Boxing Việt Nam gặp cảnh "một cổ hai tròng"

Thứ Ba, 17/12/2024, 11:21

Trong bối cảnh thượng tầng quản lý Boxing thế giới có nhiều biến động, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 33. Việt Nam cần làm gì để vừa đảm bảo thành tích, vừa tìm cách làm hài lòng các bên vốn đã có bất đồng không thể hàn gắn?

Vừa làm chuyên môn vừa quan sát

Mâu thuẫn trực diện giữa Hiệp hội Boxing Quốc tế (IBA) và World Boxing, tổ chức được Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) thành lập đã trở thành cuộc chiến công khai. Nhiều quốc gia vốn không muốn hé lộ quan điểm của mình, đều đã phải bước ra ánh sáng cùng lựa chọn một  trong hai bên.

1000008948.jpg -0
Boxing Việt Nam gặp khó vì tình trạng chia rẽ giữa các liên đoàn quốc tế.

Ở khu vực Đông Nam Á, hai cường quốc trong môn Boxing là Thái Lan và Philippines đã công khai ủng hộ World Boxing. Một số quốc gia khác như Singapore và Lào cũng đưa ra lựa chọn tương tự. Số còn lại chọn phương án trung lập, hoặc âm thầm bỏ phiếu ủng hộ IBA.

Có nhiều lý do khiến các nước bỏ phiếu cho IBA không muốn công khai lựa chọn của mình. Nguyên nhân chính là bởi họ không muốn làm mất lòng IOC, cơ quan quản lý các Ủy ban Olympic quốc gia (NOC). Việc này có thể khiến họ bị gây khó dễ ở những môn thể thao khác khi thi đấu quốc tế.

Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, nhưng điều đó lại khiến Boxing rơi vào cảnh "một cổ hai tròng" ở kỳ SEA Games tới. Các VĐV, HLV và nhà quản lý sẽ phải vừa làm nhiệm vụ vừa quan sát động thái "chia phe" của nhiều quốc gia trong cuộc chiến giữa IBA và World Boxing.

Trong vòng 1 năm, Liên đoàn Boxing châu Á (ASBC) đã tiến hành họp bất thường tới 3 lần để bỏ phiếu lấy ý kiến về việc ly khai khỏi IBA, đồng thời hướng đến gia nhập World Boxing. Nhưng trong cả 3 lần bỏ phiếu đó, đa số thành viên ASBC đều chọn IBA. Số lượng thành viên ủng hộ IBA thậm chí còn tăng lên trong vài tháng cuối năm 2024.

Lựa chọn của đa số quốc gia châu Á, đáng tiếc thay, lại không phù hợp với quan điểm từ người đứng đầu ASBC. Chủ tịch ASBC, một người Thái Lan đã tuyên bố từ chức vì không thể thuyết phục số đông thành viên rời bỏ IBA. Tổng thư ký ASBC sau đó cũng quyết định rút lui.

Có một điều thú vị về Tổng thư ký ASBC, là ông đã xuất hiện ở Olympic Paris trong vai trò HLV đội tuyển Boxing Thái Lan. Ông ngồi trong khu kỹ thuật, nhưng nhiệm vụ chính không phải là góp ý về mặt chuyên môn cho võ sĩ. Trên thực tế, ông muốn "dằn mặt" trọng tài và ban tổ chức để họ không chấm điểm sai lệch cho võ sĩ Thái Lan. "Chiến thuật" của Boxing Thái Lan có thể được xem như thành công ở Olympic Paris vừa qua. Họ vẫn có 1 huy chương đồng, kết quả "tạm chấp nhận được" với một cường quốc từng có nhiều nhà vô địch Olympic. Nhưng điều đó cũng cho thấy một sự thật khác: Những quan chức người Thái Lan trong ASBC không có tiếng nói quyết định.

Lựa chọn của Việt Nam

Ở hai hội nghị bất thường của ASBC diễn ra vào tháng 8 và tháng 11/2024, nhiều quốc gia đã đặt vấn đề tại sao ASBC không công bố kết quả bỏ phiếu. Tại sao một tổ chức muốn giữ vị thế trung lập, lại ngả về World Boxing thay vì IBA? Ý đồ của ASBC sau đó đã rõ, khi Chủ tịch và Tổng thư ký muốn tách ra để thành lập một Liên đoàn mới. Thượng tầng hỗn loạn trong môn Boxing dẫn tới một sự cố hy hữu tại SEA Games 33 sắp tới. Luật thi đấu và quy định chung được lấy từ tổ chức nào, IBA hay World Boxing vẫn là điều chưa rõ ràng. Hiện tại, World Boxing chỉ sao chép bộ luật IBA sử dụng từ trước năm 2018, còn IBA đã có nhiều điều chỉnh, cải tiến trong 6 năm qua.

Phía Việt Nam cũng gặp khó trong việc đưa ra chọn lựa. IBA mang lại quyền lợi thiết thực về kinh tế và phát triển phong trào, còn World Boxing hứa hẹn duy trì vé dự Olympic. Ngay cả khi giữ vị thế trung lập, Việt Nam cũng khó xác định được hướng đi chính xác trong tương lai.

Boxing Việt Nam gặp cảnh
Nhiều võ sĩ Việt Nam chưa thể cạnh tranh với đối thủ nước ngoài ngay ở sân chơi như SEA Games.

