Tại sao phải biến cảm hứng thành giá trị?

Thứ Ba, 25/12/2018, 15:59
Một con người, một xã hội, một dân tộc không có cảm hứng sẽ không thể sáng tạo và phát triển. 

Nhưng một con người, một xã hội, một dân tộc phung phí nguồn cảm hứng, và không đủ năng lực biến cảm hứng thành giá trị nền tảng thì xét ở một khía cạnh nào đó, những nguồn cảm hứng có được rồi cũng trở nên vô nghĩa.

Biển người - đấy là điều mà chúng ta đã nói đến nhiều trong suốt những ngày qua, kể từ khi các cầu thủ Đội tuyển Việt Nam lần thứ hai nâng cao chiếc cúp vàng Đông Nam Á. 

Mà thực ra cũng chẳng phải đợi tới trận chung kết lượt về, khi chúng ta vô địch, ngay từ trước đó, sau những trận đấu ấn tượng ở vòng bảng, ở vòng bán kết, và ở cả chung kết lượt đi, hình ảnh biển người đã lặp đi lặp lại ở rất nhiều thành phố lớn trong cả nước. Biển người sau trận chung kết vì thế là một đỉnh cao, chứ không phải là sự xuất hiện đầu tiên và duy nhất. Những biển người như thế tạo nên một niềm vui khổng lồ - một sự hưng phấn khổng lồ - một nguồn cảm hứng khổng lồ. 

Cầu thủ Đội tuyển Việt Nam lần thứ hai nâng cao chiếc cúp vàng Đông Nam Á.

Tốt không? Quá tốt! Vì, nguồn cảm hứng khổng lồ ấy xích người ta lại gần nhau, để rồi dễ yêu nhau hơn, dễ tin nhau hơn - những điều mà trong đời sống thường nhật hằng ngày có thể là vô cùng càng xa xỉ.

Nhìn biển người của ngày hôm nay, tôi nhớ lại biển người của 10 năm trước, khi Đội tuyển Việt Nam cũng vô địch Đông Nam Á trên sân Mỹ Đình, và cả nước cũng nô nức ăn mừng chiến công. Và tôi lại đặc biệt chú ý đến một câu chuyện được cầu thủ Phạm Đức Huy viết lại trên facebook của mình, rằng 10 năm trước, cùng với hậu vệ Duy Mạnh, Đức Huy là một trong những chú bé nhặt bóng trên sân Mỹ Đình. 

Rằng, 10 năm trước, khi ngồi ở đó nhặt bóng cho lứa cầu thủ Công Vinh, Việt Thắng, Tấn Tài..., hai chú bé Đức Huy - Duy Mạnh mơ một ngày được khoác áo Đội tuyển Việt Nam. 

Và rằng, 10 năm trước, hai chú bé ấy lẽo đẽo chạy theo các anh ăn mừng, xin những đôi giày và những chiếc áo của các anh... Điều đó có nghĩa, cũng giống như hàng chục triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam khác, 10 năm trước, những chú bé như Đức Huy - Duy Mạnh cũng đã có một nguồn cảm hứng lớn lao với một chiến thắng mang tính lịch sử của nền bóng đá nước nhà.

Nhưng nguồn cảm hứng ấy không loé lên rồi tắt lịm trong lòng hai em. Trái lại, nguồn cảm hứng ấy thắp nên những giấc mơ lớn trong lòng hai em. Và có lẽ là trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời cầu thủ, hai em đã nhớ lại nguồn cảm hứng ấy, bám vào giấc mơ ấy để cố gắng vượt qua. 

Có như thế, từ hai chú bé nhặt bóng trong đêm chung kết của 10 năm trước hai em mới trở thành hai cầu thủ chiến thắng trong đêm chung kết 10 năm sau. Nói một cách hình ảnh thì Đức Huy, Duy Mạnh chính là những ví dụ điển hình của những con người biết biến cảm hứng thành giá trị.

Giáo sư Ngô Bảo Châu.

Bạn hãy hỏi chính bạn xem: 10 năm trước, bạn cũng hoà vào biển người chiến thắng, cũng tắm trong một nguồn cảm hứng dạt dào sau chiến thắng phải không? Vậy thì nguồn cảm hứng ấy tồn tại bao lâu trong bạn, có giá trị như thế nào trong hành trình cuộc đời bạn, và bây giờ - 10 năm sau bạn đã trở thành một con người như thế nào? 

Nếu chúng ta biết cách biến nguồn cảm hứng thành động lực của sáng tạo thì nguồn cảm hứng đã được sử dụng một cách có ích. Còn nếu chúng ta chỉ "đánh đu" với nguồn cảm hứng, vui một thoáng rồi thôi, lên đồng một thoáng rồi lặng im vĩnh cửu thì nguồn cảm hứng - dù lớn lao, vĩ đại tới đâu cũng chỉ có giá trị chẳng khác gì một bữa nhậu đơn thuần.

Không riêng gì bóng đá, những môn thể thao khác cũng có lúc tạo ra một nguồn cảm hứng lớn lao như thế. Chiến tích giành HCV Olympic năm 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh sau loạt bắn cuối "thần kỳ" chẳng hạn. 

Sau chiến tích ngàn năm có một ấy, cả nước lên cơn sốt. Đi đâu người ta cũng nhắc tới Hoàng Xuân Vinh, và cũng chứa chan hạnh phúc với một chiếc HCV lịch sử. Nhưng khi sự kiện này đi qua, nguồn cảm hứng lớn lao mà sự kiện này từng tạo ra đã thực sự có một vai trò như thế nào trong đời sống của mỗi chúng ta lại là điều không dễ trả lời. 

