Bấp bênh cuộc thiên di hướng về “giấc mơ Mỹ”

Thứ Sáu, 13/10/2023, 08:37

Giữa sa mạc mênh mông phía Bắc Mexico, một chuyến tàu chở hàng nghìn người di cư đột ngột dừng lại. Bất chấp sự chờ đợi nhiều ngày, con tàu không đi tiếp, đẩy đoàn người vào cảnh khắc nghiệt khốn cùng. Câu chuyện đến Mỹ trên những chuyến tàu phi pháp từ Mexico đã không còn mới, nhưng điều gì khiến họ tiếp tục liều lĩnh đánh đổi cả cuộc sống trên tuyến di cư nguy hiểm nhất thế giới này?

Chuyến tàu ôm mộng “La Bestia”

Trong đêm, một nhóm người di cư Venezuela kiên nhẫn đứng hàng tiếng đồng hồ cạnh đường ray tại nơi chỉ cách Mexico City vài giờ di chuyển. Họ đang chờ đợi “La Bestia”, chuyến tàu chở hàng mà những người di cư sử dụng để đi từ miền Nam Mexico đến biên giới Mỹ. Cuối cùng, La Bestia cũng xuất hiện. Mọi người vội vã leo lên tàu, cố gắng lựa chọn những toa chở hàng có thanh kim loại đủ ngồi bởi vốn dĩ những toa tàu này đâu dùng để chở họ. Bên ngoài, trời lạnh đến run rẩy, nhưng hi vọng đặt chân đến Mỹ khiến họ thấy ấm hơn.

Sau nhiều giờ di chuyển, tàu bất chợt dừng ở một khu vực giống như sa mạc gần Villa Ahumada, cách thị trấn biên giới Ciudad Juarez ở bang Chihuahua của Mexico khoảng 123 km. Ngỡ tưởng chỉ là điểm dừng chân, nhưng đoàn tàu đã không đi tiếp. Mặt trời mọc cũng là lúc báo chí rầm rộ đưa tin: “Khoảng 1.800 người di cư, chủ yếu là người Venezuela và những người đến từ khu vực Trung Mỹ, đã bị mắc kẹt qua đêm ở bang Chihuahua sau khi chuyến tàu chở hàng mà họ nhảy lên dừng lại tại khu vực tự quản Ahumada hôm 28/9 mà không có lời giải thích”.

Bấp bênh cuộc thiên di hướng về “giấc mơ Mỹ” -0
Người di cư ngồi trên nóc tàu khi di chuyển qua El Basurero ở Huehuetoca, Mexico. Ảnh: Reuters

Số phận của hàng nghìn người di cư được gói gọn trong dòng tin vài chục chữ. Nhưng, chỉ những người trong cuộc mới biết họ đang thực sự trải qua điều gì. Sasha Pacheco, một phụ nữ mang theo cả gia đình, trong đó có một trẻ sơ sinh, thất vọng: “Họ đối xử với chúng tôi như động vật. Chúng tôi đang ở trong sa mạc và chỉ có một cái cây. Chúng tôi chỉ cách điểm đến một giờ đồng hồ nhưng sẽ phải mất một ngày đi bộ". Không thể bắt xe buýt hoặc taxi từ vị trí hiện tại, Pacheco chỉ còn cách đi bộ giữa sa mạc mênh mông, không đồ ăn và không gì che chắn. Marlon Vera, người đã xuôi ngược suốt 2 tháng qua trong hành trình vượt biên vất vả, chia sẻ rằng chuyến tàu mà anh “mua vé” đã từng dừng vài ngày, rồi lại tiếp tục dừng một lần nữa gần Villa Ahumada.

