Bài học lớn của người trí thức

Thứ Bảy, 22/01/2022, 15:15

Cuối tháng 12-2021, một phiên tòa đặc biệt diễn ra mà các bị cáo đều là những nhà giáo ưu tú của ngành giáo dục. Họ đã từng là những người thầy đứng trên bục giảng hoặc những người làm công tác quản lý tại Trường Đại học Đông Đô nhưng lại câu kết sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để lập ra đường dây cấp bằng "chui" hoạt động trong suốt thời gian dài nhằm thu lợi bất chính.

Chỉ vì đồng tiền, họ đã đánh mất tất cả, sự nghiệp và danh dự, xâm phạm đến uy tín của cơ quan, đơn vị giáo dục, trở thành một vết ố của ngành giáo dục.

Ổ tội phạm núp bóng thầy, cô giáo

Cách đây hơn một năm, việc ông Dương Văn Hòa, khi đó là Hiệu trưởng Đại học Đông Đô; Trần Kim Oanh và Lê Ngọc Hà, cùng giữ chức Hiệu phó; Trần Ngọc Quang, Phó trưởng Phòng Đào tạo và quản lý sinh viên; Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng Tài vụ, cùng nhiều cán bộ của trường bị khởi tố bắt giam khiến dư luận rúng động.

Bài học lớn của người trí thức -0
Bị cáo Dương Văn Hòa được dẫn giải tới phiên tòa

Bởi họ đều là những lãnh đạo, cán bộ của ngành giáo dục nhưng lại tổ chức một đường dây mua bán bằng giả vô cùng tinh vi. Dù chỉ là đồng phạm khi chủ mưu là Trần Khắc Hùng (Chủ tịch HĐQT trường) hiện đang bỏ trốn, nhưng sai phạm của những người từng đứng trên bục giảng, từng là những nhà giáo ưu tú khiến uy tín ngành giáo bị giảm sút nghiêm trọng.

Trước đó, Đại học Đông Đô cũng đã từng dính "phốt" liên quan đến nhiều sai phạm trong giáo dục. Theo hồ sơ vụ việc, mặc dù Trường Đại học Đông Đô chưa làm thủ tục đề nghị và chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có văn bằng 2 tiếng Anh nhưng căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh các năm từ 2015-2017 và Đề án tuyển sinh năm 2017-2018, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo xét duyệt, đăng trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, từ tháng 4-2017, Trần Khắc Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Đông Đô đã chỉ đạo Dương Văn Hòa, Trần Kim Oanh ký các thông báo tuyển sinh hệ văn bằng 2 tiếng Anh. Trần Khắc Hùng trực tiếp chỉ đạo Dương Văn Hòa ký ban hành Quy định mức thu học phí toàn khoá từ gần 30 - 35 triệu đồng/học viên. Đồng thời ban hành chương trình đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh với số lượng 71 tín chỉ, thời gian 2 năm.

Trong quá trình tuyển sinh, Trần Khắc Hùng thấy nhiều người có nhu cầu lấy văn bằng 2 tiếng Anh nên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chỉ đạo Ban giám hiệu, Viện đào tạo liên tục, Viện 4.0… thực hiện cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả cho người có nhu cầu lấy bằng không qua tuyển sinh, đào tạo theo quy định. Việc cấp bằng cho học viên được thực hiện rất chớp nhoáng. Người học chỉ cần đóng tiền từ 28 đến 35 triệu đồng nếu đến tận trường nộp học phí, từ 50 đến 150 triệu đồng nếu qua "cò" môi giới và chờ vài tuần đến 2-3 tháng là được cấp bằng tiếng Anh chính quy. Các khóa học chớp nhoáng như thế này thường không thông báo tuyển sinh, không tổ chức thi đầu vào, đầu ra, không phải đi học, nhưng Dương Văn Hòa cùng thuộc cấp đã "phù phép" để hợp lý hóa hồ sơ cấp bằng cử nhân nhằm thu lợi bất chính.

Theo đó, Ban giám hiệu sẽ sắp xếp cho các học viên thi tại những phòng không có camera an ninh và học viên chỉ cần chép đáp án của 27 tín chỉ để hoàn thiện thủ tục đầu ra. Ai chép nhanh chỉ hơn một ngày là xong, chép chậm thì 2-3 ngày. Hai hiệu phó Oanh và Hà sẽ chỉ đạo trực tiếp các nhân viên nhận hồ sơ, hợp thức các bài thi đầu vào, thi kết thúc các môn, thi tốt nghiệp và cấp bằng cho các học viên mà không phải trải qua quá trình học tập. Thời gian thi hoàn thiện chỉ trong 2 ngày. Trong khóa học 2016-2018 có khoảng 400 hồ sơ văn bằng 2 tiếng Anh được đào tạo theo hình thức này. Dương Văn Hòa giao cho Trần Ngọc Quang kí bảng điểm cho học viên. Còn Hòa là người trực tiếp ký bằng cử nhân.

