Bi kịch casino biên giới
Đầu tháng 7, quê vợ tôi, một huyện sát biên giới của tỉnh Long An, xôn xao vì chuyện: Một đường dây "buôn" người qua biên giới Campuchia để làm việc cho các sòng bạc bị phát hiện. Quy mô lên đến hàng trăm người.
3 kẻ tham gia đường dây này hóa ra sống chỉ cách nhà vợ tôi một con lạch, đứng từ bên này nhìn sang bên kia thi thoảng vẫn thấy họ ra đầu nhà hút thuốc. Thi thoảng tôi về chơi, đèo vợ con đi hóng gió, thấy nhau vẫn gật đầu cười. Bình thường họ chỉ làm ruộng, có chạy xe ôm kiếm thêm. Đến khi tin lên và cả ấp xôn xao thì tôi thực sự ngỡ ngàng. Hóa ra, trong một năm qua, họ đã đưa người vượt biên như cơm bữa.
Giai thoại vượt biên
Nhưng, có vẻ với người dân địa phương, chuyện này không có gì quá lạ lẫm. Tôi đã nghe rất nhiều giai thoại kể rằng, trước kia, người xứ này sang casino bên Campuchia đánh bài là chuyện hết sức bình thường, và nếu ai đó chẳng may không đủ tiền trả thì lần đầu, sòng bạc sẽ gọi về nhà, gửi kèm tấm ảnh mặt người thua bạc biến dạng vì đánh đập. Nếu gia đình không trả đúng hẹn thì một ngón tay của con bạc sẽ được gửi về để cảnh cáo. Nếu tối hậu thư này cũng không hiệu quả thì có vẻ như gia đình đã chấp nhận rằng người thân của mình sẽ mất tích, vĩnh viễn.
Cạnh nhà vợ tôi có một người hàng xóm từng làm việc ở các casino biên giới. Anh quen người vợ hiện tại cũng ở sòng bài. Vợ anh vốn người Sài Gòn hay sang bên Campuchia đánh bài và sau nhiều dịp tiếp xúc, duyên số đến. Anh bỏ việc ở casino cùng chị về ngôi nhà nhỏ sát biên giới sinh sống. Thi thoảng chị vẫn bao xe lên đánh bài như một thú vui khó bỏ. May là chưa có lần nào phải "báo nhà".
Anh vốn xuất thân trong một gia đình nông dân đông con nhưng nhà ít ruộng, làm không đủ ăn. Trong một lần lang thang sang Campuchia đánh ít hàng rau củ về, anh tình cờ được một người bà con dắt vào casino chơi và được ngỏ ý mời làm phục vụ. Thời đó, người Việt làm trong các casino Campuchia rất nhiều, cứ sáng đi chiều về, lương lậu rất khá.
Nhưng, từ khi chính quyền của Thủ tướng Hun Sen cấm mọi hình thức đánh bạc trực tuyến cách đây vài năm, "nhân lực" cho ngành béo bở này trở nên khan hiếm. Các cơ sở đánh bạc trực tuyến chui vẫn mọc lên như nấm nhưng không có người làm và các đường dây bắt cóc người sang phục vụ bắt đầu hình thành.
Sát biên giới một chiều tháng 5 nóng hừng hực, tôi lấy xe máy đi dọc con đường mà có cảm tưởng chỉ với tay là chạm đến bờ bên kia, nơi những hàng thốt nốt mọc đẹp như tranh vẽ. Có những đoạn sông mà nhìn qua bạn biết có thể lội qua bên kia biên giới dễ dàng, thậm chí có cả lục bình trôi nổi "ngụy trang". Tỉnh Long An có 130km đường biên giới qua 20 xã thuộc 5 huyện, tiếp giáp với 16 xã thuộc 2 tỉnh Svay Rieng và Prey Veng, Vương quốc Campuchia. Có vô số những con lạch nhỏ kiểu trên. Kiểm soát hết dường như là điều bất khả.
Đánh bạc theo đường tiểu mạch là "chuyện thường ngày ở huyện" tại đây. Anh Hai Kha, một người thường xuyên buôn bán rau củ giữa Campuchia và Việt Nam hằng ngày, kể rằng chỉ cần một cuộc điện thoại, casino sẵn sàng cho xe đón tận cửa nhà người chơi: "Lên đó đồ ăn, chỗ ngủ được phục vụ miễn phí, miễn là vào chơi. Thích ở lại 3-4 ngày đánh cũng được". "Cò" dẫn đường thì như nấm sau mưa, lấy mỗi chuyến năm chục - một trăm, sẵn sàng chở người qua biên giới trái phép mà không cần một mảnh giấy lận lưng.
Nếu bắt xe từ TP Hồ Chí Minh sang Phnompenh, bạn có thể thấy những casino biên giới nhiều đến thế nào. Gần như trạm nghỉ nào chúng tôi dừng lại, dù là để đi vệ sinh hay ăn cơm dọc đường, thì bên cạnh lúc nào cũng có sòng bài đủ quy mô lớn nhỏ, có nơi còn đèn hấp hay như gọi mời.
