Bảo hiểm, “xứ sở” diệu kỳ tàn bạo của điện ảnh

Chủ Nhật, 30/04/2023, 11:34

Một nhân viên bảo hiểm cốt cán tìm đến lâu đài một doanh nhân giàu có mời chào ông ký tiếp hợp đồng bảo hiểm ôtô, chẳng may ông không có ở nhà và người vợ của ông ra tiếp. Cô quyến rũ và hấp dẫn, và thay vì anh gợi ý cô mua một gói bảo hiểm, điều ngược lại đã diễn ra.

Cô bày tỏ muốn mua một bảo hiểm tai nạn cho chồng cô mà không để người ấy hay biết. Là một tay buôn bảo hiểm dạn dày kinh nghiệm, anh ngay lập tức đánh hơi ra một âm mưu hiểm độc. Nhưng biết sao được, anh đã trót say mê cô ả và cuối cùng không những trở thành đồng lõa của nàng mà còn tận dụng hiểu biết của mình, lập mưu giúp cô bày ra một tai nạn đặc biệt dẫn đến cái chết của chồng cô, sao cho cô nhận được gấp đôi số tiền bảo hiểm chính...

Bảo hiểm, “xứ sở” diệu kỳ tàn bạo của điện ảnh -0
Một cảnh trong phim “Double indemnity”.

1. Cốt truyện của bộ phim “Double Indemnity” (Khoản bồi thường gấp đôi, năm 1944), nằm trong danh sách 100 phim điện ảnh hay nhất lịch sử Hoa Kỳ, vẫn có thể khiến ta lạnh gáy khi tất cả những gã đàn ông mù quáng bị thao túng bởi một femme fatale (người đàn bà nguy hiểm) luôn tỏ ra là nạn nhân đáng thương.

Tựa phim, "Double indemnity", là một thuật ngữ trong ngành bảo hiểm, nghĩa là bồi thường gấp đôi trong những hoàn cảnh hi hữu. Và suýt chút nữa, người đàn bà xinh đẹp trong phim đã kiếm được số tiền khổng lồ ấy. Vụ án của “Double indemnity” không hẳn chỉ đến từ trí tưởng tượng phong phú của nhà văn James M.Cain, mà được lấy cảm hứng từ một vụ án có thật ở New York những năm 1920, khi một người phụ nữ tên Ruth Snyder xúi bạn tình hạ sát chồng mình, và hình ảnh kẻ đầu sỏ khi ngồi trên ghế điện chuẩn bị đón án tử hình tại nhà tù Sing Sing, gương mặt bị che kín nhưng ta vẫn có thể cảm nhận được vẻ đẹp động lòng trong dáng vẻ  yêu kiều của cô ta, là một trong những tác phẩm báo chí gây chấn động Hoa Kỳ và dần trở thành giai thoại ám ảnh giới văn nghệ sĩ.

2. Nhưng “Double indemnity” không phải bộ phim duy nhất mà nguồn cơn của tội ác đến từ thứ sản phẩm đại diện cho một nền tài chính phát triển, một sự hoạch định xã hội văn minh - bảo hiểm. Motif về một vụ án giết người vì tiền bảo hiểm đã được vô số các nhà làm phim nổi tiếng trên thế giới tận dụng, từ Billy Wilder đến Luchino Visconti. Bảo hiểm là động cơ gây án thuyết phục nhất, ngọn lửa nhen lên lòng tham vô đáy của con người, là khởi nguồn của xứ sở kỳ diệu bạo tàn trong thế giới phim ảnh.

Ở chiều ngược lại, không chỉ những người thụ hưởng bảo hiểm có lý do để sa vào cái ác, mà những công ty bảo hiểm cũng thường được mường tượng như một bầy cá mập ăn trên ngồi chốc nhờ xương máu người nghèo. 

