Trong nếp gấp của những lá cờ

Thứ Ba, 06/07/2021, 10:19
Cần phải khẳng định rõ: Phân biệt chủng tộc không chỉ là một tệ nạn. Đó còn là một nỗi hổ thẹn, không chỉ trong xã hội Mỹ mà tại bất cứ nơi nào trên thế giới. Tuy nhiên, tấm huy chương nào cũng có mặt trái. Hay nói cách khác, những điều tốt đẹp, nếu không được thực hiện bằng tất cả sự chân thành, luôn có thể biến tướng để ít nhất là mang theo trong mình rất nhiều sự giả dối.


Giáo dục là chìa khóa mở mọi cánh cửa

"Tôi từ bỏ, sau khi đã học được những sự thật xấu xí, ở vai trò của người trong cuộc". Cuối tháng 5-2021, một bản tin mang theo thông điệp ấy được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, và cả các mạng xã hội Mỹ. Tuy nhiên, nó chẳng gây được nhiều tiếng vang. 

Bởi lẽ, thời điểm đó, dư luận nước Mỹ cũng như thế giới đang tập trung nhiều hơn đến những tiến trình ngoại giao mà đương kim Tổng thống Joe Biden chuẩn bị thực hiện. Và bởi lẽ, nhân vật chính của câu chuyện - Rashard Tunner - lại đề cập đến một vấn đề khá tế nhị: Phong trào Black Lives Matter (tạm dịch: Mạng sống của người da đen cũng có giá trị).

 Black Lives Matter (BLM) từ lâu không còn là một khái niệm xa lạ, đối với bất cứ ai có hứng thú theo dõi tin tức quốc tế. Nó gắn liền với những cuộc biểu tình làm nước Mỹ rung chuyển, nhằm phản đối tình trạng sử dụng vũ lực bừa bãi (đặc biệt là đối với các nghi phạm da màu) của cảnh sát da trắng Mỹ. 

Đỉnh điểm, cái chết của George  Floyd, người đàn ông Mỹ gốc Phi 46 tuổi, ở Minneapolis (ngày 25-5-2020), thổi bùng lên một đợt phản kháng dữ dội quét qua khắp nước Mỹ, và gây tiếng vang trên toàn thế giới.

Cái chết của George Floyd làm rung chuyển nước Mỹ .

Không thể phủ nhận, BLM mang đến những thông điệp bức thiết về công bằng và bình đẳng, về cách đối xử nhân văn giữa người với người. 

Cũng không thể phủ nhận, những hiệu ứng từ BLM góp phần quan trọng vào chiến thắng của đương kim Tổng thống Joe Biden cũng như đảng Dân chủ, trong cuộc bầu cử nước Mỹ diễn ra cuối năm 2020, trước cựu Tổng thống Donald Trump và đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên, Rashard Tunner thì lại là một cái tên còn lạ lẫm, cho dù đó chính là người sáng lập phong trào này tại thành phố St Paul (bang Minesotta). Cũng không có gì bất ngờ. Phải đến khi chính Tunner đăng tải một video lên Twitter, ngày 31-5, mọi người mới thực sự biết vai trò đích thực mà anh từng nắm giữ.

Năm nay 35 tuổi, Rashard Tunner, từng có một ước mơ rất "truyền thống". Chia sẻ với trang NPR, anh kể rằng thuở bé anh hay chơi cảnh sát bắt tội phạm cùng bạn bè trong khu phố. "Tôi đã luôn đóng vai cảnh sát" - anh hồi tưởng. 

Với anh, cảnh sát luôn là người tốt. Điều này có lẽ xuất phát từ một bi kịch. Khi Tunner mới hai tuổi, cha của anh bị bắn chết. "Không ai mất cha của mình theo cách đó" - cậu bé Tunner từng tự nhủ, và theo trí óc non nớt đó, sự hiện hữu của lực lượng cảnh sát "là một cách để bảo vệ cộng đồng". 

