Bánh mỳ lương tâm

Thứ Sáu, 06/08/2021, 14:05

Bánh mì có phải là thực phẩm không? Có lẽ ai cũng trả lời được câu hỏi này, trừ vị Phó Chủ tịch phường Vĩnh Hòa, Nha Trang. Câu chuyện tóm lược lại rất bi hài: ông phó phường quyết định giữ xe của anh công nhân ra đường vì cho rằng việc anh đi mua bánh mì là "không chính đáng" và mắng anh: "Ở trên núi xuống phải không?". Ông dọa sẽ cho anh mất việc vì chống lại Chỉ thị 16…

Từ chuyện con gà không được gáy

Năm 2017, nước Pháp dậy sóng vì một con gà có tên Maurice. Năm 2017, chủ của nó - bà Corinne Fesseau bị kiện vì để... gà gáy, đều đặn 2 lần mỗi sáng. Có cặp vợ chồng hàng xóm, những người thường về đây nghỉ dưỡng, phàn nàn với quan tòa rằng tiếng gáy của con gà làm phiền sự riêng tư của họ. Rằng con gà phải ngậm mỏ lại.

Cặp vợ chồng này thậm chí đã bỏ tiền ra để thuê một nhân viên tòa án làm chứng về tiếng gà gáy. Luật sư của họ đưa ra lập luận rằng ngôi nhà của bà Fesseau nằm trong khu vực... đô thị nên tiếng gà gáy là ô nhiễm âm thanh. Tòa án gửi một nhân viên hòa giải xuống đề nghị bà Fesseau nên gửi chú gà đi chỗ khác khi hai vợ chồng hàng xóm về đây nghỉ ngơi. Fesseau không đồng ý: "Sao họ lại có quyền ra lệnh cho chúng tôi?".

Bánh mỳ lương tâm -0
 Chú gà trống Maurice và người chủ - bà Conrinne Fesseau. Nguồn ảnh: Getty

Báo The New York Times mô tả lại cách bên nguyên đơn muốn bẻ cong khái niệm hòng bắt con gà phải im tiếng: "Cụm từ đô thị có vẻ được hiểu rộng lắm, vì nhà của bà Fesseau không giống bất kỳ ngôi nhà thành thị nào ta biết. Đó là một căn nhà nhỏ với cửa chớp màu lam, nằm ở ngoại ô một thị trấn thanh bình với chỉ 6.700 cư dân. Pierre Loti (văn hào Pháp) từng viết rằng ông muốn được an táng ở đây khi chết, trong "sự an bình ngọt ngào của vùng quê" kia mà".

Vụ việc này gây ồn ào vì sự phủ nhận trắng trợn này. Trên mạng xã hội ở Pháp, hàng chục ngàn người đã ký vào một bản kiến nghị điện tử ủng hộ tiếng gáy của con gà. Họ cho rằng nếu không gáy thì con gà... không còn là con gà nữa. Không ai được nhân danh bất kỳ điều gì để phá vỡ những thứ hiển nhiên: ngôi nhà của bà Fesseau hẳn là ở nông thôn và con gà trống sống là để gáy mỗi sáng.

Nhưng, sự hiển nhiên này cũng phải mất đến 2 năm mới được thừa nhận: tháng 5-2019, tòa án ra phán quyết rằng con gà trống Maurice có quyền gáy và cặp vợ chồng bên nguyên đơn thậm chí còn phải bồi thường cho bà Fesseau 1.000 euro. Nếu bạn còn cảm thấy ngạc nhiên về chuyện người ta có thể vác nhau ra tòa chỉ vì cấm một con gà gáy thì bạn cần biết rằng vào năm 1995, có một con gà bị giết ở Pháp vì lời phàn nàn tương tự: "Gà là một con vật vô hại, ngu ngốc đến mức không ai có thể dạy nó được, kể cả rạp xiếc Trung Quốc" - bút lục bản án ghi lại, trích theo thông tin trên tờ The Guardian.

Những chuyện vô lý kiểu vậy vẫn diễn ra, vì con người vẫn giữ thói quen viện ra những cái cớ để hành xử càn rỡ: lấy lý do riêng tư để bắt một con gà không được gáy, hay tự giải thích một ngôi nhà giữa đồng không mông quạnh thành... không gian đô thị. Một kiểu ứng xử mà sau này các tờ báo Pháp đã khái quát lại là thái độ "con gà": anh cố phủ nhận một sự thật khách quan chỉ bằng sự nhân danh.

Đừng nhân danh chống dịch

Khi chống dịch trở thành một vấn đề quá nóng thì chúng ta cũng được chứng kiến không ít người nhân danh nó, dường như chỉ để cảm thấy mình có quyền lực. Người hết tiền ra cây ATM rút tiền mua đồ ăn cũng bị phạt 1 triệu. Người đi làm thẻ ATM để trả tiền trọ cũng bị phạt. Giờ thì đến lượt đi mua bánh mì cũng bị phạt, với sự phủ nhận khái niệm trắng trợn: "Bánh mì không phải thực phẩm".