Khai thác motif truyện này, có lẽ không bộ phim nào lại đẫm máu như “Saw VI”, vừa vào cảnh đầu phim đã có hai nhân viên bán bảo hiểm chuyên lừa đảo những người nhẹ dạ thấy mình bị nhốt bên trong hai buồng giam được nối với nhau bởi một hệ thống cân phức tạp. Họ bị xích lại và bị ép tham gia một cuộc đấu tay đôi kinh dị, trong đó mỗi người phải đền tội bằng chính máu thịt của mình, họ được trao cho hai con dao phay để tự xẻo những bộ phận trên cơ thể, ai cắt được nhiều hơn sẽ được sống, trong khi người kia phải chết. Chủ mưu của trò chơi kinh hoàng ấy chẳng ai khác là một người từng bị công ty bảo hiểm nhân thọ lạnh lùng từ chối thanh toán chi phí y tế mà đáng ra ông phải được hưởng. Ông không phải trường hợp duy nhất cần mẫn trả phí bảo hiểm thường niên, nhưng đến lúc đòi bồi hoàn thì bị rũ bỏ không chút đắn đo. Vậy là ông đã nghĩ ra một trò chơi tàn độc: bắt cóc những nhân viên chủ chốt của công ty bảo hiểm và cho tay giám đốc quyền lựa chọn cứu sống ai, giết bỏ ai, để đến cuối cùng mạng sống của y lại bị định đoạt bởi gia đình một bệnh nhân tim mạch từng bị y từ chối.

Tác phẩm giật gân với những cảnh phim rùng rợn khiến người yếu bóng vía phải nhắm tịt mắt này có thể chỉ xuất phát từ một trí tưởng tượng quá khích, nhưng đâu đó, nó cũng cho thấy nỗi phẫn uất (dù đã được phóng đại nhiều lần) của những nạn nhân mất trắng vì đặt niềm tin, tiền bạc vào doanh nghiệp man trá. Cơn ác mộng mà tay giám đốc bảo hiểm cùng các nhân viên chuyên giúp y vạch lá tìm sâu, lách hợp đồng để khỏi đền bù cho khách hàng phải trải qua chẳng khác chi địa ngục giữa trần gian, khiến tất thảy phải kinh qua cảm giác khi tính mạng mình nằm trong tay một quyền lực khác, như cách họ từng giữ quyền sinh sát với bao người.

Nhưng không chỉ những bộ phim bạo lực một cách phô trương như vậy lấy chủ đề bảo hiểm làm trung tâm, mà kể cả những bộ phim với tham vọng tìm sâu vào sự vận hành của thế giới cũng có thể khởi xuất từ đề tài này, như Kafka của đạo diễn trẻ tuổi nhất từng thắng giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes, Steven Soderbergh, bộ phim hư cấu về cuộc đời một biểu tượng văn chương thế kỷ 20, Franz Kafka, và trong đời thực cũng là một nhân viên bảo hiểm nhiều năm.

Kafka là nhân viên trong một văn phòng bảo hiểm nơi con người làm việc như những cỗ máy, anh được đề bạt lên chức sau cái chết bí hiểm của một người đồng nghiệp, và từ đây, chàng trai trẻ dấn bước vào một thế giới tai quái và lắt léo của thành phố Prague buổi đầu thế kỷ. Có sự liên thông giữa văn phòng bảo hiểm buồn chán, ngập giữa các tập tài liệu với những công nhân cổ cồn trắng và lâu đài nơi che giấu một "tập đoàn" của cái ác.

Những nhân viên bảo hiểm bị giáng xuống trở thành chuột bạch cho những thí nghiệm điên rồ, và cái cảnh khi Franz Kafka đang ngồi trong văn phòng mình lúc nửa đêm thì thấy một kẻ cùi hủi đột nhập và truy bắt anh, còn anh suýt nữa mắc kẹt ở nơi tưởng như sáng sủa quy củ ấy, là một ẩn dụ tuyệt vời về cái bẫy của thế giới hành chính công sở đầy những oái oăm luôn xồ ra từ góc đen tối mà ta khó lường trước. Kafka gần như một mình chống đỡ thế giới mê mòng đó, và sự phi lý của nó là cốt lõi trong những sáng tác vô tiền khoáng hậu của nhà văn.

Kafka không hẳn là một bộ phim hình dung trực diện "xứ sở bạo tàn" của ngành công nghiệp bảo hiểm, nhưng cách mà lĩnh vực ấy có khả năng công cụ hóa con người chính là tiền đề của chất Kafkaesque, với những ác mộng gần như siêu thực bủa vây, với những ông kẹ rập rình ngầm thông đồng với nhau để cho ta vào bẫy.