Trong quá khứ, Boxing Việt Nam từng có một cầu nối xuất sắc để vươn ra quốc tế. Đó là ông Vương Trọng Nghĩa, trọng tài Boxing Việt Nam đầu tiên đạt đẳng cấp 3 sao của IBA. Ông Nghĩa cũng làm nhiệm vụ ở hai kỳ Olympic London 2012 và Rio 2016, thời điểm Boxing Việt Nam còn chưa có vé tham dự Thế vận hội.

Ở giai đoạn 2017-2018, khi IOC cáo buộc IBA mắc nhiều sai phạm để hướng đến việc truất quyền quản lý của tổ chức này, IOC đã cấm hành nghề với nhiều trọng tài Boxing quốc tế. Khi ấy, ông Vương Trọng Nghĩa là trọng tài hiếm hoi làm nhiệm vụ ở Olympic Rio nhưng thoát lệnh cấm. Điều đó cho thấy phần nào về uy tín, tầm ảnh hưởng của ông.

Tuy nhiên, vị trọng tài 3 sao này không còn nhiều cơ hội để làm việc. Sau một số sự cố ở các giải Boxing quốc gia trong cùng thời điểm, ông Vương Trọng Nghĩa đã xin rút lui khỏi vị trí Tổng trọng tài. Đây là điều đáng tiếc, vì ông Nghĩa luôn là người đau đáu, trăn trở để tìm cách giúp Boxing Việt Nam phát triển, vươn tầm thế giới.

Việt Nam đã giành được 4 vé tham dự Olympic từ môn Boxing ở 2 kỳ Thế vận hội gần nhất. Nhưng trên thực tế, chúng ta đã mất đi cầu nối vươn ra quốc tế, cũng như tầm ảnh hưởng ở cấp độ khu vực, cũng như châu lục và thế giới. Ở các giải đấu như Olympic, ASIAD và SEA Games, Việt Nam không có trọng tài Boxing làm nhiệm vụ.

Một HCV cũng khó

Ở 2 kỳ SEA Games gần nhất, Boxing có thể không phải mỏ vàng của thể thao Việt Nam, nhưng cũng mang về tới 5 HCV. Nhiều võ sĩ trong số họ tiếp tục tỏa sáng ở đấu trường trong nước và quốc tế. Nhưng thách thức chỉ thực sự đến với Boxing Việt Nam trong 1 năm tới, khi cơ hội giành HCV SEA Games, dù chỉ 1 tấm cũng rất khó khăn.

Trên thực tế, 2 HCV của Boxing Việt Nam tại SEA Games 32 diễn ra ở Campuchia có ít nhiều may mắn. Đó là thời điểm Việt Nam có trao đổi trước cùng các HLV của Thái Lan và Philippines về việc họ sẽ "né" những hạng cân nào, để đáp ứng tiêu chí chỉ tham dự 2/3 số nội dung thi đấu. Điều đó phần nào giúp Hà Thị Linh, Bùi Phước Tùng vô địch.

Một lý do khác khiến Thái Lan và Philippines không cử đội hình mạnh nhất tham dự SEA Games 32 là bởi lịch thi đấu SEA Games tại Campuchia diễn ra trùng thời điểm với Giải vô địch Boxing nam thế giới 2023. Vì thế, 2 quốc gia nói trên lại phải chia lực lượng, dẫn đến đội hình bị dàn mỏng và không tập trung những con người tốt nhất.

Ví dụ tiêu biểu nhất về kế hoạch "dàn quân" của Boxing Thái Lan và Philippines được thể hiện ở Eumir Marcial. Võ sĩ người Philippines là gương mặt kỳ cựu ở các kỳ SEA Games. Tuy nhiên, anh không tranh tài tại Campuchia vì bận chuẩn bị cho giải vô địch thế giới, cũng như ASIAD để hướng đến Olympic Paris.

Nếu 2 nhà vô địch SEA Games của Việt Nam chạm trán các đại diện Thái Lan và Philippines một năm trước, cơ hội thắng của họ không nhiều. Điều đó cũng đúng với một năm tới. Thái Lan đưa vào chương trình thi đấu môn Boxing có tới 17 hạng cân, và họ đủ lực lượng để giành suất vào chung kết ở cả 17 nội dung đó.

Ai sẽ gánh trách nhiệm giành HCV SEA Games cho Boxing Việt Nam một năm tới? Đáp án cho câu hỏi trên vẫn chưa thực sự rõ ràng. Nếu xét về phong độ của các võ sĩ cũng như tương quan lực lượng những đội tuyển khác, Võ Thị Kim Ánh là người có cơ hội cao nhất. Nhưng cô sẽ phải cạnh tranh với các đại diện rất mạnh của Thái Lan và Philippines.

Ở hạng cân Kim Ánh tranh tài, Thái Lan và Philippines đều có các đại diện tranh tài ở Olympic Paris, thậm chí giành được huy chương. Ẩn số có thể đến từ một số hạng cân của Boxing nam, nhưng cơ hội lại không thực sự rõ ràng. Với một giải đấu lớn như SEA Games, Boxing Việt Nam cần có những lựa chọn chắc chắn mang lại thành công.

Đơn Ca
.
.