Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Bốn lần đào tẩu bất thành của một tù binh Pháp tại Điện Biên Phủ

Thứ Sáu, 26/04/2024, 09:15

Trong hành trình tìm lại những cựu binh Pháp từng tham chiến ở Đông Dương, tôi đã gặp ông Pierre Flamen, biệt danh thời chiến là Constant. Năm nay 96 tuổi, nhưng những hồi ức về Đông Dương, về trận chiến Điện Biên Phủ vẫn hiện lên rất rõ rệt trong ông. 70 năm đã trôi qua kể từ trận chiến cuối cùng ở Điện Biên Phủ, ký ức mà Pierre Flamen không quên là 4 lần bỏ trốn khỏi Việt Minh nhưng đều bị bắt lại…

1. "Tôi đã đến Đông Dương hai lần. Lần đầu suôn sẻ nhưng trong và sau trận Điện Biên Phủ, tôi đã bị bắt và mỗi lần tôi đều vượt ngục, cả thảy là bốn lần. Nhưng cả bốn lần đều bị bắt lại". Pierre Flamen mở đầu câu chuyện với tôi như vậy. Ông kể lại chuyện mình mà như là kể chuyện ai đó.

Khi đóng quân ở Điện Biên Phủ, ông là Phân đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 6 lính dù và chỉ huy 30 quân trong đó có già nửa là người gốc Việt (những người thuộc dân tộc thiểu số thuộc vùng Tây Bắc mà người Pháp khi ấy gọi là Pays Tai). Đội của ông đã giữ chốt ở cụm cứ điểm Eliane2, phía Việt Minh gọi là Đồi C1.

"Mỗi người lính Pháp đều được quán triệt rằng mạng sống là quan trọng, trong bất kỳ trường hợp nào, điều trước tiên là bảo toàn được tính mạng, trong đó có chuyện vượt ngục, mọi chuyện khác tính sau…", Pierre Flamen kể.

Bốn lần đào tẩu bất thành của một tù binh Pháp tại Điện Biên Phủ -0
Sĩ quan Pierre Flamen năm 1954.

Hai ngày trước khi cứ điểm Điện Biên Phủ hoàn toàn thất thủ, Pierre Flamen bị thương, phải điều trị trong một chiến hào có mái che. Khi ông đến nơi điều trị thì đã thấy một số người lạ mặt ở đó. Bất thình lình có một người lính Việt Minh xuất hiện, tay cầm súng liên thanh và ngay lập tức nã một tràng dài, và thế là ông bị bắt.

"Khi ấy, tôi chợt nhận ra một bên mạng sườn có một mảnh đạn nhỏ găm vào và máu chảy rất nhiều, mũ của tôi cũng bị bay mất tự lúc nào. Rồi người lính ra hiệu cho tôi đi về hướng Việt Minh đang kiểm soát. Khi đang đi, chúng tôi đã bắt gặp một người lính Pháp, người này vốn là xạ thủ súng cối, nhưng lúc đó, chúng tôi không còn đạn súng cối nữa, thế nên anh ta nấp trong đường hào đó để đợi. Và thế là anh ta liền trở thành tù binh giống tôi. Đang đi thì bất thình lình, tôi thấy đồng đội mình rẽ sang phải, bỏ chạy trốn vào một chiến hào, và tôi lập tức chạy theo và trốn thoát được về giao thông hào của Pháp. Vì khi ấy rất tối, nên hai chúng tôi đã thoát khỏi những người Việt Minh một cách dễ dàng".

2. Nhưng chỉ sau đó hai ngày, chiều ngày 7/5/1954, Pierre Flamen cũng như tất cả các binh lính Pháp tại Điện Biên Phủ đều là tù binh. Trước đó, khi có tin truyền đi nói rằng Điện Điên Phủ sẽ nhanh chóng thất thủ, tất cả tiểu đoàn, trong đó có phân đội của ông Pierre Flamen bàn nhau sẽ trốn sang Lào. Họ hỏi những ai có thể đi bộ được thì đi.

"Tôi lúc ấy dẫu bị thương, băng quấn đầy mình, nhưng vẫn có thể đi được, không vấn đề gì. Thực ra là tôi muốn đi nhưng một số đã phản đối, họ nói đi Lào không đáng, đầu hàng thôi. Và cứ như thế, chúng tôi ở trong một đường hào, ngồi đợi để bị gọi ra, bị bắt làm tù binh. Khi đó không còn tiếng động nữa, không còn tiếng súng nổ nữa. Trận chiến đấu đã hoàn toàn kết thúc".

