Bí mật của đồng cói

Thứ Sáu, 20/08/2021, 08:30

Người đàn bà điên bất thình lình bước ra từ đám cỏ cói cao vút, người ướt nhèm, tóc rũ rượi. Một dây rau muống dài có những bông hoa tím đội lòa xòa trên đầu. Trên người cô điên không một mảnh vải che thân, bị lá cỏ sắc cứa vào như những đường rạch li ti, vai và lưng rướm máu.

Cô điên quắc mắt nhìn, khiến đứa trẻ 8 tuổi là tôi khi ấy vô cùng sợ hãi, mặt tái đi, muốn kêu lên mà cổ họng nghẹn lại, muốn quay đầu chạy mà chân cứ ríu vào nhau, tay cứng đờ, để vuột mất con châu chấu vừa chộp được trên thân cói. Cô điên phá lên cười, điệu cười man dại, vô tri. Rồi nhanh như cắt, cô lẩn vào đồng cói và mất hút.

Bí mật của đồng cói -0

Kể từ đó, dù tôi vẫn tha thẩn ra đồng cói bắt châu chấu, bứt cỏ gà nhưng không gặp cô điên thêm một lần nào nữa. Cô điên tên gì, nhà ở đâu, có còn ẩn nấp trong đồng cói nữa không, nỗi tò mò vẫn ám ảnh tôi đến tận bây giờ, khi tôi đã xa quê từ lâu. Nhưng tôi biết rằng, tôi sẽ chẳng thể tìm được câu trả lời, bởi cô điên là một phần bí mật thuộc về đồng cói mênh mông…

1. Nhà tôi ở rìa làng, ra đến ngõ là gặp cánh đồng cói xanh rì trải dài tận bờ sông. Quê tôi, ngoài hai vụ lúa còn có thêm vụ cói. Đến mùa, cả làng dậy từ nửa đêm đi cắt cói, bó lại từng bó vừa một vòng tay người ôm và cao quá đầu người, xếp lên xe cải tiến chở về. Khắp đường làng, dưới những khóm chuối, gốc tre đều la liệt cói. Cói sau khi chẻ nhỏ được đem phơi. Phải mất đến vài ngày nắng chói chang thì những sợi cói tươi mới khô quắt lại và chuyển màu phớt trắng. Phơi cỏ cói cũng giống như phơi thóc, cứ phấp phỏng cả ngày nhìn trời nhìn đất, bởi chỉ cần một giọt mưa cũng khiến cỏ cói trương lên, thâm sì và mốc hỏng.

 Năm ấy, người làng đi cắt cói, bắt được một tổ cò có 5 con cò con. Cò mẹ lúc ấy đang đi kiếm thức ăn về nuôi đàn con bé nhỏ. Nó tưởng rằng khi đã giấu giếm chiếc tổ giữa đồng cói xanh ngút ngàn thì mẹ con nó sẽ an toàn. Nó có biết đâu rằng đồng cói vào mùa thu hoạch được cắt trụi, trơ ra tất cả những gì ẩn trong nó. Những người đi cắt cỏ cói mang cả tổ cò về vứt chỏng chơ ở bụi tre. Tôi nhìn thấy lũ cò con đói khát cứ há mỏ ra kêu yếu ớt, liền xin về nuôi. Lấy chiếc rá tre, lót đầy rơm, tôi đặt lũ cò con vào chiếc tổ mới. Lũ cò con háu ăn, khiến tôi từ sáng tới tối sà sụm ngoài mương nước xúc cá tép về bón cho chúng, ngày 3-4 bữa mà những cái mỏ vẫn liên tục há ra và kêu không dứt.

Cả tháng hè, tôi dồn sức nuôi lũ cò, không dám nói cho lũ bạn cùng xóm biết, sợ rằng tụi nó lại phá phách, trêu chọc lũ cò mà tội nghiệp. Lũ cò lớn dần lên, mọc những chiếc lông non nớt, ngày ngày ở yên trong tổ ngóng chờ tôi đi xúc cá về cho chúng ăn. Khi ấy, đầu óc ngây thơ của tôi tin rằng, lũ cò lớn lên, sẽ mãi quanh quẩn bên tôi như đàn gà trong vườn kia.