"Chúng tôi ở đây không có thức ăn, không nước uống, phải đối mặt với cả cái lạnh và cái nóng", anh nói. Xa hơn về phía Đông, tại vùng biên giới Piedras Negras nằm đối diện Eagle Pass, Texas, một người di cư đến từ Venezuela có tên Jose Julian cho biết mình đã leo lên một chuyến tàu chở hàng cùng với khoảng 2.000 người di cư khác ở Monterrey vài ngày trước, nhưng khi vừa di chuyển đến một điểm không xác định nào đó qua Torreon, con tàu đã dừng lại. “Họ bỏ rơi chúng tôi giữa sa mạc. Họ cũng chẳng quan tâm rằng có trẻ em”, Julian chia sẻ, tuyệt vọng khi nghĩ đến việc anh sẽ phải đi bộ ít nhất 10 giờ nữa mới có thể đến được thị trấn tiếp theo và sẽ mất tới 3 ngày để có thể đến được biên giới Mỹ.

Julian, Vera hay Pacheco có lẽ đều không biết những chuyến tàu chở họ không vô cớ dừng lại. Theo truyền thông, tuyến đường sắt lớn nhất của Mexico đã giảm bớt 30% công suất hoạt động trong tuần trước với lý do không bất ngờ nhưng đầy bất mãn: “Vì quá tải dòng người di cư nước ngoài bất hợp pháp”.

Giấc mơ nghiệt ngã

La Bestia là tuyến tàu hỏa hai chiều chạy từ bang Chiapas phía Nam Mexico gần biên giới Guatemala, đi dọc theo phía Đông tới biên giới với Texas hoặc dọc theo phía Tây tới biên giới với California và Arizona của Mỹ. Việc di chuyển bằng tàu hỏa qua Mexico là lựa chọn mới nhất của dòng người di cư từ khu vực Trung Mỹ, dù ít nhiều họ đều biết La Bestia còn được gọi là "Chuyến tàu tử thần”. Sáng 30/9/2023, lực lượng cứu hộ Mexico đã tìm thấy nhóm 14 người trên đồi Cuchuma gần Tecate, một thành phố ở bang biên giới Baja California, 2 người đã bị bắn chết và một số người khác bị thương.

Cùng ngày, Cơ quan phúc lợi người nhập cư Mexico Grupo Beta cũng cho biết vừa cứu hộ 1 nạn nhân bị thương do bị tấn công vũ trang bởi những kẻ không rõ danh tính cũng ở Tecate. Nguyên nhân vụ nổ súng vẫn chưa được xác định nhưng theo Washington Post, việc vượt biên ở một số khu vực nhất định có thể liên quan đến thỏa thuận ngầm của các nhóm buôn người tại biên giới Mexico.

Trong nhiều năm, các băng đảng Mexico kiểm soát mọi quyền tiếp cận tàu hỏa trên tuyến La Bestia và nếu người nhập cư không trả tiền đi tàu, họ sẽ phải “làm việc” cho các băng đảng này như một hình thức đổi chác để vượt biên, thường là vận chuyển ma túy. Theo Reuters, các vụ nổ súng nhằm vào người di cư rất dễ xảy ra nếu kẻ buôn lậu đó đang làm việc cho một băng nhóm đối thủ hoặc họ không trả “phí đi lại”.

Một nghiên cứu được công bố năm ngoái cho thấy cứ 4 người di cư qua Mexico từ năm 2009 đến năm 2015 thì có một người bị bạo lực thể xác. Bạo lực bao gồm các cuộc tấn công trên đường phố, đánh đập bởi các băng đảng ma túy hay buôn người của địa phương hoặc tống tiền và sát hại bằng súng. Một số vụ tấn công xảy ra trên tàu nhưng phần lớn là xảy ra trên những sa mạc ngay gần biên giới. Nếu không vượt biên theo dạng được “bảo kê”, người di cư sẽ phải chờ hàng giờ để bắt tàu La Bestia và họ sẽ phải nhảy xuống những nơi ngẫu nhiên trên đường đi. Nhiều người bị cụt chân tay hoặc ngã xuống tử vong khi đoàn tàu rẽ qua các khúc cua và xuyên qua đường hầm. Nhiều người mất mạng vì những vụ thanh trừng vô nghĩa. Song, họ vẫn lựa chọn ra đi, bởi như New York Times bình luận, họ đâu còn gì để mất.

