Với người tài, câu chuyện đâu chỉ là tiền bạc!

Thứ Sáu, 12/10/2018, 16:59
Phần lớn nhân tài đều mong muốn được phụng sự cho đất nước, quê hương mình. Nhưng sau đó, do những va vấp thực tế mà không ít người lại chọn môi trường sống và làm việc ở nước ngoài, chứ không phải ở quê hương như những gì họ mong muốn. 

Kính thưa quý báo!

Mấy ngày này tôi đặc biệt quan tâm và suy nghĩ nhiều quanh thông tin Bộ Giáo dục - Đào tạo đang xây dựng Nghị định về chế độ khen thưởng mới đối với học sinh, sinh viên đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế; kỹ năng nghề quốc gia, quốc tế. 

Đây là một điều hết sức cần thiết, vì gắn bó với các  em sinh giỏi quốc gia từ nhiều năm nay, tôi biết rằng mức thưởng 15.000.000 đồng đang áp dụng được xây dựng từ thời điểm mà mức lương cơ sở chỉ là 210.000 đồng/tháng. Và nếu cứ giữ mức thưởng khiêm tốn như vậy thì hết sức vô lý, vì mức lương cơ sở hiện nay đã là 1.300.000 đồng/tháng.

Theo dự thảo của Nghị định thì những học sinh, sinh viên đoạt được Huy chương vàng quốc tế sẽ được thưởng bằng 50 lần mức lương cơ sở, tính ra vào khoảng 65.000.000 đồng. Các mức thưởng cho huy chương bạc, huy chương đồng lần lượt là 43.000.000 đồng và 29.000.000 đồng. 

Đoàn học sinh Việt Nam đoạt giải cao tại kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế (IMS). Ảnh: L.G.

Thưa quý báo, từ 15 triệu đồng lên 65 triệu đồng rõ ràng là một thay đổi đáng kể, và chắc chắn các em học sinh, sinh viên sẽ rất phấn khởi với những thay đổi này. Phấn khởi không chỉ vì chuyện tiền, mà vì rõ ràng nó cho thấy thành quả, công sức của các em đã được ghi nhận một cách xứng đáng hơn rất nhiều.

Nhưng thưa quý báo, mặc dù mọi so sánh đều vô cùng khập khiễng nhưng tôi vẫn muốn đưa ra một sự thực để chúng ta tham khảo, đó là ở đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 29 diễn ra năm ngoái, mỗi VĐV đoạt huy chương vàng được thưởng cả tiền mặt lẫn hiện vật, mà tính ra thì tổng số tiền vào khoảng 70 triệu đồng. 

Như thế có nghĩa, một học sinh, sinh viên đoạt HCV các cuộc thi quốc tế vẫn không được thưởng tương đương như một VĐV thể thao đoạt HCV Đông Nam Á. 

Như đã nói, tôi hiểu mọi so sánh đều rất khập khiễng, nhưng không hiểu sao cá nhân tôi vẫn suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này. Chúng ta vẫn nói, thời đại 4.0, tri thức phải được xem trọng hơn bao giờ hết, vậy thì mức đãi ngộ mà chúng ta dành cho tri thức đã thực sự xứng đáng chưa?

Chưa hết, điều tôi muốn nói ở đây không chỉ là chuyện tiền thưởng vốn mang nặng tính vật chất, và vốn chỉ là câu chuyện ở một thời điểm, một hoàn cảnh cụ thể trong cuộc đời một con người. Điều đáng suy nghĩ tiếp theo đó là sau khi các học sinh, sinh viên giỏi đạt thành tích, nghĩa là chính thức trở thành những nhân tài quốc gia thì họ sẽ được tạo một đường băng phát triển như thế nào? 

Liệu chúng ta có nghĩ đến những mức học bổng đặc biệt dành cho họ hay không? Và sau một quá trình tiếp tục học tập, rèn luyện, chính thức bước chân vào đời thì cuộc đời liệu có thực sự chào đón họ, giúp họ phát huy tối đa năng lực vốn có của mình không?

Đã từng gặp gỡ, tiếp xúc, và gắn bó với không ít những em học sinh giỏi quốc gia, tôi dám khẳng định rằng phần lớn những nhân tài đó đều mong muốn được phụng sự cho đất nước, quê hương mình. Nhưng sau đó, do những va vấp thực tế mà không ít người lại chọn môi trường sống và làm việc ở nước ngoài, chứ không phải ở quê hương như những gì họ mong muốn lúc đầu. 

