Yêu nhau kiểu ấy bằng mười hại nhau

Thứ Năm, 21/03/2019, 16:19
Rất nhiều người tự nhận là "cổ động viên bóng đá Việt Nam" lao vào trang Facebook của CLB Incheon (Hàn Quốc) để thoá mạ, chửi bới CLB này chỉ vì... Nguyễn Công Phượng đã không được ra sân.

Đấy là ngày khai mạc giải vô địch quốc gia Hàn Quốc năm nay, và đấy là trận đấu mà rất nhiều các cổ động viên Việt Nam săn lùng các đường link xem trực tiếp trên youtube. Phần lớn đều nghĩ rằng tiền đạo Nguyễn Công Phượng phải được ra sân. 

Và vì thế, khi không thấy Công Phượng ra sân, tất cả đã nổi đoá bằng màn chửi bới kể trên. "Xấu hổ! Quá xấu hổ với những cổ động viên trá hình này" - một thành viên chân chính, là cổ động viên lâu năm của Đội tuyển Việt Nam đã nói với chúng tôi như thế. 

Anh còn cho biết thêm: "Khi tất cả các thành viên của CLB Incheon, từ lãnh đạo, HLV đến các cầu thủ đều vào facebook, đọc những dòng chửi bới như thế này thì họ sẽ nghĩ gì về văn hoá bóng đá của chúng ta? Mà bây giờ thì khổ thân cho chính Công Phượng, bởi cậu ấy sẽ phải ăn nói như thế nào với những người đang cùng chung màu áo với mình?". 

Có thể nói, nếu những cổ động viên chân chính cảm thấy xấu hổ một thì lúc này có thể Công Phượng đang xấu hổ mười.

Công Phượng nhận áo số 23 tại Incheon Utd. Ảnh: L.G.

Nhưng câu chuyện ở đây không chỉ liên quan đến cá nhân Công Phượng, mà có thể còn liên quan đến những vấn đề lớn hơn rất nhiều. Ai cũng biết với sự hiện diện của HLV Park Hang Seo - người đưa Đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Suzuki Cup 2018, mối quan hệ giữa Liên đoàn bóng đá Việt Nam với Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc ngày càng bền chặt. 

Thông qua HLV Park Hang Seo, người Hàn Quốc cũng biết đến bóng đá Việt Nam, hiểu và yêu bóng đá Việt Nam hơn trước rất nhiều. Nên nhớ là trong suốt hành trình tham dự AFF Suzuki Cup năm 2018 của Đội tuyển Việt Nam, rất nhiều các phóng viên, các đài truyền hình Hàn Quốc đi theo tác nghiệp. 

Trận chung kết lượt về AFF Cup giữa Việt Nam và Malaysia trên sân Mỹ Đình thậm chí còn được tường thuật trực tiếp trên một đài truyền hình lớn tại Hàn Quốc. 

Khi mọi thứ đang diễn ra theo chiều hướng tốt đẹp như vậy thì những lời chửi bới, thoá mạ thiếu văn hoá của những người tự nhận là "cổ động viên Việt Nam" dành cho một CLB Hàn Quốc là không thể chấp nhận. Những lời chửi bới như thế làm méo mó cái nhìn của người Hàn về người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã đành, sẽ không quá lời nếu bảo nếu nó còn lặp lại thì thiện chí hợp tác của bóng đá Hàn Quốc với bóng đá Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng theo chiều hướng không tích cực.

Khi "lên cơn", đua nhau vào chửi bới trên trang facebook của CLB Incheon, người ta đơn giản chỉ nghĩ là chửi để cho thoả nỗi bực tức trong mình, cho dù đấy là một nỗi bực tức quái đản và vô lý, mà chắc chắn không nghĩ đến những tại hại khôn lường cho Công Phượng, cho các cổ động viên bóng đá chân chính, và cho chính sự phát triển lâu dài của bóng đá Việt Nam.

Tại sao lại nói đấy là một nỗi bực tức quái đản? Vì cần phải nhìn nhận một cách sòng phẳng rằng ngay cả trong màu áo Đội tuyển Việt Nam, không phải bất cứ trận đấu nào Công Phượng cũng được HLV Park Hang Seo đưa vào sân đá chính. 

Công Phượng ở Việt Nam không giống với Messi ở Argentina hay Messi ở Barcelona. Đó mới chỉ là bàn ở khuôn khổ của Đội tuyển Việt Nam, còn nếu phải mở rộng vấn đề, đặt trong hệ qui chiếu của nền bóng đá Hàn Quốc thì Công Phượng chắc chắn cũng chưa phải là một cầu thủ lớn. 

Đã không phải là cầu thủ lớn - cầu thủ trụ cột - cầu thủ không thể thay thế thì việc Công Phượng phải ngồi dự bị suốt 90 phút của một trận đấu là điều hết sức bình thường. 

Hãy nghe HLV trưởng CLB Incheon, ông Jorn Andersen nói về cái điều rất đỗi bình thường này: "Cũng như tất cả các cầu thủ khác, một cầu thủ mới đến như Công Phượng cần thời gian để thích nghi với môi trường mới. Khi nào cậu ấy thực sự thích nghi, và có một sự sẵn sàng cao nhất, tôi sẽ để cậu ấy vào sân". 

Đấy, một điều bình thường như hơi thở nhưng dưới lăng kính của một bộ phận các cổ động viên Việt Nam thì nó lại là điều bất thường. Và chỉ cần mình cho là bất thường thì sẵn sàng lao vào... chửi bới.

Nhưng nhìn nhận trên diện   rộng mới thấy, đây không phải là lần đầu tiên mà một bộ phận cổ động viên quá khích truy tìm facebook của những người mình "kết tội" để chửi bới một cách vô văn hoá như thế. 

