Áp lực con trẻ

Thứ Hai, 03/01/2022, 10:42

Lại một cậu nhóc học lớp 6 ở Goldmark City, Hà Nội nhảy từ tầng 22 xuống và tử vong. Lý do như gia đình cho biết: Tối 16/12/2021, do làm bài thi không tốt, cậu bé đã tìm đến cái chết.

Như thường lệ, nhiều phụ huynh lên án gay gắt những người làm giáo dục. Tại sao nói là giảm tải áp lực học hành cho các con mà các con vẫn bị áp lực để rồi những đứa trẻ phải đi tìm cái chết thế này? Rồi nhiều phụ huynh cũng nói về những cái giật mình của họ khi đọc được tin này. Hầu hết các cha mẹ sáng nay hẳn sẽ muốn ôm lấy con mình một cái, vỗ về con nhiều hơn. Vì không ai muốn con cái mình sẽ có lúc như thế.

Áp lực con trẻ -0

Cha mẹ nào cũng đau lòng. Tôi tin chắc rằng chẳng cha mẹ tiến bộ nào muốn tạo áp lực cho con cả. Nhất là trong việc học hành. Cậu nhóc lớp 6 hôm qua không phải đứa trẻ đầu tiên lựa chọn tìm đến cái chết vì áp lực học hành. Trước đó, đã có nhiều đứa trẻ khác. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 20% trẻ em và vị thành niên có rối loạn tâm thần, 50% khởi phát ở độ tuổi 14. Trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn tật ở trẻ vị thành niên. Tự tử là nguyên nhân thứ ba gây ra tử vong ở lứa tuổi 15-19.

Cũng theo tổ chức này, đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe con người (chỉ sau tim mạch). Ước tính mỗi năm có hàng chục ngàn người tự tử do trầm cảm, gấp 2,5 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông. Ở Việt Nam, báo cáo trước khi đại dịch COVID xảy ra cũng cho thấy tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần dao động từ 8-29% ở trẻ em và vị thành niên.

Trong đó, rối loạn cảm xúc là 11,5%, rối loạn ứng xử là 9,2%. Số liệu này chắc chắn còn cao hơn khi trẻ đang phải trải qua đại dịch COVID với việc học online và mất những tương tác xã hội. Nhưng có bao nhiêu phụ huynh thực sự tìm hiểu và lắng nghe cảm xúc của con mình? Bao nhiêu phụ huynh sẽ “đọc” được những dấu hiệu con họ đang gặp những vấn đề về tâm lý? Hay chúng ta vẫn nói câu cửa miệng: Trẻ con mà, buồn đấy rồi vui ngay. Chóng quên là đặc quyền của con trẻ.

Tôi đã từng thử ngó qua sách giáo khoa của các con mình. Nó khác nhiều so với sách giáo khoa của chúng ta thời bằng chúng. Bởi kiến thức ngày càng nhiều hơn theo sự phát triển của nhân loại. Lũ trẻ lớp 6 bây giờ chắc chắn học nhiều hơn chúng ta năm lớp 6. Đó là quy luật không đổi được. Chưa kể, những đứa trẻ con nhà khá giả sẽ còn phải học nhiều hơn vì có điều kiện để học nhiều hơn. Áp lực vì thế càng lớn hơn so với lũ trẻ nông thôn. Chúng ta, người lớn, vẫn hay nói về kim cương là than đá trải qua áp lực cao mà thành. Con cái của cha mẹ có điều kiện thì đương nhiên phải trở thành kim cương.

Chỉ khi cha mẹ không có điều kiện mới chấp nhận để con thua kém bạn bè. Lũ trẻ ngày nay vì thế bị nhiều áp lực hơn thời chúng ta còn là lũ trẻ. Chưa kể COVID khiến lũ trẻ phải học online, dù các nhà sư phạm có đưa ra hàng trăm cách giúp trẻ thư giãn, vận động nhưng áp lực vẫn là không đổi, tương tác xã hội không có. Nhiều trường, lớp dù dạy và học online nhưng KPIs vẫn như học trực tiếp, thậm chí nhiều hơn vì việc tập trung của lũ trẻ khi học online có giới hạn.

Áp lực con trẻ -0

Nhưng áp lực đổ lên đầu lũ trẻ nhiều khi không nằm ở kiến thức chúng phải học ở trường. Mà có khi lại từ ở nhà, từ yêu thương của chính các bậc làm cha làm mẹ. Nhiều cha mẹ tiến bộ miệng nói: “Tôi không bao giờ tạo áp lực học hành cho con” nhưng lại tự hào khoe điểm 10 của con trên mạng xã hội? Có bao nhiêu cha mẹ miệng nói: “Tôi có thể cho con lưu ban, học lại chứ không mạo hiểm cho con đến trường trong tình hình dịch bệnh thế này” nhưng vẫn quát mắng con liên tục khi con học online mà không tập trung, bị cô giáo nhắc nhở hay học online mà ngáp ngắn ngáp dài, chơi game “chui”… Covid đến, lũ trẻ ở nhà nhiều hơn nhưng quỹ thời gian của chúng kết nối với cha mẹ có khi lại ít hơn khi chúng đi học trực tiếp. Nếu như trước kia, trên đường đưa con đi học hoặc lúc tan học về, cha mẹ con cái có thể trò chuyện với nhau nhiều hơn thì nay, khi lũ trẻ ở nhà 24/24, kỳ quặc thay, thời gian nói chuyện lại ít đi. Tôi nhận ra điều này khi bắt gặp cô út nhà mình nói chuyện với “Bánh Mỳ Mèo” một con gấu bông của con, nhiều hơn khi nói chuyện với tôi. Tôi đã đem thắc mắc đó hỏi cô nàng thì cô nàng đáp: “Bởi con thấy bố bận quá, suốt ngày bố phải ngồi máy tính làm việc, họp hành. Con không muốn làm phiền bố”. Nếu như trước đây, tôi và cô nàng đi học cùng nhau, tan học về với nhau, đó sẽ là những khoảng thời gian rảnh rỗi hoàn toàn. Thì nay, 24/24h ở nhà với nhau, chúng tôi đã mất đi khoảng thời gian rảnh rỗi đó. Tôi nghĩ nhiều cha mẹ hẳn cũng như tôi. Cũng nghĩ rằng 24/24h đều bên nhau rồi thì có chuyện gì đâu để hỏi, để nói? Nên tôi cũng nghĩ cậu nhóc lớp 6 kia hẳn thiếu đi sự kết nối cùng cha mẹ mình dù Hà Nội vẫn đang học online suốt 8 tháng qua, cậu vẫn ở nhà cùng cha mẹ 24/7. Nhưng tại sao cậu không than với cha mẹ về những áp lực mình đang gặp phải?

