Bài học từ sự rút lui của nữ hoàng thể dục dụng cụ
Việc nữ hoàng thể dục dụng cụ Simon Biles bất ngờ bỏ cuộc sau màn nhảy ngựa không thành công ở chung kết đồng đội nữ với Nga ở Olympic Tokyo hôm 27-7 đã giáng một đòn choáng váng vào dư luận yêu thể thao ở Mỹ.
Lý do từ bỏ Olympic khi đang ở giai đoạn đỉnh cao nhất sự nghiệp của Simon Biles là: "Khi bạn ở vào trạng thái căng thẳng tột độ, bạn dễ bị hoảng sợ. Tôi cần tập trung cho sức khỏe tinh thần của bản thân, không gây nguy hiểm cho thể trạng và sự an lành của mình nữa".
Một nhà báo của tờ Washington Post nhận định: "Bạn tưởng tượng xem, bạn sẽ treo lơ lửng trên độ cao 3 m, lộn ngược và liên tục xoay tròn với tốc độ của một cánh quạt cơ giới. Bạn phải có 100, thậm chí 120% sức lực và chú ý, bởi chỉ một sơ suất nhỏ nhất, bạn sẽ gặp chấn thương". Nhưng, Simon Biles đã đoán trước thể trạng tâm lý của mình và ra quyết định: “Tôi không muốn ra ngoài đó và làm điều gì ngu ngốc, sơ suất hay chấn thương, tất cả đều không đáng. Tôi không muốn rời khỏi trường đấu trên một chiếc cáng hay bất cứ thứ gì tương tự".
Truyền thông Mỹ như bùng nổ với những luồng ý kiến tranh luận Simon Biles thiếu chín chắn và làm mất danh dự đất nước, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của đồng đội. Song, cũng có nhiều người nổi tiếng ca ngợi cô dũng cảm khi dám chia sẻ sự mong manh trước một sự kiện lớn như vậy và góp tiếng chuông cảnh tỉnh giúp nhiều người nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần.
"Trí óc cũng như cơ bắp, bạn phải rèn luyện nó", Toni Martos -nhà tâm lý học đã tư vấn cho các vận động viên từ năm 1996 - nói trên tờ Marca. "Vận động viên có thể tập luyện theo nhiều cách khác nhau, từ khả năng giữ tập trung, chịu đựng hay kiểm soát tâm lý, đến việc đưa ra quyết định thông qua thư giãn". Sự hồi hộp trước lượt nhảy cuối cùng, sự tập trung trước lượt đánh quyết định, việc tính toán sẽ xử lý thế nào trong từng đường bóng, sự căng thẳng trong loạt đá luân lưu may rủi... Tất cả những khoảnh khắc này trong thể thao, đều đi kèm với tâm lý thi đấu - yếu tố có thể quyết định đến thành bại của một vận động viên.
Nhiều nghiên cứu về khoa học não bộ của phương Tây đã cho thấy, con người có thể đạt được những kỳ tích và thành công đột phá nếu chúng ta có một bổ não hạnh phúc và khỏe mạnh. Khi cảm thấy bản thân rơi vào tình trạng quá tải, kiệt quệ, cần chăm sóc và nghỉ ngơi như Simone Bills, là một điều rất cần thiết. Nữ hoàng thể dụng dụng cụ đã chọn cuộc sống khỏe mạnh và lâu dài của mình thay vì theo đuổi thêm những tấm huy chương để bị sụp đổ hoàn toàn.
Đã hơn một năm kể từ khi đại dịch bùng phát, kéo theo hàng trăm triệu người nhiễm bệnh, hàng triệu người chết, hàng tỷ người lâm vào hoàn cảnh phong tỏa, giãn cách, chịu những tác động khốc liệt của dịch bệnh. Trong đó đặc biệt nổi lên vấn nạn sức khỏe tinh thần của nhân viên y tế tuyến đầu, người lao động thiết yếu, cho đến trẻ em, thanh thiếu niên, người già, đối tượng dễ bị tổn thương bị tàn phá. Căng thăng, lo ấu, rối loạn thể chất, tinh thần, mất ngủ, trầm cảm, thậm chí cả những ý nghĩ tự tử là những biểu hiện tăng vọt trong thời kỳ đại dịch, đến mức Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, những hậu quả trên lĩnh vực sức khỏe tâm thần còn tồi tệ hơn cả Thế chiến 2.
Việt Nam đang trải qua làn sóng bùng phát lần thứ 4 với những diễn biến phức tạp và khó lường hơn trước. Nhiều tỉnh thành giãn cách, phong tỏa, cách ly y tế, hàng triệu người ở trong nhà để ngăn chặn, kiềm chế tốc độ lây lan của virus. Trong những ngày giãn cách, một số bệnh viện như Bệnh viện E Hà Nội, hay đường dây nóng hỗ trợ tâm lý của một số tổ chức phi chính phủ cũng nhận được những cuộc điện thoại yêu cầu hỗ trợ tâm lý nhiều hơn trước đây.
Theo một chuyên viên tâm lý của đường dây hỗ trợ trầm cảm tại Hà Nội, đa số người gọi đều bày tỏ tâm trạng căng thẳng, bi quan, chán nản do ở nhà quá lâu, các thói quen cũng như kết nối xã hội ngừng hoạt động, những mâu thuẫn, xung đột đến từ tài chính, tình cảm gia đình. Nhiều người bị mất ngủ, rối loạn lo âu vì xem nhiều tin giả, tin tiêu cực trên mạng xã hội về tình hình dịch bệnh.
