Bạo hành học đường, đừng cố đổ dầu vào lửa

Thứ Ba, 10/10/2023, 11:36

Chưa bao giờ vấn nạn bạo hành học đường khiến dư luận xã hội nóng bỏng như hiện nay. Lẽ ra, phải “rút củi đáy nồi”, xử lý điềm tĩnh, khách quan công bằng, nhân ái thì lại “đổ dầu vào lửa”, làm căng thẳng, đẩy sự việc đi quá xa, gây hậu quả nghiêm trọng.

Bạo lực học đường là những hành vi thô lỗ, bạo hành, bất chấp đạo đức và pháp luật, trấn áp, tấn công gây thương tổn thân thể, xúc phạm danh dự gây tổn thương tinh thần trong môi trường giáo dục. Đối tượng phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất là học sinh, sinh viên. Về cơ bản hành vi biểu hiện là: Bạo lực thân thể: đánh nhau, xô đẩy, cướp bóc, hình phạt xâm hại cơ thể. Bạo lực tình dục: xâm hại giới tính, quấy rối tình dục. Bạo lực tinh thần: đe dọa, mắng chửi, cô lập, công kích xúc phạm danh dự...

“Theo số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021-2022, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình, cứ 5.200 học sinh có một vụ đánh nhau; cứ trên 11.000 học sinh có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường có một trường có học sinh đánh nhau. Còn theo thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng có trên 1.000 thanh, thiếu niên phạm tội”. Những con số biết nói rất đáng lo ngại.

Bạo hành học đường, đừng cố đổ dầu vào lửa -0

Môi trường học đường hiện nay đang rất bất an. Không chỉ học sinh bất an từ học sinh, từ thầy cô, mà thầy cô cũng bất an từ học sinh, từ phụ huynh.

Vào các báo điện tử không khó để nhìn thấy nhan nhản các bài viết về vấn nạn bạo hành học đường: “Cô giáo cắt tóc nữ sinh trên bục giảng”, “Thầy giáo mắng học sinh là đầu trâu đầu chó”, “Cô giáo ở Thanh Hóa đanh học sinh lớp 4 lằn lưng”, “Nữ học sinh hút thuốc, đánh nhau trong nhà vệ sinh”, “Đánh nhau, hai học sinh ở Đà Lạt phải nhập viện cấp cứu”, “Vụ đánh cô giáo vì con bị hạnh kiểm trung bình, phụ huynh cũng là giáo viên” v.v... Ngược dòng thời gian về trước, tìm đọc cả ngày chưa hết các vụ bạo hành tương tự, đôi khi bỏ dở bài vì thấy vừa hoang mang, vừa xót xa cám cảnh thương các nạn nhân. Hơn 4 năm trước, ông Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi dâm ô với nhiều học sinh nam. Tháng 11 năm ngoái, một phụ huynh cầm dao đe dọa bắt thầy Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lâm, Hương Sơn, Hà Tĩnh phải quỳ và xin lỗi trước sự chứng kiến của bao nhiêu giáo viên.

Gần đây, trong vòng một tuần lại liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành học đường khiến dư luận xôn xao dậy sóng: Chuyện cô giáo nắm cổ áo kéo lê học sinh, rủa xả chưa hết ầm ĩ, lại đến sự việc thầy giáo bóp cằm, chỉ tay vào mặt học sinh quát tháo, xưng mày tao đang nóng, thì bùng lên câu chuyện thầy hiệu trưởng mời phụ huynh không đến làm việc, dọa đuổi học sinh... Nguồn cơn nào lại ra nông nỗi này?

Nhà văn Helen Keller người Mỹ nói rằng: “Kết quả cao nhất của giáo dục là sự khoan dung”. Khoan dung đã không mà còn gây áp lực tinh thần bằng các hình thức bạo hành ngoài sư phạm. Chưa đến mức “đuổi cùng diệt tận”, nhưng cũng đủ làm học sinh bạc nhược tinh thần. Chỉ vì cô giáo chủ nhiệm lớp 12D4 Trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội sai đi mua bánh sinh nhật, nữ sinh mua không đúng cửa hàng cô chỉ định mà bị cô rầy la, mắng mỏ, dọa kỉ luật khiến em sợ hãi đi ra ngoài quỳ cả tiếng đồng hồ, mệt quá nằm sõng soài. Một sự việc quá nhỏ, quá đỗi bình thường. Mua bánh sinh nhật sai địa chỉ cô dặn thì đã làm sao? Chẳng đáng phải mắng học trò, không đáng để dọa kỉ luật. Chuyện chẳng có gì phải ầm ĩ. Cô giáo có bao giờ trong tình cảnh bố mẹ dặn một đằng thì lại quên mà làm một nẻo không?