Do vậy trở lại câu chuyện chúng ta đang bàn thảo nghị định tăng thưởng cho những học sinh, sinh viên chứng minh  được tài năng của mình ở những đấu trường tri thức quốc tế, như đã nói, đấy là một việc làm cần thiết, nhưng cần thiết và quan trọng hơn là sau những tấm huy chương - những mức thưởng là một con đường phát triển như thế nào?

Xin bày tỏ tất cả tâm tư này với quý báo, và mong nhận được câu trả lời từ quý báo. Xin chân thành cảm ơn!

Nguyễn Thành Sơn (Nam Định)

Kính gửi độc giả Nguyễn Thành Sơn!

Trước hết xin được đề cập đến những trăn trở của độc giả về việc một VĐV vô địch SEA Games 29 được thưởng 70 triệu đồng, trong khi một học sinh, sinh viên đoạt HCV tri thức quốc tế chỉ được thưởng khoảng 65 triệu đồng (nếu nghị định mới được thông qua). 

Đúng như độc giả đã nói, mọi so sánh bản thân nó đã rất khập khiễng, nhưng cụ thể trong trường hợp này còn có một sự khập khiễng nữa cần phải phân tích, đó là mức thưởng cho một VĐV đoạt huy chương SEA Games một phần đến từ ngân sách, nhưng một phần quan trọng đến từ sự đóng góp, tài trợ của xã hội; trong khi đó mức thưởng 65 triệu đồng cho một học sinh, sinh viên đoạt HCV quốc tế hoàn toàn đến từ tiền ngân sách. Câu hỏi đặt ra: Vậy tại sao chúng ta không kêu gọi các nguồn lực xã hội cùng tham gia?

Sự thực là những năm qua một vài địa phương đã kêu gọi và cũng đã nhận được một sự hợp tác nhất định, nhưng nói gì thì nói, kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp “đổ tiền” vào một học sinh/sinh viên đoạt HCV tri thức chắc chắn khó hơn nhiều so với việc kêu gọi họ đổ tiền vào một VĐV đoạt HCV thể thao. 

Bởi vì ai cũng hiểu là sức lan toả truyền thông của trường hợp thứ hai cao hơn hẳn trường hợp thứ nhất, mà với phần lớn các doanh nghiệp thì sức lan toả truyền thông có ý nghĩa sống còn. Câu chuyện này làm chúng tôi sực nhớ đến một lần ngồi nói chuyện với nhà báo - chuyên gia bình luận bóng đá Vũ Công Lập. 

Hồi ấy chúng tôi đặt câu hỏi cho ông Lập: “Ông nghĩ gì khi phần lớn mọi người chỉ biết ông là một gương mặt bình luận bóng đá trên truyền hình, chứ rất ít người biết thực ra ông là một tiến sĩ vật lý y sinh?”. 

Ông Lập cười khà khà rồi bảo, ông chẳng lấy đó làm buồn, vì đơn giản là sức quảng bá, lan toả của bóng đá lớn hơn nhiều so với lĩnh vực khoa học, ít nhất là ở trong trường hợp của ông. 

Thế nên, nếu chúng ta cứ mở ra những so sánh kiểu này, đại loại như so sánh “giá” của một cầu thủ với một cô người mẫu, rồi lại so sánh  “giá” của một cô người mẫu với một cô hoa hậu thì câu chuyện sẽ không bao giờ có điểm dừng, và cái mà chúng ta dễ quy cho là “bất công” hay “bất bình đẳng” cứ diễn ra vĩnh cửu.

Thưa độc giả Nguyễn Thành Sơn, nhưng chúng tôi hiểu điều sâu xa mà độc giả muốn đề cập ở đây không hẳn là việc thưởng bao nhiêu cho những học sinh/ sinh viên đoạt giải ở những kỳ thi quốc tế thì xứng đáng, mà là sau đó, chúng ta sẽ tạo điều kiện cho những nhân tài này tiếp tục học tập, rèn luyện và hành nghề như thế nào? 

Phải nói ngay là chúng tôi rất tâm đắc với một cách nhìn, một trăn trở như thế. Bởi thực tế cuộc sống cho thấy mặc dù những đề án phát triển, sử dụng người tài không ngừng được địa phương này, địa phương kia thực hiện, nhưng rốt cuộc một câu hỏi lớn vẫn cứ treo lơ lửng: Vì sao nhiều người tài vẫn cứ ra đi?

Cách đây 2 tháng, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã công khai trả lời câu hỏi này trong một cuộc đối thoại đặc biệt với hàng trăm nhân tài địa phương. 

