Ấm tình dân tộc, nghĩa đồng bào
Những ngày đầu tháng 9/2024, miền Bắc liên tiếp phải hứng chịu mưa bão, đặc biệt là cơn bão số 3 (quốc tế định danh Yagi) và hoàn lưu của nó đã gây hậu quả nghiêm trọng nhiều ngày qua. Hàng trăm mạng người, hàng ngàn ngôi nhà, những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, bao vườn cây, nương ngô... bỗng chốc biến thành bình địa; hàng ngàn người phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất; vô số gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, nhấn chìm trong dòng nước, dòng bùn như thác đổ...
Trong nỗi đau xót ấy, tình người, tình nước, tình quân dân, nghĩa đồng bào Việt Nam càng tỏa sáng, góp phần xoa dịu nỗi đau và sớm khắc phục hậu quả kinh hoàng của thiên tai năm Giáp Thìn.
Ngay sau cơn bão số 3, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão lũ, sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân. Tại cuộc họp, người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, bên cạnh những chỉ đạo quyết đoán, kịp thời, đã bày tỏ sự chia sẻ, xót xa trước những mất mát, thiệt hại của nhân dân: “Mưa mà mấy ngày ngấm nước thế này là nguy cơ rất cao. Lũ lụt, rồi thậm chí đói. Người già, trẻ em, những người ốm đau bệnh tật bình thường cũng đã khổ rồi... Đấy là những đối tượng mà chúng ta phải rất quan tâm”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý: “Bây giờ để hỗ trợ địa phương là rất quan trọng, bởi còn nhiều nơi khó khăn lắm. "Bốn tại chỗ" đúng là duy trì nhưng trong tình thế cấp bách chưa từng có như thế này thì hỗ trợ là vô cùng quan trọng, nhất là những địa bàn trọng điểm. Ở đây chúng ta xác định như Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng, các tỉnh miền núi, rồi người già, trẻ em những người ốm đau, bệnh tật những đối tượng mà chúng ta phải rất quan tâm; đặc biệt tăng cường chỉ huy tại chỗ để cứu trợ nhân dân".
Tiếp đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thư thăm hỏi đồng bào vùng lũ. Sau khi ân cần thăm hỏi, sẻ chia những đau thương, mất mát, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh yêu cầu: “Với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, khẩn trương ổn định đời sống của người dân bị ảnh hưởng của cơn bão, tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động bình thường của đời sống xã hội; thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và người dân đã anh dũng hy sinh, bị thương khi tham gia cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân trong bão lũ... Tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung cao độ triển khai các kế hoạch, phương án khắc phục hậu quả bão số 3 với 5 mục tiêu như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
Trước mắt ưu tiên cứu người, đảm bảo để không người dân nào bị đói ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở; tiếp cận vùng bị cô lập; di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm; đảm bảo người bệnh có thuốc và được điều trị, trẻ em sớm được tới trường... Tăng cường công tác đảm bảo ANTT, xử lý nghiêm các hành vi gây mất ANTT, các hành vi trục lợi liên quan đến hỗ trợ đền bù thiệt hại; huy động sự chung tay của toàn xã hội hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ. Tôi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, đồng bào ta ở trong và ngoài nước trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và khả năng, điều kiện tiếp tục phát huy mạnh mẽ “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” hỗ trợ cao nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất, đến tận tay các gia đình bị thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra”.
Chấp hành chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Bộ Chính trị, với tinh thần vì dân phục vụ, lực lượng Công an, Quân đội, Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc các cấp... đã khẩn trương vào cuộc giúp dân trước, trong và sau bão lũ. Tại “điểm nóng, giọt đau” Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), hàng trăm CBCS Công an, Quân đội và các lực lượng liên quan đã tập trung cứu nạn, cứu hộ. Tính tới ngày 23/9, số người chết tại Làng Nủ đã lên tới 55 người, còn 12 người mất tích và 12 người bị thương đang điều trị tại bệnh viện. Hàng trăm CBCS các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tỉnh đội và Công an tỉnh Lào Cai đã dầm mình trong nước, trong bùn mò tìm nạn nhân mất tích... Mỗi thi thể được tìm thấy, dù đau xót nhưng cũng xoa dịu phần nào nỗi đau của những người đang sống.
Theo tường thuật của PV Báo CAND tại hiện trường vụ sạt lở Làng Nủ vào sáng 11/9: “Dưới lòng suối đục ngàu, quẩn đầy rác rưởi, gỗ, cây rừng và không biết cơ man nào là vật dụng của các hộ gia đình người gặp nạn bị cuốn phăng xuống, lực lượng Công an tỉnh Lào Cai vẫn quyết tâm và cẩn thận rà soát, tìm kiếm các nạn nhân. Quần thảo dưới lòng suối đục ngầu, Đại úy Trịnh Hồng Long, Hạ sĩ Vũ Tiến Quang Minh, chiến sĩ nghĩa vụ Mã A Đại, Hạ sĩ Tẩn Chòi Vầy... cùng các đồng đội vẫn bất chấp hiểm nguy cố gắng mò, tìm kiếm các nạn nhân”.
