Ai sẽ nói về nghệ thuật?

Chủ Nhật, 15/10/2023, 08:26

Kết thúc tháng 9 bằng một kỷ niệm đẹp mà có lẽ đáng gọi là dấu ấn lớn nhất trong cuộc đời mình, cảm giác lâng lâng của tôi như vẫn còn nguyên vẹn. Việc vở opera mà tôi tham gia trong tư cách đồng tác giả sáng tác đã được công diễn ở Nhà hát Lớn, Hà Nội, địa chỉ vốn chỉ cách căn nhà ấu thơ của tôi năm phút đi bộ, như một tưởng thưởng cho hơn 3 năm miệt mài lao động cùng người anh, người thầy, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng.

Có ai ngờ rằng cái tòa kiến trúc lẫy lừng ấy, nơi được xem là thánh đường nghệ thuật, lại là chốn tôi được ra mắt tác phẩm mà mình tham gia sáng tác. Và những tràng pháo tay của khán giả, lời động viên, chúc mừng của những đồng nghiệp, những lời động viên của Hoàng thái tử và Vương phi Nhật Bản càng giữ cho chúng tôi động lực hơn trong chặng đường khó khăn vô vàn: đi tìm chính mình trong nghệ thuật.

384392513_1708378266334140_7377577193469290022_n.jpg -0
Trên các trang báo mạng hàng ngày, nhan nhản những bài báo kiểu này

Lục lại ký ức mạng, tôi khá bất ngờ khi đọc được những dòng mình chia sẻ cách đây 8 năm về một bộ phim cũng nói về nghệ thuật, phim "The Soloist" (2009). Cuốn phim kể về cuộc đời của một nhân vật có thật, Nathaniel Ayers, và sự góp mặt của một nhà báo phê bình âm nhạc của tờ Los Angeles Times - Steve Lopez. Đại khái, Nathaniel bị tâm thần phân liệt. Ông chơi đàn trên phố, ông là người vô gia cư. Lopez nhận ra tài năng của Nathaniel, tìm hiểu về cuộc đời của ông và cố gắng giúp đỡ người đàn ông không nhận được ưu ái của số phận ấy. Giữa họ đã nảy sinh một tình bạn, có cả sóng gió, có cả những chữa lành.

Nhưng không chỉ Lopez mang lại sự thay đổi cho Nathaniel mà ngược lại, cũng chính Nathaniel đã thay đổi Lopez, một người cũng đi qua những thời khắc buồn nhất của đời sống. Cả cuốn phim ấy, thứ toát lên là tinh thần dấn thân của một nhà báo phê bình nghệ thuật. Thứ Lopez tìm ở Nathaniel không chỉ là một câu chuyện đủ sức ăn khách một vài kỳ cho một tờ báo. Thứ Lopez tìm còn là cách để phát triển một tài năng xứng tầm và làm mọi cách để tài năng ấy có thể có cơ hội trong nghề, bất chấp việc đó khó khăn đến nhường nào.

Sau khi xem cuốn phim này, tôi đã viết trên facebook của mình rằng "Xem xong phim "The Soloist", càng hiểu hơn một xã hội mặt bằng dân trí cao là như thế nào. Điển hình, phải là người yêu âm nhạc, hiểu âm nhạc thì một nhà báo như Lopez mới có thêm động lực để đi đến tận cùng như thế với một Nathaniel-Ayers-người-điên. Ở nước mình, trong toàn bộ những phóng viên văn hóa văn nghệ, có ai có được cảm thấu âm nhạc bằng phân nửa Lopez không?". Câu hỏi ấy của tôi, 8 năm trước, tới giờ vẫn còn nguyên đó, chưa thể nào trả lời.

Vở opera của chúng tôi công diễn xong, báo chí cũng viết về nó rất nhiều. Song, những gì tôi đọc được đa số na ná nhau, theo một khuôn mẫu từ thông cáo báo chí. Cách đây vài hôm, người anh thân thiết của tôi, nhạc sĩ Đức Trí, cũng có một đêm concert ở Hà Nội với lượng vé 4.000 chiếc được bán sạch từ sớm. Cả trước lẫn buổi diễn, tôi cũng cố gắng kiếm tìm xem có bao nhiêu bài báo viết về một đêm nhạc giàu tính nghệ thuật như thế. Và kết quả thì vẫn giống như những concert nằm trong chuỗi "Musique de Salon" mà anh miệt mài xây dựng suốt hơn 1 năm qua.

Người ta có thể rất cần anh mỗi khi kiếm tìm một ý kiến giàu tính chuyên môn; người ta có thể rất yêu thích các bài hits mà anh viết. Nhưng không hiểu tại sao, người ta lại ít viết những bài báo nghiêm túc về những chương trình nghiêm túc mà anh làm trong khi đó, họ sẵn sàng viết rất nhiều về những chương trình giải trí tạp nham vô bổ. Thậm chí, số lượng các bài viết theo kiểu "hôm nay ngôi sao A mặc gì"; "soi ngoại hình không tì vết của bạn trai/bạn gái sao B"… nằm trong các chuyên mục "Văn hóa văn nghệ" của nhiều tờ báo còn chiếm đại đa số. Chẳng hiểu, những thứ đó có phải là văn nghệ đúng nghĩa hay không?

