BlackPink đến Việt Nam: Chúng ta đã đủ sức hút với nghệ sĩ quốc tế?
BlackPink đã tạo ra một trào lưu gây sốt trên mạng xã hội ở Việt Nam ngay khi họ công bố sẽ lựa chọn Hà Nội là điểm đến trong chuyến lưu diễn thế giới của mình mang tên “Born Pink”. Và kể từ khi thông tin về buổi diễn ấy được công bố, ngày nào cũng ngập tràn những thông tin xoay quanh nhóm nhạc nữ Hàn Quốc này trên cả báo chí chính thống lẫn mạng xã hội.
Từ cơn sốt này, hãy dành chút thời gian để suy ngẫm về chuyện những nghệ sĩ quốc tế và thị trường giải trí Việt Nam…
1. Cơn sốt BlackPink có thể sẽ kéo chân một số lượng không ít du khách trong khu vực đến với Hà Nội trong những ngày cuối tháng 7 sắp tới. Nhưng số lượng du khách ấy là bao nhiêu vẫn là một con số bí ẩn. Khả năng cao nhất vẫn sẽ là một sân Mỹ Đình được lấp đầy bởi đa số là khán giả nội địa và điều đó khó có thể dẫn tới một nhận định rằng “xu hướng du lịch âm nhạc” có thể là một hướng đi khả thi lúc này.
Trước tiên, hãy nói về xu hướng du lịch âm nhạc trong thời gian qua. Xu hướng này đang vận hành tốt với những buổi trình diễn của những ngôi sao trong nước, với các chuyến du lịch nội địa, ngắn ngày và phù hợp hầu bao của khán giả. Điển hình là chương trình gần đây của Hà Anh Tuấn kết hợp với nghệ sĩ Kitaro ở Ninh Bình hay đêm nhạc Đức Trí có tên “Hoa nắng tôi” ở Làng Cù Lần, Lâm Đồng. Nhưng khi nhìn nhận rộng ra với tầm nhìn quốc tế, tức là sử dụng các buổi trình diễn của những nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu thế giới để thu hút người hâm mộ của họ (đồng thời cũng sẽ là du khách) từ các nước trong khu vực, chúng ta cần phải cân-đong-đo-đếm nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố cần thiết nhất chính là “Liệu Việt Nam đã là điểm đến hấp dẫn của những ngôi sao hàng đầu hay chưa?”.
Trong lịch sử, đã từng có những ngôi sao quốc tế đương thời tìm đến Việt Nam như Bryan Adams, Sting, Micheal Learn to Rock, Bi Rain… Phần còn lại, chủ yếu là những tên tuổi đã qua thời với chất lượng trình diễn không còn được đảm bảo đỉnh cao và sức hấp dẫn cũng không còn nhiều. Còn lại, cũng có những “siêu sao” đã tới nhưng chỉ là tham gia các buổi trình diễn giới hạn theo đặt hàng của các tổ chức uy tín hoặc những nghệ sĩ nhà nghề bậc thầy nhưng không có tên tuổi phổ cập rộng rãi với các buổi diễn không gian nhỏ và ít có tác động truyền thông.
Trong khi đó, các ngôi sao lẫy lừng và đang rất hút khách thì vẫn thường bỏ qua Việt Nam trong khi vẫn có những buổi diễn ở Thái Lan, Indonesia, Phillippines và Malaysia. Điển hình, mới đây, ban nhạc Anh quốc Coldplay đã giới thiệu các đêm diễn sắp tới của mình (vào đầu năm 2024) ở các sân vận động quốc gia ở Jakarta, Bangkok, Kuala Lumpur, Manila và Singapore. Với mức giá dao động thấp nhất từ 50USD cho tới cao nhất là hơn 800 USD, toàn bộ vé của 12 đêm diễn ở các địa điểm trên đã bán hết sạch hoàn toàn chỉ sau vài ngày mở bán và trong số những người sở hữu những tấm vé hiếm hoi ấy, chắc chắn sẽ có những chủ nhân Việt Nam.
Thật ra, khán giả yêu âm nhạc quốc tế người Việt đã khá quen với việc mua vé xem các nghệ sĩ hàng đầu thế giới biểu diễn ở các nước trong khu vực. Phổ biến nhất là hai địa chỉ Singapore và Thái Lan. Trong tất cả những chương trình của những cái tên như Beyonce, Coldplay, Maroon 5, Lady Gaga, Shakira, Taylor Swift… đã từng diễn ra, lẫn trong những khán giả ngoại quốc áp đảo, thỉnh thoảng vẫn có thể nghe thấy những người trao đổi với nhau bằng tiếng Việt. Những trang bán vé như Thaiticketmajor, Sistic… đã quá quen thuộc với giới sành điệu Việt Nam và ở các buổi trình diễn mới đây của nghệ sĩ Damien Rice ở Hongkong, Singapore, Thái Lan, người Việt đến xem không hề ít.