Tìm kiếm thi thể là nhiệm vụ rất gian nan, tiềm ẩn nguy hiểm; khi tìm được, việc đưa thi thể về bàn giao cho gia đình cũng là một hành trình vất vả. Trong vụ sạt lở đất tại xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, có nhiều người thiệt mạng, bị đất đá và nước lũ cuốn đi rất xa. Đến nay, lực lượng chức năng đã tìm thấy 39 thi thể. Trong đó có thi thể nạn nhân bị cuốn trôi đến tận xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc. Để đưa thi thể về huyện Nguyên Bình bàn giao cho gia đình, CBCS Công an huyện Bảo Lạc đã đặt lên cáng, cuốc bộ hơn 20 km qua nhiều tuyến đường rừng núi nguy hiểm giữa những cơn mưa tầm tã. Đây là cuộc “chạy đua với thời gian” đúng nghĩa, bởi mưa vẫn tiếp tục trút xuống, nguy cơ xuất hiện lũ còn hiện hữu, có thể cuốn phăng xa hơn, vùi sâu hơn thi thể các nạn nhân đã bị vùi lấp.
Cũng tại Lào Cai (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà), người dân thôn Kho Vàng - cái tên thật ấn tượng, đã thoát được một thảm họa chực chờ, nhờ sự quyết đoán của vị Trưởng thôn Ma Seo Chứ. Là trưởng thôn, thấy trời mưa bão tầm tã và linh cảm hiểm họa có thể giáng xuống, Ma Seo Chứ đã cùng một số người lên núi khảo sát, tìm nơi an toàn và vận động người dân thôn Kho Vàng dựng lán trại để di chuyển đến lánh nạn. Nhờ vậy, người dân thôn Kho Vàng đã thoát được kiếp nạn thiên tai.
Ở nhiều nơi khác như Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên... CBCS Công an, Quân đội, Thanh niên, lực lượng Bảo vệ ANTT ở cơ sở dầm mình trong mưa lũ, cứu hộ được nhiều người dân và tài sản, để lại hình ảnh đẹp, ấm áp về tình quân dân trong thiên tai, hoạn nạn. Những việc làm ý nghĩa, nhân văn trên, trước hết là trách nhiệm, nhiệm vụ của các lực lượng chức năng trong một nhà nước của dân, do dân và vì dân; đồng thời, cũng là tình quân dân, tình dân tộc cao đẹp.
Ở góc độ khác, tình người với nhau và cái nghĩa đồng bào của những người dân bình thường cũng thêm sáng rõ trong mưa bão. Cứu giúp người trong bão lớn Yagi ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội... như một lẽ tự nhiên, như tình thương yêu với chính người thân. Chúng ta đều trào dâng xúc động hình ảnh trên những đường phố ở Hạ Long, Hải Phòng hoặc cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân (Hà Nội)... khi thấy những người đi xe máy di chuyển rất nguy hiểm, có thể bị bão cuốn phăng, nhiều ô tô đang mải miết lăn bánh đã giảm tốc độ, kè sát, tạo thành “vòng ấm tình người trong bão” quanh những chiếc xe máy và cùng nhau di chuyển chầm chậm một cách an toàn. Hình ảnh đó lan truyền trên báo chí, mạng xã hội, đã góp phần nhân lên cái đẹp, cái thiện, tình nước, tình dân mà có lúc tưởng chừng đã bị cuộc sống hiện đại, hối hả làm cho phai nhạt.
Tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, từ trước khi chính quyền phát động quyên góp ủng hộ đồng bào vùng bão lũ, đã xuất hiện nhiều hoạt động tự nguyện góp tiền mua xuồng máy, áo phao, đèn pin, lương thực, thực phẩm... Nhiều nhà xe, rồi ngành Đường sắt cũng miễn phí vận chuyển người, phương tiện đi làm nhiệm vụ tự nguyện cứu nạn, giúp đỡ đồng bào đang gặp nạn. Trong rất nhiều nhà hảo tâm, có câu chuyện: Thượng tá Vi Văn Hải, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Yên Bái gọi điện cho một nữ nhà báo Công an - vốn luôn sốt sắng với công tác thiện nguyện.
Anh khoe bức ảnh chụp bên chiếc xuồng máy vừa được một doanh nghiệp đóng tàu ở Quảng Bình cho mượn. “Cái xuồng này, vượt thác lũ rất tốt, em ạ. Xuồng này mới cứu nạn, cứu hộ được”. Lập tức, nữ nhà báo Đinh Hiền quyết đoán: “Hay để em nói 500 anh em tặng đơn vị luôn”. Vậy là một trong số “500 anh em” đã đồng ý ủng hộ số tiền 170 triệu đồng mua luôn chiếc xuồng máy tặng Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Yên Bái. Chắc chắn, món quà ý nghĩa này sẽ phát huy tác dụng, góp phần cứu giúp được nhiều người dân vùng rốn lũ.
Cùng với trang thiết bị quyên góp tặng lực lượng chức năng, lương thực, thực phẩm, vật dụng thiết yếu tặng đồng bào; nước uống đóng chai, kể cả tiền mặt... liên tục được gửi ra Bắc.
Ngay sau cơn bão thế kỷ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến tận nơi bão lũ vừa tan để thăm hỏi, tặng quà, động viên đồng bào. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ đạo xây dựng mới cầu Phong Châu quy mô hiện đại và an toàn hơn. Thôn mới Làng Nủ cũng đã được Trung ương và tỉnh Lào Cai chốt phương án xây dựng ở đồi Sim, nơi địa hình bằng phẳng và an toàn; nỗi đau thương ở Làng Nủ sẽ nguôi ngoai, cuộc sống sẽ trở lại bình thường khi người dân được bốc thăm nhận nhà mới và đất canh tác...
Bão lũ rồi sẽ qua đi và trong tình dân tộc, nghĩa đồng bào, đau thương mất mát sẽ được xoa dịu, cuộc sống của bà con vùng lũ sẽ sớm trở lại bình thường. Âu cũng là phúc lớn của dòng giống Lạc Hồng!