Người bình thường, thấy mình sống lại tuổi thơ học trò, cũng từng tuổi dậy thì nhớ nhớ quên quên và bật cười vì sự lơ đãng đáng yêu ấy chứ. Nhưng, cô thì không, trong đầu bốc hỏa, giận dữ cùng lời nói thô bạo mời ra ngoài khiến học trò rúm ró sợ hãi, nhất thời quỳ xin. Chuyện bé xé ra to. Cái này gọi là... bạo hành tinh thần học trò. Chưa hết, cô giáo thay vì hạ giọng nhẹ nhàng khuyên nhủ em vào lớp thì lại thể hiện uy quyền, vừa túm cổ áo nữ sinh kéo lê vào lớp, vừa nói lời thô bạo. Có thể cô giáo sợ mất thể diện, cô sợ “quan trên trông xuống, người ta trông vào”, học sinh các lớp nhìn sang, rồi kéo lê nữ sinh vào trong lớp, để giấu giếm chuyện que diêm có thể đốt cả cánh rừng? Có thể “hết khôn dồn ra dại” và cũng có thể muốn ra tay dùng biện pháp cứng rắn để dằn mặt học sinh khác. Dù thế nào thì cũng không khôn ngoan, để “cái xảy nảy cái ung”, làm môi trường sư phạm bất an.

Lửa cháy to thì phải biết rút củi đáy nồi, ông hiệu trưởng lại nhiệt thành đem xăng cứu hỏa. Lẽ ra, ông phải đến nơi tìm hiểu đúng sai để có biện pháp xử lý chuẩn sư phạm thì “ông hiệu trưởng còn chống chế, bao biện cho giáo viên bằng cách đổ lỗi cho học sinh, rằng: Học sinh này mắc nhiều lỗi và hôm đó có một lỗi liên quan về mua bánh nên bị cô giáo mời ra ngoài. “Việc phát tán video đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà trường và tâm lý của rất nhiều học sinh”. Sao ông không nghĩ em học sinh bị cô giáo xúc phạm, bị túm cổ áo, kéo lê sẽ tổn thương, sẽ làm điều dại dột trước? Ông còn nói, “nhà trường sẽ đợi kết luận của Cơ quan công an và đưa ra hình thức kỷ luật thích đáng”.

Người bình thường ai cũng biết em học sinh quay video hành vi xấu và phát trên internet là không vi phạm Luật An ninh mạng, sao ông là hiệu trưởng mà không biết? Ông đe dọa thế thì học trò nào còn dám đấu tranh với cái xấu, cái ác nữa. Nếu không có em học sinh quay và phát video học sinh bị cô giáo... túm cổ áo kéo lê thì sự việc sẽ chìm xuồng, chẳng ai biết. Phải cảm ơn em học sinh ấy dũng cảm đối đầu với cái xấu mới phải chứ.

Chuyện trên đã nóng lại càng nóng hơn ở bục giảng lớp 10A9, Trường THPT Phan Huy Chú, huyện Thạch Thất, Hà Nội, thầy giáo Anh văn bóp cằm, chỉ tay vào mặt học sinh, quát tháo, xưng “mày - tao” và tuôn ra những lời thô lỗ, tục tĩu: “Bây giờ làm đúng rồi, gạch đi, viết lại thì mới sai. Mày có hiểu không con chó này?”. Đúng là “lời nói đọi máu”, sa chân còn rút lại được chứ lời đã nói ra, “tứ mã nan truy” khó mà thầy giáo thu lại. Vô tình nơi học đường mà thầy hành xử như hàng tôm hàng cá ở chợ ế cuối chiều. Giả sử tôi là người nhà thân thiết ruột thịt thì cũng không đủ lý lẽ để bênh vực cho thầy. Không kiềm chế được cảm xúc, nóng giận bốc đồng, thì nghề nào cũng không làm nổi, huống hồ là nghề dạy người. Thầy cô còn vậy thì chuyện học trò dằn mặt, đánh nhau, xé quần áo, cắt tóc, cô lập, bạo lực cả thể xác lẫn tinh thần đâu có gì lạ. Rất may là ông hiệu trưởng trường này không đi vào vết xe đổ của trường THPT Đa Phúc, ông cho rằng thầy giáo “không chuẩn mực trong ngành sư phạm, không đúng đạo đức nhà giáo” rồi đình chỉ công tác để phục vụ xử lý vụ việc và khẳng định quan điểm tội đến đâu xử lý đến đó “không dung túng, xử lý nghiêm, vì đây là môi trường giáo dục”.