Thậm chí, kể cả khi bảo hiểm xuất hiện đường hoàng, chi trả đầy đủ quyền lợi và trở thành vận may đổi đời cho một gia đình nghèo thì khoản tiền ấy cũng có khả năng gây ra vô khối rắc rối.

Trong “A raisin in the sun”, một tác phẩm kinh điển về người da màu trên đất Mỹ chuyển thể từ vở kịch cùng tên của nữ kịch tác gia da đen đầu tiên tại Broadway, Lorraine Hansberry, một nhà nọ sau khi ông bố chết đi liền được bảo hiểm đền bù cho số tiền lớn mà họ chưa từng thấy trong đời. Thế là, mỗi thành viên lại mơ tưởng về viễn cảnh sử dụng số tiền ấy. Mơ tưởng nào cũng đẹp, người mẹ thì muốn mua một căn nhà mơ ước cho gia đình, anh con trai thì muốn đem đầu tư làm giàu nuôi cả nhà, cô con dâu muốn đầu tư học hành cho đứa con, cô em gái lại muốn dùng tiền để theo học trường đại học. Ấy vậy mà, khi những mơ tưởng đẹp xung khắc với nhau thì cuộc đụng độ cũng chẳng hề dễ chịu.

Đặt bối cảnh gần như từ đầu chí cuối ở trong một không gian kín tựa như một tác phẩm kịch, “A raisin in the sun” tạo nên một bầu không khí ngột ngạt, khi những giấc mơ chen chúc nhau trong một gian nhà chật và ngay cả chúng cũng đang thiếu oxy, đang khó thở, và để tồn tại, những giấc mơ đẹp đẽ ấy cũng phải chèn ép lên nhau. Và bảo hiểm, một vận may, cuối cùng hóa ra cũng chẳng may tới thế, khi họ phải trả giá bằng sự hòa thuận yên vui, và phẩm giá con người.

Bảo hiểm, “xứ sở” diệu kỳ tàn bạo của điện ảnh -0
Poster quảng cáo phim “Groundhog day”.

3.Tuy nhiên, không phải lúc nào bảo hiểm cũng bị khắc họa như mấu chốt của một bi kịch, cũng có khi, bảo hiểm xuất hiện hết sức hài hước đáng yêu, như nhân vật anh bạn bán bảo hiểm mà Stephen Tobolowsky thủ diễn trong “Groundhog day” (Ngày Chuột Chũi) của đạo diễn Harold Ramis. Ra mắt công chúng vào năm 1993, bộ phim có nội dung khá hài hước kể về nhân vật Phill Murray, một biên tập viên dự báo thời tiết nhận ra mình phải sống đi sống lại một ngày duy nhất.

Ngày nào cũng như ngày nào, Phil đều tình cờ gặp Ned, một người bạn cũ, người lúc này kiếm sống bằng nghề bán bảo hiểm nhân thọ, một người bạn lắm mồm, có vẻ phiền phức, liên tục "mồi chài" mua bảo hiểm. Mới đầu, Phil cảm thấy bực tức với Ned và luôn muốn lảng cho xa, để rồi một ngày nọ, sau khi đã phải sống đi sống lại vô số lần một ngày duy nhất, muốn chết cũng không chết được, khi gặp lại, Phil bỗng ôm trầm lấy Ned và bày tỏ đã nhớ Ned biết bao, và cuối cùng, ta được biết rằng Phil đã quyết định mua bảo hiểm nhân thọ với giá trị lớn từ Ned. Chỉ sau đó Phil mới thoát khỏi vòng lặp thời gian.

Có những khán giả đùa rằng, không phải nhờ tình yêu với cô đồng nghiệp mà Phil thoát được vòng lặp thời gian. Mà chính là nhờ mua bảo hiểm từ Ned, và Ned chính là kẻ dùng sức mạnh tạo ra vòng lặp cho đến khi Phil mua bảo hiểm mới thôi. Nghe vô lý, nhưng biết đâu được? Và biết đâu như thế là tốt? Biết đâu phải đến khi nhận ra đời mình giá trị đến mức nên được bảo hiểm, ta mới có thể bước sang một vòng đời mới, thú vị và ý nghĩa hơn nhiều?

Hiền Trang
.
.