Biết dừng để biết mình

Thứ Hai, 07/11/2022, 11:07

Hôm 17/10, VFF công bố việc HLV Park Hang-seo dừng lại việc dẫn dắt đội tuyển bóng đá Việt Nam sau AFF Cup. Nhiều người bạn của tôi đăng dòng trạng thái trên mạng xã hội rằng ngài Park dừng thật đúng lúc và khôn ngoan.

5 năm dẫn dắt bóng đá Việt Nam của ngài Park cũng đã đến lúc dừng lại ở đỉnh cao rồi. Dừng lại đúng lúc cũng là một thứ năng lực mà không phải ai cũng làm được.

Chúng ta chỉ được dạy cố gắng - kiên trì

Quả thật, từ bé hầu hết chúng ta chỉ được dạy về sự nỗ lực, cố gắng và cả tính kiên nhẫn, kiên trì, không bỏ cuộc. Chúng ta chỉ có những bài báo ca ngợi những gương phấn đấu không mệt mỏi, những nhân vật không bỏ cuộc. Chiến thắng luôn dành cho những ai không ngừng lại sự cố gắng, nỗ lực của bản thân.

Biết dừng để biết mình -0
Có những sự bám rễ tạo nên chắc chắn, có những sự bám rễ tạo thành lực cản.

Đến khi lớn lên, đi làm, lập gia đình cũng vậy. Cái câu chúc "cố gắng lên" hay "đừng bỏ cuộc" đôi khi lại trở thành áp lực, gánh nặng lên rất nhiều người trưởng thành. Tôi có những người bạn đi làm từ năm 22 tuổi đến tận 45 tuổi vẫn ở nguyên một cơ quan nhà nước. Lý do là bố mẹ cô ấy không muốn con thay đổi công việc, vẫn muốn con làm nhà nước cho an toàn. Nhiều lời mời từ các tập đoàn lớn nhưng cô ấy luôn từ chối vì sự an toàn của chỗ ngồi này. Dù theo năm tháng, cơ quan của cô ấy không còn hoành tráng như thời còn được ngân sách bao tiêu nhưng cô ấy không dám dừng lại, sợ rằng mình dừng lại là mình không còn sự an toàn nữa. Bố mẹ cô lúc nào gặp tôi cũng khen con thủy chung son sắt. Dường như với nhiều người thuộc thế hệ trước, việc gắn bó trọn đời với một công việc, một cơ quan luôn là tấm huy chương sáng rỡ.

Việc cố gắng, kiên trì, không bỏ cuộc càng rõ hơn ở trong nhiều cuộc hôn nhân mà tôi được chứng kiến. Người chồng dù chẳng ra gì, hôn nhân dù nhạt toẹt, chết lâm sàng nhưng nhiều người phụ nữ không dám dừng, không muốn dừng. Họ vẫn kiên nhẫn, trì níu cuộc hôn nhân chỉ còn là bức tranh vô hồn. Điều kỳ lạ là ngay cả những người thân xung quanh họ cũng đều cho rằng đó là điều đúng đắn. Và họ viện dẫn những cuộc hôn nhân ngày xưa, các cụ đến với nhau đâu bằng tình yêu đâu, toàn do mai mối, nhưng họ vẫn sống đến đầu bạc răng long đó thôi. Và trách những người trẻ bây giờ, hôn nhân hỏng là bỏ đi thay mới. Tốn chồng, tốn vợ với lũ trẻ ngày nay.

Việc chỉ được dạy về kiên trì, nỗ lực khiến nhiều người stress nặng nề. Bé thì stress vì học mãi không vào nhưng bố mẹ, thầy cô suốt ngày: Cố gắng lên! Vì bố mẹ là bác sĩ nên con cái phải đi theo ngành y nối tiếp truyền thống. Dừng lại là bất hiếu. Rẽ ngang là bất bình. Buông bỏ là bất trị.

Đếm rễ ở mông và văn hóa từ chức

Rất nhiều người mọc rễ ở mông như thế, dính tịt vào một chỗ ngồi. Dù trong đầu họ vẫn lồng lộng ước mơ nhưng bản thân họ lại không đủ can đảm để dừng lại công việc này, bước ra ngoài kia để nhận thử thách. Điều đó đặc biệt đúng với những người bước qua tuổi 40, phần lớn họ đều chết dí ở chỗ làm cũ. Sau tuổi 40, hầu hết chúng ta đều ngại thay đổi.

Việc này cũng xảy ra ở nhiều bậc cao niên khi mà văn hóa từ chức ở ta gần như không có. Nhiều người làm lãnh đạo không hiệu quả nhưng kiên quyết không từ chức vì từ chức là một thứ gì vô cùng xấu hổ với họ. Thà là cứ ngồi đó, tổ chức thuyên chuyển đến đâu thì đến đó chứ quyết không từ chức. Thà bị miễn nhiệm còn hơn là tự nguyện từ chức.

Thật may, mới đây, trong Thông báo kết luận số 20 ngày 8/9 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật, Bộ Chính trị khuyến khích tinh thần tự nguyện xin từ chức. Có vẻ như thông báo này đang dọn đường cho một văn hóa từ chức ở Việt Nam. Tôi thật mong rằng nó không chỉ áp dụng cho các cán bộ bị kiểm điểm, có khuyết điểm, vi phạm kỷ luật mà còn cho cả những cán bộ đương nhiệm nữa. Nếu thấy mình không đủ khả năng hoặc không thể làm tốt hơn được nữa, nên làm đơn từ chức, và nên được ủng hộ, vinh danh thay vì chỉ chê bai, mỉa mai.