Nhưng một buổi chiều, chiếc tổ rơm trống không, tôi khóc hết nước mắt. Tôi không biết ai đã lấy mất lũ cò của tôi, hay là chúng đã rời tổ, lẩn vào ruộng cói và ngao du trong không gian xanh bất tận. Hẳn là thế rồi, có bao nhiêu điều thú vị đang chờ chúng khám phá, và biết đâu đấy chúng lại gặp mẹ mình. Và tôi hiểu ra rằng chúng không thuộc quyền sở hữu của riêng tôi, chúng thuộc về thế giới đồng bãi tự do kia.

Cảm giác được sải đôi cánh liệng khắp đó đây, được lội nước, nhẩn nha ngắm trời mây, được sục chiếc mỏ dài xuống đầm nước săn lũ cá chắc thú vị hơn nhiều so với việc ở trong tổ chờ tôi mang thức ăn về. Từ đấy tôi không dám mang về bất cứ một con vật nhỏ bé nào ngoài đồng ruộng về nuôi nữa, bởi tôi sợ cảm giác chúng bỏ tôi đi mãi.

Bí mật của đồng cói -0

2. Mới sẩm tối nhưng con ngõ nhỏ vào nhà tôi đã đen sẫm lại, có lẽ bởi đồng cói rậm rì và cao vút kéo bóng tối đến nhanh hơn. “Sao hôm nay không thấy bà Ân qua nhỉ”, đặt mâm cơm giữa cái chiếu trải ngoài hiên, bà nội tôi thắc thỏm. Bà Ân đã già lắm, gương mặt tròn và đen nhẻm, ra vào một mình trong căn nhà nhỏ ở xóm trên. Sau một biến cố lớn của gia đình, bà hoá dại, cứ đi vẩn vơ đầu làng cuối xóm, nói nhảm những câu vô nghĩa khiến lũ trẻ trong làng sợ rúm ró. Nhưng bà Ân lành lắm, không làm hại ai, không hù doạ ai bao giờ, cứ lầm lũi đi và nói liến thoắng cả ngày. Tôi hay thấy bà lang thang ngoài đồng cói, đợi đến tối mịt mới đến từng nhà xin cơm ăn.

Chợt tiếng chó sủa vang ngoài ngõ, bà nội bảo tôi: “Bà Ân qua đấy, lấy cơm cho bà đi con”. Từ con ngõ tối, bà Ân xuất hiện, chiếc áo nâu sờn rách, chiếc quần thâm, vành khăn đen quấn tóc, đến chiếc bị vải cũng màu đen, vẫn nói liên hồi. Bà nội tôi thương bà Ân lắm, tối nào cũng để riêng một phần cơm chờ bà Ân qua. Như biết điều đó, nên bà lão hay ghé qua nhà tôi nhất. Thay vì ngồi xuống mâm cơm, bà luôn ngồi ở bậc thềm nhà, giở chiếc bị, lấy ra cái bát và cái thìa con. Một bát cơm đầy, miếng cá kho tương, bát canh cua, bà Ân sẽ lần lượt trút vào cái bát sứt mẻ của bà, rồi vừa ăn vừa nói. Tôi lấy sẵn một cốc nước vối để cạnh, bà lại rót nước sang bát của bà rồi mới uống. Xong bữa cơm, bà cho bát và thìa vào bị, nhìn cả nhà tôi bằng ánh mắt thân gần rồi lặng lẽ đi ra ngõ, lẫn vào bóng tối mênh mang.

3. Một giờ sáng, thím tôi lật đật trở dậy, khoác thêm mấy lớp áo, chất đôi chiếu mộc lên chiếc xe đạp, chằng buộc kĩ càng rồi lên đường đi chợ bán. Đêm đông, đường làng tối sẫm, gió mùa đông bắc rít ào ào, thím tôi phải căng mắt nhìn đường và cố sức đạp vì ngược gió. Rồi thím gặp một cái bóng lầm lũi đi trong đêm, thím muốn đạp vượt lên mà không vượt nổi. Cả người cả xe chòng chành, lao xuống mương nước ven đường.

Đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện rùng mình mà những người đi bán chiếu đêm ở làng truyền tai nhau. Sợ đấy, ám ảnh đấy, nhưng cứ đến nửa đêm thì các bà các chị vẫn chở chiếu đi bán cho kịp chợ. Điều oái oăm là những phiên chợ chiếu chỉ diễn ra chóng vánh trong đêm. Bởi thế, dân quê tôi khi nhắc đến “chợ âm phủ”, hay “chợ ma” nghĩa là nói đến việc đi bán chiếu và mua sợi đay lúc khuya khoắt ở mãi xã bên. Đã có rất nhiều người đàn bà ở làng tôi cả cuộc đời thức trắng đêm vì những phiên chợ chiếu. Những câu chuyện ma quái trên đường đi bán chiếu đêm, tôi chỉ được nghe kể lại và hay tưởng tượng vẩn vơ.

Tài sản trong nhà người dân quê tôi khi ấy, ngoài lúa, ngoài khoai còn có những bó cỏ cói khô. Người vùng quê khác thường dùng cỏ cói khô để đan túi, còn người dân quê để dành cỏ để dệt chiếu quanh năm. Công việc dệt chiếu thủ công phải thật kiên trì, tỉ mỉ. Một người dùng que nhọn khéo léo đưa từng sợi cỏ khô vào dàn đay mắc sẵn, một người dùng thanh go để văng sợi cói vào đường dệt. Cũng như lúc chẻ cói, dệt chiếu là công việc không thể làm đơn lẻ mà cần sự kết đôi. Hai vợ chồng, hai mẹ con, hai bố con hoặc hai người hàng xóm – một sự kết đôi bất kì, vừa làm vừa chuyện trò nhỏ to.

Cứ vài ngày, khi dệt xong một, hai đôi chiếu là người làng lại mang đi chợ bán. Chợ chiếu tối thẫm, chỉ có những ánh đèn pin yếu ớt lia đi lia lại của những người mua chiếu xem hàng. Đó còn là một phiên chợ đứng, người bán thì đứng giữ những chiếc chiếu cuộn lại dựng trên mặt đất, người mua thì đứng để xem hàng, những câu trả giá xen lẫn những cái ngáp ngủ, uể oải khi gối đã mỏi, chân đã chồn.

Sau này lớn lên, tôi thường hay nghĩ về số phận những người đàn bà quê tôi chẳng khác gì cây cói. Họ gánh trên vai những sóng gió, vất vả lam lũ như thân cói mỏng manh bị chẻ ra nhiều mảnh rồi phơi dưới nắng đến khi quắt queo. Tuy thế, họ vẫn vươn lên như hàng triệu triệu cây cói vô tư dưới ánh mặt trời. Sức chịu đựng, sự chịu thương chịu khó của những người mẹ người vợ chẳng khác gì thân cói khô khi dệt lại với nhau bỗng trở nên dày dặn, dai bền.

“Mẹ đặt ở làng giúp con đôi chiếu mộc, mẹ nhé”. Dù đã xa quê bao năm, tôi vẫn muốn ngả lưng trên chiếc chiếu cói được dệt nên từ những đôi bàn tay chai sần của người dân quê tôi. Tôi thích hít hà vị cỏ ngai ngái nồng nồng, thích ngắm màu phớt trắng của cỏ khô được nắng. “Bây giờ ở làng không còn ai dệt chiếu nữa con ạ, đồng cỏ giờ đã chuyển đổi sang trồng lúa. Làng có xưởng dệt chiếu bằng máy nhưng không phải từ sợi cói quê mình”, câu nói của mẹ làm tôi hụt hẫng.

Đồng cói biến mất, lũ cò sẽ ở đâu, cô điên sẽ ở đâu? Đồng cói biến mất, lũ trẻ làng tôi sẽ không còn cơ hội đá bóng trên ruộng cói khô roong sau vụ thu hoạch. Còn đâu những buổi trưa trốn mẹ đi bắt châu chấu bám đầy trên thân cói và bật rào rào khi có bước chân người chạm đến. Đồng cói mất rồi, mang theo cả hình ảnh cô điên, bà lão Ân cùng những bí mật ám ảnh tuổi thơ tôi. Chiếc chiếu cói mất dần, sẽ còn đâu những buổi chiều giặt chiếu ngoài ao. Trải rộng chiếu trên mặt nước, lấy chiếc que dài đập phòm phòm vào tấm chiếu, khiến nước ao sóng sánh và bắn tung lên những giọt nước long lanh…

Thái Hưng
.
.