Robert Kennedy - khúc ngoặt định mệnh
Trong khi đó, người được chúc mừng - nhân vật chính của buổi tối hôm ấy, Robert Francis "Bobby" Kennedy - lại cùng vài người nữa di chuyển qua khu bếp khách sạn. Và chính ở đó, những tiếng súng bất chợt vang lên.
Người được chọn
Năm năm sau vụ ám sát anh trai mình - John Fitzgerald Kennedy, tổng thống thứ 35 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Robert Francis "Bobby" Kennedy đang nổi lên như một ngôi sao sáng chói trên chính trường nước Mỹ, sẵn sàng kế tục những sự nghiệp dang dở.
Vụ ám sát ông, vì vậy, cũng đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo giới quốc tế. Tuy nhiên, những điều được khoét sâu phân tích thường chỉ là các tình tiết bí ẩn còn chưa được giải mật, hoặc động cơ đích thực của hung thủ.
Ví dụ, cũng giống như sau khi Lee Harvey Oswald bắn chết John Kennedy (ngày 22-11-1963), quá trình điều tra được khép lại khá chóng vánh. Liên quan đến cái chết của Robert Kennedy, Sirhan Bishara Sirhan (22 tuổi, một thanh niên nhập cư người Palestine) bị tuyên bố là thủ phạm duy nhất của vụ án, đúng như lời khai nhận của y trước tòa.
Động cơ của y rất rõ ràng về mặt ngôn từ, nhưng cũng khá trừu tượng về tính chất: Y tin rằng Robert Kennedy có dính dáng đến những vụ đàn áp người Palestine.
Robert Kennedy - ngôi sao đang lên trên chính trường Mỹ thời điểm đó. |
Trong khi đó, theo một số thông tin được hé lộ về sau, vào thời điểm đó có tới 10 phát đạn được bắn đi, mà khẩu súng của Sirhan chỉ có một băng đạn 8 viên.
Ngoài ra, theo khám nghiệm tử thi, vết thương trên trán Robert Kennedy bắt nguồn từ một viên đạn được bắn ra rất gần, có vẻ như dí sát vào đầu ông. Tuy nhiên, các nhân chứng tại hiện trường lại cho hay: Lúc gây án, Sirhan đang đứng cách thượng nghị sĩ Kennedy ít nhất 1m.
Mặc dù vậy, có lẽ cả tâm trạng xã hội lẫn những guồng quay hối hả trong lòng nước Mỹ thời điểm đó đã nhanh chóng khỏa lấp đi tất cả, và nỗi tiếc thương dành cho một chính trị gia tuổi trẻ tài cao cũng dễ dàng trở thành xu hướng chủ đạo, làm nhòa nhạt đi mọi góc cạnh của sự việc.
Buổi tối định mệnh đó chính là lễ mừng chiến thắng sau cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ tại bang Califonia, khi Robert Kennedy chuẩn bị chính thức được đề cử là ứng viên tranh cử tổng thống, đối đầu với Richard Nixon của đảng Cộng hòa.
Đương kim tổng thống khi ấy - Lyndon B.Johnson - đã quyết định không tái cử, và mọi sự ủng hộ của các đảng viên đảng Dân chủ gần như chắc chắn sẽ tập trung hết cho Robert Kennedy - vốn được phần đông dư luận đánh giá là nhân vật duy nhất có khả năng đoàn kết mọi tầng lớp xã hội Mỹ.
Bao trùm lên cuộc đua đến Nhà Trắng đang dần trở nên nóng bỏng đó, nước Mỹ cũng vẫn còn đang đối diện với hàng loạt vấn đề cấp thiết. Sự can dự của quân đội Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam càng lúc càng trở nên sa lầy sau những thất bại liên tiếp, đặc biệt là sau những cú đòn choáng váng của Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam kể từ Tết Mậu Thân.
Chiến lược mới mang tên "Việt Nam hóa chiến tranh" bắt buộc phải được Lầu Năm Góc gấp rút định hình, khi phong trào phản đối chiến tranh lan rộng trên toàn nước Mỹ. Bên cạnh đó, việc Martin Luther King Jr., nhà hoạt động nhân quyền chống phân biệt chủng tộc nổi tiếng bị ám sát vào tháng 4-1968 cũng làm bùng nổ các cuộc bạo động.
Và như vậy, vụ ám sát Robert Kennedy nhanh chóng bị thời gian bỏ lại phía sau. Những gì được nhớ đến nhiều nhất, chỉ còn là việc chính trị gia đầy hứa hẹn ấy ngã gục trong vũng máu, sau khi Sirhan không biết từ đâu xuất hiện ở khu vực bếp khách sạn đó, liên tiếp nhả đạn.
Bên người anh trai John Kennedy. |
Hành trình dang dở
Điều ít được phân tích và mổ xẻ sau này (cũng không phải là việc tại sao Sirhan lại biết được rằng người phụ trách an ninh của buổi tiệc mừng hôm đó - Bill Barry, cựu nhân viên FBI - quyết định đưa Robert Kennedy ra về bằng lối đi qua khu bếp, nhằm tránh tiếp xúc với đám đông cử tri đang hồ hởi chờ đợi ở đại sảnh để được bắt tay ông) chính là cương lĩnh tranh cử tổng thống của Robert Kennedy.