Trong tâm dịch TP Hồ Chí Minh, một số phóng viên chuyên trách về tình hình dịch bệnh cũng rơi vào trạng thái căng thẳng, buồn bực, cáu giận do áp lực về việc đưa tin nhanh và chính xác, song cũng lo lắng về sức khỏe và sự an toàn của mình khi phải tác nghiệp hiện trường. Có người đã xin nghỉ ốm để hồi phục thể trạng và tâm lý sau một thời gian đưa tin 24/7 về dịch bệnh.
Khoảng 3/4 lao động ở Mỹ làm việc cho các hãng tư nhân, nhà nước hoặc chính quyền địa phương đã từng nghỉ ốm nhưng các cuộc khảo sát cho thấy đa số nhân viên không sử dụng những ngày nghỉ ốm vì lý do sức khỏe tâm thần. Natalie C. Dattilo, nhà tâm lý học sức khỏe lâm sàng, Trường Đại học Y Harvard, cho biết, nếu bạn đang ở trong số những người do dự, đã đến lúc bắt đầu suy nghĩ về cách bảo vệ và ưu tiên sức khỏe tinh thần của bạn, "Cơ thể của bạn cần được nghỉ ngơi, bộ não của bạn cần được nghỉ ngơi", đặc biệt trong bối cảnh đại dịch khi nhiều người phải làm việc tại nhà, vừa phải chịu áp lực cơ quan, vừa chịu gánh nặng chăm sóc, dạy dỗ con cái hoặc phải đối mặt với những hệ quả khác từ dịch bệnh.
Theo giáo sư Natalie C. Dattilo, các dấu hiệu cho thấy bạn cần phải nghỉ ngơi là những thay đổi về mặt tâm trạng, năng suất hoặc khả năng tập trung. Bạn có thể thấy mình kém kiên nhẫn, hay nổi nóng, tức giận vô cớ, cáu kỉnh hơn bình thường, khó ăn, khó ngủ, mệt mỏi, chán nản, đau đầu..., không có động lực muốn làm việc.
Giáo sư Natalie C. Dattilo đưa lời khuyên: Khi quyết định sử dụng một ngày nghỉ để hồi phục sức khỏe tinh thần như thế nào, ngay từ đầu bạn nên nghĩ về điều gì đã đưa bạn đến thời điểm này. Các mối quan hệ cá nhân của bạn có cần chú ý không? Ví dụ, bạn có xung đột gì với bạn đời, hay kiệt sức vì dạy dỗ con cái? Bạn đang kiệt quệ vì khối lượng công việc của mình và tuyệt vọng muốn ngắt kết nối với mọi thứ? Bạn đã có một tuần đặc biệt căng thẳng và muốn dành thời gian giải tỏa tâm lý? Bên cạnh đó, bạn có thể tranh thủ ngày nghỉ hiếm hoi này để cho phép mình được theo đuổi những đam mê sở thích như vẽ tranh, nấu ăn, làm vườn, hay đi dạo, mát xa, xem phim, nghe nhạc. Bạn có thể hoàn toàn không cảm thấy hối hận khi mình ngắt kết nối điện thoại, internet để tự chăm sóc, chiều chuộng bản thân. "Những người quên mình đến mức hy sinh cuối cùng sẽ kiệt sức", một chuyên gia nói.
Về mặt lâu dài, để nuôi dưỡng một bộ não khỏe mạnh và hạnh phúc, theo tiến sĩ David Rock và Dan Siegel, mỗi người cần đưa ra thực đơn hằng ngày, gồm 7 thành phần dinh dưỡng cho bộ não, gồm: Thời gian ngủ, thời gian tập thể dục, thời gian tập trung, thời gian chánh niệm, thời gian thư giãn, thời gian chơi-sáng tạo và thời gian kết nối.
Thy Anh, một chuyên gia phân tích dữ liệu hiện đang sinh sống và làm việc tại Mỹ cho biết, chị thường xuyên áp dụng thực đơn trên để nuôi dưỡng bộ não khỏe mạnh. Gia đình sống gần một công viên tại Washington DC, nơi có rất nhiều cây xanh và hồ nước nên mỗi sáng chị lại nạp dinh dưỡng và vitamin hạnh phúc bằng cách chạy bộ, tập yoga, rồi ngắm những khoảng không gian xanh rờn với gió mát, ánh nằng mùa hè rực rỡ trong công viên để khởi đầu ngày mới. Sau đó, chị dành 20 phút ngồi thiền đi đôi với việc thực hành bày tỏ lòng biết ơn khi hàng triệu người phải vật lộn với khó khăn thì chị có một công việc, một gia đình, một mái nhà che chở. Chị nhớ lại và chìm đắm vào những điều cảm thấy hạnh phúc trong ngày qua và hình dung về những ước mơ cũng như cuộc sống của bản thân và gia đình trong tương lai 5 năm, 10 năm tới.
Trong sinh hoạt hằng ngày, Thy Anh luôn ý thức sắp xếp các ưu tiên công việc theo danh sách những việc quan trọng và không quan trọng, việc cần làm trước, làm sau theo các khung giờ cố định. Khi thực hiện những việc ưu tiên, chị tắt thông báo điện thoại, máy tính để tập trung tối ưu hoàn thành. Ngoài công việc, chị sắp xếp thời gian cho những thú vui như nấu ăn, chăm sóc cây cối, đọc sách hoặc thi thoảng ngẫu hứng là những buổi đi chơi đến những địa điểm chưa từng khám phá. Chị cũng ưu tiên dành thời gian để kết nối có chiều sâu với chồng, con, người thân và những người bạn.