"Mẹ tôi không đủ khả năng nuôi dưỡng và chăm sóc tôi, vì thế, tôi được nuôi dạy bởi ông bà. Ông bà tôi dạy tôi rằng: Nếu muốn thay đổi cuộc đời, đáp án duy nhất là học thức và giáo dục. Vì thế, tôi học hành rất chăm chỉ. Tôi nỗ lực trên giảng đường. Tôi đỗ đại học, lấy bằng cử nhân, làm việc chăm chỉ để nuôi sống gia đình mình. Sau đó, tôi học lên Thạc sĩ giáo dục, tại Đại học Minesotta. Tôi chính là bằng chứng sống khẳng định rằng: Bất kể bạn vào đời bằng cách nào, chất lượng giáo dục cũng là con đường dẫn đến thành công".

Vậy thì, vì sao Rashard Tunner đến với BLM? "Tôi muốn những thành công tương tự như tôi cũng có thể đến với trẻ em trong cộng đồng của chúng tôi. Vì thế, vào năm 2015, tôi bắt đầu xây dựng BLM ở thành phố St Paul, bang Minesotta. Tôi tin rằng tổ chức này đại diện cho cái tên mà nó thể hiện, nghĩa là cuộc sống của người da đen cũng mang những ý nghĩa riêng".

Rashard Tunner từng là một lãnh tụ BLM tại St Paul.

"Người trong cuộc"

Thế rồi, vì sao Rashard Tunner lại quyết định từ bỏ những gì anh đã tỉ mẩn vun đắp? Đây chính là điều, theo cách nói quen thuộc, "bóng tối dưới chân ngọn nến". Hay nói cách khác, "ở trong chăn mới biết chăn có rận".

Đại diện BLM thành phố St Paul, Rashard Tunner có cơ hội tiến sâu hơn, và tiếp xúc gần hơn với những tầng sâu của phong trào này, trên phạm vi của toàn bang. Để rồi, nỗi thất vọng trong anh mỗi lúc một trở nên trĩu nặng.

"Sau một năm, tôi nhận ra BLM không quan tâm mấy đến việc xây dựng các gia đình trong cộng đồng da màu, và thậm chí còn ít quan tâm hơn đến chuyện cải thiện chất lượng giáo dục cho học sinh da màu ở Minneapolis. Điều đó đã được thể hiện một cách rõ ràng khi họ công khai "đấu tố" các trường bán công, cũng như công đoàn giáo viên. 

Tôi là thành viên BLM, và tôi chứng kiến sự thật xấu xí: Các chính sách hạn chế đối với những trường bán công không hề góp phần tái xây dựng cộng đồng da đen. Ngược lại, nó đã tạo thêm rào cản cho việc cải thiện chính sách giáo dục dành cho trẻ em da màu.

Sau một năm rưỡi tham gia hoạt động, tôi từ bỏ BLM. Song, tôi không hề từ bỏ việc cải thiện đời sống của người da màu, và tạo điều kiện cho trẻ em tiếp cận với những tiêu chuẩn giáo dục tốt hơn".

"Được giáo dục" và "trở nên có giáo dục", đó mới là điều Rashard Tunner mong mỏi nhất, cho những đứa trẻ Mỹ gốc Phi sinh ra ở hoàn cảnh như mình. Có thể anh không hoàn toàn đúng, hoặc cũng có thể anh hoàn toàn sai khi từ chối dấn thân vào các cuộc xuống đường mang tính bạo động, và thể hiện tinh thần phản kháng theo cách để cho mọi cảm giác giận dữ bộc phát đến tận cùng. 

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận, Tunner có những tấm gương, về việc giáo dục có thể trở thành nền tảng thay đổi số phận và vị thế của người da màu như thế nào. Anh nhìn thấy điều đó ở Martin Luther King, ở Barack Obama - vị tổng thống da màu đầu tiên của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Và ở chính anh, dĩ nhiên.