Hay như mấy ngày nữa thôi, huyền thoại guitar thế giới Steve Vai, người từng giành 3 giải Grammy, sẽ trình diễn ở Nhà thi đấu Nguyễn Du, TP Hồ Chí Minh, nhưng cũng chẳng có tờ báo nào buồn đưa tin về ông. Tôi có hỏi một vài đồng nghiệp báo chí, và thậm chí có người trong số họ còn đặt ngược lại câu hỏi là: "Thế ngộ nhỡ ông ấy không làm truyền thông thì sao?". Câu hỏi này làm tôi bật ngửa. Một nhà báo thì phải đi tìm câu chuyện hay chứ đâu phải chỉ ngồi đó, đợi nhân vật đến nhờ vả kiểu "bác giúp em đi truyền thông cho sự kiện này".

Và tình cờ sao, sáng nay, ngồi xem "Không gian văn hóa nghệ thuật" của VTV1, tôi nghe được chia sẻ của nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang trong một chuyên đề về điêu khắc. Đại ý, anh nói rằng để điêu khắc phát triển thì cũng cần thêm cả sự hỗ trợ của truyền thông. Là một người làm nghề, tôi thấu hiểu điều Nguyễn Trường Giang đã nói. Nhiều người cầm bút dường như đã bỏ quên nghệ thuật quá lâu rồi. Lý do thì rất nhiều. Nhưng tôi cho rằng, lý do cơ bản là bản thân áp lực "lượt đọc" đã khiến họ (hoặc các biên tập) chủ trương đi tìm thế giới giải trí để đưa tin. Thế giới ấy thu hút đám đông nên dễ dàng tạo ra lượt truy cập lớn hơn rất nhiều. Trong khi đó, nghệ thuật thì "hẻo lượt xem" và để viết về nghệ thuật, cần lắm sự am hiểu về nghệ thuật.

Ai sẽ nói về nghệ thuật? -0

Cách đây mấy năm, trường nhạc MPU mà Đức Trí giảng dạy và là hiệu trưởng có mở các khóa "Cảm thụ âm nhạc" và trong số những học viên tham gia, có một vài nhà báo văn hóa, văn nghệ. Tôi để ý, sau khóa học ấy, họ viết về nghệ thuật âm nhạc tốt hơn rất nhiều, mạnh dạn hơn rất nhiều. Nhưng chỉ một vài người như thế không đủ sức nặng để thay đổi bộ mặt của báo chí "văn hoá văn nghệ". Tỷ trọng các tin bài về giải trí nhảm nhí vẫn áp đảo các tin bài về nghệ thuật. Và trong những than vãn của chúng ta về sự xuống cấp thẩm mĩ, tôi tự hỏi, báo chí có phần trách nhiệm nào ở đó hay không khi vai trò khơi gợi, dẫn dắt dư luận của báo chí là cực lớn.

Hãy thử truy cập trang điện tử của các tờ báo có sức lan tỏa lớn nhất hiện nay, và vào mục "Văn hóa”, chúng ta sẽ biết báo chí chủ yếu đang nói về những câu chuyện gì? Những nghệ sĩ lớn như Steve Vai, Tommy Emmanuel (thường xuyên sang Việt Nam biểu diễn) thực tế có tầm vóc trong làng guitar thế giới không khác gì Erling Halland có tầm vóc trong bóng đá cả. Chúng ta, ở vai trò của báo chí, cần săn tìm họ cho câu chuyện của mình hay đợi họ săn tìm chúng ta để "nhờ vả"? Chắc chắn, họ sẽ không nhờ vả chúng ta bao giờ rồi. Đơn giản, với họ, chỉ cần một bài đăng trên trang facebook cá nhân cũng đủ thu hút lượng fans hùng hậu của mình mua vé xem show.

Sẽ như thế nào nếu như nhà báo Steve Lopez không viết bài về Nathaniel Ayers mà dễ dãi kiếm tìm những nhân vật giải trí sẵn sàng gây shock trên sân khấu để tạo ra câu chuyện ăn khách? Họ có thể có danh tiếng dễ dàng hơn, có thu nhập tốt hơn. Nhưng cơ bản, ở cương vị những người cảm nhận rõ trách nhiệm của cá nhân mình với nghệ thuật, với công chúng, họ luôn day dứt nếu bỏ qua một cá nhân, một câu chuyện thấm đẫm chất bi kịch của một cuộc đời nghệ thuật. Cái trách nhiệm đó mới tạo nên một nhà báo đúng nghĩa. Còn chạy theo sự hào nhoáng, điệu đà lố lăng, chúng ta sẽ chỉ có những tay bút chìm lẫn vào trong đám đông của mạng xã hội cũng lố lăng không kém của ngày hôm nay.

Ký ức cũ, câu chuyện hiện tại, tất cả vẫn còn nguyên trạng thái không thay đổi suốt chục năm qua. Và tôi cảm thấy buồn hơn khi đồng nghiệp của mình đang nhìn tôi như một kẻ kỳ dị bởi cứ cố theo đuổi những thứ ít ai đọc, ít ai xem, ít ai nghe. Đã từ lâu rồi, chúng ta vắng giọng nói của những nhà phê bình thực sự trên các diễn đàn báo chí. Phải chăng, họ sợ hãi? Hay họ lạc hậu so với thời đại? Hoặc giả họ đã không còn được mời tham gia chỉ vì những gì họ phát biểu ra quá kén người xem.

Thế thì chúng ta có nên than vãn về thế hệ trẻ hôm nay dựa trên cái gọi là "dễ dãi trong gu thẩm mĩ" hay không? Tôi nghĩ, chúng ta có lỗi…

Hà Quang Minh
.
.