Ông Huỳnh Đức Thơ bảo rằng: “Vấn đề tuyển dụng viên chức, công chức có tình trạng thi cử không công bằng. Có ý cho ai trúng thì chia bảng, dồn những em giỏi vào cạnh tranh quyết liệt thì rớt thôi. Có em thi á khoa rồi mà vẫn rớt. Các sở phải tính toán chứ đừng để đến khi các em bỏ đi vì không thỏa mãn việc này”. 

Rồi ông lại bảo: “Ông lãnh đạo không tốt, dễ quy chụp các bạn. Chẳng hạn nói: học cho lắm, bằng này bằng nọ mà về làm ngơ ngơ là các bạn sốc và buồn ngay. Lãnh đạo nói thế là không phù hợp”. 

Như vậy có nghĩa, theo ông Huỳnh Đức Thơ thì lý do chưa trọng dụng được người tài nằm ở việc cách thức tuyển chọn người tài chưa thực chất và thái độ, ứng xử với người tài chưa thể hiện được một sự trân trọng như lẽ ra phải có.

Nếu đấy là góc nhìn của một nhà quản lý thì những chia sẻ của Tiến sĩ Giáp Văn Dương, người từng có thời gian làm việc ở Đại học Liverpool (Anh) và Đại học Quốc gia Singapore trước khi về Việt Nam lại là cái nhìn của một người trong cuộc: “Trong khu vực công, có thể nói môi trường để người trẻ phát huy tài năng ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Bởi trong một cơ quan hay tổ chức, để làm được bất cứ việc gì thì thường phải qua những quy trình rất phức tạp. 

Nhiều khi quy trình bày ra chỉ để kiểm soát, chứ không phải để hỗ trợ. Khi bổ nhiệm chức vụ thường phải quy hoạch, cơ cấu nhân sự, phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chính trị này khác mà trên thực tế, không liên quan gì đến công việc. Ngoài ra, văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng vẫn trọng những người có tuổi tác, nên xảy ra tình trạng “sống lâu lên lão làng”. Những người có kinh nghiệm trong quan hệ “ngoại giao” bao giờ cũng chiếm ưu thế hơn là người trẻ có tài năng thực sự. Mà thứ “ngoại giao” này thì vô cùng phức tạp, vô cùng đặc thù, chỉ nghe qua đã thấy nản. 

Tuy gần đây, nhiều nơi có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài nhưng người giỏi vẫn không muốn đến làm việc. Vì sao? Chỉ có thể kết luận là sự trọng dụng đó chưa thực sự là trọng dụng. Chỉ là hình thức chứ chưa phải là thực tâm trọng dụng. Nhiều địa phương, đơn vị thực hiện những giải pháp đó như là triển khai một dự án để giải ngân hay thậm chí là chạy theo “bệnh thành tích”. 

Tỉnh bạn có chương trình trọng dụng nhân tài thì mình cũng phải có chương trình này cho bằng bạn bằng bè. Nếu Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách để thu hút nhân tài nhưng không phát huy tác dụng thì chúng ta phải đặt câu hỏi là nguyên nhân là do nhân tài hay chính sách đưa ra không khả thi?” (Trả lời phỏng vấn báo điện tử Vov.vn). 

Chúng tôi tin rằng, rất nhiều người đồng cảm với một cách nhìn nhận đầy tính thực tiễn này.

Và trước khi kết thúc, chúng tôi cũng muốn chia sẻ thêm một câu chuyện nữa của nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu, khi ông bảo ông đã từng rất trọng dụng Bác sĩ, Phó giáo sư Tôn Thất Bách, và rất muốn ông Tôn Thất Bách làm Bộ trưởng Bộ Y tế. Nhưng ngặt một nỗi ông Tôn Thất Bách khi ấy lại chưa vào Đảng, nên có muốn trọng dụng cũng không được. 

Từ câu chuyện này, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu hỏi ngược lại chúng tôi: “Bây giờ tôi thấy có nhiều cháu tuy còn trẻ nhưng giỏi lắm. Chỉ có điều các cháu không vào Đảng. Vậy chỉ vì không vào Đảng mà tài năng của các cháu không được tận dụng, các cháu không thể đảm nhiệm những vị trí quan trọng ư?”.

Rõ ràng, mặc dù chúng ta đã thay đổi rất nhiều, và phải khẳng định là thay đổi theo chiều hướng tích cực lên, nhưng vẫn còn những rào cản nhất định để người tài có thể phát huy tối đa nguồn năng lượng của mình.

Xin cảm ơn một vấn đề rất đáng suy nghĩ mà độc giả Nguyễn Thành Sơn đã đặt ra.

Nhà báo Hoàng Nguyễn
.
.