Không! Tôi không trách cứ cha mẹ cậu bé đâu. Bởi tôi biết nhiều cha mẹ cũng như vậy, cả tôi. Yêu thương con cái của nhiều cha mẹ chính là một loại áp lực như thế. Khi mà con cái khoe với cha mẹ điểm 10 đỏ chót, tôi cũng như nhiều cha mẹ khác hẳn sẽ vô cùng vui vẻ. Chúng ta sẽ nói: “Bố tự hào về con”. Một câu khen ngợi vậy thôi nhưng lại có thể trở thành móc câu vào suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ. Và áp lực bắt đầu từ đó. Càng yêu cha mẹ, lũ trẻ càng muốn làm được những thứ khiến cha mẹ tự hào như vậy. Và ngược lại, nếu chúng không còn đạt được điểm 10 nữa, chúng sẽ thất vọng biết chừng nào. Dù tôi tin chắc rằng 99% các bậc cha mẹ không bao giờ thất vọng nếu con mình không đạt được điểm 10. Nhưng thật tiếc, lũ trẻ không nghĩ vậy. Cậu nhóc lớp 6 kia hẳn cũng không nghĩ rằng cha mẹ thất vọng nếu như cậu làm bài không tốt. Là cậu ta thất vọng mà thôi. Nỗi thất vọng vì muốn được thấy cha mẹ tự hào về mình.

Trong nhiều năm làm anh Chánh Văn trên báo “Hoa Học Trò”, tôi từng đọc rất nhiều những lá thư tâm sự như thế. Rằng con phải nỗ lực điên cuồng vì sợ ánh mắt thất vọng của bố, của mẹ. Con chỉ 9 điểm thôi cũng không được vì thế nào bố mẹ cũng hỏi: Thế trong lớp ai điểm 10? Tại sao con thua bạn ấy? Đôi khi nào phải vì bố mẹ gây áp lực, đòi hỏi con phải 10 điểm đâu, mà chỉ là vô tình hỏi vậy mà thôi. Nhưng đứa trẻ thất vọng về chính nó.

Lũ trẻ đang gặp những áp lực mà nhiều khi cha mẹ không biết. Có những loại áp lực mà chỉ lũ trẻ bây giờ mới có, thời của chúng ta trước đây chưa từng có. Thế nên thật thiếu sót nếu như cha mẹ thời nay lấy ngày xưa của mình ra làm thước đo để cho rằng “trẻ con mà, mình bị suốt thế có sao đâu”. Như thời chúng ta bị bạn bè chế nhạo chỉ tức khi đó rồi không thèm chơi với nó nữa. Còn lũ trẻ bây giờ thì chúng đều biết khái niệm về body shaming, về bắt nạt học đường. Thời của chúng ta một chế giễu chỉ truyền miệng, cùng lắm là qua giấy. Thời bọn trẻ bây giờ là những bài viết lưu giữ mãi mãi trên mạng xã hội, chúng nhận được cả những tấn công của người cách chúng hàng trăm km địa lý nhưng rất gần trên không gian mạng xã hội.

Những áp lực có thể đến với chúng từ nhiều hướng chứ không chỉ từ kiến thức, học hành. Rồi COVID đến, việc online 8 tiếng/ngày khiến lũ trẻ gặp nguy hiểm nhiều hơn trên môi trường số. Lại thêm việc không được ra ngoài, tiếp xúc vật lý với bạn bè, thiên nhiên, không khí ngoài trời… khiến lũ trẻ không thể giải tỏa áp lực. Chơi một trận bóng đá có thể giúp đứa trẻ tiêu hao năng lượng và quên đi áp lực học hành nhưng ở đâu cho lũ trẻ đá bóng? Gặp gỡ bạn bè có thể giúp trẻ nói ra hết những bức xúc, buồn bã, tâm sự giấu kín nhưng chúng có được gặp bạn bè đâu? Nên tâm sự của chúng cứ vì thế mà trĩu nặng trong lòng, giấu mãi.

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần trở thành một chiếc van xả áp lực cho con và tạo cho con nhiều cơ hội tiếp cận việc xả áp lực. Hôm nay, chúng ta có thể gập máy tính lại, bỏ điện thoại xuống, cùng xả áp lực với con được không?

Hoàng Anh Tú
.
.