Ông Tư Thương, một người từng phải cầm tỉ bạc sang Campuchia chuộc con, cay đắng kể lại với tôi chuyện con trai mình đã bị "ma làm" ra sao: "Nó trước có công ăn việc làm ổn định, trúng quả mấy lần, sinh ra chơi bời. Một lần đi công tác thế là sa vào sòng, rồi cứ mỗi tháng một lần lại xách tiền lên đánh". Trong một lần say máu, con trai ông thua trắng. Ngay phía ngoài, "dịch vụ" cho vay sẵn sàng, với mức lãi suất cắt cổ lên đến 3-5% một ngày. Càng đánh càng thua, lãi chồng chất, cuối cùng anh buộc phải cầu cứu gia đình.
Tranh tối tranh sáng
Nếu như bạn sinh sống lâu tại khu vực biên giới này và thi thoảng thấy một người bán kem/xe hàng bông dạo lạ mặt đi ngang cửa nhưng đôi khi bạn gọi và người đó cứ đi thẳng, thì rất có thể đấy là... trinh sát. "Đấy, cứ thế xong vài hôm là lại có một "ổ" bị hốt" - người dân địa phương vẫn hay đùa nhau vậy. Nhưng, cho dù các hoạt động kiểm soát an ninh có khéo léo đến đâu thì ở vùng biên viễn vẫn chỉ như tấm chăn hẹp. Ước tính trong số khoảng 30 cửa khẩu lớn nhỏ dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia có khoảng 40-50 casino, trường đá gà mọc lên, với khách Việt là nguồn thu chính.
Sự việc 40 người trốn khỏi casino bên Campuchia bơi về Việt Nam mới đây có thể là tin tức "lạ" và thu hút sự chú ý hơn thường lệ nhưng đấy không phải là chuyện ngày một ngày hai. Và, không chỉ là chuyện cờ bạc, điều gì đã dẫn đến một làn sóng người lao động chấp nhận "thỏa hiệp với quỷ" chỉ với những lời hứa mơ hồ "việc nhẹ lương cao"? Miền Tây, nơi tiếp giáp với hệ thống casino biên giới này nhiều nhất, có tỉ suất ly hương cao nhất cả nước. Trong 5 năm (2014-2019), theo tổng điều tra dân số và nhà ở, cứ 1.000 người miền Tây lại có 45 lao động di cư đến vùng khác. Sang, làm sòng bài ở casino là một lời hứa có vẻ tốt đẹp, trong bối cảnh như thế.
Anh Giàu, người hàng xóm tôi đề cập ở đầu bài viết, lớn lên trong một gia đình có 9 người con. Ba mẹ mất đi, chia ruộng ra cho mỗi người khoảng 1 mẫu miền Tây, ước tính làm lúa mỗi năm giỏi lắm được... 20 triệu đồng qua 2 vụ. Không có cách nào khác, anh chấp nhận đi làm casino. May mà ngày ấy sòng bài còn làm ăn được và không cần phải lừa đảo để kéo người lên biên giới. May mà anh gặp người vợ bây giờ, vốn cũng có chút của, đủ để hai vợ chồng sống vui vẻ ở vùng biên.
Nhưng, có rất nhiều người không được may mắn như thế và quy mô của trò lừa đảo buôn người này đã lan rộng ra toàn quốc, rất nhiều người từ Bắc Giang, Kon Tum, Gia Lai đã và đang bị dắt qua biên giới, bị ép làm việc và thậm chí phải chịu tra tấn. 40 người bơi về được vừa rồi có lẽ chỉ là một số nhỏ.
Nhưng, ở biên giới tranh tối tranh sáng này, nơi bộ đội biên phòng cùng các lực lượng hỗ trợ đang phải căng mình kiểm soát hàng trăm cây số, đưa người vượt biên vẫn đang được coi như một loại "dịch vụ", không phải tội phạm. "Thi thoảng có nhỏ em cần về mà đang kiểm soát gắt gao thế này, để nó bên đó cũng tội, có gì chú giúp cho" - trong câu chuyện lê la bàn trà quán nước mùa dịch ở đây, thi thoảng lại có người buột miệng thế này. Người giúp nhiều khi có lẽ cũng vì "tình làng nghĩa xóm", vì có khi một chuyến đưa người qua sông chỉ có giá... 50 ngàn đồng.
Sau hôm 3 người mới bị bắt, gia đình vợ tôi có sang thăm hỏi. Lần đầu bước vào căn nhà của những tay "buôn người" này, bạn có thể sốc: Chỉ có thể gọi đấy là túp lều, được dựng lên từ cột gỗ rẻ tiền và đất và nằm thấp hơn mặt đường, do đất họ dựng nhà là đất ruộng, chứ không phải thổ cư. "Nội thất" trong nhà chỉ là cái giường ọp ẹp, một chiếc tivi đời “ơ kìa” và 2 cái võng xếp Duy Lợi. Những người phụ nữ mắt thất thần cùng đàn con nheo nhóc. Những tay "buôn người" trong đường dây mới bị phanh phui này hẳn đã không có một cuộc sống dễ chịu gì.
Những người phải tháo chạy từ casino cũng vậy, hẳn nhiên là thế...