Bài học lớn của người trí thức -0
Các bị cáo tại phiên tòa

Để lôi kéo học viên, Trần Khắc Hùng ra quy định mỗi nhân viên của trường phải "lôi kéo" về mỗi năm ít nhất 4-10 hồ sơ làm văn bằng giả của các học viên và còn treo thưởng cho cán bộ, nhân viên nếu lôi kéo được một học viên sẽ được trích hoa hồng 7 triệu đồng. Có lẽ vì số tiền thưởng tuy không lớn với nhiều người nhưng cũng không hề nhỏ với nhiều cán bộ giáo viên của ngành giáo dục khi ấy nên các đối tượng đã bị đồng tiền che mắt. Từ tháng 4-2018 đến tháng 3-2019, Hùng và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỉ đồng. Cơ quan điều tra đã làm rõ 210 trường hợp được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả và đã được sử dụng. Còn 221 trường hợp chưa xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác. Ngoài số bằng đã cấp trên, còn có 3.800 học viên đã và đang theo học văn bằng 2 tiếng Anh tại Đại học Đông Đô. Tổng số tiền thu được từ việc cấp bằng "chui", đào tạo "chui" khoảng hơn 100 tỉ đồng.

Không chỉ đào tạo tại các cơ sở của nhà trường, Đại học Đông Đô còn liên kết với khoảng 200 trung tâm đào tạo ngắn hạn trên toàn quốc không được cấp phép theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường sẽ hưởng khoảng 30-35% số tiền học viên đóng và tham gia học tại các cơ sở liên kết này. Có cung ắt có cầu, việc làm bằng giả này xuất phát từ thực tế nhiều người cần mua bằng để làm đẹp hồ sơ cá nhân, để chạy chức chạy quyền… Những đối tượng sử dụng, tiêu thụ bằng giả cũng cần phải xử lý nghiêm để răn đe, nhưng không thể vì nhu cầu đó mà các cán bộ của trường nhắm mắt làm liều.

Vì tiền mà thỏa hiệp

Dương Văn Hòa có lẽ là người nhận thức rõ nhất sai phạm của Trần Khắc Hùng, bởi là hiệu trưởng, hơn ai hết, ông Hòa hiểu việc Đại học Đông Đô chưa được cấp phép tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh mà tự ý tổ chức "chui" lại không hề có lớp học thật, thi thật nào là sai pháp luật, vậy mà vẫn nhắm mắt làm ngơ, thậm chí còn trở thành đồng phạm, thành cánh tay phải đắc lực cho Hùng. Trong phiên tòa xét xử cuối năm, Dương Văn Hòa biện minh cho hành động sai trái của mình rằng, nếu không làm theo sự chỉ đạo của Trần Khắc Hùng sẽ bị đuổi việc. Rằng được Trần Khắc Hùng "bảo kê" sẽ chịu mọi trách nhiệm và hành động này nếu có vi phạm thì cũng chỉ là vi phạm hành chính nên yên tâm thực hiện. Giọt nước mắt ân hận của Hòa khiến những người dự khán đau nhói.

Bởi họ tin đó là những giọt nước mắt ân hận thực sự của một trí thức, khi trót gục ngã bởi những viên đạn bọc đường. Ông Trần Ngọc Quang cũng đổ lỗi cho việc phạm tội là vì cần tiền chữa bệnh của bản thân, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Quả thật sức cám dỗ của đồng tiền quá lớn. Nó biến những người từng là nhà giáo ưu tú trở thành tội phạm chỉ trong phút chốc. Bản thân Dương Văn Hòa và các đồng phạm là những người có tri thức, có hiểu biết pháp luật, nắm rõ mọi quy định của cả Bộ Giáo dục và Đào tạo lẫn quy định của trường, nên không thể nguỵ biện bằng các lý do cá nhân.

Trước vụ án này, cũng có nhiều vụ án lớn xảy ra mà đối tượng phạm tội đều là những người có tri thức, có năng lực, thậm chí rất giỏi cả chuyên môn lẫn khả năng quản lý, lãnh đạo. Trước đây, ai cũng từng biết đến ông Nguyễn Quang Tuấn và Nguyễn Quốc Anh đều có nhiều thành tích về y khoa, đều từng giữ chức vụ Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai... trước khi vướng lao lý. Ông Nguyễn Quang Tuấn từng được mệnh danh là đôi bàn tay vàng mổ tim, một chuyên gia đầu ngành y về tim mạch, từng cứu sống biết bao nhiêu sinh mệnh con người. Nhưng cuối cùng ông lại bị chôn vùi sinh mệnh của mình bằng đôi bàn tay ấy, vì vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian ông làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.

Còn ông Nguyễn Quốc Anh là PGS.TS, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng lao động… Ông có gần 30 năm công tác và gắn bó với Bệnh viện Bạch Mai. Một trong những đóng góp đáng kể nhất của ông Nguyễn Quốc Anh là gây dựng và phát triển Khoa Gây mê hồi sức của bệnh viện, áp dụng và triển khai các kỹ thuật mới vào điều trị bệnh nhân. Thế nhưng cuối cùng ông đánh mất tất cả, danh dự, sự nghiệp mà cả một đời vất vả dựng xây. Ông Nguyễn Quốc Anh bị khởi tố, bắt giam về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, không thông qua Đảng ủy, Ban Giám đốc mà tự quyết để Công ty BMS mang thiết bị đến bán cho bệnh viện, rồi hưởng lợi hoa hồng từ công ty này.

Mất bao nhiêu năm để đào tạo ra được những nhà giáo ưu tú, những thầy thuốc nhân dân, những anh hùng lao động như những nhân vật chúng tôi vừa kể trên? Khi họ vướng vòng lao lý, những người từng ở bên cạnh họ, thực sự hiểu họ rất muốn đổ lỗi cho một nguyên nhân nào đó, nhưng suy cho cùng,  làm gì có nguyên nhân nào khác ngoài việc không làm chủ được những ham muốn của chính mình.

Minh Trí
.
.