Gập ghềnh giấc mộng di cư

Những người di cư mắc kẹt trong sa mạc Mexico nằm trong số hàng nghìn người nhảy lên tàu chở hàng để đi về phía Bắc, với hy vọng đến được nước Mỹ. Ông Adam Isacson, Giám đốc phụ trách quốc phòng tại Văn phòng Washington về Mỹ Latinh (Wola) cho biết, phần lớn những người di cư đến từ Venezuela, Guatemala, Nicaragua và El Salvador. Họ muốn di cư để đổi đời, nhưng họ không đủ tiền mua vé xe buýt, cũng không đủ tiền trả cho những kẻ môi giới giúp vượt biên, họ muốn tránh các trạm kiểm soát nhập cư của “la migra”.

Thống kê cho thấy gần 190.000 người đã vượt biên giới Mỹ-Mexico mà không được phép trong năm 2022. Trong khi đó, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đã ghi nhận 686 trường hợp tử vong và mất tích là người di cư ở biên giới Mỹ-Mexico vào năm 2022, khiến đây trở thành tuyến đường bộ nguy hiểm nhất đối với người di cư trên toàn thế giới. Đây chỉ là một nửa trong số 1.457 trường hợp tử vong và mất tích của người di cư được ghi nhận trên khắp châu Mỹ vào năm 2022, năm chết chóc nhất được ghi nhận kể từ khi Dự án Người di cư mất tích (MMP) của IOM bắt đầu vào năm 2014. Dữ liệu này nhấn mạnh, số người di cư tử vong ngày càng tăng và rủi ro mà người di cư phải đối mặt trên toàn khu vực cũng vì thế tăng lên một cách đáng báo động.

Bấp bênh cuộc thiên di hướng về “giấc mơ Mỹ” -0
Người di cư đi dọc đường ray chờ đợi chuyến tàu La Bestia đưa họ đến vùng đất hứa. Ảnh: New York Times

Các cuộc khảo sát về những người thực hiện chuyến vượt biên do IOM thực hiện cũng cho thấy rằng cứ 25 người di cư được hỏi thì có 1 người thừa nhận người đi cùng họ đã mất tích. Marcelo Pisani, Giám đốc IOM khu vực Nam Mỹ bày tỏ: “Việc chúng ta biết rất ít về những người di cư biến mất ở châu Mỹ là một thực tế nghiệt ngã. Những con số này phản ánh hậu quả nghiêm trọng của việc thiếu các lựa chọn di chuyển thường xuyên và an toàn cho người di cư”. 

Theo USA Today, nhiều người di cư đang tìm cách cải thiện cuộc sống với một nơi sống tốt hơn, đó có thể là khu cho người tị nạn, nhà nghỉ, trung tâm cộng đồng, sân bay, bến xe buýt và thậm chí cả vỉa hè trên đất Mỹ. Ông Victor Manjarrez, cựu Giám đốc Tuần tra biên giới ở khu vực El Paso nói rằng: “Đối với nhiều người di cư, việc vượt hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn dặm, vẫn đáng để mạo hiểm, nếu như đích đến của họ là Mỹ”.

“Những con số đáng báo động này là lời nhắc nhở rõ ràng về sự cần thiết phải có hành động quyết đoán của các quốc gia”, Michele Klein Solomon, Giám đốc khu vực của IOM, nhận định, cho biết thêm rằng việc tăng cường thu thập dữ liệu là rất quan trọng, nhưng điều cần thiết hơn là các quốc gia phải hành động dựa trên dữ liệu để đảm bảo có thể tiếp cận được các tuyến di cư an toàn, thường xuyên hơn.

Tuy nhiên, hiện thực đáng buồn vẫn tồn tại, khi The Print đưa ra thực tế rằng người di cư vẫn chọn tin vào những kẻ buôn người hay những “nhà thầu” vượt biên hơn là tin vào chính quyền của họ. Để rồi, trên những sa mạc vắng, ven những hẻm núi cao, nơi tưởng như chỉ có xương rồng tồn tại, vẫn có hàng trăm người di cư mòn mỏi chờ đợi, họ chờ gì nơi những chuyến tàu đã dừng chân?

An Nhiên
.
.