Sau khi anh trai bị ám sát, Robert tiếp tục phục vụ Tổng thống kế nhiệm Lyndon B. Johnson cho đến năm 1964, khi ông từ chức để tranh cử vào Thượng viện.
Những ngày đầu ở Thượng viện, Robert vẫn ủng hộ những nỗ lực của Mỹ tại Việt Nam, song sự e ngại của ông về cuộc chiến ngày một gia tăng, nhất là việc ném bom quy mô lớn vào miền Bắc Việt Nam, bởi ông không đồng ý với cách chính quyền Johnson tiến hành cuộc chiến. Tuy nhiên, khi xung đột chủng tộc và bạo lực đô thị gia tăng cùng với làn sóng phản chiến, Robert không còn giữ im lặng.
Ngay từ ngày 2-3-1967, Robert Kennedy đã đề xuất một kế hoạch ba điểm nhằm chấm dứt Chiến tranh Việt Nam. Kế hoạch ấy bao gồm: Đình chỉ hẳn ném bom miền Bắc Việt Nam; Quân đội Mỹ và Quân đội Nhân dân Việt Nam (Bắc Việt) sẽ cùng nhau triệt thoái dần khỏi miền Nam Việt Nam; và cuối cùng, một lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế sẽ thay thế những đơn vị đó.
Đề nghị này bị Ngoại trưởng Mỹ khi ấy là Dean Rusk từ chối, bởi cũng như những lý do mà Mỹ và chính quyền Sài Gòn từ chối tổng tuyển cử theo Hiệp định Geneve 1954, ông ta tin rằng Bắc Việt "sẽ không bao giờ đồng ý rút quân".
Vụ ám sát gây chấn động nước Mỹ. |
Robert Kennedy đã từng giữ cương vị Tổng chưởng lý trong nhiệm kỳ của anh trai mình - John Kennedy. Có thể tin chắc rằng ông chia sẻ và chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những quan điểm của người anh.
Trước khi John Kennedy bị ám sát năm 1963, sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam vẫn dừng lại ở mức độ viện trợ, chứ chưa có những màn đổ quân ào ạt để trực tiếp đối đầu với cách mạng miền Nam Việt Nam như sau này (kể cả khi chính quyền Ngô Đình Diệm từng có những đề nghị cụ thể về việc chi viện cố vấn quân sự Mỹ).
Và bởi vậy, nếu Robert Kennedy may mắn đắc cử tổng thống Mỹ năm 1968, kế hoạch rút quân mà ông đưa ra năm 1967 hoàn toàn có thể được xúc tiến trong thực tế.
Kể cả khi nhìn nhận một cách riêng rẽ, kế hoạch đó chắc chắn xung đột với một số luồng quan điểm cực đoan trong lòng nước Mỹ - những tàn dư của chủ nghĩa chống cộng cực đoan Mc Carthy.
Chưa kể, nó có thể sẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích khổng lồ của các nhà đại tài phiệt ngành công nghiệp vũ khí Mỹ. Và chưa kể, sự mềm mỏng mà Robert Kennedy hướng tới trong nội trị về các vấn đề chủng tộc hay màu da có lẽ cũng "không vừa mắt" những nhóm cực đoan khác.
Robert Kennedy gục ngã, đảng Dân chủ không còn sự lựa chọn nào khác. Hubert Humphrey trở thành ứng viên thay thế, nhưng thất bại trước Richard Nixon của đảng Cộng hòa.
Và đó là người lập tức tăng cường leo thang ném bom miền Bắc Việt Nam, trái ngược với những lời hứa hẹn khi tranh cử. Quân đội Mỹ, vì vậy, cũng vẫn còn ngoi ngóp trong vũng lầy, cho đến tận Hiệp định Paris 1973.
* Robert Kennedy đổ gục tại chỗ do dính 3 viên đạn vào đầu, nách và cổ. Dù được đưa đi viện cấp cứu ngay lập tức, nhưng một ngày sau đó, 6-6-1968, ông đã không qua khỏi vì các vết thương quá nặng. Cái chết bất ngờ của ông, gần 5 năm sau sự ra đi của người anh trai cũng vì nguyên nhân bị ám sát, một lần nữa khiến cả nước Mỹ rúng động, đồng thời cũng nhờ đó mà vấn đề bảo vệ an ninh cho các ứng viên tổng thống Mỹ được nâng cao thêm và siết chặt hơn. * Hung thủ Sirhan bị tuyên án tử hình năm 1969, song vì năm 1972 bang California bãi bỏ mọi án tử nên Sirhan được giảm án xuống còn chung thân. Năm 2018, Robert Jr Kennedy - con trai Robert Kennedy - đã đến nhà tù trò chuyện với Sirhan suốt ba giờ đồng hồ. Ông tin rằng Sirhan không phải thủ phạm chính, và còn ít nhất một tay súng khác tham gia vụ ám sát. Ông ủng hộ lời kêu gọi tái điều tra của Paul Schrade, người cũng bị dính đạn khi đi ngay sau Robert Kennedy ở khách sạn Ambassador. Năm 2019, BBC đưa tin Sirhan bị đâm trong tù. |