Mà cũng chẳng riêng gì thể thao, từng có những sự kiện lớn lao khác, tạo nên những nguồn cảm hứng lớn lao tương tự khác. Sự kiện giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt huân chương Fields danh giá vào năm 2010 chẳng hạn - thời điểm ấy cả nước cũng "lên cơn sốt".

Nếu câu chuyện Hoàng Xuân Vinh tạo nên một nguồn cảm hứng cơ bắp (cho dù bắn súng không chỉ đòi hỏi cơ bắp) thì câu chuyện Ngô Bảo Châu lại khơi gợi một nguồn cảm hứng trí tuệ - một nguồn cảm hứng học thuật.

Để biết xem nguồn cảm hứng thứ hai này có được tận dụng để tạo ra những thứ giá trị học thuật lành mạnh hay không thì cứ xem những kêu gào không ngừng tăng lên về những ông/ bà tiến sĩ "đểu", hay những ông/ bà muốn thành "giáo sư" nhờ đi "tàu vét" (nhưng cuối cùng đã bị gạt lại) trong đợt xét duyệt giáo sư hồi tháng 4 năm 2018 thì rõ cả. 

Hẳn nhiên, đây đó vẫn có những trí thức thực sự lấy "nguồn cảm hứng" Ngô Bảo Châu làm sức mạnh. Họ nghĩ đến Ngô Bảo Châu trong những thời điểm khó khăn, bế tắc nhất; họ nhìn vào Ngô Bảo Châu trong những thời điểm hoang mang, dao động nhất... Và họ lao động, sáng tạo nhờ được kích hoạt từ nguồn cảm hứng mà Ngô Bảo Châu mang lại.

Có một giai thoại liên quan đến trận đánh lịch sử giải phóng Leningrad trong cuộc chiến tranh vệ quốc của người Liên Xô, rằng Stalin đã lệnh cho tất cả các thành viên thuộc dàn nhạc giao hưởng của Hồng Quân phải trở về chơi bản giao hưởng số 7 của Shostakovich để toàn quân có một nguồn hưng phấn lớn lao trước khi xung trận. 

Với giai thoại này, chúng ta hiểu, bản giao hưởng kia vốn dĩ đã tạo ra cảm hứng, và Stalin là người đã sử dụng nguồn cảm hứng đúng nơi, đúng lúc để làm nên thắng lợi. 

Có một giai thoại phương Đông cổ xưa khác, liên quan đến một lần chạy giặc của Tào Tháo. Khi ấy quân sĩ vừa mệt vừa khát khô cổ họng, nhiều người thậm chí có tư tưởng buông xuôi. 

Tào Tháo liền bảo: "Phía trước có rừng mơ". Chính nhờ nguồn cảm hứng rừng mơ mà toàn quân tăng tốc, chạy khỏi tầm bám đuổi của quân thù, dù thực tế chẳng có bất cứ rừng mơ nào cả.

VĐV  Hoàng Xuân Vinh.

Tất cả những điều trên đây chứng minh rằng, cảm hứng giúp người ta thoát thân. Cảm hứng giúp người ta chiến thắng. Và cảm hứng giúp người ta sáng tạo. 

Nhà nghiên cứu văn hoá, tư tưởng Nguyễn Trần Bạt đã có một phân tích rất đáng tham khảo về mối quan hệ giữa cảm hứng và sáng tạo trong cuốn "cội nguồn cảm hứng", rằng "con người vốn sáng tạo thông qua năng lực tưởng tượng, và cảm hứng chính là chất men nuôi dưỡng năng lực tưởng tượng ấy... 

Chính cảm hứng và năng lực tưởng tượng phong phú làm nên sự đa dạng của các giá trị tinh thần, nơi mà con người có thể nhặt được sự sáng tạo ở trong bất kỳ góc tối nào của cuộc sống".

Nhìn lại một chuỗi những sự kiện đã và đang tạo ra nguồn cảm hứng cộng đồng lớn lao: chức vô địch Đông Nam Á của Đội tuyển Việt Nam, HCV bắn súng Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, huân chương Fields danh tiếng của Giáo sư Ngô Bảo Châu..., chúng ta có quyền tin rằng, sau những sự kiện này rồi sẽ còn có những sự kiện tương tự khác, từ đó sẽ tiếp tục sinh ra những nguồn cảm hứng ghê gớm khác. 

Có người bảo những nguồn cảm hứng như thế giống như những liều "Doping cần thiết" cho tinh thần xã hội. Tôi không thích khái niệm "Doping", vì nó cũng chỉ tạo ra những sự thăng hoa - bùng nổ nhất thời mà thôi.

Điều quan trọng cần hướng đến là phải tìm cách sử dụng và tận dụng nguồn cảm hứng ấy để tạo ra những giá trị căn cơ bền bỉ. Nếu chỉ coi những nguồn cảm hứng lớn lao này như một cơn vui thuần tuý, rồi chúng ta sẽ không thu hoạch được bất cứ điều gì. 

Nếu chỉ coi nó như một "liều Doping", chúng ta chỉ có được những thu hoạch ngắn hạn. Nhưng nếu biến nó thành giá trị, chúng ta sẽ tạo nên những nhảy vọt đường dài.

Một con người, một dân tộc mà không có được những nguồn cảm hứng vạm vỡ là một thiệt thòi. Nhưng có nguồn cảm hứng mà không thể tìm cách biến nó thành giá trị thì đấy vừa là một sự lãng phí với mình, vừa là một thiếu sót với những người đã nhọc công tạo nên nguồn cảm hứng!

Phan Mỹ Chí
.
.