Pierre Flamen kể rằng ông bị bắt cùng với hai người rất nổi tiếng, đó là nhiếp ảnh gia Pégaud, và đạo diễn điện ảnh Pierre Schoendoerffer.

"Cô có biết hai người này không?", Pierre Flamen hỏi tôi. Tôi trả lời ông rằng tôi biết Pierre Schoendoerffer là đạo diễn bộ phim "Điện Biên Phủ", được khởi chiếu vào tháng 3/1992. Bộ phim "Điện Biên Phủ" là một trong những sự kiện ghi dấu ấn sự quay lại của người Pháp tại Việt Nam nhờ chính sách mở cửa của Việt Nam. Bộ phim đặc tả cuộc vây hãm Điện Biên Phủ trong suốt 55 ngày đêm, trận chiến cuối cùng của quân đội Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương, và những ngày cuối cùng ở Đông Dương thuộc Pháp.

Pierre Flamen kể tiếp, 15 giờ chiều ngày 7/5, lệnh thông báo buông súng đã được chuyển tới từng chiến hào. "Khi đó không còn súng nổ nữa, tất cả kết thúc. Chúng tôi đã chờ đợi rất lâu dưới một đường giao thông hào rất sâu, tự tháo hoặc làm hỏng hết các loại vũ khí. Hai nghệ sỹ đã tháo hết tất cả những cuộn phim, chia nhau giấu đi, và sau đó lại chờ đợi. Vào lúc 17h, những người lính Việt Minh đầu tiên xuất hiện. Tôi là người đầu tiên bước ra. Những người lính Việt Minh còn rất trẻ, có lẽ chỉ 16-17 tuổi. Họ rất hân hoan, họ bảo chúng tôi rằng hãy đi theo lối mòn đi về hướng chiến tuyến của họ, đó là hướng Đông. Nhưng khi ấy đã chẳng có ai giám sát chúng tôi cả. Những người Việt Minh vẫn ở lại Điện Biên Phủ và họ thả chúng tôi tự đi trên đường".

Nhưng khi đang trên con đường đi về phía Đông ấy, Pierre Flamen bất ngờ gặp lại hai lính người Thái  từng dưới quyền chỉ huy của ông trong lần đầu tiên ông đến Việt Nam và đã rủ họ bỏ trốn. Ba người rời khỏi đoàn và đi về hướng dãy núi phía Nam. Sau khi đi xuyên qua rừng rậm, họ chạm phải một cứ điểm, đó là Isabelle. Nhưng ở đồi Isabelle, cuộc chiến vẫn chưa kết thúc, quân Pháp vẫn chưa đầu hàng. Họ đến trước con đường mòn có rất nhiều người Việt nên trốn vào rừng. Nhưng ngay trong đêm đó thì đồi Isabelle thất thủ, trận chiến kết thúc hoàn toàn. Sáng hôm sau, một trong hai người dân tộc Thái vốn là người địa phương, nói với ông: "Ông hãy ở lại đây, chúng tôi vào làng kiếm quần áo và thức ăn, sau đó chúng ta sẽ đi tiếp sang Lào".

Nói rồi họ bỏ Pierre Flamen lại một mình. Ông ngồi đợi cạnh một con suối. Vào tầm cuối chiều, bỗng có những giọng nói vẳng tới, hai người Thái đã quay lại nhưng lại đi cùng với mấy người lính Việt Minh. "Họ đã đến thẳng chỗ tôi ngồi và nói, "Xong rồi, giờ thì ông hãy đi theo chúng tôi".  Vậy là lần thứ ba Pierre Flamen bị bắt làm tù binh.

Pierre Flamen được đưa vượt núi quay về nhập hội với tất cả tù binh Pháp ở đồi Isabelle. Ở đây, phần đông là lính Lê Dương. Họ gồm 5 hoặc 6 phân đội, mỗi phân đội 30 người. Do có cấp bậc cao nhất, họ đã chỉ định ông chỉ huy một phân đội tù binh.

Ông kể có ba "cán bộ" giám sát một phân đội. Có một người luôn đi cùng ông ở giữa đội hình, đó là cán bộ cao cấp nhất. Một người khác đi đầu, còn người kia đi phía sau. "Ở đây thì tôi không thể bỏ trốn bởi với viên cán bộ kia, họ sẽ phát hiện ra ngay, nếu thấy tôi vắng mặt".