Trong các trận đấu của Đội tuyển Việt Nam ở cấp châu lục và khu vực gần đây, cứ hễ khi nào không đồng tình với một quyết định của trọng tài là một bộ phận những cổ động viên của chúng ta lại rủ nhau tìm bằng được facebook của ông trọng tài để... chửi. 

Cựu trọng tài Đoàn Phú Tấn, một trong những người hiểu công tác trọng tài nhất ở Việt Nam hiện nay từng có lần chua chát nói với chúng tôi: "Rất nhiều trường hợp trọng tài rút thẻ, thổi phạt đền Việt Nam một cách đúng luật. Nhưng người ta cứ nghĩ đấy là thổi ép, bắt ép, và cứ thế lao vào facebook chửi. Xấu hổ vô cùng!".

Chửi CLB nước ngoài, chửi trọng tài rồi đôi khi họ còn quay sang chửi chính cầu thủ nhà mình. Chúng ta chưa quên ở kỳ SEA Games gần đây nhất, sau trận Việt Nam  hoà Indonesia 0-0 ở vòng đấu bảng thì facebook của một cầu thủ nọ cũng bị tấn công, hành hạ không thương tiếc. Rất nhiều anh hùng bàn phím lao vào facebook cầu thủ này, dành cho anh ta những câu chữ không thể tục tĩu, phản cảm hơn. 

Tại sao thế? Tại cầu thủ này "dám" sút bóng chạm cột dọc khung thành Indonesia trong một tình huống mà ai cũng nghĩ là "sút vào trong dễ hơn sút ra ngoài". Thế đấy! Chỉ vì dứt điểm không chính xác một pha bóng ngon ăn, khiến đội nhà không thể giành được 3 điểm như trong kế hoạch, là một cầu thủ đã bị những anh hùng bàn phím đưa lên... đoạn đầu đài.

Tất cả những màn chửi bới tập thể như thế nói lên điều gì? Trước hết, nó buộc chúng ta phải giải mã một vấn đề: chúng ta có yêu bóng đá thực không? Nếu chỉ nhìn vào những cơn "sốt vé" trong những trận đấu của Đội tuyển Việt Nam hay những lần mà cả trăm ngàn các cổ động viên lao xuống đường ăn mừng một chiến thắng để kết luận, chúng ta là một dân tộc yêu bóng đá thì theo chúng tôi đấy là một cái nhìn chưa đầy đủ. Bởi khi đã chiến thắng thì ai cũng có thể dễ dàng "vỗ tay vào", đấy là còn chưa nói có rất nhiều người "vỗ tay vào" vì a dua a tòng, chứ không hẳn vì hiểu và yêu đích thực. 

Ngoài ra, khái niệm "Đội tuyển bóng đá Quốc gia" đã chứa đựng trong nó những thứ giá trị vượt khỏi khuôn khổ của bóng đá thuần tuý. Đội tuyển bóng đá của một quốc gia trong rất nhiều trường hợp là hình ảnh biểu trưng cho màu cờ sắc áo của quốc gia ấy, cho niềm tự hào của đông đảo người dân nói chung với quốc gia ấy.

Cho nên để đánh giá một người - một nhóm người - một cộng đồng người có đích thực yêu bóng đá hay không người ta cần phải căn cứ vào những thước đo khác. 

Chẳng hạn như khi Đội tuyển quốc gia thất bại thì sao? Rồi gạt phạm trù Đội tuyển quốc gia sang một bên, ở những giải đấu cấp CLB, chẳng hạn như giải vô địch quốc gia thì tình yêu bóng đá - nếu có được biểu hiện cụ thể và bền bỉ như thế nào? 

Khi Đội tuyển Quốc gia thi đấu thì "sốt vé" còn hàng loạt CLB thi đấu trong cảnh "ế vé" thì tình yêu ấy có lẽ cần xem xét lại. 

Khi Đội tuyển Quốc gia chiến thắng, giành chức vô địch thì tất cả "vỗ tay vào", nhưng khi đội tuyển Quốc gia bại trận (mà đơn giản là bại trận vì chuyên môn, chứ không phải vì bán độ) lại nhanh chóng quay ra chửi bới, "lên cơn" tập thể thì cái gọi là "tình yêu" đó xem ra chỉ là một tình yêu trá hình. 

Người Việt Nam có yêu bóng đá thực sự không? Lâu nay chúng ta vẫn tự tin trả lời là "có", nhưng nếu bình tĩnh suy xét các tiêu chí, trên một góc nhìn rộng, ở nhiều cấp độ khác nhau thì câu trả lời không hề đơn giản.

Mới chỉ là chuyện yêu hay không yêu đã rất không đơn giản rồi. Nhưng còn một khía cạnh không đơn giản nữa, đó là ngay cả khi đích thực "yêu bóng đá", nhưng "yêu bóng đá" đã đồng nhất với việc có "văn hoá bóng đá" hay chưa?

Nếu chỉ nhìn vấn đề ở phương diện hiện tượng thuần tuý thì chứng kiến những trận đấu kín mít khán giả của các Đội tuyển Quốc gia Lào, Campuchia, trên những sân vận động quốc gia Lào hay Campuchia, ai cũng có thể kết luận: "Người Lào yêu bóng đá lắm!" hoặc "Người Campuchia yêu bóng đá lắm!".

Nhưng suy xét kĩ ở góc độ bản chất thì Lào, Campuchia, Việt Nam hay ở rất nhiều quốc gia, rất nhiều nền bóng đá khác: trong rất nhiều trường hợp cứ tưởng là người ta yêu bóng đá, nhưng thực ra người ta chỉ yêu cảm xúc của mình. Mà trong rất nhiều trường hợp, yêu nhau như thế bằng mười hại nhau!

Diệp Xưa
.
.