Người ta vin vào một chỉ thị để đạp lên một thân phận một cách chóng vánh. Chống dịch không thể là lý do giải thích cho những lời mắng chửi nhắm vào anh công nhân. Chống dịch cũng không phải lý do để giải thích cho việc người ta sa thải anh một cách chóng vánh giữa mùa dịch, chỉ vì ai đó muốn cái bánh mì không còn là thực phẩm nữa.

Điều đáng ngạc nhiên là người có thể nghĩ ra những thứ vô lý như vậy đang nắm trong tay quyền lực nhất định và đi xa đến mức không hề nhận thức gì về chuyện mình đang làm: các đoạn clip được chính ông phó chủ tịch phường quay lại, như thể ông ta nghĩ rằng mình đang làm đúng và hẳn sẽ được dư luận ủng hộ vì sự "quyết liệt" này. Trong câu chuyện con gà, khi bẻ cong khái niệm, ít nhất tâm thế của người muốn bịt miệng con gà vẫn là 50-50: họ có thể thắng và cũng có thể thua kiện. Hai vợ chồng thậm chí còn không dám xuất hiện ở phiên tòa vì sợ bị phản đối.

Bánh mỳ lương tâm -0
 Phó Chủ tịch phường Vĩnh Hòa (Nha Trang) chỉ tay mắng công nhân đi mua bánh mì. Ảnh chụp màn hình clip.

Ở đây, điều đáng sợ là ông phó chủ tịch phường dường như tin chắc rằng mình đang làm việc hiệu quả và sự “quyết liệt” như vậy là cần thiết. Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã gửi thư xin lỗi và Bí thư Tỉnh ủy cũng hứa giới thiệu việc làm mới cho anh công nhân nhưng sự ấu trĩ của một phó chủ tịch phường đã để lại những cái giá rồi: đến một khái niệm hiển nhiên kiểu "bánh mỳ là thực phẩm" mà bộ máy cũng phải tạm dừng lại, tiêu tốn thêm một ít thời gian lẫn nguồn lực để "minh oan" cho nó, mà mọi việc có lẽ vẫn không thể trở lại như ban đầu.

Rất may là chúng ta vẫn còn những ví dụ khác. Vài ngày trước đó, tôi đọc được mẩu tin trên Báo Thanh niên về vụ CSGT dừng xe một tiểu thương không đội mũ bảo hiểm ở TP Hồ Chí Minh chạy xe máy ra đường ngày giãn cách. Khi bị tuýt còi, chị này đã bật khóc, vì thoáng nghĩ đến số tiền phạt có thể phải nộp: "Hồi trước tôi có bán quán nhưng nghỉ hơn tháng nay rồi. Nghĩ để lâu, nước mắm hư, nhà thì hết mắm nên tôi chạy ra quán lấy về ăn. Vì nhà tôi ngay ngõ đây nên tôi không đội mũ bảo hiểm, tôi biết tôi sai rồi. Đây là lần đầu, mong được các anh bỏ qua".

CSGT sau đó chỉ nhắc nhở, tuyên truyền về mức độ quan trọng của chống dịch và cho chị đi. Có thể bạn đọc sẽ nghĩ chuyện này là không đúng: khi tình hình các ca nhiễm đang ngày một căng thẳng hơn, chúng ta cần những biện pháp cứng rắn để khiến người dân phải nghiêm túc chấp hành hơn là mủi lòng bỏ qua. Biết đâu trong số những người được thông cảm này, có ai đó sẽ trở thành nguồn lây, vì họ không cảm thấy sự răn đe.

Nhưng, ít nhất, chúng ta sẽ không phải đối mặt với "thái độ con gà", giống như những trường hợp ồn ào thời gian qua. Bởi nhân danh chống dịch để không phải lăn tăn nhiều khi đẩy ngã một thân phận là việc rất dễ làm: anh chỉ cần một chỉ thị cứng và trái tim vô cảm. Hoặc, anh đã phạt nhiều đến mức không còn thấy trong một tấm phiếu phạt là một thân phận. Có thể là một người vừa thất nghiệp. Có thể là một tiểu thương vỡ nợ. Cũng có thể là một công nhân đã ở đường cùng.

Cũng chỉ cách đây không lâu, một phường ở TP Hồ Chí Minh thậm chí còn giao... chỉ tiêu phạt cho lực lượng trật tự. Cũng vì nhân danh chống dịch. Dịch COVID-19 đã biến tất cả chúng ta thành nạn nhân, không chừa một ai. Diễn giải pháp luật và đi vào thực tế chưa từng đối mặt lúc này là một quá trình phức tạp, mà ngoài tờ giấy ghi những hướng dẫn pháp luật cơ bản ra, những gì chúng ta cần thêm chắc chắn là sự trắc ẩn, để hiểu rằng lúc nào nên ghìm tay lại. Chắc chắn ai không đủ nhận thức để hiểu bánh mì là thực phẩm thì không thể đại diện cho công quyền trong một thời điểm mà tất cả chúng ta phải đồng lòng.

Phạm An
.
.