Hài hước là câu chuyện ông Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân, Sóc Sơn, Hà Nội hành xử vô lối khi phụ huynh đóng góp về chuyện thu chi không minh bạch ở trường. Ông cho rằng phụ huynh “làm ảnh hưởng uy tín của trường” và gửi giấy mời đến làm việc. Phụ huynh chưa đến, ông gửi giấy tiếp, nếu không gặp sẽ từ chối công tác giáo dục đối với học sinh.

Sao lại có chuyện “quýt làm cam chịu” thế này? Cha làm cha chịu, con làm con chịu chứ. Cha là công dân, con cũng là công dân. Mọi người đều bình đẳng. Nếu phụ huynh có sai thì phụ huynh chịu, chứ sao bắt học sinh phải chịu tội vạ gánh thay. Nếu phụ huynh tố cáo không đúng sự thật, làm mất uy tín của trường đến mức phải nhờ pháp luật can thiệp thì đề nghị công an điều tra hoặc kiện ra tòa, sao lại quan hách “từ chối giáo dục học sinh”. Thái độ của hiệu trưởng như vua con một cõi. Trường công hay trường tư cũng không có quyền thích dạy thì dạy, muốn cho học sinh nghỉ thì cho nghỉ. Quyền hành hiệu trưởng trường ngoài công lập như ông dù to đến đâu cũng phải tuân theo Luật Giáo dục, theo điều lệ khen thưởng kỷ luật. Thói “rung cây dọa khỉ” xem ra không khôn ngoan và ông hiệu trưởng bị dư luận xã hội lên án ầm ầm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói rằng: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Chiến lược giáo dục phải nhìn xa trông rộng và gian nan, lâu dài bền bỉ. Không thể lường hết được hậu quả sau những cú giáng bạo lực học đường nặng nề như thế nào. Nhẹ thì quần áo xộc xệch, tóc tai rũ rượi, thể xác mang thương tích, chân tay mặt mũi xước xát rớm máu, nặng thì sinh mạng mất đi cùng bao lời ai oán của người thân. Tai hại nữa là chấn thương tinh thần. Học trò bị xúc phạm danh dự, vết thương tâm hồn không dễ lành sẹo như vết thương da thịt. Mặc cảm, tự ti, lo âu, chán chường khi cô lập không dám giao tiếp, chia sẻ, luôn co mình vào thế giới vỏ ốc, dẫn đến suy sụp tinh thần. Suốt đời các em sống trong sợ hãi áp lực, vào đời khó khăn mà sinh sống cũng gian truân.

Nhà sử học Henry Adams người Mỹ nói rằng: “Ảnh hưởng của người thầy là vĩnh cửu. Ta không thể biết được khi nào thì ảnh hưởng ấy dừng”. Cũng có thể nói: Tác dụng xấu từ người thầy là vĩnh cửu, không thể biết được đến khi nào học sinh hết ám ảnh. Có một lần tôi vô tình nghe ở phòng bên con trai nói chuyện với bạn bè, bây giờ đứa kém thì đại học, đứa khá hơn là tiến sĩ. Gần hai chục năm xa tuổi học trò phổ thông nhưng chúng vẫn nhớ, đứa kể cô giáo dạy hóa cho điểm thấp vì không đi học thêm ở nhà cô, đứa kể thầy giáo dạy văn ca thán cái nghề của thầy như anh giáo Thứ sống mòn: “Văn hay chữ tốt không bằng thằng dốt lắm tiền”.

Ý văn học: Thầy là thạc sĩ giỏi giang chữ nghĩa đầy mình vẫn không bằng bạn thầy ngu dốt bỏ học phổ thông mà làm chủ trang trại mấy chục ha, lúa thóc đầy nhà, tiền bạc rủng rỉnh. Vô tình thầy cô đã truyền năng lượng tiêu cực sang học trò làm chúng ám ảnh suốt đời. Tôi không hình dung được lứa học trò đang học lớp cô túm cổ áo, kéo lê nữ sinh, học lớp thầy chỉ vào mặt trò xưng mày tao, sau hai - ba mươi năm nữa trưởng thành là nhà văn, nhà báo, kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học, thành tướng lĩnh, chúng còn nhớ những câu chuyện bạo hành học đường này không, nhớ thì có phán xét, kết tội và còn oán giận hay không?

Nguyễn Yên Mô
.
.