Trong suốt chặng đường mấy trăm cây số từ Điện Biên Phủ về đến trại ở Thanh Hóa, Pierre Flamen luôn đi cạnh người cán bộ Việt Minh nhỏ bé ấy. "Ông ấy chẳng phải là người giám sát tôi mà đã trở thành như một người bạn. Chúng tôi trò chuyện theo kiểu người Việt Nam cư xử với nhau, không hề có sự hận thù hay hằn học. Viên cán bộ luôn ở cùng tôi, rất tử tế với tôi, ví dụ như anh ấy được chia khẩu phần chút nước mắm để dùng, nhưng chúng tôi thì không được, chúng tôi chỉ có cơm thôi, và cái này thì anh ấy không thể chia sẻ với tôi. Nhưng những thứ khác, ví dụ thi thoảng họ được chia kẹo, dài anh ấy bẻ làm đôi và chia cho tôi một nửa".

Bốn lần đào tẩu bất thành của một tù binh Pháp tại Điện Biên Phủ -0
Ông Flamen và tác giả, tháng 4/2024.

3. Khi đoàn tù binh đi đến địa phận giáp ranh giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, Việt Minh thay đổi người áp giải, Pierre Flamen lại quyết định bỏ trốn. Do đoàn thường ngày nghỉ đêm đi để tránh phi cơ Pháp do thám và ném bom. "Việt Nam khi đó thường sống về ban đêm, vì ban ngày, không quân Pháp thường hay oanh tạc ở những nơi họ nhìn thấy người di chuyển…". Đêm đó, Pierre Flamen quyết định bỏ trốn. Những tù binh khác đã trợ giúp Pierre Flamen bằng cách góp khẩu phần ăn trong ngày cho ông. Khi đoàn đi cạnh một dòng sông, mà thoạt đầu ông đã nghĩ là sông Đà, Pierre Flamen quyết định bơi theo dòng.

Ban ngày ông leo lên bờ, ẩn nấp trong các búi cây hoặc cánh đồng mía. Sau hai đêm bơi, Pierre Flamen nhận ra lòng sông mỗi lúc một rộng nên quyết định lên bờ, men theo rìa các ngôi làng. Dọc bờ sông có rất nhiều tre, Pierre Flamen thường lấy tre để phủ lên người. Nhưng nơi ông nấp không quá xa những ngôi nhà, ông nghe thấy rõ tiếng người gọi nhau, "anh em ơi, đi ăn cơm đê…". Ông kể khi ấy đã rất đói, vì trên đường ông chỉ uống nước sông và ăn trái cây hoặc những quả trứng chim trứng vịt mà ông may mắn nhặt được.

Sau 5 ngày 5 đêm bỏ trốn với nhiều sự phập phồng, tối hôm ấy ông gặp một cái ao (giếng làng), ông định xuống đó uống nước thì bị một người làng đi gánh nước bắt gặp. Ông ta đã hô hoán rất to và mọi người ập đến. "Khi đó, tôi tự nhủ “thế là xong”. Và đó là lần thứ tư Pierre Flamen bị bắt lại.

Pierre Flamen kể đã được dân làng đối xử rất tốt, nấu cơm cho ăn, các bà mẹ đã đối xử hệt như ông là con trai họ, dẫu trong quá trình áp giải đến Hải Phòng, mất hàng tháng liền, ông đã có lúc bị nhốt vào cũi ở đầu làng, bọn trẻ đã lấy những cành cây đâm dúi vào người ông.

"Tôi phải cám ơn người cán bộ quân y trong lần tôi bị áp giải cuối cùng ấy, đã cứu sống tôi khỏi cơn sốt rét, mà nếu như tôi không bỏ trốn và gặp ông ấy, có lẽ tôi đã chết. Bởi khi được thông báo tôi bị sốt rét, đích thân ông ấy đến thăm khám và tiêm cho tôi một mũi ký ninh…".

Do bỏ trốn và bị ốm rất nặng trong những ngày cuối cùng, Pierre Flamen là một trong những tù binh Điện Biên Phủ cuối cùng trở về Pháp vào cuối tháng 9/1954.

Hiệu Constant (từ Paris, Pháp)
.
.