Nhưng anh nhận ra, bạo lực không phải là cách giải quyết vấn đề. Vấn đề cốt lõi nằm ở giáo dục.

Rashard Tunner, trong sâu thẳm, không đồng ý với chính việc đưa cái chết của George Floyd thành một biểu tượng đấu tranh. Cho dù vẫn luôn luôn căm ghét sự thô lỗ cũng như những hành động miệt thị mà những viên cảnh sát da trắng không ngại ngần bộc lộ với người da màu, cho dù không còn muốn làm cảnh sát như thời thơ ấu nữa, anh vẫn kinh hoàng trước những gì BLM mang tới. Ngồi xem video về cái chết của George Floyd, anh tự nhủ với chính mình: "Thế là một thời kỳ đen tối lại đã đến".

Không phải kiểu "đen tối" mà mọi người dễ dàng liên tưởng, khi đọc đến đây. Đó là kiểu "đen tối" mà Rashard Tunner, bằng mọi cách có thể, cố gắng bảo vệ cho cộng đồng quanh mình, khi những đám thanh niên da đen ùa tới và rủ rê tất cả mọi người tham gia các cuộc bạo động. Anh từ chối họ, một cách thẳng thừng. Anh dọa sẽ báo chính quyền. Anh buộc họ phải tiu nghỉu đi ra khỏi khuôn viên nhà riêng.

Song, chỉ thế thôi. Rashard Tunner quá lẻ loi, và không đủ sức thuyết phục đám đông hỗn loạn ấy rằng việc họ lợi dụng những cuộc biểu tình để đập phá, cướp bóc các cửa hàng và hủy hoại nền kinh tế những nơi mà họ đi qua sẽ chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ, cũng như chỉ khiến hố sâu chia rẽ càng trở nên khó san lấp. 

Thực tế là khi những nhóm cánh hữu da trắng mang súng xuống đường (theo luật Mỹ cho phép) để ngăn cản sự tàn phá của ngọn lửa BLM, họ đã nhận được không ít sự ủng hộ từ dư luận trung lập, như Rashard.

BLM, trong những trường hợp cụ thể này, chỉ còn hướng đến mục tiêu bình đẳng cho người da đen về vật chất. Trong khi, điều có giá trị đích thực đối với Tunner lại là sự bình đẳng về kiến thức, về cách tiếp cận và kỹ năng xử lý mọi vấn đề trong thế giới hiện đại, một cách ôn hòa và văn minh.

Và cuối cùng, anh đã lên tiếng, để kể lại câu chuyện của mình. Trước đó, vì lý do này hay vì lý do kia, những lãnh tụ BLM nước Mỹ đã kịp than thở trên mạng xã hội, rằng họ bị chính quyền mới lãng quên ngay sau cuộc bầu cử rồi… 

* Trong video dài hơn 8 phút được tung lên mạng, George Floyd đã chết sau khi bị Derek Chauvin chẹn đầu gối vào cổ. Những lời cuối cùng của Floyd: "Tôi không thở được" đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ lan khắp thế giới, và Chauvin bị kết án ngộ sát. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là do lớn lên trong môi trường thiếu tiêu chuẩn giáo dục, Floyd từng có tám tiền án tiền sự, với rất nhiều tội danh, từ trộm cắp, buôn ma túy đến cướp có vũ trang.

* Chính Rashard Tunner cũng từng được mời tham gia một hoạt cảnh ngắn, mà trong đó anh đóng vai cảnh sát khi đứng đối diện với nghi phạm có vũ khí của một vụ cướp nhà băng. Tunner biết rõ những người dàn dựng kịch bản muốn anh nói gì và hành động như thế nào, để khoét sâu thêm bất công và căm phẫn. Song, anh lựa chọn cách khác. Anh không rời ngón tay khỏi cò súng, cho đến khi kiểm soát được tình hình. Nhưng, anh cũng không làm bộ xiết cò.

Mây Linh
.
.