những tên vô nghĩa, vô cảm, thậm chí phản cảm, bỏ những tên làng truyền thống rất nguy hại, bởi sẽ xóa sổ những ký tự, ký ức lịch sử - văn hóa mà cha ông ta đã bảo tồn, lưu giữ qua hàng nghìn năm; làm cho các thế sau không còn biết gì về các địa danh liên quan đến truyền thống lịch sử - văn hóa của cha ông nữa.
Kiến nghị đặt tên xã mới
Thứ nhất, hạn chế lấy tên các anh hùng dân tộc, các chí sĩ yêu nước, các nhà cách mạng để đặt tên các xã, trừ trường hợp các vị đó có liên quan trực tiếp đến lịch sử địa phương. Không đặt tên theo ý chí và mục tiêu cách mạng, vì nó dễ trùng lặp với các địa phương khác.
Thứ hai, hạn chế tới mức cao nhất việc ghép tên của hai xã làm một, vì ghép như vậy chỉ thể hiện tư tưởng cục bộ làng xã, trừ trường hợp tên ghép đó hay và có ý nghĩa, những tên ghép vô nghĩa, như Đôi Hậu, Vạn Nhất cần loại bỏ.
Thứ ba, trường hợp ghép tên không thuận thì nên lấy tên của làng có truyền thống lịch sử - văn hóa nổi nhất hoặc làng xã có dân số đông hơn, đông nhất đặt tên cho xã mới. Trường hợp xã sắp sáp nhập tương đương với một tổng thời phong kiến thì lấy tên của tổng đặt tên cho xã mới.
Thứ tư, tên của xã chỉ nên gồm 2 chữ, hạn chế dùng 3 chữ.
Thứ năm, tên các làng cũ cần được lưu lại bằng các hình thức: trong quyết định hành chính, chẳng hạn, thôn Bào Hậu, xã Quỳnh Đôi; nếu làng này lớn, buộc phải chia thành nhiều “thôn” nhỏ, thì đặt tên thôn theo tên xóm hoặc đặt là “thôn 1 Bào Hậu, thôn 2 Bào Hậu”..., không đặt số thứ tự từ 1 đến số cao nhất cho các thôn/làng trong xã. Quy định hành chính - pháp lý này có tác dụng giữ tên làng lâu bền nhất. Ngoài ra, tên làng còn phải được lưu trên cổng làng, biển đề tên đình chùa, đền miếu...
Đặt tên cho các xã, phường mới là việc rất hệ trọng, liên quan đến nhiều mặt đời sống trước mắt và sự phát triển lâu dài của các cộng đồng dân cư, nên phải hết sức thận trọng, không nóng vội, chủ quan, áp đặt; phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư một cách dân chủ, không làm lấy lệ, hình thức, thậm chí phải mở các cuộc thảo luận, hội thảo; tham khảo ý kiến của giới tinh hoa trong cộng đồng, các nhà khoa học.