Năm 2014, sau gần 20 năm công tác ở báo Sinh viên Việt Nam - Hoa Học Trò, tôi quyết định xin dừng lại công việc làm báo của mình với lý do bản thân mình cảm thấy bất lực trước việc báo in đi xuống, thị trường báo giấy sụt giảm và bản thân mình không còn đủ năng lượng lẫn năng lực làm báo cho trẻ con nữa. Nhưng thứ tôi nhận được từ những lời thị phi lại là việc tôi phản bội tờ báo, không hòa hợp với lãnh đạo và bị cho về vườn. Ban đầu tôi cũng giận lắm. Nhưng rồi nghĩ lại thì mới thấy đó thực sự là một vấn đề trong định kiến của xã hội Việt Nam chúng ta. Nó cản trở việc chúng ta dừng lại. Nó khiến lòng tự trọng của chúng ta bị xử thua trước những định kiến của xã hội cho việc từ chức. Là còn chưa kể, như hôm 17/10 vừa qua, sau khi thông báo của VFF đưa ra về việc HLV Park dừng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, nhiều người đã bình luận rằng ông Park chắc đã có hợp đồng dẫn dắt đội tuyển khác với giá trị hợp đồng lớn hơn. Rồi rằng: Ông Park hết thời rồi, nghỉ là đúng. Rằng nữa là: VFF không biết trọng dụng người tài, để ông Park phải bất mãn ra đi. Có lẽ những bình luận như vậy đã thành sức ép với không chỉ người biết dừng đúng lúc mà còn là sức ép cho chính những cơ quan, đoàn thể đang quản lý nhân sự đó.

Biết dừng để biết mình -0
Từ bỏ quyền lực là một trong những từ bỏ khó nhất.

Dừng lại cũng cần có năng lực

Lão Tử nói trong Đạo Đức Kinh một câu đại ý thế này: Biết đủ không nhục, biết dừng không thua, có thể dài lâu. Trong nhiều chia sẻ tôi đọc được gần đây cũng nói: "Khả năng biết dừng là thể hiện sự trí tuệ vì đó không phải là đứng yên một chỗ không muốn vươn lên mà là phải biết biết nhìn xa, biết lúc nào nên tấn công, lúc nào nên phòng thủ. Khi đó, ta mới thấy đường cùng thì biết dừng lại và tìm hướng đi mới".

Thật khó để biết lúc nào nên dừng. Nhưng khó hơn lại là lòng ham muốn của con người luôn rất mãnh liệt. Là tham quyền cố vị, là muốn giành giật nhiều hơn, là muốn tranh thắng. Nên nhiều người biết đã đến lúc phải dừng nhưng không thể dừng lại lòng ham muốn. Lại thêm những khích lệ từ xung quanh như đổ dầu vào lửa. Nhiều đứa trẻ vì cố làm vừa lòng cha mẹ, vừa ý cha, hợp ý mẹ mà cố đến kiệt sức. Chúng không dám dừng đôi khi chỉ vì ánh mắt của cha đã lỡ tự hào quá với những điểm 9, điểm 10 chúng đạt được. Càng yêu thương cha mẹ, chúng càng nỗ lực đến kiệt quệ tâm can, kiệt cùng sức khỏe.

Tôi đã chứng kiến những người không biết dừng lại một chút để rồi chết trên đường chạy. Cứ như những con bạc khát nước mà bay hết tài sản, gia đình, con cái. Có người vào tù chỉ vì cố một chút nữa, lách một chút thôi. Tự trấn an mình rằng "Ai chả làm sai, chẳng ai đúng hết được". Mà rõ ràng, họ trước khi vào đường chạy, họ đều là những người trẻ vô cùng nhiệt huyết. Nhưng chỉ vì tấm huy chương vàng cuối đường chạy, họ phải cố bằng những liều doping.

Dừng lại khi bạn đã quá sức chịu đựng cũng là một cách yêu lấy bản thân mình vậy. Dừng lại ở mức tự mình có thể nâng thay vì cố thêm chút nữa để rồi đổ sụp. Là cần lắm việc nhận ra năng lực thực sự của mình đến đâu.

Dừng lại vì thế cần sự hiểu mình, biết mình trước khi hiểu người, biết người. Dừng lại đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ cũng là một điều kiện của hạnh phúc bền vững vậy. Dừng nói những điều mình không chắc. Dừng nghe những lời thị phi. Dừng thấy lợi mà ham. Dừng ôm đồm thứ mình không chắc đã làm được.

 Học nỗ lực, cố gắng, kiên trì một thì học dừng phải là hai, là ba. Dừng không có nghĩa là dừng nỗ lực, dừng cố gắng, dừng kiên trì mà là dừng lại để nỗ lực kia đúng chỗ, cố gắng kia đúng nơi, kiên trì nọ đúng lúc.

Trở về câu chuyện thầy Park, tôi cũng như rất nhiều cổ động viên đã yêu mến thầy Park, biết ơn thầy Park, cũng rất buồn vì cuộc chia tay này. Nhưng khi hiểu rằng thầy Park cũng cần được nghỉ ngơi, cũng cần được làm những điều mà 5 năm qua thầy chìm đắm trong đội tuyển chưa thể làm. Và VFF cũng thế, họ cũng sẽ có một cơ hội mới để cất cánh Việt Nam. Giống như nhiều cuộc hôn nhân biết dừng lại một cách văn minh vậy, dù cha mẹ có không còn là vợ chồng nhưng cha mẹ vẫn là cha của con, mẹ của con. Tình yêu của cha mẹ vẫn dành trọn vẹn cho con không bớt đi chút nào. Như những lá đơn từ chức sau đây sẽ là chiến thắng của lòng tự trọng thay vì bị coi là thất bại trong sự nghiệp chính trị.

Hoàng Anh Tú
.
.