Những khán giả sành điệu ấy có mong mỏi các ngôi sao kia sẽ diễn ở Việt Nam hay không? Chắc chắn là có. Đơn giản, diễn ở Việt Nam thì việc di chuyển đến điểm trình diễn thuận tiện hơn rất nhiều, tiết kiệm thời gian và chi phí hơn rất nhiều. Nhưng điều họ mong mỏi vẫn chưa thành hiện thực bởi thực chất, mối nghi ngại lớn nhất đối với các nghệ sĩ lớn ấy chính là “liệu Việt Nam đã là một thị trường đảm bảo cho họ bán vé tốt như các lựa chọn quen thuộc và an toàn kể trên hay không?”.
2. BlackPink có thể tạo ra cơn khát vé ở Hà Nội sau khi mở bán nhưng đó chỉ là một hiện tượng cá biệt mà thôi. Cá biệt vì nó nằm ở chỗ BlackPink có lượng fans hùng hậu ở Việt Nam, đa số nằm ở tuổi thanh thiếu niên. Lớp khán giả trẻ ở Việt Nam xưa nay vẫn ngưỡng mộ các ngôi sao giải trí K-pop khá sâu sắc. Giống như thế hệ cách đây hơn chục năm từng mê đắm Bi Rain hay Super Junior và thế hệ gần đây mê đắm G Dragon, những người trẻ Việt xem BlackPink như một hình tượng lớn. Và khán giả Việt Nam vốn dĩ lại có thuộc tính khá cực đoan trong thưởng thức âm nhạc. Họ chỉ theo đuổi đúng dòng nhạc mà mình thích, mình quen thuộc, coi thần tượng của mình là tuyệt đối. Do đó, họ ít mở lòng với những nghệ sĩ dòng nhạc khác, kể cả là có lừng danh thế nào đi nữa. Thế hệ trẻ sau này đã bớt tính cực đoan ấy đi tương đối nhưng nó cũng chưa đủ để tạo dựng một nền tảng thị trường đủ đa dạng về tiêu thụ âm nhạc mà các nghệ sĩ quốc tế có thể hướng tới. Trong khi đó, ở các quốc gia lân cận, ngoài những tên tuổi siêu sao nhạc nhẹ, các tên tuổi giao hưởng, thính phòng, nhạc kịch… cũng thường xuyên tìm đến trình diễn bởi đơn giản, ở đó, tệp khán giả của họ đón nhận đa dạng thể loại nghệ thuật hơn.
Đó là về phần khán giả. Về phần điều kiện tổ chức, phải thừa nhận thẳng thắn là ngoài các sân vận động, chúng ta chưa có những địa điểm phù hợp và có sức chứa lớn cho các sự kiện âm nhạc phổ thông. So sánh với Bangkok, một nơi có khoảng gần 20 điểm đủ sức chứa trên 20.000 người cho các buổi diễn lớn, chúng ta sẽ nhận thấy Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang còn thiếu cơ sở cho giải trí tầm cỡ thế giới đến mức nào. Ngoài ra, hệ thống âm thanh, ánh sáng của các nhà cung cấp của Việt Nam vẫn chưa ở tầm vóc quốc tế, do đó chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của phía bạn. Đơn cử như ở khai mạc Sea Games vừa rồi, để phục vụ ánh sáng cho khai mạc theo đúng tinh thần kịch bản, nhà cung cấp đã phải huy động thiết bị từ nhiều đơn vị cùng ngành hợp sức lại. Chính vì thế, cũng đã từng có các nhà tổ chức người Việt rất “máu” với việc mời các ngôi sao lớn tầm cỡ thế giới về Việt Nam nhưng cuối cùng đã phải bó tay. Thực chất, ngoài việc nghệ sĩ chủ đích chọn 1 điểm đến nào đó, vẫn có trường hợp họ nhận thêm lời mời “tạt ngang” nếu như đáp ứng được các điều kiện tài chính, kỹ thuật và thời gian nhưng nhiều lời mời tiện thể ghé thăm Việt Nam như vậy đã không thành.
Cuối cùng là hệ thống bán vé. Trong khi Thái Lan, Singapore đã phát triển hoàn thiện hệ thống bán vé trực tuyến từ những năm 2004-2005 thì cho đến vài năm trở lại đây, người Việt mới quen với việc mua vé trực tuyến. Thêm vào đó, các trang bán vé trực tuyến vẫn chỉ nhắm đến khách hàng nội địa và điều đó thể hiện qua ngôn ngữ trên giao diện cũng như hệ thống thanh toán điện tử. Như vậy, khó có thể thu hút được khách hàng trong khu vực theo cái gọi là “xu hướng du lịch âm nhạc”.
Nhưng nói gì thì nói, với việc Việt Nam đã cán mốc 100 triệu dân, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào việc tạo dựng Việt Nam thành một thị trường giải trí tốt mà ngôi sao quốc tế nhắm tới. Hy vọng ấy chỉ có thể trở thành hiện thực nếu chúng ta có đủ điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng được các buổi trình diễn số lượng khán giả lớn (để hạ thấp hơn giá vé bán ra) cũng như chính khán giả Việt mở lòng hơn với đa dạng dòng nhạc để đủ tạo nên một lực lượng khách hàng đông đảo, giống như số lượng khán giả khát khao có được vé BlackPink hiện nay. Chỉ khi đó, với thế mạnh về địa lý, chúng ta mới có thể phát triển được thứ mà hôm nay đang được xem là trào lưu: du lịch thông qua thưởng thức âm nhạc.